Ảnh hưởng quyết định của EU đối với ngành da giày Việt Nam

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Ủy ban Châu Âu vừa chuẩn thuận quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam xuất sang thị trường Châu Âu.

ShoeWorkerInvest150.jpg
Công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất giày ở ngoại ô Sài Gòn. AFP PHOTO

Điều mà các doanh nghiệp sản xuất giày da tại Việt Nam lo lắng trong thời gian qua đã đến: đó là Ủy ban Châu Âu vừa chuẩn thuận quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam xuất sang thị trường Châu Âu.

Lâu nay ngành giày da Việt Nam chuẩn bị gì cho tình huống xấu đó? Và quyết định vừa rồi của EC gây ảnh hưởng ra sao đối với ngành và người công nhân trong nước?

Đó là những vấn đề mà Gia Minh nêu ra với ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày Thành phố Hồ Chí Minh, và được ông cho biết:

Ông Diệp Thành Kiệt: Sự việc này mới diễn ra tháng bảy năm ngoái cho đến nay mới nửa năm nên sự chuẩn bị chưa nhiều lắm. Chủ yếu là có hai hướng: đa dạng hoá sản phẩm và đa dạng hoá thị trường. Nhưng chuyển đổi thị trường thì khó đối với doanh nghiệp nhỏ.

Gia Minh: Ngoài những điều đó thì còn có biện pháp, đề đạt gì nữa?

Ông Diệp Thành Kiệt: Chúng tôi đưa ra ý kiến 'tariff quota', tức hạn ngạch chịu thuế và EU cũng hứa sẽ xem xét.

Chúng tôi đề nghị lấy số lượng xuất khẩu năm 2004 làm số chuẩn vì số này Liên Minh giày Châu âu sử dụng để kiện. Dựa trên số đó, nếu xuất duới thì hưởng thuế bình thường, còn nếu cao hơn mới chịu thuế cao.

Lý lẽ của chúng tôi là nếu có đánh thuế nặng thì cũng không thể cứu vãn sự sa sút của ngành giày của EU. Vấn đề không phải Việt Nam bán phá giá mà do chi phí ở EU cao.

Gia Minh: Ảnh hưởng khi có quyết định của EU đối với ngành da giày của Việt Nam thế nào?

Ông Diệp Thành Kiệt: Chưa thể thống kê đuợc, mà chỉ có thể đưa ra dự báo thôi. Sản lượng của các sản phẩm nằm trong danh mục đánh thuế chiếm 17% trong tổng số xuất khẩu; nhưng chúng sản xuất bằng da nên chiếm đến 45% giá trị.

Nhưng khi nhà đặt hàng thì họ không chỉ đặt một loại sản phẩm; nếu xảy ra mức thuế cao mà họ chuyển đơn hàng sang thị trường khác thì họ chuyển trọn gói. Nên con số thiệt hại phải hơn. Nay thì do các đơn hàng còn lại nên ảnh hưởng trong tháng 3-4-5-6-7 thì chưa thấy rõ; sau khi tăng đến 8% rồi 16,8% mới rõ hơn.

Gia Minh: Vậy công nhân cũng mất việc tương ứng?

Ông Diệp Thành Kiệt: Không chỉ riêng cho công nhân ngành giày mà cả những ngành phụ trợ như làm dao chặt, đế.. Dù rằng không có nhà máy nào đóng cửa hẳn; nhưng thiếu việc thì khá phổ biến. Trong ngành giày thì có đế 80% là lao động nữ. Do đó tình hình cũng căng thẳng.

Gia Minh: Hiệp hội có phối hợp với các cơ quan chức năng để giảm thiểu ảnh hưởng đó?

Ông Diệp Thành Kiệt: Một phần thuyên chuyển công nhân trong nhà máy giày sang nhà máy may; nhưng số đó không nhiều. Vì hiện nay có một số nhà máy có huớng may mũ ở Việt Nam, nhưng lắp ráp có thể đưa sang Kampuchia.

Bài toán giải quyết lao động bị thất nghiệp do chống bán phá giá không phải là bài toán dễ giải quyết.

Gia Minh: Cám ơn ông.