Những người khiếu kiện hoặc trả lời phỏng vấn đài RFA bị đe đoạ sẽ khởi tố
2007.08.30
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Điều 69 Híên pháp Việt Nam có quy định công dân được quyền biểu tình. Thế nhưng, trên thực tế, khi các cuộc biểu tình xảy ra thì liền bị chính quyền tìm mọi cách dập tắt. Đơn cử như cuộc biểu tình ôn hoà của dân oan trước văn phòng quốc hội 2 ở Sài Gòn bị cưỡng chế giải tán vào tối 18/7 vừa qua.
Hơn 1 tháng trôi qua, không thấy trường hợp nào được giải quyết thoả đáng như lời hứa hẹn của nhà nước, mà ngược lại, chỉ nghe đến ngày một nhiều hơn những vụ bắt bớ, đàn áp những người tham gia đấu tranh dành công lý.
Có người bị chính quyền ép buộc phải ký giấy cam kết không được khiếu kiện, biểu tình. Có người bị cáo buộc và đe doạ khởi tố về tội gọi là “xách động dân chúng” chỉ vì đã tham gia ký tên vào đơn xin phép biểu tình, hay thậm chí là tội “phản động” vì đã trả lời phỏng vấn đài RFA.
Câu chuyện của 3 dân oan ở quận Bình Thạnh là ông Tiến, bà Hoa, và bà Nhung trong cuộc trao đổi với Trà Mi sau đây, sẽ giúp chúng ta hiểu thêm nỗi thống khổ của bà con bị mất đất, mất nhà, nay lại bị đe doạ tước đoạt cả sự tự do chỉ vì họ đã tham gia biểu tình bày tỏ những nỗi oan ức và đề đạt nguyện vọng với chính phủ. Ông Tiến thuật lại:
Ông Tiến: Hôm qua tại trụ sở công an phường 27 quận Bình Thạnh, họ đưa những công an khác ở thành phố lên làm việc với tôi từ 8:10 đến 11:50h sáng, rồi cho tôi về nhà, đến 2h trưa lên tiếp nói chuyện đến 5:30h chiều mới cho tôi về.
Nội dung xoay quanh vụ việc thầy Thích Quảng Độ cho tiền dân oan, hỏi tôi quen biết bao nhiêu người ở chỗ 210 Võ Thị Sáu, có quen Thu Trang, Thu Duyên hay không và họ đã đưa cho tôi những tài liệu gì. Công an ép tôi vào tội “kích động dân đi khiếu kiện”.
Trà Mi: Họ có trưng ra bằng chứng nào không khi nói rằng ông “kích động dân đi khiếu kiện”?
Ông Tiến: Không đưa ra bằng chứng nào, họ chỉ nói là có tờ đơn xin biểu tình. Đơn xin biểu tình đó do người dân làm, nội dung làm đúng theo điều 69 của Hiến pháp, là chúng tôi xin phép biểu tình, rồi chúng tôi đồng ký tên. Tôi mới trả lời cái này chúng tôi làm là hoàn toàn đúng pháp luật, không có gì là kích động, sai pháp luật hết.
Thì anh công an nói là anh không phải là người cung cấp luật cho mình biết, mà bổn phận người dân phải đi tìm hiểu để biết thôi. Tôi nói rằng “Lúc tôi đi biểu tình anh cũng biết, nếu anh nói người dân đi biểu tình là sai, sao lúc tôi đi anh không chặn tôi lại giải thích là tôi đang làm sai, sao anh không chịu nói, mà để người dân đi xong giờ mấy anh biểu ký giấy cam kết?”
Trà Mi: Khi ông nói ra luận điểm đó thì phản hồi của họ ra sao?
Ông Tiến: Hỏi họ thì họ nói là không sai, nhưng họ hỏi ai làm đơn đó để họ truy ra những người “cầm đầu”.
Trà Mi: Ngoài ra, họ có đưa ra đề nghị hay hăm doạ gì đối với ông hay không?
Ông Tiến: Họ nói chờ chứng cứ đầy đủ họ sẽ truy tố. Và họ nói tôi đã lên mạng, tiếp xúc với báo chí bên ngoài, đó là tiếp tay với bọn xấu. Tôi bức xúc nói rằng “Chính mấy anh mới là bọn xấu. Người ta giúp đỡ tôi, chưa có ai xấu với tôi, còn mấy anh mới là trù dập, sách nhiễu người dân đi khiếu kiện như chúng tôi, tức là mấy anh mới là người xấu.”
