Kế hoạch và Thị trường
2005.08.30
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Long
Tuần qua, báo Đầu tư của bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Việt Nam có bài phỏng vấn vị Bộ trưởng bộ này về vai trò của kế hoạch trong nền kinh tế đang chuyển qua cơ chế thị trường. Diễn đàn Kinh tế xin trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài trên trong tiết mục chuyên đề hàng tuần do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tuần qua, báo Đầu tư của bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phỏng vấn ông Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam về vai trò của kế hoạch, với tựa đề là “Không thể thiếu được vai trò của kế hoạch”và lời giới thiệu chúng tôi xin trích nguyên văn như sau:
“Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển đất nước, ngành kế hoạch và đầu tư đã có những đóng góp to lớn để tạo dựng hình ảnh một nước Việt Nam mới, một vị thế Việt Nam trong khu vực và thế giới”. Được biết ông có tham khảo bài chuyên đề ấy, thì đầu tiên, ông có cảm nghĩ chung ra sao?
Đáp: Tôi hoàn toàn đồng ý với tựa đề và rất chú ý tới lời giới thiệu ý nhị đó. Quả thật là kế hoạch của giới lãnh đạo Việt Nam đã có những đóng góp để tạo dựng hình ảnh, và chỉ hình ảnh thôi, của một nước Việt Nam mới; trong khi ấy, vị thế Việt Nam trong khu vực và thế giới thì vẫn là của một nước thuộc loại nghèo nhất. Người ta quá chú trọng đến hình ảnh và ấn tượng bên ngoài mà quên mất thực chất và lại còn nêu vấn đề sai lệch về vai trò của kế hoạch.
Hỏi: Ông vui lòng nói lại cho rõ: ông nói đồng ý với đề tựa của bài phỏng vấn, là “không thể thiếu được vai trò của kế hoạch”, mà lại cho rằng bài báo đặt sai vấn đề là thế nào?
Đáp: Không ai, không quốc gia nào, có thể tồn tại hay phát triển mà không có kế hoạch. Lập ra kế hoạch để ứng phó với tương lai vốn là thuộc tính của con người. Vấn đề ở đây là ai lập ra kế hoạch, ai phải tuân thủ kế hoạch ấy, và để làm gì, cho ai, cho nhà nước hay cho dân?
Vì mục đích tuyên truyền hay vì lười biếng, bài phỏng vấn nhập nhằng đưa vào chuyên đề kỷ niệm 60 năm, từ 1945 đến 2005, vai trò của kế hoạch và đầu tư mà bỏ qua sự thật là trải qua 60 năm ấy, Việt Nam mới chỉ thoát khỏi nạn tập trung quản lý theo kế hoạch được mươi năm thôi, từ đấy kinh tế mới bắt đầu tăng trưởng. Vì vậy, nói đến 60 năm xây dựng và phát triển đất nước là cố tình khỏa lấp những sai lầm tai hại của nạn tập trung kế hoạch.
Bây giờ, nhằm chứng tỏ là lãnh đạo không bao giờ sai, người ta lý luận rằng khi đất nước đã chuyển qua kinh tế thị trường thì vẫn cần kế hoạch nhà nước để phát triển và còn viện dẫn kinh nghiệm của các nước đang phát triển, thậm chí của một xứ tư bản đã phát triển là Nhật Bản. Tôi giật mình vì sự hiểu lầm ấy từ giới chức cao cấp nhất về kế hoạch ở nhà.
Hỏi: Nghĩa là ông cho rằng ông Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư có hiểu lầm?
Đáp: Tôi e là như vậy và do đó bộ phận này không làm đúng nhiệm vụ cần thiết của nó. Đây là một vấn đề khá phức tạp mà mình phải lần lượt phân tách cho rõ, từ khái niệm đi vào thực tế.
Hỏi: Nếu vậy, ta bắt đầu trước bằng khái niệm. Ông cho rằng xứ nào cũng cần có kế hoạch, khác nhau là ai làm kế hoạch và ai phải tuân thủ kế hoạch ấy, phải vậy không?
