Chuyện dài quà cáp và hối lộ trong dịp Tết

0:00 / 0:00

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Mỗi năm vào dịp mừng Xuân, đón Tết, việc biếu xén quà cáp cho xếp là mối âu lo nặng trĩu của các công nhân, chức việc cấp thấp. Một tập quán tốt đẹp của người Việt từ ngàn xưa là biết ơn ông bà, cha mẹ, bạn bè, người trên, kẻ dưới, đã chăm lo, giúp đỡ mình trong trọn năm qua, nên vào dịp đầu năm, ai nấy đều mua sắm chút ít phẩm vật để đi Tết những người mà mình chịu ơn nghĩa.

NewYearGift200.jpg
Một sạp hàng bán quà Tết ở Hà Nội. AFP PHOTO

Tuy nhiên, ở Việt Nam truyền thống đó ngày nay đã bị lạm dụng triệt để, vì đây là cơ hội thuận tiện để đưa và nhận hối lộ công khai qua hình thức quà Tết.

Các báo nói, việc biếu quà cho xếp là để được lưu ý, nâng đỡ, cất nhắc, do đó, quà được đo bằng tiền tươi, vì cao cấp nhất và được ưa thích nhất là bao lì xì màu đỏ có chứa mấy tờ bạc trăm đô la. Mời qúy vị nghe Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết.

Báo chí kể lại là người dân thấp cổ bé miệng bất bình khi thấy tập quán tốt đẹp đền ơn, đáp nghĩa vào dịp lễ Tết nay bị lợi dụng và khai thác một cách khéo léo. Người nhận quà biếu còn ghi chép lại để biết mỗi cá nhân tặng mình bao nhiêu tiền, món quà gì, để có hình thức đền bù cho họ sau này.

Chuyện khó tránh

Ông Nam, một công nhân làm việc tại khu chế xuất Bình Dương nói với phóng viên đài chúng tôi rằng, việc biếu quà cho cấp trên vào dịp Tết nay đã trở thành một thông lệ và ai nấy đều biết rõ và cố thực hiện để làm hài lòng các xếp. Quà càng có giá trị cao thì người đưa được xem là có tình cảm đậm đà đối với người nhận.

Khi nói lên cảm nghĩ của mình đối với việc chạy tiền lo mua sắm quà biếu cấp trên trong cơ quan, bà Ngọc Xuân ở Chợ Lớn nói, đây là một chuỵên thường tình trong toàn xã hội Việt Nam hiện giờ, và thật là khó tránh khỏi tập tục này, vì chung quanh mình ai nấy đều cũng làm như thế mỗi năm, khi sắp đến Tết nguyên đán. Theo báo chí trong nước thì cuộc tranh đấu bài trừ tệ nạn biếu xén quà cáp cho xếp phải là quyết định và hành động từ phía dân chúng cả nước, bởi vì trong cơ quan, một cá nhân ở trên người này nhưng lại là cấp dưới của nhiều quan chức khác.

Về mặt lý thuyết nếu một bộ trưởng nhất định không nhận quà cáp thì vụ trưởng, trưởng phòng cũng từ chối quà biếu của cấp dưới.

Phong tục tốt đẹp?

Cũng nhân chuỵên người dân Việt quà biếu xếp nhân dịp mừng Tết Đinh Hợi, tin tức từ Trung Quốc cũng nói tới việc một cựu bí thư huyện bên Trung Quốc vừa bị kết án 18 năm tù về tội nhận hối lộ, nhưng ông kháng án, cho rằng tất cả những món quà và tiền đó chỉ là quà Tết theo truyền thống dân tộc Trung Hoa mà thôi.

Ông Lưu Vĩ Đồng bị tòa án kết tội nhận nhiều khoản hối lộ trị giá 2 triệu 700 ngàn Nhân dân tệ từ năm 1999 đến năm 2004, khi ông làm chủ tịch Ủy ban kiêm bí thư chi bộ huyện. Ông đã nhận quà và tiền vào những dịp lễ lạc trong năm, hay khi thân quyến ông có quan, hôn, tang, tế.

Trả lời trước tòa, ông cho rằng đó là phong tục tốt đẹp từ ngàn xưa của dân tộc Hoa, vả lại bản thân ông cũng phải biếu xén quà cáp như vậy lên cấp trên, có khi còn phải dâng nạp xếp nhiều hơn số đã nhận được. Tòa án không chấp nhận lời biện bạch của viên cựu bí thư chi bộ cấp huyện. Lý do là sự chênh lệch quá lớn giữa lương bổng với tài sản của ông, ước lượng trên 3 triệu 600 ngàn nhân dân tệ. Tòa quyết định phạt ông 18 năm tù. Tâm tình của ông cựu bí thư chi bộ đảng ở Trung Quốc xem ra không xa lạ gì với nhiều người ở Việt Nam. Điểm khác biệt là ở Việt Nam chưa ai nêu lên công khai vấn đề đó, khi tệ nạn cấp trên đòi hỏi và chờ đợi cấp dưới "cống nạp" mỗi dịp Xuân về.