Tôi hỏi rằng “Tại sao chống tham nhũng mà người tiêu cực chúng tôi tố cáo mấy anh lại không làm việc, trái lại, mấy anh cứ làm việc, ngăn chặn người dân chúng tôi? Như vậy mấy anh chống tham nhũng chỗ nào? Nhà nước tuyên bố chống tham nhũng tới nơi tới chốn, mà người dân đưa chứng cứ ra mà mấy anh cứ trù dập chúng tôi hoài. Như vậy tôi vô cùng phản đối mấy anh.”
Trà Mi: Đây là lần thứ mấy ông bị chính quyền mời lên làm việc, thưa ông?
Ông Tiến: Đây là lần thứ tư. Trước đó, ngày 14/8, họ làm việc 3 tiếng, hỏi tôi về cuộc phỏng vấn với đài do ai chủ động. Tôi nói tôi chẳng chủ động, nghe người ta gọi, người ta xưng là nhà báo thôi, chúng tôi mừng quá vì ở Việt Nam này không có nhà báo nào đến hỏi thăm, phỏng vấn chúng tôi.
Họ hỏi tôi sao không hỏi báo gì, tôi nói điều đó chúng tôi không cần biết. Họ bảo tôi tiếp xúc với người nước ngoài, bọn xấu, bọn cực đoan, kích động phá rối.
Trà Mi: Như vậy vấn đề họ đặt ra với ông là ông đã trả lời báo đài nước ngoài về vụ việc dân oan khiếu kiện, phải không ạ?
Ông Tiến: Dạ, họ nói tôi tiếp xúc với báo đài nước ngoài là “phản động”. Tôi nói “Không có ai phản động hết, chính mấy anh mới phản động đó, mấy anh chống lại, đi ngược lại dân chúng là mấy anh phản động, chứ tôi không có phản động.”
Họ nói “Anh phải biết là anh tiếp xúc với đài RFA là bọn xấu, lợi dụng việc đó mà đưa vào thêm bớt”. Tôi trả lời rằng “Tôi không biết, chứ nếu tôi biết đó là đài RFA hay RFB gì đó thì tôi còn nói mạnh dạn hơn nữa, vì tôi cung cấp chứng cứ đầy đủ, vì tôi nói thật, việc thật, chứ không hề thêm bớt, hoặc làm gì sai trái hết. Tâm tư, nguyện vọng của tôi là được giải quyết chuyện đất đai hoặc là gửi tới thủ tướng, chính phủ để giải quyết cho tôi thôi, vì tất cả đơn thư của tôi đều bị ém nhẹm.”
Họ bảo là mục đích đó là “chống đối”. Tôi nói “ Tôi hoàn toàn không chống đối. Đài RFA có nói thêm nói bớt gì, anh cứ đưa chứng cứ ra đi, câu nào tôi nói thêm hoặc đài RFA nói thêm, tôi sẽ đích thân phản đối, tố cáo đài RFA. Còn tôi nói đúng thì anh không được quyền cản trở tôi. Cái đó là tự do thông tin theo điều 69 Hiến pháp đã cho phép, chúng tôi không làm sai luật.”
Trà Mi: Và bây giờ xin được hỏi thăm trường hợp của bà Hoa. Bà có thể cho biết bà được cơ quan nào mời lên, làm việc trong bao lâu, và đây là lần thứ mấy bà được mời.
Bà Hoa: Lần này lần thứ nhì rồi, lần thứ nhất cách đây cũng khá lâu, họ cũng mời lên công an phường 21, quận Bình Thạnh. Sáng hôm nay là ngày 29/8, họ mời lên bắt buộc làm giấy cam kết không được đi biểu tình, không được cầm biểu ngữ đi biểu tình vòng vòng ở thành phố Sài Gòn. Họ nói làm như vậy là sai.
Tôi cũng có nói “Nếu tôi đi biểu tình đó các anh cho là sai, thì xin cho tôi được biết tôi phạm điều mấy, khoản mấy của luật, của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, thì tôi mới biết được, chứ tôi là người dân bức xúc thì tôi phải đi kêu lên.”
Trà Mi: Phản hồi của họ ra sao, thưa bà?
Bà Hoa: Thì anh công an nói là anh không phải là người cung cấp luật cho mình biết, mà bổn phận người dân phải đi tìm hiểu để biết thôi. Tôi nói rằng “Lúc tôi đi biểu tình anh cũng biết, nếu anh nói người dân đi biểu tình là sai, sao lúc tôi đi anh không chặn tôi lại giải thích là tôi đang làm sai, sao anh không chịu nói, mà để người dân đi xong giờ mấy anh biểu ký giấy cam kết?”
Trà Mi: Thế rồi cuối cùng bà có ký vào giấy cam kết không đi biểu tình nữa không?
Bà Hoa: Thì bắt buộc mình phải ký, không ký đâu có được đâu?!
