Bầu cử và Cải cách Kinh tế


2005.09.20

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Tuần qua, giới kinh tế chú ý đến hai cuộc bầu cử, tại Nhật Bản và Cộng hòa Liên bang Đức, vì trực tiếp chi phối tiến trình cải cách kinh tế trong hai nền kinh tế đứng hạng nhì và hạng ba thế giới. Diễn đàn Kinh tế trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về kết quả bầu cử và về ảnh hưởng đối với Việt Nam. Chương trình chuyên đề hàng tuần này sẽ do Việt Long thực hiện.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, sau cuộc bầu cử Hạ viện Nhật vào tuần trước thì hôm Chủ Nhật vừa qua lại có cuộc bầu cử Hạ viện Đức với kết quả đang làm dư luận điên đầu, Tuần này, chúng ta sẽ phân tách hậu quả của hai cuộc bầu cử đó đối với tiến trình cải cách kinh tế… Trước hết, xin ông cho biết nhận xét chung về các cuộc bầu cử trên?

Đáp: Thưa ngoài cuộc bầu cử khá đặc biệt tại Afghanistan, tuần qua chúng ta có ba cuộc bầu cử đáng chú ý, là tại Nhật Bản, New Zealand và Cộng hòa Liên bang Đức. Người ta để nhất đến cuộc bầu cử Hạ viện Đức vì kết quả là một ách tắc lớn khiến cả Đức và Liên hiệp Âu châu có thể bị tê liệt trong khá lâu, khi kinh tế Đức vẫn còn suy sụp và Âu châu lại vừa trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị.

Riêng tôi sở dĩ nhắc đến cả cuộc bầu cử tại New Zealand vì xứ này có nhiều điểm tương đồng với Đức và phần nào tiêu biểu cho tình trạng đình đọng chính trị của các nước dân chủ Tây phương.

Tình trạng chung của các nước này là sự phân cực đồng đều, bên tám lạng bên nửa cân, giữa xu hướng thiên tả hay xã hội chủ nghĩa với xu hướng bảo thủ và tự do kinh tế. Tại các xứ dân chủ Tây phương, hai phe tranh luận trước sự phân vân của quần chúng về ba vấn đề. Thứ nhất là nên theo ưu tiên nào giữa công bằng xã hội và phát triển kinh tế; thứ hai, nên đón nhận hay hội nhập thế nào các thành phần di dân hay thiểu số; và thứ ba nên có lập trường đối ngoại ra sao, nhất là với Hoa Kỳ.

Tại New Zealand, đảng Lao động thuộc cánh tả của nữ Thủ tướng Helen Clark thắng sử sát nút, với đa số chỉ có một ghế. Tại Cộng hòa Liên bang Đức, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU hơn đảng Dân chủ Xã hội có một phần trăm số phiếu và không đủ đa số để lập nội các. Hai trường hợp này được coi là tiêu biểu nhất cho sự phân vân của cử tri. Họ không hài lòng với thực tại, nhưng lại chẳng có quyết định dứt khoát thay đổi.

Trong cảnh ngộ ấy, ta mới thấy cử tri Nhật Bản lại có quyết định táo bạo xứng đáng với sự chọn lựa cũng táo bạo của Thủ tướng Koizumi. Vì vậy, kết luận sơ khởi, và ngược với truyền thống Nhật từ nhiều thập niên, trong mấy năm tới đây, nước Nhật mới tiến hành cải cách mạnh mẽ so với sự trì trệ của Âu châu, một sự tê liệt về hành động mà cứ tưởng là ổn định.

Hỏi: Tình trạng này quả ly kỳ vì làm nổi bật cuộc tranh luận về việc cải cách kinh tế để tăng trưởng và phát triển hay duy trì những thành quả thụ đắc được về xã hội, với rủi ro là chế độ bao cấp và suy trầm kinh tế với thất nghiệp cao, như điều đang xảy ra tại Đức. Hãy nói về trường hợp của Đức trước, ông nhận xét thế nào về tình hình và tương lai?

Đáp: Ngược với nhận xét ở bên ngoài, liên minh cánh tả do Thủ tướng Gerhard Schroeder lãnh đạo, kết hợp đảng Dân chủ Xã hội SPD và đảng Xanh là đảng bảo vệ môi sinh, thực ra có ý thức được sự ách tắc của chế độ bao cấp và muốn khởi sự cải cách từ bảy năm nay mà không nổi. Cũng vì muốn cải cách nên ông Schroeder mới đánh đòn liều là dùng thủ thuật chính trị bất tín nhiệm chính quyền của mình để giải tán Quốc hội và cho bầu cử sớm để có đa số lớn hơn.

