Tự do Báo chí và Phát triển Kinh tế


2005.08.16

Nguyễn Xuân Nghĩa

Tuần qua, Đại hội lần thứ tám của Hội Nhà báo Việt Nam đã được tổ chức rầm rộ tại Hà Nội, với sự tham dự của giới chức lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, kể cả Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Nhân dịp này Diễn đàn Kinh tế trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về tự do báo chí trong sinh hoạt kinh tế. Tiết mục chuyên đề này sẽ do Nguyễn An thực hiện sau đây:

newspaper150.jpg

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trong tuần qua, Đại hội lần thứ tám của Hội Nhà báo Việt Nam đã được tổ chức tại Hội trường Ba Đình ở Hà Nội. Trên diễn đàn này, ông có nhiều lần phát biểu rằng không thể có kinh tế tự do nếu không có báo chí tự do vì không có thông tin khách quan trung thực, như vậy, ông nghĩ sao về Đại hội vừa qua của giới báo chí trong nước?

Phải “tự cởi trói”

Đáp: Cảm giác chung lúc ban đầu là buồn cười, sau đó là buồn bã. Buồn cười vì Đại hội đã họp kín trong nội bộ qua hai ngày gọi là “trù bị”, sau đó mới có phiên họp chính thức, khai mạc hôm Chủ nhật 13. Thực chất, đây chỉ là một sinh hoạt ồn ào của đảng Cộng sản Việt Nam trong địa hạt báo chí. Buồn bã vì mình chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm cho báo chí và người làm báo đích thực ở nhà.

Cách đây gần 10 năm, một Tổng bí thư của đảng đã kêu gọi giới văn nghệ sĩ phải “tự cởi trói”, trong khi bản thân ông chưa tự cởi được. Giờ đây, giới báo chí cũng chưa thể tự cởi trói. Mà không có tự do báo chí thì chưa thể nói đến phát triển, vì kinh tế chưa thực sự tự do, thông tin chưa thể có mức độ trung thực cần thiết cho thị trường và nhà nước.

Hỏi: Trước khi vào đề tài, ông có thể nêu vài thí dụ về hiện tượng ấy không?

Đáp: Một thí dụ rất xa mà gần mặc dù chẳng liên hệ đến kinh tế là hai tai nạn của tầu ngầm Nga. Cách đây năm năm, tai nạn đã xảy ra mà tin tức bị bịt khiến 118 thủy thủ thiệt mạng. Lần này chính quyền Nga vẫn ém tin nhưng nhờ báo chí tri hô nên bảy thủy thủ ngộ nạn đã được ngoại quốc kịp thời cứu sống.

“Không có dân chủ thì mình chẳng biết những gì đang xảy ra ở dưới… các cơ quan lãnh đạo ở trên chỉ dựa vào thông tin một chiều và tư liệu sai lạc nên khó tránh được chủ quan”.

Một thí dụ rất xa mà gần là trong ba năm, từ 1958 đến 1961, có 30 triệu dân Trung Hoa chết đói vì “Bước nhảy vọt vĩ đại” của Mao Trạch Đông mà bên ngoài không ai biết. So với dân số Hoa lục thời ấy, mùa gặt thảm khốc đó đã giết 6% dân số, tương đương với năm triệu người Việt so với dân số 82 triệu ngày nay, mà vì không có tự do báo chí, chẳng ai biết để có biện pháp cấp cứu.

Sau thảm họa ấy, chính Mao Trạch Đông đã phê phán vào năm 1962, rằng “không có dân chủ thì mình chẳng biết những gì đang xảy ra ở dưới… các cơ quan lãnh đạo ở trên chỉ dựa vào thông tin một chiều và tư liệu sai lạc nên khó tránh được chủ quan”.

Vì vậy, ông ta kết luận, “không thể đạt nhất trí về nhận thức và hành động, nên không thể nhất trí về dân chủ tập trung”. Họ Mao này có quan niệm kỳ đặc về dân chủ, nhưng phải công nhận là lãnh đạo mà thiếu thông tin khách quan trung thực thì sẽ quyết định sai. Lãnh đạo Hà Nội ngày nay vẫn chưa bước ra khỏi bóng rợp của ông ta.

Bóng rợp của Mao Trạch Đông

Hỏi: Chúng ta bắt đầu đi vào đề tài: vì sao ông lại có nhận xét rằng lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa bước ra khỏi bóng rợp của Mao Trạch Đông?

Đáp: Vì báo chí vẫn được quy định cho một nhiệm vụ cơ bản, và tôi xin trích nguyên văn, là “tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước”. Các nước văn minh có loại thông tin ấy, đó là “Công báo”, hoàn toàn biệt lập với truyền thông và báo chí.

Tại Việt Nam, trong Đại hội vừa rồi báo chí còn được ngợi ca là “đã đóng góp vào việc khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần nghiên cứu lý luận, tổng kết thực hiện làm phong phú và cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng trong giai đoạn mới”.

