Phương Anh, phóng viên đài RFA
Theo các thông tin từ trong nước, càng ngày, tình trạng phá thai ở Việt Nam ngày càng cao. Ở thành phố Hồ Chí Minh, chưa kể các bệnh viện phụ sản lớn, chỉ riêng tại các trạm y tế, trung tâm quận, huyện và các bệnh viện tư, mỗi nơi như thế, ngày nào cũng có cả hơn chục người đến xin nạo phá thai. Cho đến nay, vẫn không có một thống kê chính thức nào về các tỉ lệ phá thai ở các cơ sở tư nhân.

Theo một tài liệu của bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, thì trong 8 tháng đầu năm 2005, chỉ riêng một bệnh viện này thôi, thì đã giải quyết 6.055 ca. Có lẽ, vì tình trạng nạo phá thai ngày càng nhiều này, nên chuyện giải quyết các thai nhi một cách nhanh gọn, lẹ, cho đơn giản, của các trung tâm là: sau khi nạo, hút thai nhi xong, rồi bỏ vào bịch nilon, và đem vứt bỏ ra ngoài đống rác.
Ở thành phố Nha Trang, nơi mà được coi là điểm du lịch sạch sẽ và thanh tịnh, thì các thai nhi được giải quyết nhanh gọn nhất: cứ việc đem ra bỏ ở các đống rác, dọc theo bờ biển, thế là xong chuyện! Từ bao lâu nay, chuyện này xảy ra hàng ngày, bình thường như cơm bữa, nên cũng chẳng ai đoái hoài đến những xác thai nhi vô tội đó.
Thế nhưng, ở Vườn Dương, Nha Trang, có một nhóm người, vì không đành lòng trước những cảnh tượng xác thai nhi bị vứt bừa bãi và vô tội vạ như thế, đã tự nguyện đóng góp tiền của và công sức của mình, để thành lập Nghĩa Trang Đồng Nhi. Trong chương trình hôm nay, mời quí vị nghe các chi tiết liên quan đến nghĩa trang này.
Nghĩa cử cao đẹp
Cũng như bao người khác, nhóm người tình nguyện đi lượm và chôn những xác hài nhi bé bỏng này, là những người đầu tắt mặt tối, hàng ngày phải lo mưu sinh, kiếm từng đồng để lo cho gia đình. Có người thì bán thuốc lá lẻ ở bên đường, có người là thợ sửa điện nước, có người làm bún bỏ ngoài chợ, có người phải đi ghe cá suốt đêm….
Hiện nay nhóm có 6, 7 người, họ tình nguyện tham gia, và có trách nhiệm đi lượm, đi chôn với chúng tôi, và nuôi một số em đồng nhi sống…Khi nhiều quá, thì tôi phải chứa trong nhà. …Cũng rất khó khăn, nhưng phải khắc phục thôi. Đi chôn thì phải cách thành phố 6, 7 cây số…Chỗ chôn thì toàn là đá, mình phải bỏ ra một số tiền để xây dựng cho đàng hoàng cho các em. Đến bữa nay thì cũng đỡ rồi, đỡ hơn hồi mới khai phá.
Nói chung, họ là những người rất đỗi bình thường trong xã hội. Người có “chức sắc” duy nhất là Sơ Nguyễn Thị Loan, dòng Đức Bà Truyền Giáo, hiện đang làm việc tại cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ em khuyết tật Sao Mai, trên đường Hoàng Diệu. Chúng ta hãy nghe ông Nguyễn Đình Chi, một trong những người thành lập nhóm này kể lại:
“Đầu tiên, nhóm chỉ có 3 người, đi lượm ở ngoài những hố rác, công viên, đem về chôn. Cỡ 7 giờ đến 10 giờ là họ bỏ ra những đống rác, bãi biển, mình banh ra, thấy thì đem về. Lúc ban đầu, để ở ngoài, sau đó, thấy tội nghiệp quá mới đem vô nhà luôn, chỉ có mình nhà tôi mới chứa, chứ không một ai dám chứa hết, vì họ nói là “phong long tử”…”
Được biết, ông và người bạn tên Tống Phước Phúc, đã chôn xác thai nhi đầu tiên vào ngày 13 tháng 7 năm 2004, cho đến nay, đã có gần 4500 xác thai nhi. Ông cũng cho biết những khó khăn mà nhóm đã và đang gặp phải:
“Hiện nay nhóm có 6, 7 người, họ tình nguyện tham gia, và có trách nhiệm đi lượm, đi chôn với chúng tôi, và nuôi một số em đồng nhi sống…Khi nhiều quá, thì tôi phải chứa trong nhà. …Cũng rất khó khăn, nhưng phải khắc phục thôi. Đi chôn thì phải cách thành phố 6, 7 cây số…Chỗ chôn thì toàn là đá, mình phải bỏ ra một số tiền để xây dựng cho đàng hoàng cho các em. Đến bữa nay thì cũng đỡ rồi, đỡ hơn hồi mới khai phá.”
