Sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn liền với cơn sốt thị trường chứng khoán Việt Nam


2007.03.09

Việt Long, phóng viên đài RFA

Cơn sốt chứng khoán đang khiến chính phủ còn mới mẻ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng trước những quyết định khó khăn và quan trọng về kinh tế, liên quan đến cả sự nghiệp chính trị của ông. Tiếp đó còn là thanh danh của Việt Nam trong lĩnh vực cải tổ kinh tế hướng theo nền kinh tế thị trường toàn cầu hoá, là ngọn đèn thu hút đầu tư để cạnh tranh vốn đầu tư với các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

StockEconomic150.jpg
AFP PHOTO

Đó là nội dung một bài của ký giả Shown W. Crispin, biên tập viên Đông Nam Á của báo điện tử Asia Times. Việt Long tóm lược ý chính và cùng trình bày với Nhã Trân sau đây.

Đã ký hiệp ước WTO cam kết mở rộng cánh cửa đầu tư và tài chính cho quốc tế, nhưng vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam trong những ngày gần đây khiến giới hữu trách về tài chính trong nước chóng mặt, điên đầu.

Đầu cơ

Một mặt, số ngoại tệ đó có thể làm mất khả năng điều tiết tiền tệ để chống lạm phát hay giảm phát, mặt khác, tiền nước ngoài đổ vào như thác cho mục đích đầu cơ sẽ khuynh đảo và chiếm lĩnh thị trường non trẻ này. Khi đó nền tài chính Việt Nam sẽ phá sản.

Kẻ mạnh vốn có khả năng mua vào bán ra liên tiếp để nâng giá một số cổ phần gọi là ngon ăn. Giá được nâng lên mãi bằng chiến thuật liên tiếp mua vào rồi bán ra với giá cao hơn, cho những tay đầu tư non nghề chạy theo kiếm lời, và quả là kiếm không ít cho đến màn cuối của kế hoạch nham hiểm ấy.

Kẻ đầu cơ cũng vẫn liên tục kiếm lợi nhuận theo cấp số cộng trong suốt tiến trình đó, vì chính họ mua vào rồi lại bán ra cao hơn. Cho tới khi quyết định là cổ phíêu đã ở mức giá tột đỉnh, họ sẽ nhử mồi để tung ra bán hết, trong lúc đám đông vẫn say sưa tranh nhau mua vào.

Một mặt, số ngoại tệ đó có thể làm mất khả năng điều tiết tiền tệ để chống lạm phát hay giảm phát, mặt khác, tiền nước ngoài đổ vào như thác cho mục đích đầu cơ sẽ khuynh đảo và chiếm lĩnh thị trường non trẻ này. Khi đó nền tài chính Việt Nam sẽ phá sản.

Cố mua vào rồi ôm luôn, chết cứng, vì mức cầu giả tạo rớt ầm xuống con số không, khi kẻ đầu cơ ôm tiền lo chuyện khác, cần mua vô chi nữa. Hằng trăm ngàn cổ phần mất hằng chục ngàn phần trăm giá, kéo theo tài sản của bao người chìm vào đáy vực. Bài học này không mới, nhưng vẫn lừa được nhiều nạn nhân trên khắp thế giới.

Nhưng khi Việt Nam hạn chế vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán thì cũng có nghĩa là đổi ý về những cam kết trong hiệp ước gia nhập WTO. Hiện nay người đầu tư nước ngoài chỉ được mua tới 49% trị giá vốn điều lệ của các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, và Nhà nước quyết định chưa nới rộng giới hạn đó.

Việc này đã gây nhiều dị nghị. Giới đầu tư quốc tế cho là Việt Nam đang đi lại vết xe đổ của con đường mở cửa như giả vờ hồi thập niên 1990.

Khi đó Việt Nam rao truyền khắp nơi là quyết tâm mở cửa thị trường, để rồi khi trong nước rộn rã trước những dấu hiệu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường bị coi là kinh tế tư bản, thì giới bảo thủ vội tung ra những biện pháp hạn chế đầu tư. Chủ nhân những món tiền kếch xù từ nước ngoài liền xách va li ra đi, mãi cho đến khi Việt Nam phải quay con tàu trở lại.

