Trần Thanh Hiệp & Nguyễn An, RFA
Trong một chương trình trước, Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris, nhận định rằng cuộc tranh đấu ôn hòa cho các quyền tự do dân chủ hiện đang diễn ra tại Việt Nam mà chỉ bị đàn áp giới hạn ở mức độ sách nhiễu của nhà cầm quyền Hà Nội, đã tạo ra một tình trạng pháp lý chính trị mới.
Tiếp tục trao đổi với Luật sư Hiệp, hôm nay biên tập viên Nguyễn An của Đài chúng tôi sẽ trở lại bàn sâu hơn nữa về nhận định này của Luật sư Hiệp. Xin đựơc nhắc lại rằng ý kiến của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Nguyễn an: Kỳ trứơc, luật sư nói rằng ở Việt Nam hiện đang diễn ra một tình trạng pháp lý chính trị mới về nhân quyền. Nhưng mới như thế nào và liệu đó có phải là những báo hiệu của sự ra đời của dân chủ hay không?
Trần Thanh Hiệp: Hiện thời hãy còn quá sớm để nói bắt đầu có dân chủ ở Việt Nam. Nhưng tình hình thực tế thì không còn giống hẳn như trước nữa. Một số nhân vật tranh đấu ôn hòa đòi dân chủ đã tự ý hành sử những quyền chính tri, dân sự mà pháp luật hiện hành của chế độ xã hội chủ nghĩa cấm.
Họ đã chấp nhận tự đặt mình vào tình trạng bất hợp pháp và đương nhiên là họ bị nhà cầm quyền ngăn cản. Có điều phản ứng của nhà cầm quyền đã không khốc liệt như những năm trước. Tôi đã từng nói hai bên đang quần thảo trong những cuộc “cận chiến”.
Nhìn về tương lai thì tình hình này có thể tốt nếu nó mở đường cho dân chủ. Nhưng cũng có thể rất xấu nếu nó lại là bậc thấp của thang đàn áp để nhà cầm quyền Hà Nội leo cao hơn. Cho nên tôi gọi đó là tình trạng sa lầy.
Nguyễn an: Tại sao lại sa lầy?
Trần Thanh Hiệp: Tại vì ở phía chính quyền thì chính sách vẫn là đàn áp dù rằng vì khó khăn ngọai giao phải tự chế không dám đi tới mức độ khốc liệt. Còn về phía tranh đấu dân chủ thì quyền hưởng dụng không được toàn vẹn. Trong thực tế, có thể nói đó là hình ảnh cài răng lược giữa độc tài và dân chủ, giữa hợp pháp và bất hợp pháp.
Nếu tình trạng cài răng lược này cứ kéo dài thì không có lợi gì cho dân chủ cả. Vì như thế có nghĩa là vấn đề chính quyền đàn áp dân chủ đã được bình thường hóa và những người tranh đấu cho dân chủ bị sa lầy trong đàn áp. Trừ phi họ đủ khả năng để mau chóng lớn mạnh như chuyện cổ tích Phù Đổng Thiên Vương để giành lại ưu thế vẫn ở trong tay chính quyền. Nhưng không phải là phép lạ hay điều dễ làm.
Nguyễn an: Nếu đúng vậy thì có nhiều phần là phải chờ đợi một đợt đàn áp có quy mô lớn hơn những biện pháp sách nhiễu hiện nay. Luật sư nghĩ sao về những lời kể lại theo đó trong lúc thẩm vấn những người yểm trợ tranh đấu dân chủ, công an đã từng hăm dọa rằng sau Hội nghị APEC, họ sẽ đập tan Khối dân chủ 8406 và Liên Minh Dân chủ Nhân quyền là hai cơ cấu (nhóm ?) tranh đấu dân chủ vừa được lập ra mà không xin phép?
Trần Thanh Hiệp: Đó cũng là một giả thuyết ta nên xem xét.
Nguyễn an: Vâng, đó chỉ là một giả thuyết, nhưng theo Luật sư thì giả thuyết này có xảy ra hay không ?
Trần Thanh Hiệp: Tôi nghĩ rằng đứng về mặt lý thuyết mà bàn thì việc gì cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên trong hiện tình thì nhà cầm quyền Hà Nội khó có thể trở lại mức độ đàn áp ngày xưa. Vì họ không còn ở thế tuyệt đối chủ động như trước nữa.
Dù tổ chức thành công thượng đỉnh APEC và được gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO, nhưng Hà Nội, trên bình diện ngoại giao, vẫn còn nhiều khó khăn, không thể xuống tay đàn áp nhân quyền.
Hà Nội dù sao vẫn phải e dè phản ứng của Liên Hiệp châu Âu và nhất là của Hoa Kỳ mà Hạ viện cuối tháng 9 vừa qua đã ra nghị quyết HR415 kêu gọi chính quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng quyền tư hữu tài sản của dân chúng, đồng thời nêu vấn để hoàn trả tài sản của dân chúng bị chính quyền cưỡng đoạt sau biến cố 1975 ở miền Nam.
Liệu nghị quyết này trong tương lai có thể dẫn tới một đạo luật giống như luật về Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ mà Hà Nội đã không lường trước được những tai hại hay không? Hà Nội chắc đã phải rút kinh nghiệm rồi.
Lập trường rõ rệt của tất cả những người công khai tranh đấu cho dân chủ là đòi tự do, nhân quyền trong khuôn khổ pháp luật quốc tế và quốc nội. Qua nội dung những văn bản họ phổ biến, tuy không mấy thân thiện với chính quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng không hề có cơ sở nào để giải thích hoặc, hơn nữa, khẳng định rằng họ mưu tính chuyên lật đổ chính quyền.
Nguyễn an: Cứ như Luật sư nói thì không thể tránh được tình trạng sa lầy. Nhưng chính quyền vẫn còn đủ thế mạnh để truy tố đối lập và tuyên những bản án với hình phạt nặng để trừng trị dựa trên những tội danh nặng như "khủng bố", « gián điệp », «âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân » v.v…Thái độ cứng rắn này là để cho chính quyền đơn phương rút chân ra khỏi sa lầy và tái lập tình trạng cũ.
Trần Thanh Hiệp: Dĩ nhiên, nhà cầm quyền Hà Nội nếu muốn áp dụng kỹ thuật đàn áp cũ là dùng tòa án làm công cụ đàn áp thì vẫn làm được. Nhưng vấn đề chính là ở nơi Hà Nội không có điều kiện thực tế để muốn như vậy nữa.
Một mặt, những liên lạc giữa người dân ở trong nước với người Việt ở ngoài nước không thể xếp bừa bãi vào loại hoạt động gián điệp hay lật đổ chính quyền. Hà Nội hiểu rõ điều này lắm nên chắc họ sẽ tránh không đi vào vết xe đổ.
Mặt khác, lập trường rõ rệt của tất cả những người công khai tranh đấu cho dân chủ là đòi tự do, nhân quyền trong khuôn khổ pháp luật quốc tế và quốc nội. Qua nội dung những văn bản họ phổ biến, tuy không mấy thân thiện với chính quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng không hề có cơ sở nào để giải thích hoặc, hơn nữa, khẳng định rằng họ mưu tính chuyên lật đổ chính quyền.
Hà Nội có thể cứ truy tố họ dưới tội danh này rồi cứ tuyên án phạt tù thật nặng, nhưng như vậy là lại tự để lộ bộ mặt đàn áp nhân quyền của mình.
Nguyễn an: Vậy theo Luật sư có cách nào ra khỏi sa lầy hay không ?
Trần Thanh Hiệp: Theo tôi có hai giải pháp, hoặc chính trị hoặc pháp lý. Đơn giản và dễ dàng là giải pháp chính trị. Hà Nội chỉ cần chấm dứt việc theo đuổi chính sách phi nhân quyền, chấp nhận đa nguyên đa đảng là dân chủ được mở đường.
Nếu họ vẫn còn muốn kéo dài thêm một thời gian nữa nền độc tài đảng trị để chuyển dần sang dân chủ thì hãy bắt đầu ngay bằng việc tạo ra một khung pháp lý, trong đó các quy phạm của luật quốc tế về nhân quyền được hội nhập vào luật quốc nội để ban hành ngay các quyền tự do dân chủ
Nguyễn an: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp và xin hẹn sẽ tiếp tục cuộc trao đổi trong một buổi phát thanh sau.