Việt Nam xếp hạng 145/167 nước được khảo sát về tình hình dân chủ

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Mới đây, một cơ quan điều tra kinh tế độc lập có tên là Economist Intelligence Unit vừa công bố bản báo cáo về “Chỉ số dân chủ 2006”. Đây là một cuộc nghiên cứu được thực hiện trên quy mô toàn cầu, đánh giá và xếp hạng từng quốc gia theo các tiêu chuẩn quốc tế về dân chủ. Trong số này, Việt Nam đứng vị trí 145/167 nước được khảo sát về tình hình dân chủ.

NeilScotland150.jpg
Ông Neil Scotland, nhà phân tích thuộc Economist Intelligence Unit ở London, chuyên phụ trách các vấn đề kinh tế - chính trị ở khu vực Đông Nam Á. Photo courtesy Economist Intelligence Unit.

Economist Intelligence Unit có trụ sở chính đặt tại London và hơn 40 văn phòng đại diện ở khắp nơi. Sau 6 thập niên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn, đến nay cơ quan này được xem là một trong những tổ chức uy tín hàng đầu, với đội ngũ chuyên gia phân tích đông đảo nhất và kinh nghiệm nhất trên thế giới.

Để tìm hiểu thêm về công trình nghiên cứu vừa công bố cũng như đánh giá của giới chuyên môn về hiện tình dân chủ tại Việt Nam, Trà Mi đã trao đổi với ông Neil Scotland, nhà phân tích thuộc Economist Intelligence Unit ở London, chuyên phụ trách các vấn đề kinh tế - chính trị ở khu vực Đông Nam Á. Trước tiên, ông Scotland điểm qua các tiêu chuẩn đánh giá của bảng “Chỉ số dân chủ 2006”:

Ông Neil Scotland: "Chỉ số dân chủ 2006" đánh giá 5 khía cạnh chủ yếu, bao gồm: tiến trình bầu cử và tính đa nguyên đa đảng, chức năng hoạt động của nhà nước, sự tham gia đóng góp vào chính trị từ phía người dân, nền văn hoá chính trị của một nước, và các quyền tự do cơ bản của công dân trong quốc gia đó. Các phạm trù này dựa trên nhiều tiêu chí cụ thể khác nhau.

Tổng cộng chúng tôi có 60 yếu tố làm cơ sở để đánh giá và chấm điểm. Lấy ví dụ như nói về khía cạnh quyền tự do của công dân trong một nước, chúng tôi xét đến các vấn đề như trong quốc gia đó, báo đài hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng trên mạng có được hoàn toàn tự do hay không, công dân nước đó có được quyền tự do bày tỏ ý kiến hay quan điểm bất đồng hay không, người dân được hưởng các quyền tự do cá nhân đến mức độ nào, họ có bị phân biệt đối xử vì chủng tộc, màu da, hay tín ngưỡng không, và còn nhiều yếu tố khác nữa…

Thang điểm cho mỗi hạng mục được tính từ 0 đến 10, và chỉ số chung về dân chủ của mỗi nước chính là trung bình cộng của cả năm hạng mục đó.

Trà Mi: Bảng "Chỉ số dân chủ 2006" có phải là báo cáo thường niên của tổ chức Economist Intelligence Unit không? Nó thường được công bố vào thời điểm nào trong năm?

“Chỉ số dân chủ 2006” đánh giá 5 khía cạnh chủ yếu, bao gồm: tiến trình bầu cử và tính đa nguyên đa đảng, chức năng hoạt động của nhà nước, sự tham gia đóng góp vào chính trị từ phía người dân, nền văn hoá chính trị của một nước, và các quyền tự do cơ bản của công dân trong quốc gia đó. Các phạm trù này dựa trên nhiều tiêu chí cụ thể khác nhau.

Ông Neil Scotland: Vâng, nó là phúc trình hằng năm, tuy nhiên, thật ra đây là lần đầu tiên "Chỉ số dân chủ toàn cầu" được công bố.

Trà Mi: Kết quả tổng quát của cuộc nghiên cứu này ra sao, thưa ông?

Ông Neil Scotland: Tổng cộng có 167 nước được phân tích và xếp hạng trong bảng "Chỉ số dân chủ" này. Dựa vào thang điểm, các quốc gia được phân loại theo từng nhóm như hoàn toàn dân chủ, dân chủ chưa trọn vẹn, các nước có chế độ đang chuyển đổi, và những quốc gia theo chế độ độc tài.

Trong đó, các nước được liệt vào nhóm dân chủ toàn vẹn hiện vẫn còn tương đối thấp, chỉ 28 nước mà thôi. Trong khi đó các quốc gia thuộc dạng dân chủ chưa trọn vẹn thì hầu như gấp đôi số này, hiện là 54. Các nước có chế độ đang chuyển mình là 30, và cuối cùng là nhóm các chế độ độc tài, với 55 quốc gia.

