Họp Mặt Dân Chủ 2007 ở Ba Lan


2007.06.11

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Sáu 8 tháng 6 vừa qua, tại thủ đô Vác-Sa-Va của Ba Lan, buổi Họp Mặt Dân Chủ 2007 đã được nhóm họp với sự quy tụ gần 40 người thuộc các trào lưu và khuynh hướng khác nhau nhưng có cùng một mục đích là dân chủ hóa Việt Nam. Cuộc họp mặt năm nay cũng nhằm đánh dấu và kiểm điểm hoạt động của Họp Mặt Dân Chủ trong 5 năm qua, và hướng đi trong thời gian tới.

Trước phiên họp khai mạc, ông Âu Dương Thệ, một thành viên của Ban Phối Hợp Họp Mặt Dân Chủ 2007 đã dành cho Ban Việt Ngữ chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt, trình bày những điểm đáng chú ý của cuộc gặp gỡ năm nay giữa những người quan tâm, những nhà tranh đấu, vận động cho tự do, dân chủ Việt Nam.

AuDuongThe150.jpg
Tiến sĩ Âu Dương Thệ. RFA file photo

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Các diễn tiến nổi bật

Nguyễn Khanh: Cám ơn ông đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn. Câu hỏi đầu tiên là có những gì đặc biệt trong cuộc Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) năm nay so với trước đây?

Âu Dương Thệ: Cuộc HMDC năm nay có nhiều điểm nổi bật so với các năm trước, trong đó có 3 điểm được mọi người rất chú ý. Thứ nhất, kì họp này cũng là dịp kỷ niệm 5 năm ra đời và hoạt động của HMDC trong mục tiêu rất rõ ràng, là cùng với những thành phần dân chủ khác ở trong và ngoài nước vận động và đấu tranh theo phương pháp phi bạo lực để chuyển đổi Việt Nam từ độc tài toàn trị sang dân chủ đa nguyên.

Thứ hai, trong cuộc họp này các thành viên HMDC sẽ được nghe tường trình trực tiếp về nội dung và kết quả cuộc hội đàm tại Tòa Bạch ốc ngày 29.5 mới đây của 4 đại điện Cộng đồng người Việt ở Mĩ với Tổng Thống George W. Bush, Phó Tổng Thống Dick Cheney và các nhân vật cao cấp trong Hội đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ về những vi phạm nhân quyền rất trầm trọng của chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Trong dịp này Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, Chủ Tịch Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và là một trong số 4 đại diện đã có mặt và thảo luận với Tổng Thống Mỹ sẽ tường trình cho các thành viên HMDC nội dung và diễn tiễn cuộc họp rất quan trọng này.

Ðiểm thứ ba là kỳ họp của HMDC năm nay sẽ diễn ra ở Ba Lan, quê hương của Nghiệp Ðoàn Đoàn Kết Ba Lan và nhiều nhà trí thức Ba Lan tên tuổi đã kiên trì và can đảm vận động từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước và đã thành công vào cuối thập niên 80 trong việc chuyển hóa một cách hòa bình đưa Ba Lan từ độc tài toàn trị sang dân chủ đa nguyên và hiện nay kinh tế Ba Lan phát triển rất tốt.

Việc này có được cũng là nhờ sự đóng góp rất tích cực trong nhiều tháng vừa qua của nhiều người Việt đang sinh sống ở Ba Lan. Nếu nhân dân Ba lan đã tranh đấu thành công thì chúng tôi tin rằng, nhân dân Việt Nam, với sự can đảm và thông minh, chắc chắn cũng sẽ thành công trong cuộc vận động chống độc tài và xây dựng dân chủ.

Trong tâm Họp mặt Dân chủ 2007

Nguyễn Khanh: Thưa Tiến Sĩ, trọng tâm sinh hoạt chính của kỳ HMDC 2007 là những gì?

Âu Dương Thệ: HMDC 2007 diễn ra trong tình hình thời sự rất đặc biệt. Sau khi nhóm lãnh đạo bảo thủ độc tài tổ chức Ðại Hội 10 xong, họ đã mở một số bùa phép ngoại giao như mở Hội nghị cấp cao APEC ở Hà nội vào cuối năm qua, gia nhập WTO và để cho ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ðức Giáo Hoàng vào đầu năm nay.

Trong khi đó thì họ đã chuẩn bị từ lâu để thanh toán những người dân chủ và các nhà tu hành đấu tranh phi bạo lực để họ có thể tự do tổ chức bầu cử Quốc Hội khóa 12 một cách độc đoán như đã diễn ra cách đây ít ngày.