Rồi báo chí còn, và tôi vẫn trích dẫn nguyên văn, “kiên quyết chống mọi âm mưu ‘diễn biến hoà bình’ và những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù nghịch và các phần tử cơ hội, bất mãn, phản động”.

Ngày xưa, cũng với loại lý luận ấy, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc “Cách mạng Văn hóa vô sản Vĩ đại” kéo dài trong 10 năm hắc ám. Ngày nay, ta đã qua thế kỷ 21 rồi mà báo chí tại Việt Nam vẫn bị đóng khung trong loại nhiệm vụ đấu tranh ấy thì mình không buồn sao được?

Chín quy định về đạo đức nghề nghiệp

Hỏi: Nhưng sau hai ngày họp kín, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã biểu quyết ra chín quy định về đạo đức nghề nghiệp và coi đó là một bước tiến cơ mà?

Nội trong chuyện này ta đã có ba sự ngộ nhận. Thứ nhất, danh xưng cho đúng thì không thể là “Hội Nhà báo” mà phải là “Hội những người làm báo cho Đảng và Nhà nước”. Hội Nhà báo Việt Nam không thể tệ vậy vì, ngộ nhận thứ hai, đạo đức nếu có chỉ là “đạo đức cách mạng” theo chỉ thị của Đảng ở điều một, cho riêng người làm báo cho Đảng.

Đáp: Tôi trộm nghĩ là nội trong chuyện này ta đã có ba sự ngộ nhận. Thứ nhất, danh xưng cho đúng thì không thể là “Hội Nhà báo” mà phải là “Hội những người làm báo cho Đảng và Nhà nước”. Hội Nhà báo Việt Nam không thể tệ vậy vì, ngộ nhận thứ hai, đạo đức nếu có chỉ là “đạo đức cách mạng” theo chỉ thị của Đảng ở điều một, cho riêng người làm báo cho Đảng.

Còn lại, và ngộ nhận thứ ba là tám điều kia chẳng liên hệ gì đến nghề nghiệp truyền thông báo chí vì quá tổng quát mơ hồ. Thí dụ: “luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân” có thể là tôn chỉ của hiệp hội công chức nhà nước; hoặc quy định số bốn: “sống lành mạnh, trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật” có thể là tôn chỉ cho mọi người mọi hội, lại trùng lập với quy định số năm, là “gương mẫu chấp hành luật pháp, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội”.

Không hiểu sao, 366 đại biểu thay mặt cho hơn 13.000 nhà báo trong nước lại có thể thông qua một văn kiện như vậy, làm sao nói đến nâng cao dân trí? Tôi không nghĩ rằng nhà báo trong nước lại kém như vậy, chỉ buồn là họ bị trói bởi những người quá kém cỏi.

“Hội Nhà báo” và “Hội những người làm báo cho Đảng và Nhà nước”

Hỏi: Dường như ông vừa gián tiếp phân biệt “Hội Nhà báo” với “Hội những người làm báo cho Đảng và Nhà nước”, vì sao lại có sự phân biệt ấy?

Đáp: Vì yêu cầu gọi là tương tế hay nghề nghiệp, mọi tập thể đều phải có quyền lập hội. Nhân viên các cơ quan ngôn luận của Đảng hay Nhà nước cũng có quyền ấy và minh định chủ trương của mình cho rõ để quần chúng và độc giả phán đoán và chọn lựa. Đồng thời, người làm báo không ăn lương của Đảng hay Nhà nước cũng có quyền lập hội của mình và nếu “thương mại hóa” theo lối giật gân để câu khách thì sẽ mất dần độc giả và thất bại. Yếu tố quyết định ở đây là tính chuyên nghiệp khiến độc giả có thông tin trung thực và cập nhật. Đi xa hơn thế, và vấn đề này có được mấp mé nêu ra bên lề Đại hội, ta đã thấy bật ra một loại chức năng hay ngành nghề khác, đó là kinh doanh về truyền thông. Nếu thực sự đổi mới, Việt Nam phải có Hiệp hội Kinh doanh Báo chí, quy tụ các chủ báo, chủ đầu tư về truyền thông chẳng hạn, biệt lập với Hiệp hội Nhà báo, là giới làm báo chuyên nghiệp.

Trong các nền kinh tế tự do, người ta có quyền bỏ tiền ra kinh doanh về truyền thông để kiếm lời, và muốn thành công thì phải thuê các nhà báo chuyên nghiệp, thường có quan điểm chính trị độc lập với chính mình. Chính các hiệp hội ấy mới tự đặt ra “luật chơi” trong ngành phải cùng tôn trọng mà chẳng cần công an văn hóa hay ban Tư tưởng Trung ương nào vào uốn nắn dạy dỗ.

Tương trợ lẫn nhau

Hỏi: Ông nói đến yêu cầu ông gọi là “tương tế” trong giới làm báo, điều ấy có nghĩa là các nhà báo cũng nên lập hội để tương trợ lẫn nhau phải không?

Đáp: Thưa vâng, nói chung, trong ngành nào cũng vậy. Vì mục đích tương trợ như các phường hội của mọi xã hội tôn trọng quyền dân, người ta phải có quyền tự do lập hội tương tế hay nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi hội viên hay đoàn viên. Hiệp hội Chủ báo có thể tranh đấu về quyền lợi kinh tế hay thuế khóa, Hiệp hội Nhà báo có thể bảo vệ quyền lợi hội viên khi thu niên hay nguyệt liễm và cấp học bổng đào tạo thêm nhà báo chuyên nghiệp cho mai hậu.

Hội Nhà báo tại Việt Nam hiện mới chỉ là một tổ chức ở trên ra chỉ thị cho nhà báo ở dưới chứ chưa có ý niệm gì về quyền lợi tinh thần lẫn vật chất của người làm báo, và còn nín thinh khi nhà báo bị Đảng hay Nhà nước trù giập oan uổng. Đó chỉ là cái đai kim cô trên đầu nhà báo.

Hội Nhà báo tại Việt Nam hiện mới chỉ là một tổ chức ở trên ra chỉ thị cho nhà báo ở dưới chứ chưa có ý niệm gì về quyền lợi tinh thần lẫn vật chất của người làm báo, và còn nín thinh khi nhà báo bị Đảng hay Nhà nước trù giập oan uổng. Đó chỉ là cái đai kim cô trên đầu nhà báo.

Đòi hỏi ở đây là nhà báo phải độc lập về quan điểm với nhà nước hay chủ báo và hiệp hội phải sòng phẳng về thuế vụ và tiền thu góp từ hội viên. Quần chúng, độc giả hay thị trường, kể cả thân chủ quảng cáo, sẽ quyết định về giá trị hay sự tồn tại của các cơ sở ấy mà chẳng cần ai động viên là phải yêu nước, thương dân, hoặc “thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ” như quy định ở điều tám.

Hỏi: Trở lại yêu cầu về kinh tế đối với truyền thông báo chí, ông nghĩ rằng một nền kinh tế thị trường đích thực phải cần một hệ thống truyền thông ra sao?

Đáp: Trên đại thể, ta đã thấy là kinh tế càng tự do thì càng phát triển và mức độ tự do của kinh tế tùy thuộc vào mức tự do và chuyên nghiệp của báo chí, là điều Việt Nam vẫn chưa có trong thực tế. Các nhà báo trong nước đều biết việc ấy khi viết là cứ phải lách.

Nói chung, thị trường và nhà nước cần tín hiệu về lượng và giá để có thể điều chỉnh hoặc ứng phó; không có tự do báo chí thì không có tín hiệu và người dân sẽ mất mạng hay mất tiền oan. Nhưng tự do báo chí cũng có nghĩa là tự do học hỏi để nâng cao trình độ của mình. Trình độ dân chủ của một quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào trình độ dân trí trong đó có trình độ chuyên nghiệp và trách nhiệm của báo chí.

Nếu không hiểu nổi quy luật kinh tế sơ đẳng, báo chí chả thể tường thuật hay phê phán cho dư luận rõ về hậu quả của từng chính sách hay từng biến động trên thị trường, khiến dư luận bị gian thương và chính khách lường gạt mà không biết.

Có tiến bộ

Hỏi: Để kết thúc, ông đánh giá thế nào về nền báo chí hiện tại ở Việt Nam?

Đáp: Tôi nghĩ là đã có đổi thay, từ bóng tối đang bước ra vùng tranh tối tranh sáng, mà càng gần thị trường và càng xa Đảng và Nhà nước thì càng sáng. Nói chung, có hấp dẫn và bổ ích hơn xưa, nhưng chưa đủ chính xác khi đề cập tới loại tin tức quá chuyên môn.

Chúng ta có thể thấy ra điều ấy ngay từ khi đọc đề tựa. Loại đề tựa đầy những hình dung từ rổn rảng, có tính động viên và duy ý chí mà thiếu thực chất là của loại báo chí có nhiệm vụ thổi Đảng và lãnh đạo lên trời. Loại đề tựa úp mở nói đến tệ nạn trong kinh tế và xã hội và dè dặt góp ý về chính sách thì xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Nhưng so với báo chí Đông Nam Á, thậm chí báo chí Trung Quốc, thì vẫn còn thua kém và điều ấy phản ảnh sự thua kém chung của cả xã hội.

Kết luận thì trong ngành đào tạo về báo chí phải có môn kinh tế học nhập môn và trong ngành kinh tế học phải có môn học về truyền thông và thị trường; mà cả hai môn ấy đều khó xuất phát từ Ban tư tưởng văn hóa trung ương hay từ Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.