Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Trong thời gian gần đây, y giới Việt Nam ngày càng báo động về nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng trong nước, giữa lúc số người mắc bệnh và số tử vong đang gia tăng. Tổng hợp thông tin liên hệ, Thanh Quang trình bày tình hình này như sau.
Qua báo cáo mới đây của Bộ Y Tế VN về tình hình các bệnh truyền nhiễm trong 6 tháng đầu năm nay, thì riêng bệnh sốt xuất huyết đang trên đà gia tăng và diễn biến phức tạp, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam.
Theo TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y Tế Dự Phòng, tính cho đến giờ, có khoảng 20 ngàn người trong cả nước mắc bệnh sốt xuất huyết, với 15 tử vong; tức số trường hợp bị nhiễm sốt xuất huyết tăng 25% và số người tử vong tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện Trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cảnh báo rằng dịch sốt xuất huyết năm nay có thể tăng mạnh, nhất là tại các tỉnh Miền Nam và Miền Trung.
Viện Pasteur cũng vừa công bố số liệu thống kê cho 5 tháng đầu năm nay, cho thấy 12 trong số 20 tỉnh phía Nam đã xảy ra tử vong vì dịch sốt xuất huyết. Điều đáng ngại là thống kê từ bệnh viện Nhiệt đới cho thấy năm nay, tỷ lệ người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao.
Một bác sĩ ở Long An nhận xét: "Mới đầu mùa nhưng cải đỉnh của dịch sốt xuất huyết mạnh quá cho nên có khả năng sẽ bùng phát dịch lớn sau nhiều năm. Tại vì thường thường chu kỳ khoảng 4 năm. Nhưng những năm gần đây thì chưa có chu kỳ này. Nên nó tích lũy dần dần để sẽ có đỉnh cao hơn mọi năm. Và năm nay có khả năng như thế."
Và một bác sĩ ở Đồng Tháp cho biết thêm: "Tình hình sốt xuất huyết cũng nhiều. Ở đồng bằng sông Cửu Long thì Đồng Tháp bị nhiều, rồi Vĩnh Long, An Giang xảy ra dịch sốt xuất huyết cũng nhiều. Do cái chu trình của nó.
Virus thì nó có 4 type; tùy theo mỗi năm, mà năm nay thì xảy ra type nguy hiểm, và dịch sốt xuất huyết có thể đại trà hơn. Vì vùng mình là vùng nhiệt đới, và không khống chế được muỗi. Nên khi muỗi phá tán thì dịch bệnh dễ xảy ra.”
Các chuyên gia dịch tễ và dự phòng giải thích rằng sở dĩ vùng đồng bằng sông Cửu Long bị dịch bệnh hoành hành đáng ngại nhất so với các nơi khác trong nước vì thói quen trữ nước của cư dân trong vùng, cùng đặc điểm của loài muỗi truyền bệnh.
Báo Vietnam Net cho biết bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, đề cập tới đặc điểm sinh thái của muỗi, cho rằng ở Miền Bắc có thời tiết lạnh và ít mưa nên không thích hợp cho sự sinh sản và hoạt động của giống muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, trong khi ở khu vực phía Nam, trời trở mưa sau thời gian nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho muỗi phát triển mạnh, làm cho dịch bệnh dễ lây lan.
Một bài báo trong Vietnam Net nhận xét rằng sống trên sông nước quanh năm, nước sạch không có, người dân đồng bằng sông Cửu Long phải hứng nước mưa để dự trữ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển lăng quăng, rồi muỗi truyền bệnh. Yếu tố này kết hợp với môi trường và khí hậu phía Nam đã làm dịch sốt xuất huyết phát triển nhanh chóng.
BS Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM thì giải thích rằng “ĐBSCL là nơi sông nước nhiều, mỗi nhà đều có một lu hay vại trữ nước – là nguồn gốc của việc phát sinh muỗi. Bên cạnh đó, kênh rạch chằng chịt nên xử lý môi trường rất khó”.
Do đó, theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, thì ngoài việc phun thuốc diệt trừ muỗi, còn phải thường xuyên kiểm tra diệt lăng quăng trong nhà, nhằm làm giảm mật độ muỗi; và sự hợp tác của chính quyền địa phương cùng ý thức tự phòng bệnh của người dân giữ vai trò rất quan trọng trong công tác ngăn chận dịch sốt xuất huyết.