Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Các giới chức chuyên môn rút tỉa được gì, qua cuộc diễn tập phòng chống đại dịch cúm ở người, được tổ chức hôm 27/11 ở Hà Nội. Tình huống giả định là cụm dân cư 33, Phường Việt Hưng Quận Long Biên bị phát dịch cúm ở người do vi rút cúm gia cầm đột biến.

Khoảng một ngàn người được huy động diễn tập cùng các phương tiện hiện đại như xe đặc chủng diệt khuẩn của quân đội, phòng xét nghiệm lưu động, máy thở, máy hút dịch.
Nam Nguyên phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Viện Trưởng Viện Pasteur Saigon về cuộc diễn tập vừa nói.
Nam Nguyên: Chúng tôi được biết bà có theo dõi trực tiếp cuộc diễn tập chống dịch cúm ở Hà Nội. Xin cho biết có thể rút ra kinh nghiệm gì sau cuộc diễn tập ?
TS. Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây là làm thí điểm trước ở Hà Nội. Người ta rút được kinh nghiệm tổ chức phối hợp tốt, giữa chính quyền thành phố, ngành y tế và quân y cũng như các ban ngành khác…xuống tận y tế cơ sở của cộng đồng…để chuẩn bị ứng phóng dịch cúm với 3 nội dung chính.
Thứ nhất là cách điều hành điều phối tổ chức của các nhà chuyên môn nhà lãnh đạo, kết hợp giữa dân quân y, cũng như là cộng đồng để biết cách điều phối phòng chống lúc dịch xảy ra như thế nào.
Thứ hai là rút ra được cái mô hình bao vây điều tra xử lý khu trú ổ dịch, để phát hiện sớm các ca dịch cúm, để lập tức cách ly xử lý môi trường ngay tại nhà người nhiễm bệnh. Thứ nữa là vấn đề điều trị, tập trung các khu bệnh viện dã chiến, khu tiếp đón ban đầu, khu điều trị bệnh viện lây, cách ly.
Lúc đầu tập trung người bệnh tại một nơi bảo đảm có đủ điều kiện sơ cứu ban đầu, nếu bệnh nặng thì có xe chuyên dụng để chuyển lên tuyến trên hội đủ nhiều phương tiện hơn, chẳng hạn như máy thở hồi sức cấp cứu và thuốc chữa bệnh.
Nam Nguyên: Thưa như thế bà đánh giá thế nào về tính sẵn sàng và sự phối hợp trên thực tế qua cuộc diễn tập chống dịch cúm ở người?
TS. Nguyễn Thị Kim Tiến: Nói chung là vì đã chuẩn bị và có một kịch bản hướng dẫn thống nhất nên cuộc diễn tập rất tốt. Như vậy nó đưa ra một mô hình thống nhất, về mặt đối phó, mặt đề phòng cộng đồng, vừa về mặt điều trị tại bệnh viện lây tại khu dã chiến. Nhờ kết hợp với quân y nên có lều bạt dã chiến sẵn sàng.
Nam Nguyên: Thưa bà cuộc diễn tập chỉ là tình huống giả định, và dù sao mới chỉ là qui mô một cụm dân cư. Giả dụ nhiều nơi cùng bùng phát dịch liệu Việt Nam có đủ khả năng đối phó ? Xin bà cho biết ý kiến.
TS. Nguyễn Thị Kim Tiến: Lúc ấy nơi nào xảy ra thì cũng phải theo mô hình đó thôi. Nhưng theo tôi, giả sử dịch xảy ra với qui mô lớn như vậy thì các bệnh viện của Việt Nam đương nhiên bị quá tải không thể nào đảm đương được. Theo giả định thì 10% dân số tức khoảng 8 triệu rưởi người nhiễm bệnh, vì thế người ta có phương án thực hiện các bệnh viện dã chiến làm nơi tiếp nhận ban đầu. Ngay cả tuyến xã huyện cũng phải tiếp nhận bệnh nhân, thì mới đáp ứng được.
Nam Nguyên: Thưa bệnh viện dã chiến được hiểu như thế nào về mặt chuyên môn?
TS. Nguyễn Thị Kim Tiến: Theo chuyên môn thì bệnh viện dã chiến không thể đầy đủ phương tiện như các bệnh viện chuyên, nhưng ở đó cũng có phương tiện cấp cứu ban đầu, có nơi cách ly bệnh nhân, có điều trị xử lý và chẩn đoán, và phân loại bệnh nặng nhẹ, theo dõi hoặc phải đi cấp cứu ngay. Ngoài ra còn có xử lý tại nhà nữa và điều tra ngay tại hộ gia đình đó để không lây cho người khác.
Nam Nguyên: Thưa bà, Việt nam chưa từng xảy ra đại dịch khiến cho phải cô lập hoàn toàn một khu vực. Hôm diễn tập vấn đề cô lập cách ly được đánh giá như thế nào?
TS. Nguyễn Thị Kim Tiến: Điều này thì là giả định thôi, lúc đó coi như họ có một bộ phận kiểm dịch tại khu vực đó, không ai có thể đi ra mà không qua kiểm dịch. Người bên trong đi ra bên ngoài phải được phun thuốc hết, xử lý quần áo dụng cụ, xe cộ phải phun thúôc sát trùng. Còn đi vào trong đó chỉ có nhân viên y tế thôi.
Nam Nguyên: Thưa bà, giả dụ khi có đại dịch thực tế, cần sự cô lập thì phải có sự hợp tác của người dân. Theo bà người dân có đủ ý thức về vấn đề này?
TS. Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong giai đoạn này thì người dân sợ lắm, cho nên họ phải chấp hành thôi.
Nam Nguyên: Thưa bà Việt Nam chuẩn bị tích cực như vậy, điển hình là cuộc diễn tập vừa qua. Phải chăng đại dịch cúm ở người đã cận kề như lời cảnh báo của nhiều giới chức chính phủ?
TS. Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi nghĩ rằng chả đến mức cận kề như thế, vì theo tôi hiện nay dịch khu trú chủ yếu là gia cầm thôi. Còn nó có lây sang người thì cũng là một số đối tượng chủ yếu là nông dân, những người ở vùng sâu vùng xa, hoặc người dân kiến thức còn thấp, họ tiếp xúc với gà bệnh, họ làm gà bệnh gà chết và sử dụng chúng. Hiện nay ở Việt Nam nhân viên thú y, những người làm trang trại, những người bán gia cầm thì trên thực tế chưa có ai bị mắc bệnh cả.
Nam Nguyên: Cảm ơn bà Nguyễn Thị Kim Tiến Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM.