Trung tâm Giáo Dục Dạy Nghề Trẻ Em Ðường Phố TP. HCM


2005.10.09

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Không có con số thống kê chính thức về trẻ bụi đời ở Việt Nam, nhưng cả nước chỉ có 327 Cơ Sở Bảo Trợ Xã Hội nuôi dưỡng và giáo dục khoảng 15 ngàn thiếu nhi, đối tượng mà các nhà báo gọi là Trẻ Đường Phố Cánh Chim Cô Đơn Giữa Biển Người. Nam Nguyên phỏng vấn ông Nguyễn Văn Sết, quyền giám đốc Trung Tâm Giáo Dục Dạy Nghề TP.HCM và được ông cho biết các thông tin liên quan.

ChildrenLabour200.jpg
Các em phải sống lang thang ngoài đường phố, có nguy cơ bị lạm dụng sức lao động và thân thể. AFP PHOTO

Nguyễn Văn Sết: Ở đây chúng tôi chỉ có thiếu niên trong độ tuổi từ 8 tới 15. Đây là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cơ nhỡ không người nuôi dưỡng. Các em phải sống lang thang ngoài đường phố, có nguy cơ bị lạm dụng sức lao động và thân thể. Do đó những đoàn thể xã hội người ta giúp đưa các em đó vào trung tâm chúng tôi.

Nam Nguyên: Thưa Trung Tâm của ông hiện có bao nhiêu em học viên, thời gian các em học ở Trung Tâm là bao lâu?

Nguyễn Văn Sết: Chỗ chúng tôi trung bình có khoảng 300 trẻ, thời gian các em lưu lại Trung Tâm bao lâu là tuỳ thuộc vào kết quả bộ phận tư vấn chúng tôi tiếp cận, tìm kiếm gia đình các em hay người giám hộ.

Nếu kết quả nhanh, thì chúng tôi tạo điều kiện giúp các em trở về gia đình, hoà nhập với cộng đồng nhanh. Nếu công việc tìm kiếm không kết quả nhanh chóng, thì các em sẽ phải lưu lại Trung Tâm để học văn hoá và nếu tuổi hơi lớn thì các em được học nghề.

Nam Nguyên: Như thế Trung Tâm có bao nhiêu cấp lớp, và có đủ giáo viên hay không?

Nguyễn Văn Sết: Văn hoá thì chúng tôi dạy từ lớp 1 đến hết lớp 9, các em lớn chúng tôi có các lớp nghề như cắt tóc, uốn tóc, may công nghiệp, điện cơ điện gia dụng và sửa xe gắn máy.

Ở đây chúng tôi chỉ có thiếu niên trong độ tuổi từ 8 tới 15. Đây là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cơ nhỡ không người nuôi dưỡng.

Nam Nguyên: Có những em nào trở về cộng đồng mà có thể tạo dựng cuộc sống với nghề nghiệp học được từ Trung Tâm?

Nguyễn Văn Sết: Cũng có nhưng chúng tôi không có thống kê, thật ra chỉ có những em nào lưu lại nhà trường một thời gian dài thì mới học ra nghề được. Còn phần lớn các em chỉ ở lại Trung Tâm một thời gian vài tháng, trong thời gian này các em học được một lớp nghề cơ bản nào đó, một lớp văn hoá và vì trở về với gia đình nên có một số em được đi học tiếp. Có những em phải làm việc phụ gia đình, hoặc các công việc khác một hình thức lao động sớm.

Nam Nguyên: Thưa ông có khi nào nhà trường lại phải nhận lại các em đã từng học tập ở Trung Tâm?

Nguyễn Văn Sết: Trường hợp này cũng có xảy ra nhưng không phải là phổ biến.

Nam Nguyên: Học ở Trung Tâm những em còn gia đình thì họ có phải đóng góp gì không?

Nguyễn Văn Sết: Học ở chúng tôi thì có hai dạng, một dạng là gia đình gởi vào thì sẽ phải đóng chi phí 100%. Thứ hai là dạng các em khó khăn, dạng này nhà nước bảo trợ toàn phần. Mức phí hiện nay nếu thu của gia đình thì mỗi em khoảng 480 ngàn một tháng.

Nam Nguyên: Thưa ông các em ở trong trường thì hoà nhập với nhau, hay loại có đóng phí học riêng và loại bảo trợ học riêng?

Nguyễn Văn Sết: Chúng tôi áp dụng chung một chế độ, các em ăn uống như nhau đi học như nhau và được đối xử như nhau.

Nam Nguyên: Nguồn ngân sách của Trung Tâm là từ đâu?

Nguyễn Văn Sết: Nhà nước tài trợ chi phí của Trung Tâm, ngoài ra cũng có sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội phi chính phủ, các mạnh thường quân góp sức chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục dạy nghề cho các em.

Hàng năm cụ thể là trong năm 2004 chúng tôi đã tiếp nhận khoảng từ 250 tới 300 em thiếu niên và sau đó trả các em về với cộng đồng xã hội gia đình các em.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.