Như chúng ta biết, chính vào mùa Xuân này, lợi dụng lúc mọi người đang chung vui đón Tết thì nhóm lãnh đạo hiện nay đã ra tay bắt giam hàng loạt và bỏ tù nhiều người dân chủ tên tuổi, trong đó có nhiều trí thức và chuyên viên rất còn trẻ. Họ đã mô tả một cách công khai kế hoạch tàn bạo này là “Ổn định là trên hết”. Họ đã áp dụng sách lược tàn bạo này của Đặng Tiểu Bình cũng đúng vào dịp này 18 năm trước, khi họ Đặng cho xe tăng cán nát những cuộc biểu tình bất bạo động của hàng chục ngàn sinh viên Trung hoa ở Bắc kinh đòi tự do dân chủ và nhân quyền.

Chúng tôi chỉ xin trích ra ở đây một đoạn ngắn trong một bài quan trọng trên tờ Tạp chí CS số tháng 2.07 khi nhóm lãnh đạo bảo thủ độc tài khởi động đàn áp những người Dân chủ ở trong nước: “Kịp thời và kiên quyết loại trừ những nhân tố có khả năng gây mất ổn định chính trị-xã hội trong suốt quá trình đổi mới; đặc biệt, trong những năm đầu đất nước gia nhập WTO, khi chúng ta chưa có đầy đủ những điều kiện thuận lợi và kinh nghiệm hòa nhập với „sân chơi“ quốc tế”. (“Giữ vững ổn định chính trị-xã hội để phát triển đất nước trong thời kì mới”, Nhật Tân, TCCS,2.07, 86-91, 91).

Qua đó mọi người thấy rõ ý đồ của họ là phải bằng mọi giá loại trừ những lực cản có thể cản trở sự cầm quyền độc tài tiếp tục của họ. Cho nên đây sẽ là trọng tâm hội thảo chính trong kỳ HMDC 2007 ở Ba Lan.

Nguyễn Khanh: Các vấn đề khác sẽ đem ra hội thảo tại HMDC 2007?

Âu Dương Thệ: Ngoài tình hình đàn áp những người dân chủ của bạo quyền sẽ là trọng tâm chính của các ngày hội thảo sắp tới của HMDC. Các đề tài khác đem ra thảo luận trong HMDC kỳ này là, phân tích và đánh giá tình hình ở trong nước, nhất là tình hình của chế độ từ sau Đại Hội 10 và tình hình những người dân chủ ở trong nước sau những cuộc khủng bố trắng trợn của chế độ.

Từ đó các thành viên HMDC sẽ cùng nhau thảo luận tìm ra những đối sách thích hợp để vận động nhân dân, các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, dư luận quốc tế, nhất là Mỹ, EU, Úc và Gia Nã Ðại giúp đỡ và yểm trợ mạnh cuộc tranh đầu cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

Nhiều chuyên viên, nhà báo, nhà văn và một số những người hoạt động nhân quyền và chính trị, có tên tuổi ở trong và ngoài nước đã được mời làm diễn giả cho các đề tài quan trọng và rất thời sự này. Ở đây chỉ xin đơn cử một số vị như: nhà báo Bùi Tín, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, nhà báo Ngô Nhân Dụng, người hoạt động nhân quyền Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, Tiến Sĩ Phan Văn Song, nhà họat động chính trị ông Trần Quốc Bảo, Giáo Sư Vũ Thiện Hân và Nhà Văn Vũ Thư Hiên…

Đáng chú ý nữa là, một số nhà dân chủ tên tuổi ở trong nước cũng đã góp ý với HMDC. Vì vấn đề an ninh của những người này nên chúng tôi xin được không nêu danh tánh.

Những hoạt động và mục tiêu của HMDC?

Nguyễn Khanh: HMDC hoạt động trong năm qua như thế nào, khó khăn ra làm sao và khắc phục như thế nào?

Âu Dương Thệ: HMDC đã ra đời và hoạt động được 5 năm. Các thành viên có những quá khứ và khuynh hướng chính trị khác nhau, từ những cựu đảng viên đảng cộng sản có tên tuổi, cho tới những vị đã từng giữ những trọng trách của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, ngoài ra còn có cả những chuyên viên, những nhà nghiên cứu tên tuổi. Tuổi tác cũng rất khác biệt, có những vị cao niên 70, 80 tuổi ngồi kề thảo luận chân thành và thẳng thắn với các thành viên 40, 50 tuổi.

Mục tiêu hoạt động chính của HMDC là thông tin với nhau về tình hình trong nước, trao đổi kinh nghiệm đấu tranh, bàn thảo về sách lược đấu tranh chung và phân công phối hợp các hoạt động giữa các thành viên với nhau. Mọi thành viên đến với nhau một cách tự nguyện và thỏa thuận chung là đấu tranh bằng phương pháp phi bạo lực.