Ngày nay, dù nguyên do chỉ là vì hệ thống tài chính của Việt Nam chưa được cải tổ đúng mức để thi đấu trong những luật chơi của kinh tế thị trường toàn cầu hoá, thì tai tiếng về sự mở cửa nửa vời cũng sẽ làm mất nhiều mối đầu tư, trong bối cảnh mọi nước đều phải cạnh tranh cật lực để chiêu dụ đầu tư.

Con ngựa bất kham

Giữa lúc đó thì thị trường chứng khoán đang như con ngựa bất kham thiếu tay nài giỏi, lại dễ gây sụp đổ cho toàn bộ hệ thống tài chính non yếu vốn đã lung lay của Việt Nam. Tác giả Shawn Crispin viết trên báo Asia Times online, cho biết lượng mua bán trên thị trường ngoài luồng, giới chuyên môn gọi là OTC, tức over-the-counter, nhiều gần gấp ba lần thị trường chính thức ở cả hai sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ở sàn HaSTC Hà Nội, số lượng công ty có niêm yết chính thức khoảng 200, trong khi số công ty không niêm yết là 7 ngàn, nhiều cái sinh ra từ các công ty quốc doanh cổ phần hoá và loại công ty do tư nhân sở hữu, chỉ chuyên mua bán cổ phần không chính thức. Hầu hết trái phiếu mua bán ngoài luồng chỉ được báo cho ban quản trị HaSTC vì phải báo cáo, và để thanh toán.

Nhóm từ ngữ “không chính thức” hay “ngoài luồng” vẫn chưa đủ nói lên tính cách nghiêm trọng. Những người môi giới không được cấp phép, được gọi là cò chứng khoán, hoạt động riêng rẽ dưới trướng những người trung gian có phép, là chủ lực trong việc ồ ạt mua đi bán lại những cổ phần ngoài luồng.

Nhóm từ ngữ “không chính thức” hay “ngoài luồng” vẫn chưa đủ nói lên tính cách nghiêm trọng. Những người môi giới không được cấp phép, được gọi là cò chứng khoán, hoạt động riêng rẽ dưới trướng những người trung gian có phép, là chủ lực trong việc ồ ạt mua đi bán lại những cổ phần ngoài luồng.

Thương vụ thường diễn ra trong các quán cà phê. Chứng chỉ hay biên nhận cùng với tìền bạc thanh toán được sắp đặt trong vòng ít ngày sau. Người môi giới hưởng tiền hoa hồng bằng nửa phần trăm lượng giá trao đổi.

Đến nay thì cả làng còn vui vẻ, vì giá còn lên, và đó mới là điều nguy hiểm. Người ta hay quên rằng việc thanh toán trong những thương vụ ngoài luồng không được pháp luật bảo vệ. Nên một khi thị trường chẳng may sụp đổ thì sự lưong thiện của giới cò chứng khoán là cả một vấn đề thử thách khó trả lời, trong tiếng khóc mếu của những tay đầu tư hạng trung trở xuống, vì táng gia bại sản.

Vỡ nợ

Đó mới là phía tư nhân, nhưng tư nhân vỡ nợ thì cả Nhà nước cũng sẽ trắng tay, khi hệ thống ngân hàng phá sản vì đã lỡ dại cho vay vào thị trường chứng khoán. Chính phủ tuy có lệnh cấm các ngân hàng Nhà nước mua bán chứng khoán hay là cho vay vì mục đích đó, nhưng trên thực tế, không ai kiểm soát được những món vay xổi dưới nhiều danh nghĩa khác nhau.

