Việt Hùng, phóng viên đài RFA
"Thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, nhưng nếu cơ quan chuyên trách này cũng lại tham nhũng thì sao", đó là những câu hỏi mà ông cựu Bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Ðình Lộc đã đưa ra trước Quốc Hội phải chăng sẽ là bài toán mà lãnh đạo đảng và nhà nước phải trả lời trước dư luận về tình trạng tham nhũng hiện đang lan tràn tại Việt Nam.

Làm sao chống, chống bằng cách nào trong khi ai cũng biết tham nhũng là quốc nạn và trên con đường hội nhập của Việt Nam đâu là hướng đi để đưa Việt Nam thoát khỏi những nghịch lý đó?
Mời quí vị theo dõi cuộc hội luận do Việt Hùng điều hợp với sự tham dự của nhà báo Ngô Nhân Dụng, từ miền Nam California - Hoa Kỳ và cựu Ðại tá Phạm Quế Dương, sáng lập viên Hội Nhân Dân Ủng Hộ Ðảng & Nhà Nước Chống Tham Nhũng.
Việt Hùng: Tiếp tục cuộc hội luận trong ngoài nước trước sự hội nhập của Việt Nam, thưa ông Ngô Nhân Dụng, dư luận nói nhiều đến tham nhũng, nhiều người chỉ đưa ra những lời chỉ trích, nhưng giải pháp thì không mấy ai bàn đến, ông có ý kiến gì về vấn đề này hay không?
Ngô Nhân Dụng: Tôi đọc báo ở trong nước thấy các vị lãnh đạo nói rất nhiều đến việc chống tham nhũng, thí dụ như ông cựu Bộ trưởng tư pháp Nguyễn Ðình Lộc, ông nói là phải lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, thế rồi ông lại nói rằng, thành lập ra cơ quan chuyên chống tham nhũng rồi nó lại tham nhũng thì sao?
Thế thì chúng ta lại cần phải có một cơ quan giám sát cơ quan chống tham nhũng nữa.
Tôi nghĩ rằng, nếu các nhà lãnh đạo ở Việt Nam muốn chứng tỏ cho dân thấy rằng mình thực tình muốn chống tham nhũng đó thì phải trao cái quyền cho người chuyên trách chống tham nhũng, nhưng người đó phải là người ngoài, nếu mà tìm được, dựng được cơ quan như vậy thì chuyện đầu tiên là người dân sẽ tin hơn là cứ lấy mấy cái ông cứ là bạn bè với nhau, cũng là ràng buộc với nhau từ bao nhiêu năm nay thì lại ra lại bảo chống lẫn nhau thì người ta không tin.
Phải có cơ quan độc lập với đảng cộng sản, độc lập đối với nhà nước thì lúc đó người dân mới tin.
Rồi Ủy Ban chống tham nhũng đó phải nói rõ, nếu những người trong Ủy Ban đó phạm tội thì tội sẽ phải nặng hơn tội những người bị bắt vì tham nhũng.
Nếu đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm chống tham nhũng thì nên bắt đầu lập ra Ủy Ban với rất nhiều quyền hạn, phải mời những người ngoài guồng máy của đảng hiện nay.
Việt Hùng: Qua những trình bày của ông Ngô Nhân Dụng nếu như Ủy Ban đó được thành hình, thưa ông Phạm Quế Dương, mặc dù ông từng là đảng viên, đã trả lại thẻ đảng, nếu trong điều kiện như vậy, cần đến sự hỗ trợ của những người từng có nhiều kinh nghiệm chống tham nhũng thì ông có tham dự vào những Ủy Ban đó hay không?
Phạm Quế Dương: Tôi theo lời kêu gọi của đảng và nhà nước Việt Nam, tôi và Trần Khuê ký văn bản đề nghị xin thành lập Hội Nhân Dân Việt Nam ủng hộ Ðảng và Nhà nước chống tham nhũng, vừa làm đơn gửi đi được mấy ngày đã "rách chuyện" ngay lập tức....
Do đó việc chống tham nhũng của Việt Nam mình trước hết là phải đa nguyên, đa đảng, cái thứ hai là phải có tự do báo chí, cái thứ ba là phải có tự do bầu cử.
Việt Hùng: Trong điều kiện với những điểm ông đưa ra chưa thành hình được và Ủy Ban Chống Tham Nhũng của Quốc Hội có mở rộng với sự tham dự của nhiều thành phần dân tộc, nếu như lời mời như vậy thì ông có tham dự hay không?
Phạm Quế Dương: Thật ra tôi sẵn sàng tham gia thôi, nhưng không có hiệu lực đâu là bởi vì chính những người nắm quyền lực là người ta tham nhũng.
Ngô Nhân Dụng: Tham nhũng ở một quốc gia nó giống như một thứ thuế đánh trên tất cả những người làm ăn. Người ngoại quốc họ đầu tư vào nước mình mà phải đóng tiền hối lộ một cách lén lút thì họ coi cái đó như một thứ thuế, do đó thuế cao thì họ không muốn làm ăn nữa.
Việc đánh thuế bằng cách tham nhũng đó sẽ làm cho người ngoại quốc không muốn đầu tư vào nước mình và việc hội nhập của nước mình với kinh tế vùng cũng như kinh tế thế giới nó sẽ yếu đi. Người dân sẽ bị thiệt vì không có công ăn việc làm.
Có một thành phố ở bên Pháp muốn tặng cho một thành phố ở Việt Nam 100 xe Buýt, xe chở khách. Họ gửi thư cho cái thành phố đó ở Việt Nam là muốn tặng 100 cái xe Buýt, nhưng không ai trả lời, cho đến khi một người Việt Nam ở Pháp mới mách kế cho họ "là mấy người ở bên kia họ không có cần ông cho đâu, tốt nhất các ông nên viết cho họ là muốn bán cho họ, bán với giá rẻ một số xe buýt..." thì lập tức bên Việt Nam có thư trả lời liền. Tại sao như vậy mà lại xảy ra chuyện đó thì người ngoại quốc họ không hiểu nổi thì người Việt Nam này mới bảo rằng, khi nào mà cho thì họ chẳng được hưởng lợi gì, vì khi bán là phải tiền và có giao dịch trả tiền thì họ mới có lợi...
(xin theo dõi toàn bộ cuộc hội luận trong phần âm thanh phía trên)