Đáp: Thưa vâng, và chức năng kế hoạch hóa ấy có thay đổi theo trình độ phát triển của quốc gia và của môi trường kinh tế thế giới. Tôi xin đơn cử vài thí dụ cho dễ hiểu. Hoa Kỳ là xứ tư bản tiên tiến nhất mà mãi đến gần đây vẫn có nhiều bộ phận đảm trách kế hoạch; ngày nay việc kế hoạch hóa ấy chủ yếu do các doanh nghiệp hoặc trung tâm nghiên cứu thực hiện để theo đó tính toán việc kinh doanh.
Nhật Bản cũng vậy và chức năng kế hoạch hóa của họ có thay đổi, từ thời bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp, gọi tắt theo Anh ngữ là MITI, cho đến bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp ngày nay, gọi tắt là METI. Sau Thế chiến II, nước Pháp thời Charles de Gaulle cũng lập ra Ủy ban Kế hoạch, gọi là Commissariat au Plan vào năm 1946; ủy ban ấy nay vẫn còn, nhưng có chức năng khác, là đề ra chiến lược cho quốc gia.
Việt Nam từ mươi năm nay cũng chuyển dần từ kế hoạch có loại chỉ tiêu “cứng” qua loại chỉ tiêu có tính định hướng hơn định lượng. Nói chung, không nên đơn giản hóa cho rằng ai chủ trương kinh tế tự do tất nhiên cũng chủ trương bãi bỏ vai trò của kế hoạch. Vấn đề ở đây là quan niệm lại vai trò của kế hoạch cho phù hợp với nhu cầu của xứ sở vào từng giai đoạn.
Hỏi: Nói cách khác, khái niệm kế hoạch này có thay đổi theo trình độ phát triển của từng nơi?
Đáp: Trả lời câu hỏi này, tôi xin được trình bày ba ý kiến khác nhau trước khi tổng hợp làm một. Thứ nhất, người ta hiểu sai là quốc gia cần kế hoạch để cải sửa những bất toàn của thị trường. Sự thật nó tích cực hơn thế: quốc gia cần kế hoạch để nương theo và khai thác quy luật thị trường sao cho có lợi nhất cho đa số người dân.
Khi chủ quan duy ý chí dùng kế hoạch để quản lý thị trường, ta đi ngược dòng, dễ bị khủng hoảng. Nhẹ nhất là bị thất thâu vì lỡ cơ hội: khi đầu tư vào nơi này là ta hết đầu tư vào nơi khác. Kinh tế gọi đó là “phí tổn về thời cơ”.
Thứ hai, xuất phát từ nếp văn hóa sùng chuộng thiểu số ưu tú, như quan lại tại Đông phương hay chuyên gia tại Pháp, người ta cho là thiểu số này có thể quyết định sáng suốt hơn thị trường hay đại đa số còn lại, nên mới giao cho họ việc hoạch định kế hoạch cho cả nước. Nửa thế kỷ trước, bị mê hoặc về giá trị không có của đường lối kinh tế Xô viết nhiều người càng nghĩ vậy. Nhà nước tại các xứ lạc hậu cũng nghĩ như vậy nên mới có cái nạn tập trung quản lý theo kế hoạch mà rốt cuộc chỉ quản lý được sự khan hiếm, làm quốc gia lụn bại.
Hỏi: Thưa vâng, thế còn ý kiến thứ ba?
Đáp: Thứ ba, khi khởi sự công nghiệp hóa, nhà nước có thể kế hoạch hóa một số ưu tiên để cố tình nâng đỡ hoặc đầu tư vào các ngành có tính chiến lược hầu đốt ngắn giai đoạn nhưng cái giá phải trả về sau là sự cấu kết giữa nhà nước và các doanh nghiệp được nâng đỡ, tức là gây ra mầm tham nhũng và thậm chí bất công. Nhiều nước Đông Á đã công nghiệp hóa rất nhanh nhờ đường lối ấy, cho tới khi bị khủng hoảng cách đây gần 10 năm thì bắt đầu phải cải sửa.
Tổng kết lại, Việt Nam cần tiếp thu ngần ấy kinh nghiệm của xứ khác để quan niệm lại vai trò của kế hoạch, và kế tiếp, của đầu tư, và đừng phạm lại sai lầm của các nước Đông Á. Và như vậy rõ là mình vẫn cần phải có kế hoạch, nhưng giải quyết yêu cầu ấy theo cách khác
Hỏi: Bắt đầu đi vào trường hợp Việt Nam, ông quan niệm thế nào về hai vai trò ấy?