Trà Mi: Cảm ơn bà rất nhiều. Và xin mời bà Nhung, trường hợp của bà thế nào ạ?
Bà Nhung: Hôm thứ bảy, 6 giờ rưỡi là công an phường 27 quận Bình Thạnh mời tôi lên. Khi ra đó là có công an thành phố và công an quận xuống tiếp. Làm việc từ 8h sáng đến 12h trưa, chiều từ 2h đến 4h. Nội dung họ hỏi tôi có liên lạc với đài nước ngoài không, có viết thư gửi ra ngoài không.
Họ nói “Anh phải biết là anh tiếp xúc với đài RFA là bọn xấu, lợi dụng việc đó mà đưa vào thêm bớt”. Tôi trả lời rằng “Tôi không biết, chứ nếu tôi biết đó là đài RFA hay RFB gì đó thì tôi còn nói mạnh dạn hơn nữa, vì tôi cung cấp chứng cứ đầy đủ, vì tôi nói thật, việc thật, chứ không hề thêm bớt, hoặc làm gì sai trái hết. Tâm tư, nguyện vọng của tôi là được giải quyết chuyện đất đai hoặc là gửi tới thủ tướng, chính phủ để giải quyết cho tôi thôi, vì tất cả đơn thư của tôi đều bị ém nhẹm.”
Tôi nói “Tôi không biết ai là đài nước ngoài hết. Người ta nói là nhà báo điện lại hỏi thăm tình hình sự thật của tôi thế nào, thì tôi kể ra, chứ tôi đâu có biết ai là báo nước ngoài đâu, do đó, ai phỏng vấn thì sự thật tôi cũng nói hết.” Rồi họ xin số điện thoại của tôi, chắc là để theo dõi. Họ còn hỏi tôi biết lên mạng không, biết vi tính không. Tôi nói tôi không biết mạng là gì, vi tính là gì.
Trà Mi: Ngoài vấn đề trả lời báo đài nước ngoài, họ còn đặt ra những vấn đề nào khác đối với bà nữa hay không?
Bà Nhung: Họ còn hỏi về đơn xin phép biểu tình, ai đứng ra viết. Cái đơn đó ban đầu là 9 người ký. Tôi nói mọi người họp nhau lại, mỗi người có một ý kiến vào, rồi đi đánh máy, ký tên, yêu cầu thủ tướng chính phủ quan tâm, lắng nghe, và xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có vi phạm pháp luật, theo khoản 3, điều 28 của Luật khiếu nại.
Đơn này chúng tôi cũng có gửi cho ông Lê Hồng Anh, ông Phạm Nam Tào, và ông Nguyễn Trí Dũng ở thành phố nữa. Xong vụ cái đơn rồi họ hỏi qua cái áo của tôi mặc. Vì lúc trước tôi đưa băng rôn nội dung là: “Trường học của tôi bị chính quyền đập phá, gây cái chết đứa con, lấy đất kinh doanh không bồi thường, không tái định cư. Yêu cầu thủ tướng cứu dân.”
Kỳ trước ghi băng rôn như vậy, mấy ông không cho ghi băng rôn đưa lên, thì tôi ghi lên áo. Phía trước là tiếng Việt, phía sau là tiếng Anh. Họ nói tôi viết tiếng Anh lên áo vậy là bôi bác. Cái áo đó công an giữ, biểu tôi phải làm giấy giao nộp.
Trà Mi: Trong những ngày gần đây, báo chí Việt Nam có lên tiếng rằng bà con đi khiếu kiện là do bị kích động, bị xúi giục?
Ông Tiến: Chúng tôi không công nhận điều đó, không ai kích động chúng tôi hết, là bản thân chúng tôi tự phát vì quyền lợi của chúng tôi là bị mất nhà, mất cửa, dồn ép chúng tôi bức xúc đến nỗi chúng tôi phải làm những chuyện đó, chứ hoàn toàn không một người nào kích động hết. Chỉ là có vị hoà thượng vì thương dân, thấy dân khổ quá thì đến công khai cho dân tiền để tạm thời ăn uống, sống trong thời gian đó thôi chứ chẳng làm giàu, làm có gì.
Nhà báo thì bưng bít hết. Công an thì lại giựt từng thùng mì của dân, cấm đoán không cho ai ăn uống hết trơn, cái gì cũng không cho, cấm bán đồ ăn cho dân biểu tình. Cái đó là đi ngược lại đạo lý tình người, chẳng những vi phạm pháp luật, mà còn trái lại đạo lý tình người, không thể nào chấp nhận được.