Ông thất bại trong đòn chính trị ấy, nhưng đối thủ là bà Angela Merkel lại quá kém cỏi về kỹ thuật tranh cử lẫn bản lãnh chính trị của bản thân nên đang chiếm thế thượng phong lại mất tiêu trong có hai tuần, đâm ra việc cải cách theo xu hướng trung tả hay trung hữu đều bị kẹt.

Ngoài ra, duy nhất một điều được coi là chắc chắn là cả hai đảng lớn là CDU và SPD cùng các đảng nhỏ hơn và có khả năng liên minh với họ đều nhất trí ở một điểm là không cho đảng Tả khuynh, gồm các chính trị gia ly khai từ đảng SPD và đảng viên Cộng sản cũ, tham chính. Tức là giải pháp cực tả hay bao cấp kiểu cộng sản không còn đất đứng trên chính trường Đức.

Hỏi: Trước khi chuyển qua cuộc bầu cử tại Nhật, xin ông cho biết dự đoán của dư luận về tương lai nước Đức, và nói rộng hơn, cả tương lai Liên hiệp Âu châu?

Đáp: Vì việc bầu cử tại một đơn vị bị đình hoãn nên ta chỉ có kết quả chính thức của toàn quốc vào mươi ngày tới và lãnh tụ các đảng đang thương thảo mặc cả với nhau để tìm ra một liên minh quy tụ nổi đa số. Giả thuyết có xác suất cao nhất mà không ai ưa thích là "Đại liên minh" giữa hai đảng lớn là CDU và SPD, với bà Merkel sẽ là Thủ tướng và phải thỏa hiệp với đối thủ.

Người ta không ưa thích vì đây là trường hợp ách tắc tiêu biểu vì trong một vài năm tới, liên minh này chỉ cầm quyền mà không hành động gì nổi, nên chẳng thể cải cách kinh tế. Và nếu trong vòng một tháng, đến ngày 18 tháng 10, mà các chính đảng lại không lập nổi một liên minh cầm quyền thì nước Đức sẽ phải bầu cử lại!

Nhìn rộng ra Âu châu thì khi nền kinh tế số một Âu châu là nước Đức bị trì trệ trong khi lãnh đạo Đức bị khủng hoảng, nước Đức sẽ mất hoặc không cần tiếng nói trên diễn đàn Âu châu vì phải tập trung giải quyết vấn đề nội bộ, Liên hiệp Âu châu vì vậy sẽ càng suy yếu. Chúng ta có thể kiểm chứng điều ấy khi theo dõi khả năng ứng biến của tân Thủ tướng Merkel tại Thượng đỉnh Âu châu vào cuối tháng tới, nếu như bà ta lên làm Thủ tướng.

Hỏi: Bây giờ, chúng ta mới trở lại chuyện Nhật Bản, vốn gần với Việt Nam hơn trong nhiềui khía cạnh. Hậu quả của cuộc bầu cử tuần qua tại Nhật sẽ ra sao?

Đáp: Kinh tế Nhật bị trì trệ, thậm chí suy trầm liên tục kể từ 15 năm nay sau vụ bể bóng đầu tư năm 1990. Khi lên nhậm chức năm 2001, Thủ tướng Koizumi nhận lãnh một di sản nặng nề, với ngân hàng chìm dưới núi nợ, ngân sách được tăng chi để bơm tiền vào một nền kinh tế bị tê liệt và vào các doanh nghiệp suy nhược rồi tuồn ra giới chính trị vốn rất giỏi lấy tiền thuế để mua phiếu.

Việc cải cách hệ thống Bưu chính - một con quái vật tài chính khổng lồ - là một ưu tiên của ông Koizumi nhưng lại bị một số đảng viên ngay trong đảng Tự do Dân chủ của ông chống đối tại Thượng viện. Chúng ta có đề cập đến vụ này trong chương trình ngày mùng 10 tháng Tám vừa qua của mục Diễn đàn Kinh tế.

Thủ tướng Koizumi bèn giải tán Hạ viện, cho bầu cử sớm nhằm loại bỏ các đảng viên Tự do Dân chủ chống cải cách, với rủi ro là đảng có khi mất chính quyền. Kết quả xảy ra hoàn toàn như ý của ông ở ba khía cạnh là cử tri đi bầu rất đông, bỏ phiếu cho ông rất mạnh và loại bỏ các ứng cử viên chống cải cách.

Đảng Tự do Dân chủ giờ đây có đa số rất lớn và khi liên minh cùng đảng Tân Công minh thì chiếm đa số hơn hai phần ba nên có thẩm quyền bác bỏ luôn sự chống đối cải cách ở Thượng viện mà khỏi cần đợi bầu cử tại viện này vào tháng Bảy năm 2007. Như vậy, cử tri Nhật đã tín nhiệm ông Koizumi để cải cách hệ thống Bưu chính và giải trừ luôn chế độ bao cấp trong một kế hoạch cải tổ toàn diện hơn, kể từ bốn năm nay.

