Việt Nam họp khẩn cấp tìm biện pháp đề phòng cúm gia cầm tái bùng phát

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp chính phủ ngày 8/8 ở Hà Nội đã chỉ đạo một số biện pháp khẩn cấp đề phòng cúm gia cầm tái bùng phát. Nam Nguyên trình bày thông tin này.

birdflu200.jpg
Nhân viên thú y phun thuốc tiệt trùng vào những con vịt trước khi được chở vào chợ ở Hà Tây. AFP PHOTO.

Đây là cuộc họp phòng chống cúm gia cầm mà ông Nguyễn tấn Dũng chủ trì lần đầu tiên với tư cách thủ tướng. Theo đó người đứng đầu chính phủ yêu cầu các bộ ngành phải phấn đấu tối đa, thực hiện đồng bộ các giải pháp, bằng mọi giá ngăn chặn dịch H5N1 tái phát trên đàn gia cầm cũng như lây cho con người.

Tại cuộc họp khẩn cấp vừa nói, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát xác định rằng Việt Nam đang bị dịch cúm gia cầm bao vây, ông Phát nhắc lại tình trạng dịch bùng phát làm chết người ở Thái Lan, trong khi Cambodia, Lào cũng xảy ra dịch H5N1 trên đàn gà, Trung Quốc bùng phát dịch và phải tiêu huỷ hàng trăm ngàn gia cầm nhiễm bệnh.

Ngoài ra nước bạn Indonesia có nhiều người chết vì nhiễm virus H5N1. Chúng tôi trích phát biểu của ông Hoàng Văn Năm Cục Phó Cục Thú Y về nguy cơ tái dịch H5N1 ở Việt Nam: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Kiểm soát buôn bán, nhập khẩu

Trong ý nghĩa Việt Nam đang bị bao vây bởi dịch cúm gia cầm như vừa nói, một trong các chỉ đạo của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với bộ ngành hữu quan là, kiểm soát chặt việc buôn bán nhập khẩu gia cầm, lập tức ngừng nhập khẩu gia cầm tươi sống của các nước đang có dịch.

Hôm thứ Ba, Trung Quốc xác nhận rằng virus H5N1 đã xuất hiện và làm thiệt mạng một người từ năm 2003. Điều đó cho thấy bệnh cúm gia cầm thực sự đã xảy ra ở Hoa Lục hai năm trước bất kỳ nước nào khác ở châu Á.

Trên thực tế, Việt Nam chưa bao giờ thành công trong việc ngăn chặn gà lậu trứng lậu từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc. Đường biên giới phía bắc tiếp giáp Trung Quốc khá dài và hiểm trở nên con buôn đã vận chuyển lậu gà và trứng bằng đủ mọi phương tiện như ô tô, xe gắn máy, xe đạp qua các đường mòn đường tránh qua lãnh thổ tỉnh Lạng Sơn.

Những vùng buôn lậu nổi tiếng như Bến Lường Hữu Lũng, Kéo Kham Cao Lộc Chi Ma Lộc Bình. Ngoài những phương tiện xe cộ cơ giới, dân buôn lậu còn sử dụng cửu vạn gồng gánh gà lậu trứng lậu bằng đường mòn.

Ngoài Lạng Sơn thì tỉnh Quảng Ninh cũng là nơi dân buôn tấp nập vận chuyển lậu gia cầm và trứng từ Trung Quốc vào Việt Nam, con buôn hoạt động mạnh ở vùng huyện Tiên Yên. Các ngành chức năng ở hai tỉnh vừa nói như quản lý thị trường, công an, hải quan và thú y lực lượng mỏng không thể nào kiểm soát đường biên một cách hiệu quả.

Nhiều vụ chuyển lậu bị phát hiện bắt giữ và tiêu huỷ nhưng đó chỉ là phần nổi của cả một hoạt động đều khắp, khi nào giá cả chênh lệch có lời thì khi đó còn buôn lậu gà và trứng, hiện nay giá gà và trứng bên kia biên giới rẻ chỉ bằng 1/3 giá sản phẩm ở Việt Nam.

