Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Dịch lở mồm long móng ngày càng lan rộng. Tính đến hôm thứ tư, dịch đã lan tới 38 tỉnh thành của Việt Nam. Một số viên chức địa phương nói là dịch bệnh lan tràn vì người dân thiếu ý thức vệ sinh phòng bệnh. Nhưng về phía Nhà nước thì đã phản ứng ra sao từ lúc bệnh dịch phát khởi?

Tổng số gia súc nhiễm bệnh gồm trên 17 ngàn trâu bò, hơn 18 ngàn con lợn. Số gia súc bị tiêu huỷ là 240 trâu bò và gần 12 ngàn chú heo.
Thiệt hại kinh tế hầu như người dân phải gánh chịu hoàn toàn. Nhà nước ra thông tư cho biết sẽ hỗ trợ 150 ngàn đồng cho mỗi trâu bò phải tiêu huỷ, 50 ngàn đồng cho mỗi lợn dê cừu hươu nai. Nghĩa là giá hỗ trợ bằng với giá bán ra mỗi trâu bò heo chết dịch, nhưng chưa được tới ba phần trăm trị giá con gia súc mà người dân nông thôn thương yêu chăm sóc.
Vì sao từ cả tháng nay mà dịch bệnh phát khởi và vẫn lan tràn nhanh chóng, chưa thể khống chế được? Phần người dân có sự chủ quan hay không? Một cư dân ở Lâm Đồng nói: "Ý thức vệ sinh của người dân có kém, nên bịnh lây lan nhiều."
Về phần Nhà nước, hành động đầu tiên ra sao? "Nhà nước quay hình chiếu TV, dân sợ không dám ăn thịt, chứ không có nói gì về dịch bệnh phải đề phòng như thế nào."
Nghĩa là Nhà nước đã không có những cảnh báo, hướng dẫn đúng mức về vệ sinh ngăn ngừa bịnh lây lan, như thanh tẩy chuồng trại, chích ngừa cho súc vật chưa nhiễm, và săn sóc chữa trị cho con gia súc đã bị bệnh cách nào.
Đến nay, dịch đã lan tràn tới 38 tỉnh, gồm 143 huyện bao gồm 421 xã có dịch lở mồm long móng chưa quá 21 ngày. Chiến dịch ngăn chống dịch mới được tung ra gần đây, quá muộn màng.
Nhưng những biện pháp phòng chống cũng không được phổ biến rộng rãi sâu sát tới người dân ở mọi nơi. Người dân cũng chưa biết sẽ được giúp đỡ như thế nào.
Trước mắt, chậm còn hơn không, ngân sách Trung Ương hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin và kinh phí phòng chống dịch đối với các vùng khống chế, và 50% chi phí này cho vùng đệm, cần tiêm phòng bắt buộc cho gia súc. Lực lượng tham gia chống dịch được bồi dưỡng cho mỗi lần tiêm. Những người tham gia trực tại các chốt kiểm dịch và phun hoá chất khử trùng vùng dịch được giúp tối đa là 50 ngàn đồng mỗi người mỗi ngày thường, tăng gấp đôi vào những ngày lễ và ngày nghỉ.
Đối với những hộ chuyên chăn nuôi thì gia súc là tất cả tài sản vốn liếng sinh sống. Còn với nhà nông, họ thương yêu gia súc không phải chỉ vì chúng là một phần tài sản của họ, mà còn là phương tiện giúp cày bừa sinh sống, và còn có những tình cảm thương yêu với con vật thân quen. Mất nó đi, nhiều gia đình rơi vào cảnh táng gia bại sản, nợ nần lút đầu không ngóc lên được. Người dân nay chỉ còn mong Nhà nước sẽ có chính sách tín dụng rộng rãi cho họ được nhờ, tiếp theo những hoạt động phòng chống muộn màng, vẫn có hy vọng khống chế được dịch.