Dự án Thông Tin & Báo cáo Môi Trường


2005.09.21

Mai Thanh Truyết & Đỗ Hiếu, RFA

Đối với các quốc gia đang phát triển trên thế giới, việc bảo vệ môi trường hiện nay là mối quan tâm hàng đầu so với việc phát triển quôc gia. Mọi chính sách phát triển đều phải được điều nghiên kỹ lưỡng về đánh gía tác động môi trường (Environmental Impacts Assessment-EIA) cho từng dự án một. Do đó việc thông tin và báo cáo trong lãnh vực môi trường để đáp ứng với nhu cầu phát triển bền vững là một việc làm ưu tiên của các cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia.

Đối với Việt Nam, Chương trình Môi trường LHQ từ năm 1998 đã khuyến cáo nước nầy nhiều lần để thiết lập hệ thống thông tin, giám sát và báo cáo môi trường . Mãi đến ăm 2001, Chương trình Hổ trợ Môi trường của Đan Mạch (DEA) đã chính thức thiết lập Dự án Thông tin & Báo cáo Môi trường , phối hợp với Bộ Khoa học & Tài nguyên. Đài ACTD hôm nay đã tiếp chuyện với TS MTT về Dự án nầy.

Hỏi : Trước hết, xin TS cho biết nguyên nhân của sự hình thành dự án trên?

Đáp : Thưa anh, Dự án Thông tin và Báo cáo Môi trường đã được hai chính phủ Đan Mạch và Việt Nam ký kết ngày 12 tháng 4 năm 2002 tại Hà Nội. Dự án do chính phủ Đan Mạch viện trợ không bồi hòan là 15 triệu curon, tương đương 2 triệu Mỹ kim và bắt đầu khai triển trong 3 năm từ tháng 8/2003 đến 8/2006.

Hỏi : Mục đích của Dự án nhằm vào những mục tiêu nào thưa ông.

Đáp : Mục đích chính của dự án là khai triển và xây dựng một hệ thống thông tin và báo cáo môi trường ở Việt Nam để hổ trợ cho quá trình cung cấp thông tin môi trường trong quyết định các tiết mục trong một dự án phát triển như: thiết lập quy trình, xây dựng, và quản lý cũng như giải quyết các vấn nạn môi trường có thể xảy ra trong lúc thực hiên dự án. Để thực hiện cac mục tiêu trên, Dự án cần phải chuẩn bị các dữ liệu môi trường về không khí, nước mặt, đất, và hệ sinh thái ở địa phương dự định thành lập dự án. Các dữ kiện trên phải được đúc kết đầy đủ trong một báo cáo tác động môi trường (TĐMT). Căn cứ theo Luật Môi trường Việt Nam, một dự án chỉ được duyệt xét sau khi Báo cáo TĐMT đi kèm theo sơ đồ thiết kế cùng quy trình sản xuất của dự án. Tất cả những quy định trên tập trung vào việc:

1- Cải thiện tính phù hợp của thông tin và báo cáo môi trường trong việc quản lý; 2- Cải thiện và cập nhật kiến thức chuyên môn và thông tin môi trường để giải quyết các vấn đề môi trường phù hợp hơn; 3- Đồng thời đào tạo cán bộ quản lý môi trường ở địa phương và trung ương.

Hỏi : Trở lại Dự án TT &BC Môi trường, đây là một dự án phối hợp giữa hai quốc gia, như vậy Ban Điều hành được thành lập như thế nào và cơ quan nào chịu trách nhiệm về quản lý dự án, thưa ông?

Đáp : Vì đây là một dự án phối hợp do đó Ban Điều hành dự án do nhân sự của hai bên thoả thuận như sau: Giám đốc dự án do TS Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục BVMT phụ trách, Cố vấn do TS Jorgen Carlé, và Điều phối viên do TS Hoàng Dương Tùng, Giám đốc TT Quan trắc và Dữ liệu Môi trường đãm nhiệm.

Về quản lý, Bộ Tài nguyên & Môi trường và Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) chịu trách nhiệm trong việc theo dõi và thẩm định kết quả dự án theo đúng hạn định đã giao ước. Cũng cần biết thêm là kế hoạch và ngân sách của dự án được chia làm 2 giai đoạn: 1- từ tháng 8/2003 đến 12/2004; 2- từ 1/2005 đến 8/2006. Kết quả của từng giai đoạn sẽ được báo cáo đúng hạn kỳ.. Có 4 thí điểm được chọn để thi hành dự án là: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, và Quảng Nam.

Hỏi : Tại sao Dự án lấy quyết định chọn 4 địa điểm trên để làm thí điểm, có lý do nào đặc biệt không thưa TS?

Đáp : Thưa anh, thật sự chúng tôi không rõ vì lý do gì khiến cho Ban ĐH chọn 4 thí điểm trên. Nhưng theo thiển ý, có lẽ 4 địa điểm được lựa chọn có nhiều vấn nạn môi trường tương tự và cùng chia xẻ những hệ quả của việc phát triển cao trong những năm gần đây. Những vấn nạn môi trường trước mắt là: 1- Nước mặt ở kinh, mương, sông, hồ đã và đang bị ô nhiễm trần trọng nguyên nhân là do nước thải kỹ nghệ, y tế, và nước thải sinh hoạt gia đình đổ vồn vào. Hệ thống thoát nước chỉ là một hệ thống duy nhất cho 3 loại nước thải trên, do đó nguồn nước mặt bị ô nhiễm hòan toàn; 2- Các xí nghiệp hóa chất phát triển nhanh chóng; 3- Tốc độ phát triển đô thị nhanh làm cho hạ tầng cơ sở không kịp chaỵ theo cùng với các phương tiện giao thông cơ giới làm ô nhiễm bầu khí quyển trầm trọng. Đó là những điễm chung của 4 địa điểm đã được Ban ĐH chọn lựa làm thí điểm.