Trong những năm đầu số người tham gia rất giới hạn, chỉ tập trung vào một số nước như Mỹ, Pháp và Đức. Nhưng hiện nay sồ thành viên đang gia tăng nhiều và mở rộng thêm ở nhiều nước như Ba lan, Tiệp, Úc, Gia nã đại. Riêng trong năm nay có một vị từ rất xa là Tân Tay lan cũng đã sang dự HMDC 2007, đó là Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ.

Địa dư cách biệt và các thành viên sống rải rác ở nhiều nơi, nhiều nước là một trở ngại cho hoạt động. Một khó khăn khác là cần phải tìm ra một mô hình tổ chức và hoạt động thích hợp để đáp ứng tình hình ngày càng có nhiều biến chuyển lớn ở trong nước.

Nguyễn Khanh: Hướng đi tới và các hoạt động của HMDC ra sao?

Âu Dương Thệ: Ngoài những cuộc họp định kỳ hàng năm là hoạt động trọng tâm của HMDC để nhận định tình hình chung và vạch ra những bước đi thích hợp cho từng giai đoạn…. Trong các năm qua các thành viên HMDC đã tích cực hoạt động trong nhiều lãnh vực như nhân quyền, ngoại giao, báo chí và chính trị ở nhiều môi trường và ở nhiều nước khác nhau.

HMDC đã thành lập một số dự án chung hoặc một số công việc của các thành viên được HMDC hổ trợ trực tiếp hay gián tiếp như lập quĩ nhân quyền và dân chủ để giúp đỡ những người dân chủ, hoặc thân nhân những người dân chủ đang bị giam giữ; phổ biến báo chí và tài liệu về trong nước, xuất bản sách gồm những bài của các người dân chủ ở trong nước, tiếp tay với Ủy ban yểm trợ Lao động ở trong nước vừa mới được thành lập năm vừa qua…

Nguyễn Khanh: Giải pháp vận động dân chủ VN sẽ diễn ra như thế nào?

Âu Dương Thệ: Theo dõi diễn tiến tình hình phát triển chính trị ở Việt Nam nói chung và trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài và dư luận ở các nước dân chủ phương Tây có nhiều liên hệ với Việt Nam thì chúng tôi thấy đang có sự phát triển và hình hành những khả năng sau đây:

Trong khi phe cánh bảo thủ độc tài cố tìm cách trụ để kéo dài quyền lực và đi đến tình trạng lộng quyền và tham nhũng bất trị. Hiện nhiều thành phần nhân dân đã nhận biết , trong đó đáng kể tới là những người dân chủ, những nhân sĩ và chuyên viên. Ngay cả nhiều đảng viên, cán bộ các cấp cũng đang rất bất bình với nhóm lãnh đạo về tình hình mất dân chủ, bè phái và nhất là tham nhũng lộng quyền ngày trở thành công khai ở ngay cấp cao nhất. Vụ PMU 18, việc tố cáo “nhà công thành nhà ông”, đình công hàng loạt của hàng chục ngàn công nhân, các vụ khiếu kiện của nông dân…

Tất cả những vần đề này cho thấy ý thức chính trị, ý thức về quyền của công dân ngày càng cao trong các giới. Chiều hướng này đã được ngay cả cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt phát biểu gần đây. Đây là những điều kiện rất tốt để hình thành một số khuynh hướng chính chĩa mũi nhọn vào nhóm bảo thủ độc tài và tham nhũng là:

1- lực của những người dân chủ ở trong nước sẽ ngày một mạnh lên và có thể trở thành một chủ lực trong tương lai.

2. Những đảng viên cấp tiến và ý thức được trách nhiệm sẽ không còn do dự chờ sự „cải tà qui chính“ của phái bảo thủ độc tài.. Những người này sẽ công khai mạnh hơn và tố cáo chế độ mạnh hơn.

3. Trong khi đó sức mạnh của các công đồng VN ở nước ngoài sẽ vươn mạnh hơn nữa trong việc bảo vệ nhân dân, giúp đỡ những người dân chủ ở trong nước và tố cáo trước dư luận quốc tế…

Thành công rõ rệt nhất là mới đây chính Tổng Thống và Phó Tổng Thống Mỹ đã mời các đại diện người Việt sinh sống ở Mỹ, yêu cầu cho biết là, Chính Phủ và nhân dân Hoa Kỳ có thể ủng hộ cách tốt nhất cho phong trào vận động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam như thế nào. EU cũng làm tương tự…

Chúng tôi nghĩ rằng, tới một giai đoạn nào đó không xa thì những mũi dùi tấn công này sẽ liên minh chặt chẽ với nhau, khi đó những người bảo thủ độc tài ở VN sẽ không còn chỗ đứng!

Nguyễn Khanh: Thay mặt quý thính giả, xin cám ơn Tiến Sĩ Âu Dương Thệ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.