Những khó khăn
Tuy làm việc tình nguyện với nghĩa cử hết sức cao đẹp như thế, nhưng đối với chính quyền, nhóm tình nguyện này lại gặp rắc rối vì:
“Theo luật của chính quyền thì mình phải xin phép, nhưng không được…vì phải có một nghĩa địa chính thức của nhà nước, nên nhà nước không cho. Chúng tôi đi chôn cũng bị phạt hai lần rồi…nhưng sau này thì nhà nước cũng im cho chúng tôi làm thôi. Nhưng cho đến nay thì vẫn chưa có giấy phép, về nguyên tắc thì chúng tôi vẫn có lỗi. Ở địa phương thì họ cũng “im” cho chúng tôi làm, chứ không khó dễ nữa…Có lẽ họ thấy chúng tôi làm việc đó cũng chính đáng, nên “im” cho chúng tôi làm.”
Bà Nguyễn thị Kim Liên, hiện đang sinh sống bằng nghề làm bún tại nhà cho biết rằng: mỗi ngày, hai vợ chồng bà thức dậy từ 3 giờ sáng. Sau khi công việc nhà xong xuôi, khoảng 1 giờ trưa, hai ông bà lại cùng với những người khác trong nhóm đem xác các thai nhi đi chôn. Công việc tẩm liệm thì đã làm từ đêm hôm trước, ngay sau khi những người trong nhóm đi thu gom về.
Vì nghĩa trang ở Hòn Thơm, cách xa nhà chừng 6 cây số, nên đoạn đường khá vất vả, ngoài tiền xe cộ, xăng nhớt, còn phải đóng tiền lộ phí cầu đường. Khi hỏi vì sao bà lại tham gia nhiệt tình trong công việc này đến thế, rất mộc mạc, bà trả lời:
Đó là vấn đề tâm linh, tôi nghĩ là khi người lớn chết, thì người ta có một nấm mồ…trẻ em là những người vô tội, thì các em cũng phải có một nấm mồ chứ, nó cũng là một con người mà…Khi đến đưa các em đến đó , chúng tôi phải dọn quét cho sạch, thắp nhang, rồi mới chôn các em, và mỗi mộ của các em thì có một bông hoa…Để tiết kiệm tiền, chúng tôi xin những bông hoa này ở các mộ lớn trên nhà thờ chính toà, rơi rớt xuống, và chúng tôi đem cắm ở nghĩa trang Đồng Nhi…”

Ngoài ra, bà cũng cho biết suy nghĩ của mình về tình trạng phá thai hiện nay: "Trung bình một ngày khoảng 10 em, trưa nào cũng phải đi chôn…Họ có thai, có chỗ làm, chỗ phá, thì họ phá thôi.. Thanh thiếu niên bây giờ vượt quá những lễ giáo của ông bà mình ngày xưa. Chúng nó không nghĩ tới luật lệ của ông bà hồi xưa nữa…có người "lấy" ra được thì chúng nó cứ "làm" thôi, họ cứ quan hệ với nhau tự do…có nơi lấy ra, thì họ không sợ cái " bụng" to lên nữa… "
Riêng Sơ Nguyễn Thị Loan thì biết đến nhóm thiện nguyện này rất tình cờ. Theo lời Sơ kể lại, thì sau khi họ chôn cất, xây mộ cho các em đàng hoàng tử tế, và được khoảng gần một trăm ngôi mộ như thế, thì chính quyền địa phương nghiêm cấm, không cho chôn và ra lệnh đập phá toàn bộ các ngôi mộ. Mặc dù đã giải thích rõ ràng công việc từ thiện của họ, chính quyền địa phương vẫn nhất quyết ngăn cản…Không biết làm sao hơn, họ liên lạc với bà để nhờ giúp đỡ.
