Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Việt Nam đang cố gắng tránh tình trạng hải sản xuất khẩu bị cáo buộc là có dư lượng kháng sinh gây hại cho sức khỏe, vào khi các nước tiêu thụ tiến tới việc kiểm soát 100% những chất độc hại đó trong thuỷ sản nhập khẩu.

Góp ý vấn đề này với người nuôi trồng trong nước là kỹ sư Huỳnh Trung Hạt, hoạt động hơn 30 năm trong kỹ nghệ chế biến thuỷ sản của Hoa Kỳ, từng giảng dạy về kiểm soát chất lượng thuỷ sản ở tại đại học Washington của Mỹ, thành viên Nhóm Cố Vấn Kỹ Thuật Để Phát Triển Ngư Nghiệp Việt Nam.
Trước hết, kỹ sư Huỳnh Trung Hạt nói về mức độ cho phép của chloramphenicol trong tôm hoặc cá.
Kỹ sư Huỳnh Trung Hạt: Việt Nam xuất khẩu tôm sú, cá, thịt cua ghẹ qua các nước. Mức dư lượng chloramphenicol hoặc những kháng chất hoá học sử dụng để ngăn ngừa bệnh khi nuôi thì trước đây được chấp nhận tới 3 phần tỷ, nhưng sau này có khuynh hướng giảm xuống còn chừng 1.3 phần tỷ. Có nghĩa là thị trường Âu Châu, Canada và Mỹ hầu như không muốn có chất đó nữa.
Lý do từ 3 phần tỷ mà xuống tới 1.3 phần tỷ là vì trước đây không có dụng cụ chính xác, nhưng lần lần có dụng cụ tốt hơn và có thể khám phá dư lượng ở mức thấp.
Tóm lại, có thể trong tương lai còn phải xuống nhiều hơn nữa, đến khi nào ngăn chận được tất cả những sản phẩm có chứa những chất ấy vì người ta chỉ sợ rằng người tiêu dùng ăn vào thì sẽ bị ung thư.
Thanh Trúc: Thưa ông kỹ sư Huỳnh Trung Hạt, ông nói để tránh cho tôm cá bị bệnh khi nuôi thì người ta trộn kháng sinh vào thức ăn cho chúng ăn.
Việt Nam xuất khẩu tôm sú, cá, thịt cua ghẹ qua các nước. Mức dư lượng chloramphenicol hoặc những kháng chất hoá học sử dụng để ngăn ngừa bệnh khi nuôi thì trước đây được chấp nhận tới 3 phần tỷ, nhưng sau này có khuynh hướng giảm xuống còn chừng 1.3 phần tỷ. Có nghĩa là thị trường Âu Châu, Canada và Mỹ hầu như không muốn có chất đó nữa.
Thế nhưng khi ông để cập đến những con cua hay ghẹ người ta không nuôi mà đánh bắt trong thiên nhiên thì tại sao trong thịt cua ghẹ cũng có chất kháng sinh?
Kỹ sư Huỳnh Trung Hạt: Câu hỏi này rất quan trọng, đặt ra rất nhiều lần giữa FDA của Hoa Kỳ, FDA Canada và FDA của thị trường chung Âu Châu (FDA là Cơ Quan Kiểm Soát Thực Phẩm Và Dược Phẩm).
Hiện giờ có một vài công ty mua thịt con ghẹ. Nếu người ta không nuôi ghẹ mà bắt ở ngoài biển, thì bây giờ nếu khám phá ra dư lượng Chloramphenicol trên 3 phần tỷ chẳng hạn, tức là mức không được chấp nhận, thì phải được nghĩ là do tự nhiên trong mình con cua hay con ghẹ đã có. Điều này ngay cả FDA cũng không xác nhận được, nhưng khám phá được thì hàng vẫn bị từ chối.
Sau đó người ta mới nghĩ đến chuyện hoặc Chloramphenicol đã có tự nhiên trong hải sản, hoặc là ngư phủ áp dụng khử trùng để giữ cua cá lâu hơn, và trong chất khử trùng đó có kháng sinh như Chloramphenicol.
Hoặc khi người chế biến mang hải sản về, có khi bị những loại có kháng sinh như xà bông, thuốc nhỏ mắt, thúôc sơn móng tay, xâm nhập vào thì thực phẩm thì cũng có tình trạng bị nhiễm kháng sinh.
Thanh Trúc: Là một chuyên gia trong lãnh vực chế biến thuỷ sản thì trước yêu cầu loại bỏ hoàn toàn dư lượng kháng sinh trong tôm, cá, mực và cua ghẹ, ông có lời khuyên như thế nào?
