Nông dân Việt Nam cần được trợ giúp để hội nhập

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Hơn ba thập niên sau khi Việt Nam thống nhất, khu vực nông nghiệp nông thôn ngày càng tụt hậu so với thành thị. Khoảng cách giàu nghèo giữa hai khu vực này ngày một dãn ra nhiều hơn.

FarmerCow200.jpg
Chiếm hơn 70% dân số, nông dân vẫn là thành phần nghèo khổ nhất trong xã hội Việt Nam. RFA file photo.

Gần đây, nhiều giới chức chính phủ và đại biểu quốc hội thẳng thắn nhận diện vấn đề này. Tuy vậy sự nghèo khổ của nông dân vẫn là một thực tế, trong khi Việt Nam mong muốn nền kinh tế được cất cánh rồng bay.

Vẫn còn quá nghèo

Dự trù ngân sách Nhà nước năm 2008 cho khu vực nông nghiệp nông thôn không thay đổi so với năm 2007, dù rằng từ nhiều năm nay đầu tư cho khu vực vừa nói chỉ chiếm vỏn vẹn một phần mười tổng vốn đầu tư Nhà nứơc.

Cứ một trăm hộ sống ở nông thôn thì 77 hộ là thuần nông, sinh kế là nghề nông, trồng lúa trồng màu, cây ăn quả, nuôi gà vịt, nuôi heo hoặc lên mức nữa là có con trâu con bò. Tỷ lệ này không giảm bao nhiêu so với cách đây 10 năm.

Những số liệu dựa từ nguồn chính thức như vừa trình bày cho thấy rằng hơn 70% dân số Việt Nam sống dựa vào nông nghiệp đã và đang trầy trật với cuộc sống.

Giá lúa năm nay được giá điển hình là vụ Hè Thu vừa thu hoạch xong, nhưng chi phí đầu vào để nhà nông làm ra hạt lúa cũng tăng không kém. Thành ra người làm ruộng không được hưởng lợi nhuận do giá nông sản tăng. Một nhà nông ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long giải bày:

"Không nói đâu xa hai năm trước mình bán lúa 2.600 đ/kg, bây giờ vật giá lên cao mình bán lúa 3.200 hoặc 3.250/kg thì so sánh nó cũng vậy à." Theo số liệu của Uỷ Ban Kinh Tế Quốc Hội, mức tăng GDP tức tổng sản phẩm nội địa của khu vực nông nghiệp năm 2007 chỉ khoảng 3,5%, trong khi lạm phát thực tế khoảng 8,5% hoặc có thể cao hơn nữa trong dịp cuối năm.

Không theo kịp với đà phát triển

Tỷ lệ Lạm phát là từ ngữ của giới chuyên môn, với đại chúng họ hiểu rằng giá cả đời sống đang leo thang, có lẽ họ không tính phần trăm mà chỉ thấy rằng phải xén bớt nhiều thứ chi tiêu vì thu nhập không theo kịp đà tăng giá.

Đối với sự khó khăn của nông dân nói chung và người chăn nuôi nói riêng, mời quí thính giả nghe nhận định của ông Phạm Văn Minh, giám đốc công ty Phú An Sinh TP.HCM chuyên ngành chăn nuôi và giết mổ gia cầm:

“Tăng vật giá 8,5% thì họ phải đối mặt thường xuyên lâu dài cũng như việc tăng giá đầu vào ngành nông nghiệp cũng vậy. Còn tăng giá sản phẩm bán ra thì lại là tăng ngắn hạn và tăng theo thời điểm, chỉ cần một thông tin về dịch bệnh hay thông tin hàng nhập khẩu về ồ ạt, người nông dân chắc chắn là thua lỗ ngay.”

Chi phí nông nghiệp đầu vào có thể kể tới giống má, phân bón thúôc cỏ, thúôc sâu, công lao động, con giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thúôc thú ý kể cả kỹ thuật chăn nuôi . Tất cả những thứ vừa nói liên quan tới nông nghiệp, nông thôn, nông dân hay gọi là tam nông cả về chính sách lẫn thực hiện.

Ngay trong giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng vật giá còn leo thang nhanh hơn, Ông Phạm Văn Minh đưa ra nhận định của mình:

“Nếu trong tình trạng này mà không có sự điều tiết chuyển biến kịp thời thì sắp tới người nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, vật giá vẫn còn tiếp tục leo thang và ngừơi nông dân vẫn gần như gặp bế tắc. Tôi mong có biến chuyển điều tiết mạnh trong ngành nông nghiệp để giúp ngừơi nông dân có thể trụ nổi trong tình hình chung xã hội đang phát triển rất mạnh hiện nay.”

Cần có chính sách hỗ trợ

Theo số liệu năm 2.000 của Bộ NN&PTNT, diện tích đất nông nghiệp ở Việt Nam khoảng 8 triệu hectares và được chia nhỏ thành 75 triệu thửa ruộng. Sự kiện này liên quan tới chính sách đất đai và sự phân bổ xã hội chủ nghĩa.

Ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam, những hộ làm nông chật vật với thửa ruộng nhỏ xíu. Tình trạng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì có dễ thở hơn, như lời một ngừơi làm nông cho biết:

“ Miền Bắc đất không có nhiều mỗi hộ khẩu được 5 hay 6 sào chi phí sẽ cao, còn miền Nam đỡ hơn mỗi hộ cũng được chừng 3 ha, sống được hơn ngoài Bắc.”

Mọi quan chức chính quyền khi được hỏi ý kiến đều nói tới những chủ trương cơ giới hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Điển hình như nhận định của Phó giáo sư tiến sĩ Hồ Trọng Viện chuyên khoa kinh tế chính trị hiện làm việc ở TP.HCM:

“Việt Nam đang có 70% dân số sống ở nông thôn cho nên nông thôn chính là địa bàn để Việt Nam đi lên. Nếu mà quên nông thôn, không quan tâm đến nông nghiệp nông thôn thì Việt Nam không thể nào tiến lên được.”

Tuy vậy không một nhà hoạch định chính sách nào có thể đưa ra một chương trình cụ thể và thực sự hiệu quả, khi mà ruộng đồng bị chia thành 75 triệu mảnh như thực tại.

Đối với vấn đề thay đổi chính sách đất đai, cho phép tích tụ ruộng đất để nông gia có thể làm ăn lớn, bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu hôm 29/10 trên VietnamNet rằng, vấn đề tích tụ ruộng đất sẽ là một quá trình tất yếu nhưng phải diễn ra phù hợp với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Theo lời ông bộ trưởng, phải tạo ra các cơ hội việc làm cho ngừơi nông dân, thu hút lao động từ các khu vực nông thôn chứ không thể đốt cháy giai đoạn tích tụ, trong khi một số bà con nông dân chủ yếu vẫn sống bằng nông nghiệp và thu nhập dựa vào nông nghiệp.

Theo bộ trưởng NN&PTNT, trong điều kiện đó, chính phủ phải hỗ trợ để bà con vẫn có thể sống được trên đồng ruộng của mình.

Quá trình tất yếu và phù hợp như vừa nói sẽ diễn ra trong khoảng thời gian bao lâu, đây là câu hỏi khó có lời giải đáp.