BirdFluDuck200.jpg

Không có sự phỏng đoán số lượng gà và trứng nhập lậu thực tế qua biên giới phiá bắc. Tuy nhiên theo các nguồn tin địa phương mỗi tháng trung bình hai tỉnh giáp biên là Lạng Sơn và Quảng Ninh bắt giữ và tiêu huỷ khoảng từ 40 tới 50 tấn gà Trung Quốc còn sống cũng như khoảng từ 130 ngàn tới 150 ngàn quả trứng.

Số lượng gà và trứng đi trót lọt xúông vùng xuôi thì không thể ước tính được. Ngay từ hồi tháng 4 vừa qua, ngành thú y thử nghiệm mẫu huyết thanh của 30 con gà Trung Quốc nhập lậu thì phát hiện một mẫu có virus H5N1.

Gà và trứng Trung Quốc là nguy cơ phát tán virus H5N1 vào môi trường và đàn gia cầm Việt Nam, vì hầu hết gia cầm Trung Quốc ở vùng giáp biên Việt Nam là gà bệnh và thải loại. Do vậy mới có giá rẻ 1/3 so với Việt Nam.

Ngoài chuyện nguy cơ bùng phát dịch H5N1 từ sản phẩm gia cầm nhập lậu, Việt Nam còn phải giải quyết cấp bách một số vấn đề khác như chuyện đàn vịt tự phát lên tới 58 triệu con, dù Nhà nước có lệnh cấm ấp nở vịt con và nuôi mới thuỷ cầm từ năm ngoái và tiếp tục kéo dài đến 28/2/2007.

Đó là chưa kể khoảng 8 triệu con ngan chưa được chích ngừa H5N1 vì chưa có loại vaccine hiệu lực. Tập quán nuôi vịt chạy đồng vẫn tiếp diễn dù đã có lệnh cấm, đây là một vấn đề nhức nhối trong công tác phòng chống dịch tái phát như nhận định của ông Nguyễn Đăng Vang cục trưởng cục chăn nuôi bộ NN&PTNT: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Chủ quan, lơ là

Ngoài những yếu tố như vừa nói, sau 8 tháng không bùng phát dịch cũng như không có người nhiễm cúm A H5N1, người dân Việt Nam trở nên lơ là không còn cảnh giác với dịch cúm H5N1, tình trạng này xảy ra cho cả người chăn nuôi, kinh doanh giết mổ phân phối và đại bộ phận người tiêu dùng cả nước.

Ông Phó cục trưởng thú y Hoàng Văn Năm nhận định: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên) Trở lại phiên họp khẩn cấp của chính phủ ngày 8/8 tại Hà Nội, ông thứ trưởng y tế Trịnh Quân Huấn lập luận rằng nếu không có dịch cúm trên gia cầm thì sẽ không có dịch lây cho người.

Vì thế công tác quan trọng và cấp bách hiện nay là phải giám sát được dịch bệnh trên đàn gia cầm thuỷ cầm cả nước. Cục Thú Y cho biết sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa cúm cho đàn gia cầm vào trung tuần tháng 8 này và cố gắng hoàn tất vào tháng 10.

Trong hai năm 2004, 2005 Việt Nam đã phải tiêu huỷ hơn 40 triệu con gia cầm vì dịch cúm H5N1, sự thiệt hại kinh tế rất lớn nhưng hệ trọng hơn nữa là đã có 42 người tử vong do bị nhiễm virus H5N1.

Bởi vậy, với tư cách dứng đầu chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt lưu ý bộ y tế phải có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn một đại dịch trên con người.

Chỉ đạo đưa ra là phải nhanh chóng khoanh vùng nếu phát hiện bệnh nhân bị nhiễm H5N1, cố gắng để bệnh nhân ở tuyến dưới không chuyển dồn về thành phố làm lây lan dịch. Để làm được việc này, bộ y tế được yêu cầu nhanh chóng cung cấp máy thở và các phương tiện khác cho các bệnh viện huyện.