Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục là một vấn đề gây trăn trở cho người tiêu dùng sau hàng loạt vi phạm được phát giác. Bên cạnh lý do giới sản xuất thiếu ý thức trách nhiệm, lo thủ lợi bằng mọi cách bất chấp hậu quả cho người tiêu thụ, còn nguyên nhân nào khác gây ra mất an toàn cho thực phẩm sản xuất ở Việt Nam?

Khủng hoảng trên thị trường thực phẩm Việt Nam lại nổi lên từ 2 tháng nay sau một loạt mặt hàng chế biến xuất khẩu bị Mỹ công bố là dơ bẩn hoặc chứa tạp chất, độc chất qua quá trình chế biến, bên cạnh những phanh phui của báo chí về nước tương, dầu hào chứa tiền chất gây ung thư cao từ vài mươi đến hàng ngàn lần mức cho phép.
Bên cạnh phát giác này cũng xảy ra chuyện Việt Nam bị cảnh cáo có thể mất hẳn một vài thị trường thuỷ sản lớn như thị trường Nhật với trên tỉ đô la mỗi năm, vì hàng xuất khẩu lại vi phạm qui định vệ sinh an toàn.
Đây không phải lần đầu nhiều nước nhập khẩu hàng hoá và thủy sản khám phá sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có nhiễm dư lượng hoá chất kháng sinh cấm. Từ mươi năm nay không ít doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam bị khách hàng hủy hoặc trả lại nhiều lô xuất khẩu cá, cua, cá, mực, tôm… vì không đủ tiêu chuẩn an toàn đã cam kết.
Báo chí trong nước và giới chức năng thỉnh thoảng lên tiếng báo động về tình trạng thủy sản và thực vật trước tình trạng môi trường nuôi trồng bị ô nhiễm. Cá tôm chết hàng loạt, hoa màu giảm thu hoạch, rau cỏ chứa độc tố… được chứng minh có nguyên nhân chính yếu là do chất thải của nhiều nhà máy kỹ nghệ trực tiếp đổ ra sông ngòi thay vì qua xử lý như qui định.
Ô nhiễm môi sinh ở Việt Nam bị coi là leo thang song song với sự phát triển của kinh tế trong những năm gần đây. Trong không khí là khói xăng, khói nhà máy sản xuất. Trong nguồn nước là rác rưởi các loại, xỉ, chất thải, nước thải từ các khu công nghệ.
Vấn đề nghiêm trọng
Đây là một vấn đề nghiêm trọng và chính phủ đã bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Người dân ngày càng quan tâm và thấy rõ lợi ích của môi trường chứ chưa ý thức được phải làm gì để bảo vệ môi trường. Chúng tôi luôn quan tâm đến việc nâng cao ý thức của người dân trong công tác này.
Bộ trưởng Môi trường-Tài nguyên Mai Ái Trực từng xác nhận môi trường sống hiện có dấu hiệu bị ô nhiễm và cho hay:
“Đây là một vấn đề nghiêm trọng và chính phủ đã bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Người dân ngày càng quan tâm và thấy rõ lợi ích của môi trường chứ chưa ý thức được phải làm gì để bảo vệ môi trường. Chúng tôi luôn quan tâm đến việc nâng cao ý thức của người dân trong công tác này.”
Trong khi giới chức năng nhận định được tầm quan trọng của một môi sinh trong sạch, ít ra là ở mức chấp nhận được, phía bị xem là trực tiếp gây ra ô nhiễm nguồn nước trên bình diện rộng có thái độ ra sao?
Độc tố trong thủy sản và thực vật được chứng minh do hoá chất xả ra từ các cơ sở kỹ nghệ. Theo luật Việt Nam, các nhà máy nhuộm, nhà máy xi măng, nhà máy giấy v.v…phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thế nhưng theo phanh phui của báo chí trong nước, vô số chủ nhân dự án không tuân hành yêu cầu ấy, lý do vì đâu?
“Nhiều nhà máy không lập hệ thống xử lý vì tốn kém. Họ cứ tiếp tục đổ chất thải độc hại vào môi trường, bất kể nguy hiểm cho con người.”
