Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Hơn mười ngày nay trong nước xẩy ra hai sự kiện nổi bật liên quan đến vấn đề thông tin; là qui định mới của chính phủ về việc tiếp cận thông tin trên mạng của người dân, và sự trừng phạt một số báo chí vì đăng tải tin bị chính quyền xem là nhậy cảm. Công luận nghĩ gì về những sự kiện này và có ý kiến ra sao? Nhã Trân trình bày.

Gia tăng kiểm soát internet, báo chí
Hồi tuần rồi dư luận xôn xao trước điều lệ về truy cập mạng được nhà nước ban hành vừa có hiệu lực. Theo qui định mới, các quán cà phê Internet phải tuân thủ những biện pháp giám sát chặt chẽ như kiểm tra giấy chứng minh nhân dân, hoặc ghi nhận những trang Web khách đã truy cập.
Tiếp theo đó, một số tờ báo bị đình bản 1 tháng hoặc xử phạt hành chính với lý do không tuân hành chỉ đạo của chính phủ liên quan vụ in tiền Polymer.
Các qui định kiểm soát được áp dụng dựa trên cơ sở nào? Theo giải thích của nhà nước đó là vì có những tin thuộc loại nhậy cảm, chỉ được truyền tải đến một mức độ nào đó theo chỉ đạo của chính quyền, và lý do thứ hai nhằm kiểm soát những thông tin bị xem là độc hại.
Ngăn chận thông tin Tự do Dân chủ
Thế nhưng, nhiều người cho là lý giải này không vững vì trên thực tế các nguồn thông tin đồi truỵ không bị lưu ý ngăn chặn trong khi những thông tin về dân chủ, tự do thì bị theo dõi gắt gao:
Nhà nước Việt Nam mình lúc nào cũng dùng những từ ngữ mỹ miều nhất, những từ tốt cho người ta. Khi tuyên truyền thì dùng những từ đó, nhưng thực chất ở bên trong thì làm với mục đích khác. Cái đó đâu phải bây giờ mọi người mới biết, mà nó gần như là chủ trương từ lâu rồi, từ hồi nào tới giờ rồi.
“Thực sự nếu nói là kiểm soát mấy cái chương trình về sex thì đâu có kiểm soát được vì ở Việt Nam mấy shop computer nhiều lắm, phải nói rất là nhiều, mà là kiểm soát một số người gọi là chống đối chính phủ, tự do. Có một số người gia nhập những tổ chức bị nhà nước theo dõi, kiểm soát dữ lắm.
Nhà nước Việt Nam mình lúc nào cũng dùng những từ ngữ mỹ miều nhất, những từ tốt cho người ta. Khi tuyên truyền thì dùng những từ đó, nhưng thực chất ở bên trong thì làm với mục đích khác. Cái đó đâu phải bây giờ mọi người mới biết, mà nó gần như là chủ trương từ lâu rồi, từ hồi nào tới giờ rồi.
Về lập luận nói phải kiểm soát gắt gao để giúp dân không bị ảnh hưởng những loại tin rác rưởi, dân chúng cho là họ có đủ trình độ sàng lọc những thông tin vô giá trị mà không cần sự trợ giúp của chính quyền:
“Tuyên truyền như vậy không cần thiết, vì đối với người dân những gì không đúng hay là không cần thiết thì họ đâu có sử dụng. Cho nên nhà nước mình cũng đâu cần ngăn chặn để làm gì”.
Sự thật qua các cuộc nghiên cứu
Trong khi quần chúng suy nghĩ như vậy, nhiều tổ chức quốc tế nghiên cứu về tình hình thông tin và quyền tự do được thông tin, được biết… thường xuyên báo cáo rằng chính phủ Việt Nam sử dụng những biện pháp kiểm soát gắt gao nhằm giới hạn quyền này của công dân.
Phúc trình của Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF về quyền tự do báo chí trên thế giới năm nay cho thấy Việt Nam đứng hạng gần chót, là thứ 155 trong số 168 quốc gia, nghĩa là quyền tự do báo chí của người dân không được tôn trọng.
Báo cáo của OpenNet Initiative (ONI), nhóm nghiên cứu của 4 trường đại học danh tiếng tại Anh, Mỹ và Canada tiết lộ rằng từ năm ngoái đến giờ nhà nước Việt Nam đã tăng cường việc kiểm duyệt môi trường thông tin của quần chúng, cụ thể là việc truy cập Internet và các hoạt động trên mạng như tranh luận, trao đổi, điện thư…
Trước những chính sách nghiêm nhặt mà chính quyền vừa ban hành, người dân nghĩ thế nào? Một sinh viên ngành Quản trị, thường xuyên truy cập mạng và đọc báo hàng ngày, phản đối biện pháp kiểm soát chặt chẽ cũng như quyết định cấm báo chí đưa tin:
“Phải cho tự do chớ. Tự do báo chí, tự do ngôn luận, thì người ta lên Website mới tìm hiểu được những cái hay chớ. Lên Internet, và coi báo, đọc sách vở thì mới biết được ở thế giới bên ngoài có cái gì. Chứ còn không cho biết thì giống như bưng bít sự thật…”.
Phải cho tự do chớ. Tự do báo chí, tự do ngôn luận, thì người ta lên Website mới tìm hiểu được những cái hay chớ. Lên Internet, và coi báo, đọc sách vở thì mới biết được ở thế giới bên ngoài có cái gì. Chứ còn không cho biết thì giống như bưng bít sự thật.
Quốc tế chỉ trích
Quốc tế thì có những phản ứng mạnh mẽ. Tổ chức Ân xá Quốc Tế Amnesty International lên án chính quyền Việt Nam xâm phạm quyền tự do thông tin trong nước qua cách kiểm soát gắt gao việc truy cập Internet, đồng thời sách nhiễu những người đăng tải thông tin lên mạng.
Uỷ Ban Bảo Vệ Ký Giả CPJ cũng lên tiếng phản đối việc Hà Nội trừng phạt báo chí vừa rồi, coi đó là việc phạm quyền tự do thông tin của người dân.
Phản ứng của dư luận?
Vì đâu dân cho là quyền được thông tin và được biết các loại tin tức là quan trọng? Quyền được tự do thông tin từng được Liên Hiệp Quốc tôn vinh và tuyên bố từ năm 1946 là quyền cơ bản của con người, mà cũng là nền tảng cho mọi quyền tự do khác.
Từ khi đó tới giờ, gần 70 quốc gia đã hưởng ứng tuyên cáo, ban hành luật về quyền được thông tin, và trong 4 năm nay đã long trọng tổ chức ngày quốc tế “Quyền được biết” nhằm biểu dương quan điểm.
Có nước còn ra đạo luật thu thập thông tin, cung cấp tin tức cho dân chúng khi có yêu cầu. Quyền được biết, theo các nước này, có những mục đích như nâng cao tầm hiểu biết của con người, giúp xã hội phát triển.
Nhiều người nêu câu hỏi là trong khi những nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Phillipine, và ngay cả những nước thuộc thế giới thứ ba, thường được xem là chưa tiến bằng Việt Nam, như Cộng Hoà Azerbajan ở Trung Á, đã nhìn nhận quyền được thông tin của nhân dân, thì lý do gì Việt Nam một mực ngăn chặn, đè nén người dân về lãnh vực này?
Công luận cho rằng xưa nay nhiều vấn đề bị che dấu, khiến dân có khi không biết rõ về chính sách của nhà nước. Dân chúng khẳng định là việc họ tiếp cận các thông tin, duới bất kỳ hình thức nào, chỉ là thực thi một trong các quyền đã được hiến pháp thừa nhận.