Giáo sư tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong


2005.09.27

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong sanh trưởng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngay từ hồi còn nhỏ, cậu bé Phong đã được làm quen với nhiều loại đàn dân tộc khác nhau và gắn liền với các buổi đờn ca tài tử, nhạc lễ, nhạc hát bội. Vào năm 13 tuổi, cậu bé Phong đã biểu diễn rất thiện nghệ trong các buổi trình diễn cải lương và hát bội cùng với các bậc cha chú mình.

ThuyetPhongDanTranh150.jpg
Giáo sư tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong. Photo coutersy of phong-nguyen.com >> See larger image

Niềm say mê nhạc dân tộc của cậu Nguyễn Thuyết Phong cứ lớn dần với thời gian…Những khi có dịp, cậu lại học luôn cả nhạc Tây Nguyên như goong, broh, hi ho, đàn t’rung. Vào năm 1974, chàng thanh niên Nguyễn Thuyết Phong sang Pháp du học và đậu bằng tiến sĩ về ngành dân tộc nhạc học thế giới. Năm 1984, tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong sang Hoa Kỳ và phụ trách giảng dậy Âm Nhạc Châu Á ở các trường đại học. Ông được mời đi trình diễn về nhạc dân tộc ở rất nhiều nơi trên thế giới.

Năm 1997, ông được chính phủ Hoa Kỳ trao tặng bằng National Heritage Fellowship – xin tạm dịch là Di Sản Quốc Gia, tại toà Bạch Ốc. Đây là một giải thưởng cao nhất của chính phủ dành cho những người xuất sắc về nhạc dân tộc.

Niềm say mê

Hiện nay, ông là Giám Đốc Thường Trú cho Viện Trao Đổi Giáo Dục Quốc Tế của Hoa Kỳ, đặc trách về Việt Nam, khi có dịp về Hà Nội để làm việc, ông vẫn tiếp tục dành hết thời gian của mình, đi từ nơi này sang nơi khác để nghiên cứu và tìm tòi thêm. Nguyên nhân vì đâu ông lại có một niềm say mê đến như thế, ông cho biết:

"Vì tôi sinh trưởng ở miền đồng bằng sông Cửu Long…nhạc dân tộc đã theo bước chân tôi đi khắp nơi trên thế giới…Tôi biết rằng nhạc Việt Nam rất ít được biết đến, vì thế cái nỗ lực của chúng tôi là làm cách nào để có thể giới thiệu về văn hóa cũng như nhạc Việt Nam đến nhiều nơi trên thế giới. Và đồng thời cũng muốn khơi dậy trong người Việt Nam một cái ý thức về một nghệ thuật âm nhạc rất độc đáo đã có từ lâu đời ."

Trong dịp trò chuyện với giáo sư tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong, Phương Anh còn được ông cho biết về sự liên quan giữa bản sắc văn hoá và âm nhạc dân tộc học, ông nói:

Tôi biết rằng nhạc Việt Nam rất ít được biết đến, vì thế cái nỗ lực của chúng tôi là làm cách nào để có thể giới thiệu về văn hóa cũng như nhạc Việt Nam đến nhiều nơi trên thế giới. Và đồng thời cũng muốn khơi dậy trong người Việt Nam một cái ý thức về một nghệ thuật âm nhạc rất độc đáo đã có từ lâu đời .

"Âm nhạc là một nền nghệ thuật rất bao trùm nhiều lãnh vực, trong đó có nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình, chẳng hạn như ca trù, ả đào, tuồng, dân ca. v..v.. và tất cả đề thể hiện một cái tính xã hội, văn hóa…Tôi cảm thấy nó trực tiếp bao trùm cái văn hoá Việt Nam…Ngoài ra, âm nhạc nó cũng liên quan đến các ngành như là kinh tế và xã hội nữa." Đến đây Phương Anh mời quí vị cùng các bạn thưởng thức một đoạn trong tiếng kèn của người dân tộc do tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong trình bày: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Và đây, một điệu hát tình yêu của dân tộc Nùng: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Âm nhạc Tây Nguyên

Khi được hỏi về việc nghiên cứu nhạc Tây Nguyên, ông tâm sự:

"Vấn đề nghiên cứu âm nhạc Tây Nguyên là một điểm nóng của tôi bởi vì tôi thấy cái vùng khá rộng lớn này của đất nước Việt Nam ít được bên ngoài biết đến và riêng cá nhân tôi, thì lúc bé, tôi cũng chưa có dịp tìm hiểu nhiều, cho đến khi tôi học ở trường Âm Nhạc Dân Tộc Học Thế Giới, cách đây 30 năm, thì tôi mới quan tâm đến cái vùng này.

So với vùng phiá Bắc, thì tôi nhận thấy vùng Tây Nguyên rất là rộng lớn. Nó có từ 25 đến 30 dân tộc, dân chúng sống ở đó có nghệ thuật rất độc đáo,các âm thanh về cồng chiêng, các bài hát trường ca, dân ca, nhất là nhạc cụ âm thanh tre trúc, nó gây cho một thích thú rất độc đáo mà tôi cảm thấy rằng tôi phải tìm hiểu sâu hơn nữa.