Đáp: Có quốc gia đặt nặng vai trò của kế hoạch quốc gia, nên Phủ Thủ tướng, Phó Thủ tướng hay một “siêu bộ” có chức năng đề ra kế hoạch mà các bộ khác phải chấp hành. Trong việc chấp hành ấy, có cả phần vụ phân phối đầu tư của khu vực công và tuyển chọn đầu tư của khu vực tư. Ngược lại, có quốc gia quan niệm kế hoạch một cách linh động mềm giẻo hơn, định hướng hơn định lượng, nên cho chức năng kế hoạch vai trò tham mưu, tức là cố vấn, hơn là trực tiếp chỉ huy, về những gì có lợi nhất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam đang lửng lơ giữa hai thái cực ấy và thiếu thực quyền hay ảnh hưởng về cả vai trò tham mưu lẫn điều hành, hay thanh lọc đầu tư. Đây là ta chưa nói đến một thế lực khác là đảng Cộng sản, Ban Bí thư Trung ương đảng, hoặc Trưởng ban Kinh tế Trung ương, vốn có khả năng cưỡng hành lớn hơn trong sự chọn lựa kinh tế của Chính phủ.
Hỏi: Nếu vậy, xin ông trình bày cho rõ hơn về chức năng của bộ Kế hoạch và Đầu tư trong giai đoạn phát triển hiện tại của Việt Nam.
Đáp: Tôi trộm nghĩ rằng phần vụ kế hoạch ngày nay vẫn còn quá thô thiển và đơn giản. Trước hết, bộ này phải có khả năng điều hợp và phân phối viện trợ tài chính và kỹ thuật của nước ngoài để Việt Nam tận dụng một cách thống nhất và có hiệu quả nhất, chứ không phân tán và mâu thuẫn như hiện nay. Đấy là về vị trí của kế hoạch.
Thứ hai, bộ này phải có khả năng trù hoạch đích thực, chứ không chỉ loay hoay với những tính toán kinh tế vĩ mô để đề ra chỉ tiêu này khác. Việc trù hoạch ấy cần được quan niệm rộng rãi, sâu xa và lâu dài hơn.
Hỏi: Xin ông nêu ra vài thí dụ minh diễn việc ấy. Một vấn đề sẽ sớm thành bức xúc là sau khi gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Việt Nam cần làm gì để khai thác lợi thế và giảm thiểu bất lợi về cạnh tranh? Đến nay, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân chưa được bộ hướng dẫn và chuẩn bị gì cho việc ấy cả.
Đáp: Qua vài lãnh vực cạnh tranh như cà phê, hàng dệt sợi trong hiện tại hoặc công nghệ điện toán trong tương lai, thì bộ Kế hoạch có chỉ dẫn gì hữu ích? Làm sao Việt Nam tìm ra ưu thế cạnh tranh bên cạnh kinh tế Trung Quốc? Làm sao nâng cao phần đóng góp, tức là chủ quyền, của Việt Nam trong quan hệ kinh tế với bên ngoài, của từng dự án, từng doanh nghiệp?
Thí dụ khác là việc làm và đời sống của công nhân viên doanh nghiệp nhà nước sẽ ra sao sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp này, người ta cần làm gì cho họ? Lâu dài hơn, phải nghĩ đến hình thái phát triển xã hội công nghiệp, vai trò của đô thị và nông thôn, chế độ hưu bổng hoặc chính sách giáo dục đào tạo cho nền kinh tế tri thức… Không nhìn xa là ta sẽ vấp!
Hỏi: Công tác kế hoạch thật không dễ, quả là phức tạp, và đó là những thí dụ về phần vụ trù hoạch để hướng dẫn, còn về quyết định đầu tư?
Đáp: Bước qua lãnh vực đầu tư, chúng ta biết là kinh tế chỉ phát triển khi khai triển được các dự án, nghĩa là thực hiện được các dự án. Nhưng, đâu là những dự án ưu tiên, nhìn trên quan điểm quyền lợi của Việt Nam?
