Trường Văn, phóng viên đài RFA
Nhiều cuộc hội thảo đã được Hiệp hội Nông Dân Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng nông nghiệp và chính quyền địa phương các tỉnh thành phố liên tiếp tổ chức để bàn các biện pháp giúp đỡ nông dân trong giai đọan sắp tới một khi Việt Nam là thanh viên của WTO.

Nông dân trước ngưỡng cửa WTO
Hai biện pháp chủ yếu được quan tâm là việc thành lập, củng cố các Hợp Tác Xã và thành lập các trang trại. Ý kiến của nông dân về hai vấn đề này như thế nào? Xin mời quý thính giả theo dõi bài tường trình sau đây của Trường Văn.
Không phải người nông dân nào cũng biết hay cũng quan tâm đến việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Một nông dân ở huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre phát biểu:
“Dân ở thôn quê không quan tâm nghe đài việc đó đâu chỉ có một hai người quan tâm vậy thôi. Dân ở đây sáng mở mắt ra đi làm chiều tối về chớ đâu có quan tâm gì đến việc đó.”
Tuy nhiên, một số người có điều kiện để theo dõi thời cuộc thì hy vọng sản phẩm của nông dân sẽ có thị trường rộng rãi hơn: "Tui thấy hễ vô thì sau này mình muốn mua cái gì cũng đầy đủ mà mua và mình muốn bán gì thì cũng có thương trường mà bán dễ hơn không còn bị thương lái ép giá như ngày xưa nữa."
Trang trại và hợp tác xã
Tại một số vùng khác nông dân vẫn còn làm ăn cá thể, không nghĩ gì đến chuyện gia nhập hợp tác xã: "Ở dưới này đâu có vô hợp tác xã, làm nhỏ lẻ làm cá nhân không".
Đối với đề nghị thành lập trang trại thì một nông dân ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng am hiểu tình hình cho rằng cần phải thay đổi luật đất đai mới có thể thực hiện được. Ông giải thích:
“Luật đất đai chỉ cho phép người dân có 3 hecta đất canh tác. Có nhiều hơn nữa sau này nếu có cuộc cải cách ruộng đất thì mất hết sao, hơn nữa nhà nước phải có biện pháp can thiệp vơi ngân hàng cho nông dân vay vốn mới thành lâp được trang trại.”
Luật đất đai chỉ cho phép người dân có 3 hecta đất canh tác. Có nhiều hơn nữa sau này nếu có cuộc cải cách ruộng đất thì mất hết sao, hơn nữa nhà nước phải có biện pháp can thiệp vơi ngân hàng cho nông dân vay vốn mới thành lâp được trang trại.
Tuy nhiên ông đồng tình là cần phải có các trường dạy nghề tại các địa phương để giúp chuyền đổi nộng dân sang lãnh vực công nghiệp:
Cạnh tranh quốc tế
“Cần phải có các trường dạy nghề, các trường trung học, cao đẳng tại các tỉnh. Bây giờ con em phải lên thành phố học, vừa tốn kém, vừa hồi hộp lo sợ con em bị hư hỏng.”
Rút kinh nghiệm của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO, nhà nước Việt Nam cần phải điều chỉnh cơ cấu sản xuất để các sản phâm nông nghiệp có tính cạnh tranh hơn.
Các biện pháp đã được Trung Quốc thực hiện và mang hiệu quả cao là chuyên canh nuôi trồng vào một vùng nhất định, đưa các giống mới có chất lượng cao vào sản xuất, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng và độ an tòan của các sản phẩm nông nghiệp. Nhà nước cũng cần hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới cho nông sản nữa.