Thời Báo kinh tế Việt Nam cho biết không ai tính được lượng vốn ngân hàng đổ vào thị trường chứng khoán là bao nhiêu. Vốn ngân hàng chạy vào cổ phiếu bằng dịch vụ cho vay qua thẻ tín dụng với lãi súât trên dưới 2% một tháng, và hình thức cho vay tiêu dùng, trích trả bằng lương hoặc cầm cố tài sản. Báo Asia Times cho hay tin từ nội bộ tiết lộ nhiều ngân hàng vẫn đang dồn tiền cho các khách hàng thân thiết vay để mua bán chứng khoán.

Những ngân hàng này vốn đã sẵn ngập những nợ xấu, nếu kẹt thêm một núi nợ xấu nữa cao gấp mấy lần vì thị trường chứng khoán lao xuống dốc, không ai trả được nợ, thì không tránh khỏi điều người ta gọi là khủng hoảng tài chính như châu Á như hồi năm 1997, thực tế là cùng nhau phá sản.

Tình cảnh ấy còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho uy tín quốc tế và quốc nội của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng những sách lụơc canh tân quốc gia của ông.

Những nhà tư vấn quốc tế có quan hệ gần gũi với chính phủ Việt Nam, không muốn nêu tên, nói với báo Asia Times rằng vị Thủ tướng chẳng bao giờ muốn thị trường chứng khoán sụp đổ quá sớm trong nhiệm kỳ còn khá mới mẻ của ông. Ông còn ngỏ ý e ngại ảnh hưởng của sự sụp đổ tài chính như vậy sẽ gây trở ngại lớn cho khả năng huy động cả nước quyết tâm tiến hành công cụôc cải tổ sâu rộng theo kinh tế thị trường.

Uy tín của Thủ tướng Dũng đặt nặng trên khả năng của chính phủ trong việc thực hiện và điều hành những đổi mới kinh tế do hiệp ứơc WTO quy định, trong khi phải duy trì được đà tăng trưởng kinh tế mà không làm chao đảo nền móng kinh tế xã hội đầy mong manh của một nước nghèo. Nhiệm vụ đó còn bao gồm việc tư hữu hoá, hay cổ phần hoá theo cách nói trong nước, hằng trăm doanh nghiệp quốc doanh vô hiệu. Việc này còn có thể gây bất ổn xã hội và chống đối nội bộ, khi nhiều công nhân phải thay đổi chỗ ở.

Nên chậm bước cải tổ lại

Theo báo Asia Times, một số nguồn tin thân cận cho hay trong những cuộc thảo luận trong nội bộ đảng về vấn đề kiểm soát vốn nước ngoài, có ý kiến của một số lãnh đạo thuộc phái bảo thủ là Việt Nam nên chậm bước cải tổ lại vì không còn phải lo chuyện gia nhập WTO.

Khác với khuynh hướng đó là trường phái do Thủ tướng Dũng đứng đầu. Phái này tin tưởng mạnh mẽ rằng đà tăng trưởng kinh tế khả quan hiện nay đang mở ra cơ hội chưa từng có để đẩy mạnh công cuộc cải tổ kiến trúc kinh tế tài chính của quốc gia. Việc cải tổ này bao gồm cả những sách lược nhằm giải hoá hết những tàn dư của nền kinh tế chỉ huy trước đây, là công việc gặp phải nhiều trở ngại về chính trị trong những thời kỳ kinh tế khó khăn.

Liệu có thể giới hạn mức vốn từ nước ngoài cho đến khi cuộc cải tổ thị trường tài chính theo kịp đà phát triển của thị trường ấy hay không? Vấn đề này khó đạt được sự nhất trí của hai trường phái trong thành phần lãnh đạo Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam. Dù những người lãnh đạo quyết định ra sao thì đó cũng sẽ là dấu hiệu cho thị trường quốc tế thấy rõ phương hướng đổi mới kinh tế của Việt Nam.

Giới lãnh đạo Việt Nam phải tránh được cơn sóng khuynh đảo của nguồn vốn nước ngoài, trong khi vẫn giữ được lá cờ hấp dẫn đầu tư ngoại quốc, với quyết tâm đi theo kinh tế thị trường, tiến vào đại dương đầy sóng gió nhưng cũng dồi dào hải sản.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.