Trà Mi: Như vậy nhóm các quốc gia có chế độ độc tài là đông nhất?

Ông Neil Scotland: Đúng vậy. Gần 40% dân số thế giới hiện vẫn đang sống dưới chế độ cai trị độc tài.

Trà Mi: Ông sẽ nói gì về số điểm của Việt Nam?

Ông Neil Scotland: Việt Nam đứng thứ 145 trong số 167 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số dân chủ toàn cầu, và được liệt vào nhóm các nước có chế độ cai trị độc tài trên thế giới. Vị trí này là khá thấp. Ngay cả khi so sánh với các quốc gia Châu Á trong khu vực, thứ hạng của Việt Nam vẫn là khá thấp, chỉ trên Bắc Hàn, Miến Điện, và Lào mà thôi.

Trà Mi: Trong số 5 khía cạnh được đánh giá về tình hình dân chủ như ông vừa kể như tiến trình bầu cử và tính đa nguyên đa đảng, chức năng hoạt động của nhà nước, sự tham gia đóng góp vào chính trị từ phía người dân, nền văn hoá chính trị của một nước, và các quyền tự do cơ bản của công dân trong nước ấy, lĩnh vực nào Việt Nam có số điểm tệ nhất, và lĩnh vực nào khá hơn?

Việt Nam đứng thứ 145 trong số 167 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số dân chủ toàn cầu, và được liệt vào nhóm các nước có chế độ cai trị độc tài trên thế giới. Vị trí này là khá thấp. Ngay cả khi so sánh với các quốc gia Châu Á trong khu vực, thứ hạng của Việt Nam vẫn là khá thấp, chỉ trên Bắc Hàn, Miến Điện, và Lào mà thôi.

Ông Neil Scotland: Lĩnh vực tệ nhất là khi xét về cách thức bầu cử và tính đa nguyên đa đảng. Về khía cạnh này, Việt Nam có số điểm thấp nhất: 0,83 tức chưa tới một điểm. Ở Việt Nam không có các cuộc tuyển cử tự do, và đó cũng là lý do tại sao điểm số ở mục này cực kỳ thấp. Bên cạnh đó, về các quyền căn bản của công dân, Việt Nam cũng chưa được tốt.

Số điểm trong mục này cũng thấp, chỉ được 1,47 do tình trạng thiếu tự do thông tin cùng với những vấn đề liên quan tới tự do tôn giáo, tự do lập hội hay công đoàn vv…vv…Tuy nhiên, cũng trong lĩnh vực quyền tự do công dân, Việt Nam được đánh giá cao về mặt ngừơi dân được bảo vệ an ninh và quyền sở hữu cá nhân.

Trà Mi: So với các chế độ độc tài khác, nền dân chủ ở Việt Nam có những đặc điểm gì khác biệt tiêu biểu?

Ông Neil Scotland: Thật khó trả lời câu hỏi này. Điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào những điều kiện cụ thể của từng lãnh thổ. Có thể xem đây là một ví dụ. Nếu chúng ta nhìn vào số điểm của nước Cộng hoà Congo sẽ thấy ngay rằng tuy xếp trên Việt Nam chỉ một hạng, nhưng quốc gia này đạt gần 5 điểm trong lĩnh vực cách thức bầu cử và tính đa nguyên đa đảng, trong khi Việt Nam chỉ được dưới một điểm.

Trà Mi: Dưới con mắt của một chuyên gia, theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để cải thiện dân chủ một cách hữu hiệu hơn?

Ông Neil Scotland: Nhìn vào các chỉ số của Việt Nam trong từng hạng mục, chúng ta sẽ thấy rõ rằng có rất nhiều cái cần phải thay đổi để cải thiện tình hình dân chủ ở đây. Tiêu biểu nhất là sự tham gia của ngừơi dân trong tiến trình chính trị quốc gia, mà muốn thực hiện điều này trước hết cần phải có các cuộc tuyển cử tự do.

Trong lĩnh vực các quyền căn bản của công dân cũng có rất nhiều điều cần phải cải thiện trước khi nói đến dân chủ tiến bộ, đặc biệt là phải tạo điều kiện cho người dân có được quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, tự do báo chí và truyền thông một cách trọn vẹn và đúng nghĩa của nó.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi nói chuyện hôm nay.

Quý vị vừa cùng Trà Mi tìm hiểu kết quả công trình nghiên cứu về “Chỉ số dân chủ toàn cầu 2006” và tình hình dân chủ ở Việt Nam, qua cuộc trao đổi với ông Neil Scotland, nhà phân tích thuộc tổ chức Economist Intelligence Unit ở London, chuyên phụ trách các vấn đề kinh tế - chính trị ở khu vực Đông Nam Á. Phần chuyển ngữ do Lê Dân trình bày.

Thông tin trên mạng:

- The Economist Intelligence Unit’s index of democracy