Phát biểu của anh Tuấn, một sinh viên kinh tế ở Đà Lạt như vừa trình bày cũng là nhận định của báo chí và người dân lâu nay. Theo báo chí, chuyện nhiều nhà máy “quên” xây hệ thống lọc là chuyện phổ thông. Rồi một khi chẳng may bị chính quyền thanh tra, thường chủ nhân các cơ sở, dự án chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt nhẹ.
Người sinh viên này nói tiếp, cho rằng chủ nhân các dự án, cơ xưởng kỹ nghệ không quan tâm đến an sinh của người dân, chính quyền lẽ ra phải chấn chỉnh được tình trạng. Thế nhưng đã nhiều năm trôi qua, các vi phạm không ngừng tiếp diễn. Anh Tuấn nêu thắc mắc:
“Có thể luật pháp mình còn lỏng lẻo hoặc chính quyền địa phương xử lý chưa đúng mức hay bao che cho những cơ sở đó nên bao nhiêu năm rồi vẫn không giải quyết được, để họ tiếp tục vi phạm, gây ô nhiễm .”
Chủ nhân những nhà máy vi phạm nên nhìn thấy những người bị bệnh vì thực phẩm ô nhiễm do nguồn nước. Rất là tội, họ đau ốm nhiều thứ bệnh, có trường hợp thì chết, có trường hợp đau nằm năm này qua năm khác. Người dân đã rên la quá lâu, đã chịu đau khổ quá lâu.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Suy đoán này không hiểu có phải ảnh hưởng chuyện các cơ quan chức năng đã che dấu nhiều năm nay thông tin về nước tương có hàm lượng độc chất 3-MCPD cao từ hai lần đến hàng chục ngàn lần được phép, chỉ được phanh phui mới đây nhờ báo chí.
Ô nhiễm môi sinh ở Việt Nam do chất thải công nghiệp hiện đã đến mức báo động. Trong khi một vài biện pháp cấp bách đang được đưa ra như đề án của lập Lực lượng Thanh tra Chuyên ngành vào cuối năm nay, do Sở Y tế TP HCM, đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế, đưa ra, nhằm kiểm tra chất lượng các mặt hàng chế biến, giải pháp nào có thể ngăn ngừa từ gốc, giải quyết từ cốt lõi vi phạm ô nhiễm môi trường?
Bà Quỳnh, một nữ giáo viên Sài Gòn cho rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh: " Chính phủ phải buộc mọi nhà máy tuân theo qui định xử lý chất thải, nước thải, nghiêm khắc bắt chấp hành luật lệ và xử phạt nặng, không để họ xả bừa bãi vào môi trường sống, gây bệnh tật cho dân chúng."
Tổng số các loại hoá chất kháng sinh bị cấm có gần 20 chất. Bà Quỳnh cho rằng với một môi trường tiếp tục bị thoái hoá như bây giờ, nhiều loại thực phẩm sẽ tiếp tục đưa trực tiếp độc chất vào cơ thể con người.
Những độc tố ấy, từ gây tử vong cho tới truyền các tật bệnh hiểm nghèo, là một di họa cho các thế hệ sau. Nòi giống có khả năng bị suy yếu và đất nước có nguy cơ bị tàn phá, tuy chậm chạp nhưng có dấu hiệu không thể chối cãi. Bà tha thiết:
“Chủ nhân những nhà máy vi phạm nên nhìn thấy những người bị bệnh vì thực phẩm ô nhiễm do nguồn nước. Rất là tội, họ đau ốm nhiều thứ bệnh, có trường hợp thì chết, có trường hợp đau nằm năm này qua năm khác. Người dân đã rên la quá lâu, đã chịu đau khổ quá lâu.”
Tổ chức Y tế Thế giới WHO từng khẳng định ô nhiễm môi trường, tiêu biểu như nguồn nước mất vệ sinh, nếu được giảm thiểu sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của con người. Cải thiện môi sinh là một trong những yếu tố giúp giảm thiểu các tật bệnh hiểm nghèo. Một trong những tiêu đề mà cơ quan này lưu ý chính phủ các nước mới tháng trước, là sự quan tâm của chính quyền về vấn đề xử lý nước sạch và rác thải.
Giải pháp cứu vãn đang là một nan đề cấp bách, hầu tránh những tai hoạ lẽ ra không xảy đến, nếu an toàn của môi trường sống được chú trọng từ đầu.