Chúng tôi có trả lời là chúng tôi cầm đầu mà đầu mỗi người mỗi cầm. Tôi đã từng trả lời với công an như vậy. Tôi phản đối không bao giờ, không có ai xúi giục chúng tôi hết. Mất nhà, mất đất thì phải đi khiếu kiện để đòi lại quyền lợi chính đáng của chúng tôi, chứ không có “phản động” gì hết.
Chừng nào chúng tôi lật đổ chính quyền thì chúng tôi mới là phản động. Còn cái này chúng tôi đòi lại quyền lợi chính đáng thì phải trả lại chúng tôi, chứ không phải là lấy câu đó ra đe doạ chúng tôi.
Trà Mi: Dạ thế nhưng có quan điểm cho rằng để đòi hỏi, đấu tranh đi tìm công lý, thì có rất nhiều cách để bày tỏ tư tưởng, nguyện vọng của mình, chứ không nhất thiết phải đi biểu tình gây rối trật tự xã hội. Không biết ý của bà Hoa thế nào?
Bà Hoa: Lúc làm giấy cam kết tôi cũng có ghi trong đó là vì tôi bức xúc tôi mới đi khíêu nại thôi, chứ không ai kích động bao giờ hết, vì nhà cửa của tôi họ lấy mà không đền một đồng nào.
Bạn nghĩ gì về tình hình của người dân khiếu kiện hiện nay? Xin email về Vietweb@rfa.org
Ông Tiến: Chúng tôi đâu có làm gì mà gây rối trật tự xã hội, chúng tôi khiếu kiện ôn hoà đó, đâu có làm cản trở lưu thông hay làm mất an ninh trật tự đâu? Chúng tôi đâu có xúi giục ai đánh lộn hay dấy động lên? Chúng tôi chỉ ra ngồi đó chờ và vô nộp đơn, mấy ông không giải quyết thì chúng tôi về, chứ bản thân chúng tôi chưa có làm cái gì sai trái hết, mà họ cứ gắn vào cái đó để tìm cách dập tắt ngọn lửa khiếu kiện đang bùng phát nữa.
Cũng không biết cách nào hơn, chúng tôi chỉ mong mỏi là tiếng nói của chúng tôi nhờ báo đài, quý vị có lòng thương dân oan thì lên tiếng, giúp đỡ cách nào để công an đừng đàn áp dân nữa, chứ họ làm thế này, dân quá khổ! Đã bức xúc mất nhà, mất cửa, rồi bây giờ, thêm cái tức nữa thì chắc dân không còn có đường sống nổi.
Yêu cầu chuyển đến chính phủ Việt Nam phải có biện pháp nào để công an không trù dập nữa, giống như bài báo của Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, Cục phó Cục an ninh đã nói là: “Có hiện tượng phổ biến rằng cán bộ giải quyết sai trái cho dân, rồi đẩy công an ra để đối đầu với dân. Cách làm này không tốt, không đúng. Công an nhân dân là lực lượng vũ trang, phải biết nên làm những việc gì không mang tính chất dân sự.”
Đó là điều Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu đã nói rõ ràng như vậy, mà công an vẫn còn đàn áp dân.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông Tiến, bà Hoa, bà Nhung đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Vừa rồi là câu chuyện với 3 người khiếu kiện đất đai ở quận Bình Thạnh về sự sách nhiễu, đàn áp mà những dân oan như họ đang gặp phải. Cũng xin thưa thêm cùng quý thính giả là cuộc trao đổi này đã bị gián đoạn giữa chừng, và cách đây vài giờ đồng hồ, chúng tôi được tin cho hay lý do là ngay trong lúc họ đang trả lời phỏng vấn thì công an xuất hiện trước cửa nhà. Những người dân này đoan chắc rằng số điện thoại của họ đã bị theo dõi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật những tin tức liên quan đến vụ việc để gửi đến quý vị trong thời gian sớm nhất có thể.
Các tin, bài liên quan
- Người dân khiếu kiện phản đối cáo buộc của chính quyền
- Trao đổi thư tín với thính già (Ngày 30-8-2007)
- Những ý kiến khác biệt của giới trẻ về “biểu tình” (phần 1)
- Phỏng vấn Thượng tọa Thích Không Tánh về sự việc đã xảy ra khi đi cứu trợ ở Hà Nội
- Dân oan tiếp tục khiếu kiện ở Sài Gòn, Hà Nội
- Báo chí VN tố cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khích động dân chúng khiếu kiện
- Hà Nội thả Thượng tọa Thích Không Tánh và áp giải trở về Sàigòn
- Phỏng vấn Sư cô Thích Nữ Đàm Bình về việc Thượng toạ Thích Không Tánh bị bắt
- Ông Nguyễn Khắc Toàn kể lại sự kiện lúc Thượng toạ Thích Không Tánh bị bắt