Kỹ sư Huỳnh Trung Hạt: Vấn đề này không phải chỉ phía Việt Nam không mà nói chung tất cả những xứ xuất khẩu cá tôm qua Hoa Kỳ, Canada và Âu Châu đều bị hết.
Chính phủ Việt Nam cũng đã biết và coi như bằng mọi cách để mà ngăn ngừa, không cho sử dụng các chất kháng sinh trong thực phẩm nuôi tôm hoặc nuôi cá. Và trong giai đoạn mang tôm cá từ hồ ao về nhà máy cũng không được sử dụng những chất đó trong nước đá.
Trong suốt thời gian chế biến ở nhà máy thì tất cả nhân viên nhà máy phải dùng găng tay. Xà bong sử dụng để rửa ráy và lau chùi cũng không được chứa kháng chất.
Chính phủ Việt Nam cũng đã biết và coi như bằng mọi cách để mà ngăn ngừa, không cho sử dụng các chất kháng sinh trong thực phẩm nuôi tôm hoặc nuôi cá. Và trong giai đoạn mang tôm cá từ hồ ao về nhà máy cũng không được sử dụng những chất đó trong nước đá. Trong suốt thời gian chế biến ở nhà máy thì tất cả nhân viên nhà máy phải dùng găng tay. Xà bong sử dụng để rửa ráy và lau chùi cũng không được chứa kháng chất.
Riêng về con ghẹ của Việt Nam, hiện xuất khẩu qua thị trường Âu Châu và Mỹ cũng vấp phải tình trạng này. Theo tôi biết thì chính phủ và các nhà chế biến đang bằng mọi cách ngăn ngừa nhưng tôi nghĩ là rất khó bởi lẽ chưa biết chắc chắn rằng cái nguồn kháng sinh do đâu mà ra.
Để giải quyết vấn đề thì hy vọng chính phủ, nhà chế biến, ngư nông dân phải làm sao hợp tác với nhau để nghiên cứu xem nguyên nhân do đâu mà ra. Biết được thì mới ngăn ngừa được.
Thanh Trúc: Thưa ông kỹ sư Huỳnh Trung Hạt, có khía cạnh về vấn để sản xuất thức ăn dành để nuôi tôm cá thì cơ quan nào có thẩm quyền để có thể qui định cho những nhà sản xuất ở trong nước hay ngoài nuớc tuyệt đối không nên trộn kháng sinh trong quá trình chế biến thức ăn cho tôm cá?
Kỹ sư Huỳnh Trung Hạt: Thẩm quyền kiểm soát cũng như ngăn cấm thì không ai khác hơn là chính phủ. Bộ Thuỷ Sản Việt Nam từ năm 2001 tới giờ đã có ra nhiều sắc luật, cấm những người chủ hồ ao mua thực phẩm từ những nguồn nào có sử dụng chất kháng sinh.
Nói tới chuyện cấm nhà nuôi trồng tôm cá mua thực phẩm có kháng sinh thì nếu trong xứ thì mình có quyền, nhưng nếu mua thực phẩm nuôi tôm từ những xứ khác như Đại Hàn, Mỹ hay Chilê chẳng hạn thì chính phủ Việt Nam mình cũng không có quyền đó.
Giả dụ nếu họ mang vào Việt Nam rồi thì khi đó mình mới có quyền yêu cầu và khuyến cáo người mua để ý là những loại thức phẩm nuôi tôm đó không chứa kháng sinh.
Mặt khác bất cứ đã ra luật rồi thì cũng phải có biện pháp để xem người dân có thi hành hay không. Có thể đến hồ ao để lấy mẫu đem đi khám nghiệm, đó là một tốt cách để kiểm tra.
Thanh Trúc: Thưa ngoài Việt Nam đang phải đối phó với vấn đề dư lượng kháng sinh trong hải sản xuất khẩu thì còn nước nào khác gặp tình trạng tương tự?
Kỹ sư Huỳnh Trung Hạt: Thực sự là hầu hết những quốc gia nào xuất khẩu thức phẩm qua Âu Châu và Mỹ đều vấp phải hết. Thí dụ như nói về tôm sú thì Việt Nam, Thái Lan, Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ, tất cả những xứ đó đều có vấn đề chloramphenicol hay những chất kháng sinh khác.
Về vấn đề thịt con ghẹ đóng hộp, những quốc gia nào xuất cảng qua Mỹ và Âu Châu tới giờ phút này cũng có trở ngại y hệt. Đó là Việt Nam, Nam Dương, Ecuador, Trung Quốc.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn kỹ sư Huỳnh Trung Hạt.