Sơ Liên kể lại: "Nhóm nhờ tôi can thiệp dùm và tôi đi lên quản lý đô thị thành phố nhờ người ta và làm đơn trình bày thì người ta không đập nữa…nhưng lâu lâu thì người ta cũng cứ nói là phải phá dỡ đi, vì họ cứ nói rằng mình xử dụng đất sai mục đích, xây nghĩa điạ và xây bàn thờ mà không có phép…
Đất này là của một bà già, bà ấy khai thác, vì là đất núi, toàn là đá không thôi, đá nhiều lắm, không trồng trọt được…Khi bán thì bà ấy chỉ lấy có 10 triệu, còn 20 triệu thì bà ấy cúng cho nghĩa trang Đồng Nhi này, nhưng giấy tờ thì lại không có “sổ đỏ”.”
Khuyên nhủ, động viên các bà mẹ trẻ
Cũng theo lời Sơ Loan, ngoài công việc thu lượm xác thai nhi, nhóm còn tập trung vào việc cố gắng giảm thiểu tình trạng phá thai bằng cách khuyên nhủ và động viên các bà mẹ. Nhất là những thiếu nữ còn rất trẻ. Sơ nói tiếp: "Bây giờ học sinh, sinh viên mà lỡ có bầu, vì không hiểu biết, vì sợ gia đình, hay những gia đình khó khăn, muốn đi phá thai, thì chúng tôi khuyên và nhận giúp nuôi cái thai đó trong bụng mẹ, rồi khi họ đến bệnh viện thì giúp trả tiền cho họ…Có những người biết việc chúng tôi đang làm thì họ cũng giúp đỡ chút đỉnh, rồi tôi cũng xin bà con quen biết ở bên Mỹ chút đỉnh…Hiện nay, cũng nuôi được 5, 6 em, và gửi cho các chỗ nuôi cô nhi, vì ngoài này, chúng tôi không có nhà nào cho các em ở hết. ."
Mời bạn tham gia mục Câu chuyện hàng tuần do Phương Anh phụ trách. Xin email về Vietweb@rfa.org
Nhân đây, khi hỏi về tình trạng của bà mẹ của các em bé này, Sơ cho hay: " Có những em đang là sinh viên đại học, có những cô không nhà cửa, đi lang thang, có những em ở nhà quê, 16, 17 tuổi, có người ba mươi mấy tuổi, có nhiều cỡ tuổi lắm. Cái mục đích của chúng tôi là bảo vệ sự sống, đi khuyên bảo những người phá thai, và nuôi họ để họ an tâm…Thí dụ như gia đình đuổi cô gái đi, thì mình gửi cho một gia đình nào đó, rồi hàng tháng gửi tiền nuôi cô đó ăn ở trong thời gian có thai, khi nào họ sinh, thì mình đưa đi bệnh viện.." Cũng theo lời Sơ Loan cho biết, hàng ngày, nếu mọi nơi đều cho nhóm đem xác thai nhi đi chôn thì còn nhiều hơn nữa. Bức xúc về tình trạng này, Sơ Loan in những tấm thiệp, trên đó, ngoài tên và số điện thoại để liên lạc, còn có hình đôi bàn tay nhỏ bé chắp lại cùng hai chữ Tín Thác, rồi đưa cho những người chạy xe ôm, công nhân vệ sinh, những người bán hàng rong, những em nữ sinh, sinh viên…để phổ biến cho công việc của nhóm thiện nguyện đang làm, mong sao có những người đang có ý định phá thai, sẽ thay đổi ý định. Để kết thúc bài này, Phương Anh xin nhường lời cho Sơ Loan:
“Chúng tôi muốn lập nghĩa trang Đồng Nhi này để đánh thức lương tri của người cha, người mẹ mà không ý thức về vấn đề phá thai…Có người phá mà cho là chuyện bình thường, không cho chuyện đó là một tội ác… “
Vừa rồi là câu chuyện về nghĩa trang Đồng Nhi ở Nha Trang, Khánh Hoà. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Thông tin trên mạng:
- Hướng về Tây Nguyên