Hỏi: Nghĩa là Thủ tướng Koizumi đã đại thắng khá bất ngờ?

Đáp: Thưa vâng và ngoài ra, phải nói thêm rằng ông Koizumi đang lãnh đạo xu hướng cứng rắn và tích cực về an ninh đối ngoại nên Nhật Bản sẽ dứt khoát hơn với Trung Quốc, triệt để hơn với Bắc Hàn và can thiệp nhiều hơn vào an ninh và thịnh vượng của toàn khu vực Đông Á. Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì đây là điều có lợi cho Việt Nam.

Hỏi: Vâng, bây giờ ta mới nói tới Việt Nam và ảnh hưởng của cuộc bầu cử tại Nhật. Vì sao ông lại cho rằng kết quả bầu cử này có lợi cho Việt Nam?

Đáp: Chúng ta có nhiều cách phân tách ảnh hưởng này.

Trước hết, về tư duy và lý luận, khi lãnh đạo Việt Nam làm đất nước khủng hoảng vì chế độ kinh tế tập trung kế hoạch kiểu cộng sản, họ biết là phải đổi. Nhưng thay đổi làm sao để khỏi mất quyền? Sau nhiều năm loay hoay tìm tòi, họ khám phá ra mô thức phát triển Đông Á, với hai thí dụ chói lọi là Nhật Bản và Nam Hàn.

Lý do là chính quyền hai xứ này đề xướng và chủ động thực hiện chính sách công nghiệp hóa bằng cách can thiệp vào thị trường và doanh nghiệp. Nhìn từ Hà Nội thì đấy là mô thức cho phép lãnh đạo khai thác được lợi thế của kinh tế thị trường mà vẫn giữ được vai trò thống trị của chính quyền, của đảng và nhà nước.

Thế rồi, vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á năm 1997-1998 giữa sự trì trệ kéo dài của Nhật Bản đã phơi bày mặt trái của mô thức phát triển Đông Á, trong đó nổi bật nhất là sự cấu kết giữa chính quyền, bộ máy hành chính nhà nước cùng doanh nghiệp và ngân hàng, với nạn bao cấp và tham nhũng lan rộng ăn sâu trong cơ chế chính trị.

Ngày nay, khi chính Thủ tướng Nhật lại tiến hành cách mạng bằng cách thanh lọc ngay trong đảng cầm quyền để loại bỏ các phần tử chống đổi mới và các thành phần muốn duy trì chế độ cấu kết cố hữu, và ông lại được cử tri ủng hộ mạnh mẽ, điều ấy là một nguồn cổ võ về tư duy và lý luận cho xu hướng cải cách tại Việt Nam.

Hỏi: Đó là một ảnh hưởng như ông nói là về tư duy và lý luận, ngoài ra, ông còn thấy những ảnh hưởng gì khác cụ thể hơn?

Đáp: Ngay trong lãnh vực lý luận, kết quả bầu cử tại Nhật và việc cải cách hệ thống Bưu chính có thể giúp Hà Nội nhìn thấy yêu cầu cấp thiết là phải cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để khỏi gây ra những tai họa kinh tế và chính trị kéo dài như Nhật Bản đã gặp. Một phần nào đó, ách tắc và thất bại của chế độ bao cấp tại Đức cũng đáng để Hà Nội chú ý.

Thứ hai, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên đã viện trợ và viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam kể từ khi Hà Nội tiến hành đổi mới. Từ gần một năm nay, cả chính quyền lẫn doanh gia Nhật đang nhìn Việt Nam với thiện cảm như một thị trường đầu tư có lợi, đặc biệt là có lợi hơn thị trường Trung Quốc.

Họ mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận đầu tư và nhất là kiến năng kỹ thuật của Nhật, đặc biệt trong lãnh vực công nghệ tin học mà họ là quốc gia tiên tiến nhất nhì thế giới. Cơ hội ấy cũng khiến ta quan tâm đến một lãnh vực thứ ba là an ninh.

Nhật Bản e ngại Trung Quốc là một xứ có tinh thần chống Nhật, có âm mưu bành trướng và cạnh tranh, lại đang gặp nhiều nguy cơ khủng hoảng trong nội bộ khiến chính quyền dễ rơi vào những phản ứng phiêu lưu nguy hiểm cho an ninh và sự ổn định của Đông Á. Vì vậy, khi Việt Nam gia tăng hợp tác với Nhật, trước hết là qua quan hệ kinh tế, đầu tư và mậu dịch, thì cũng phần nào tìm được một thế cân bằng hơn và an toàn hơn về an ninh cho mình.

Vì những lý do trên, người ta cần tìm hiểu rất kỹ những thay đổi đang xảy ra tại Nhật, thực sự là những thay đổi có ý nghĩa địa dư chiến lược cho toàn khu vực Đông Á trong nhiều năm tới.

Việt-Long: Cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.