Chính vì thế mà từ năm 1993 đến 1996, tôi đã thực hiện nhiều chuyến nghiên cứu đi đến các vùng…Tôi đã ghi lại hàng trăm giờ cũng như những hình ảnh… và tôi nghĩ là nghệ thuật của vùng dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên là một kỹ thuật cần phải được đưa ra ánh sáng."

Với sự khổ công tìm tòi, các công trình về nhạc Tây Nguyên của ông đã được các trường đại học và Thư Viện Quốc Hội ở Hoa Kỳ lưu trữ. Ở trong nước, báo chí nhắc đến các công trình nghiên cứu của ông nhiều hơn.

TPhongTradiotion200.jpg
Dock Rmah - To Trinh - Miranda Arana - Kim Oanh - Phong Nguyen (từ trái snag phải).Photo coutersy of phong-nguyen.com >> See larger image

Tháng 5, năm 2001, ông được ghi tên và tiểu sử vào cuốn tự điển âm nhạc thế giới “The New Grove”, và là người Việt Nam thứ hai, sau giáo sư Trần văn Khê có tên trong cuốn sách danh tiếng này.

Đến đây, mới quí vị nghe một đoạn âm thanh của nhạc cụ Goong của người dân tộc cao nguyên, do tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong trình bày: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Quá trình nghiên cứu

Được biết trong quá trình đi nghiên cứu về nhạc Tây Nguyên ở các vùng cao, ông đã gặp khá nhiều khó khăn, ông nói:

"Trong lúc nghiên cứu âm nhạc Tây Nguyên, liên quan đến việc sắp đặt chuyến đi, thủ tục giấy tờ cần phải có với chính phủ Việt Nam, tôi đã phải trải qua thời gian lâu hơn mà tôi mong mỏi. Tôi hiểu là ở trong nước có cách sống, có thói quen làm việc chậm chạp hơn là ở các nước…

Chính vì thế mà tôi chờ đợi giấy tờ rất lâu. Cái quan trọng đối với tôi là cái phong cách làm việc, cái thủ tục ở Việt Nam có mà ở các nước khác không có, tạo cho tôi rất nhiều thời gian…Về phiá người Tây Nguyên thì tôi học được thế này: nếu chúng ta là người xa lạ đến thì chưa chắc họ đã tiếp nhận chúng ta dễ dàng.

Chúng ta phải do một người ở địa phương đó giới thiệu thì đồng bào ở đó đón nhận mình dễ dàng hơn… Tôi học tập các phon tục ở đó. Lúc đầu tôi cảm thấy khó khăn, nhưng về sau, thì tôi cảm thấy là đồng bào ở đó rất dễ dàng và thân mật, họ sẵn sàng làm hết những cái gì họ có thể làm được theo yêu cầu của mình."

Nhạc dân tộc hiện nay

Được hỏi về nhạc dân tộc hiện nay ở Việt Nam ra sao? Ông cho biết:

Ở Việt Nam có hai khuynh hướng một là bảo vệ nhạc dân tộc học, thứ hai là muốn làm đổi mới như các nước ở Tây Phương, đặc biệt là châu Mỹ, châu Âu. Chính vì thế mà hiện nay ở Việt Nam có hai dòng nhạc đi song song với nhau.

"Ở Việt Nam có hai khuynh hướng một là bảo vệ nhạc dân tộc học, thứ hai là muốn làm đổi mới như các nước ở Tây Phương, đặc biệt là châu Mỹ, châu Âu. Chính vì thế mà hiện nay ở Việt Nam có hai dòng nhạc đi song song với nhau.

Tôi cảm thấy rất là thú vị là âm nhạc dân tộc gần đây được cổ võ rất nhiều, được khuyến khích. Đặc biệt là gần đây Đài Truyền Hình Việt Nam có chương trình dân ca toàn quốc, nó gây một tiếng vang rất là lớn cho cả nước về vấn đề bảo vệ âm nhạc truyền thống dân tộc.

Các sinh hoạt của đờn ca tài tử ở phiá Nam hiện nay cũng đã được các Đài Truyền Hình cho trực tiếp. Sinh hoạt đờn ca tài tử đã được biết đến nhờ các đài truyền hình, truyền thanh …

Tôi cảm thấy đây là điều làm mới, đi theo với Âu- Mỹ để chứng tỏ được rằng chúng ta tiến bộ, cải tiến, thì bây giờ chúng ta trở về với cái âm nhạc dân tộc, lại bắt đầu nhen nhúm lên và nó có vẻ mạnh.

Tôi hy vọng rằng đất nước Việt Nam đi vào lãnh vực hoà nhập với thế giới về âm nhạc châu Âu, âm nhạc châu Mỹ, thì bây giờ họ cũng cảm thấy rằng nếu đi với người nước ngoài thì cần phải thấy bản sắc của mình… có như thế âm nhạc dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển nhiều hơn để cho thế giới biết đến âm nhạc của mình."

Thưa quí vị, vừa rồi là câu chuyện của tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong, người chuyên nghiên cứu về nhạc Tây Nguyên của Việt Nam. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị cùng các bạn trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.