Nếu muốn hoàn thành chức năng kế hoạch thì bộ phải nghiên cứu sẵn từng ngành đầu tư then chốt, phác thảo công trình khảo sát thị trường và các dự án tiền đầu tư – tức là trước khi đi tới loại nghiên cứu khả thi – để huy động đầu tư nước ngoài và nội địa vào các ngành ấy.
Từ những ưu tiên của quốc gia đến các dự án đáp ứng ưu tiên ấy phải có sự thuần nhất, và bộ Kế hoạch phải nhìn ra sự thuần nhất mạch lạc ấy. Và thúc đẩy cho sự hình thành mỹ mãn này chính là nhiệm vụ của bộ.
Đằng này, Việt Nam cứ chào mời chung chung và chờ đợi sự tính toán may rủi của nhà đầu tư mà thiếu dữ kiện cụ thể để giúp đỡ hoặc để tránh những thất thâu hay trở ngại. Đề ra là xứ sở cần huy động ngần này nguồn vốn trong năm năm tới là điều dễ mà chưa đủ, phải nghiên cứu sâu hơn để giới đầu tư có cơ sở quyết định chính xác thì mới khai thác được thị trường. Chúng ta phải đi xa hơn lượng mà nhìn vào phẩm, với những dữ kiện chính xác và đáng tin.
Hỏi: Những công việc ông đề ra quả là nhiều khó khăn và phức tạp. Vậy ông đánh giá ra sao về khả năng thực tế của Việt Nam trong việc thực hiện những công tác ấy, nếu họ nhìn ra vấn đề. Khả năng ở đây không chỉ thu hẹp vào lĩnh vực chuyên môn mà còn về cơ hội thoát khỏi những ràng buộc của hệ thống chính trị và sợi dây trói của hệ thống tham nhũng nữa?
Đáp: Tôi không mấy lạc quan về khả năng ấy. Trước hết là về nhận thức. Việt Nam hiện có quá nhiều bộ phận thực tế làm kế hoạch hoặc chi phối kế hoạch nhà nước mà không minh danh, đó là các cơ chế của đảng tức là hệ thống chính trị mà vị trí và trách nhiệm không được bạch hóa.
Thứ hai, người ta chỉ chú ý đến bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vai trò phê chuẩn dự án, tức là cầm con dấu, mà không chú ý đến việc trước đó, là nghiên cứu và khuyến khích đầu tư, là phát triển dự án.
Vì trình độ hiện nay của Việt Nam, khi tư doanh chưa có khả năng nghiên cứu và phát triển, chưa có khả năng trù hoạch, mà nhà nước lại không làm tròn vai trò ấy thì mình chưa thể tìm ra lợi thế như các nước Đông Á - thí dụ rõ rệt là Đài Loan, Đại Hàn hay Nhật Bản - đã đạt được, mà mình lại gặp những khó khăn của họ, là nạn cấu kết giữa nhà nước và doanh nghiệp, nạn tham nhũng. Tôi chưa rõ là trong Đại hội X vào năm tới, người ta đã có thể cải sửa tư duy, nhận thức và cơ chế hay chăng cho những đòi hỏi cấp thiết ấy.
Những bài liên quan
- Thành phố Hồ Chí Minh phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu.
- Phát triển Tiểu Doanh
- Tự do Báo chí và Phát triển Kinh tế
- Cải tổ Bưu chính Nhật Bản
- Đổi mới Công đoàn
- Doanh nhân và các vấn đề mới khi gia nhập WTO
- Luật đầu tư mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam
- Giáo sư Phan Đình Diệu trả lời phỏng vấn RFA về Hội Thảo Hè ở Đà Nẵng
- Giá đi tour trọn gói Thái Lan rẻ hơn du lịch từ Sài Gòn đến Hà Nội
- Ảo thuật hối đoái của Trung Quốc
- Ảnh hưởng của việc Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ đối với Việt Nam
- Thị trường bảo hiểm y tế Việt Nam sắp mở rộng
- Doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều trở ngại khi đầu tư ra nước ngoài
- Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 5 năm thành lập vẫn còn yếu kém
- Triển vọng quan hệ Việt-Trung sau chuyến viếng thăm của ông Trần Đức Lương?