Hỏi : Trở qua các công tác của Dự án, tiến trình khai triển Dự án như thế nào? Và hiện tại đã hết giai đoạn 1 của dự án, TS nhân xét kết quả của giai đoạn nầy như thế nào?

Đáp : Theo kết quả báo cáo giai đoạn 1 của dưa án, Dự án đã thiết lập một chương trình làm việc rất chi tiết trong đó có chương trình làm việc của các chuyên gia tư vấn quốc tế và trong nước để thảo kế hoạch như: dự thảo tiến độ dự án, cung cấp trang thiết bị cho các Sở TN &MT ở 4 thí điểm, thiết lập mạng lưới thông tin trên điện tóan, thực hiện các báo cáo chuyên môn về an tòan phẩm chất và kiểm soát phẩm chất (QA/QC). Dự án cũng đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo và báo cáo hiện trạng môi trường ở từng khu vực đặc biệt là phẩm chất nguồn nước mặt và mức độ ô nhiễm không khí.

Hội thảo về "Danh sách Chỉ thị môi trường" nhằm mục đích đạt được sự thống nhất quản lý môi trường từ địa phương đến trung ương. Hội thảo "Các Chỉ tiêu lựa chọn Chỉ thị môi trường" để tiến tới một danh mục thống nhất cho các chỉ tiêu lựa chọn. Về đào tạo, Dự án đã thực hiện khoá đào tạo "Mô hình Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng" (DPSIR) để làm căn bản xây dựng các chỉ thị môi trường trong khuôn khổ của dự án.

Hỏi : Qua các thông tin vừa trình bày trên đây, quả thật đây là một Dự án quốc tế nhằm giúp đở Việt Nam cải thiện công cuộc quản lý môi trường quốc gia. TS nhận định hiệu năng của Dự án như thế nào? Có khả năng cải thiện thực sự môi trường ở Việt Nam hay không?

Đáp : Thưa anh. Đây là một bước trợ giúp quốc tế nhằm mục đích cải thiện môi trường Việt Nam trong quảnlý và giải quyết ô nhiễm môi trường. Dù Việt Nam đã có Bộ luật Môi trường từ năm 1994 cùng nhiều bộ luật khác liên quan đến môi trường, nhưng đứng về mặt quản lý, Việt Nam có nhiều điểm yếu về nhân sự chuyên môn và việc thống nhất quản lý. Trong nhiều bài tham luận trên Tạp chí nầy, chúng tôi cũng thường nói đến sự khiếm khuyết. Hy vọng Dự án Thông tin và báo cáo môi trừờng sẽ bắt đầu đưa Việt Nam đi vào nế nếp trong quản lý, và cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" sẽ không còn xảy ra trong tương lai nữa.

Với sự trợ giúp của chính phủ Đan Mạch, chúng tôi cũng hy vọng Việt Nam xem đây là một kỷ nguyên mời trong việc cải tổ môi trường và chuyển đổi não trạng đóng khung trong quan niệm phát triển quốc gia. Phát triển quốc gia cần phải được cân bằng với việc bảo vệ môi trường. Đôi khi cũng phải hy sinh hay chấp nhân làm chậm bớt tiến trình phát triển nếu mức độ phát triển đó làm trở ngại hay gây ra di hại ảnh hưởng lên môi trường.

Quản lý triệt để, dứt khoát không nhân nhượng cũng là một yếu tố quyết định trong công cuộc bảo vệ môi trường. Những mặt tiêu cực như móc ngoặt, tham những, bao che vi phạm v.v... cần phải bị triệt tiêu để đẩy nhanh tiến trình làm sạch môi trường. Tình trạng môi trường ở Việt Nam hiện nay đang trên đà xuống cấp trầm trọng. Báo động về ô nhiễm không khí, nguồn nước mặt, nước ngầm, tình trạng rác gia cư ở các thành phố ngày càng tệ hại hơn. Đây không hẳn là trách nhiệm của lãnh đạo Việt Nam, mà còn là ý thức trách nhiệm của tất cả người dân sống trong xã hôị nữa. Do đó, người dân cần được hướng dẫn căn bản về những công tác bảo vệ môi trường tại những nơi như: nhà ở, khu phố, và các nơi công cộng v.v... Từ đó khái niệm về vệ sinh môi trường sẽ tăng dần và công cuộc bảo vệ môi trường chung ở Việt Nam sẽ được phát triển đồng biến với những bước tăng trưởng của xã hội trong tương lai.

Làm được như thế, Dự án Thông tin và Báo cáo môi trường sẽ là một bước cụ thể ban đầu, là một điểm tích cực để đẩy mạnh việc tẩy rửa không những cho môi trường ở Việt Nam, mà còn tẩy rửa cho những não trạng khô cứng và cổ điển trong quan niệm về phát triển quốc gia nữa.

Đỗ Hiếu: Cám ơn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.