Sau khi gặp phản ứng mạnh mẽ, chính phủ đã cho xuất khẩu các hợp đồng đã ký kết trước

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Bối rối giữa chính sách an ninh lương thực và xuất khẩu, chính phủ Việt Nam vừa cho phép tiếp tục thực hiện một số hợp đồng xuất khẩu gạo ký trước ngày có lệnh cấm 12/11/2006. Doanh nghiệp hối hả đưa hàng lên tàu nhưng lệnh cấm đã làm gia tăng chi phí một cách đáng kể. Nam Nguyên tường trình.

RiceTrader200.jpg
Chợ bán gạo ở Ðông Hà, Quảng Trị. hôm 23-10-1997. AFP PHOTO

Phản ứng mạnh mẽ của các nhà xuất khẩu gạo đã được đáp ứng, chính phủ đã giải toả cho thực hiện các hợp đồng xuất khẩu ký kết trước thời điểm ra lệnh ngừng hôm 12/11. Theo báo Người Lao Động thì tổng số gạo thuộc diện này khoảng 116 ngàn tấn, 10 ngày chờ đợi làm cho các doanh nghiệp phải trả thêm cước phí 50 ngàn đô la.

Nếu chính phủ không giải toả lệnh cấm thì các doanh nghiệp sẽ phải bồi thường cho khách hàng theo điều khoản ghi trong hợp đồng. Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám Đốc Công Ty Lâm Sản Kiên Giang cho biết:

“Những hợp đồng ký giao tháng 11, 12 thì phải thực hiện nếu ngừng thì phải họp bàn hai bên cùng thoả thuận...thiên tai chiến tranh thì không phải đền nhưng nếu tự mình ngừng thì bị phạt. Theo thông lệ mức bồi thường khoảng 10% trị giá hợp đồng, nếu hai bên không thoả thuận được.”

An ninh lương thực

Sở dĩ chính phủ ra lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo từ ngày 12/11 vừa qua là lo ngại an ninh lương thực, sau khi dịch rầy nâu hại lúa ảnh hưởng trên 100 ngàn hecta ở các tỉnh phía Nam. Tình trạng thiếu đói có thể xảy ra với các hộ nông dân gặp khó khăn, một bà chủ ruộng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cho biết:

Bên đây năm nay không cho mần vụ ba thiếu lúa ăn vọt giá dữ lắm, dân nghèo không đủ ăn. Tôi làm hai vụ thôi, bên An Giang người ta làm ba vụ…bên đó vụ trước rầy dữ lắm, tôi ngừa trước nên không bị. Khuyến nông bảo phải xạ thưa thôi.

“Bên đây năm nay không cho mần vụ ba thiếu lúa ăn vọt giá dữ lắm, dân nghèo không đủ ăn. Tôi làm hai vụ thôi, bên An Giang người ta làm ba vụ…bên đó vụ trước rầy dữ lắm, tôi ngừa trước nên không bị. Khuyến nông bảo phải xạ thưa thôi.”

Theo Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, trước thời điểm 12/11 chính thức phải dừng xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp tính gộp chung đã ký bán 4 triệu 750 ngàn tấn gạo, và đã thực tế giao hàng khoảng gần 4 triệu 500 ngàn tấn, trị giá hơn 1 tỷ 100 triệu đô la, kể cả hợp đồng chính phủ bán cho các nước lẫn hợp đồng thương mại. Nay xuất thêm 116 ngàn tấn thì vẫn là chưa trọn vẹn các hợp đồng đã ký. Theo tin chúng tôi ghi nhận từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thì có một số hợp đồng đã ký trên nguyên tắc, nhưng chưa chốt giá và có thời hạn giao hàng vào đầu năm 2007.

Sự lúng túng

Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam khẳng định rằng các thành viên của mình còn tồn kho gần 230 ngàn tấn gạo, không phải số 116 ngàn tấn nằm đợi ở cảng mà Bộ Thương Mại vừa cho phép tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Ông Lương Anh Phúc Trợ Lý Tổng Giám Đốc Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam cho biết: "Lượng tồn kho là tương thích, sợ là biến động giá gạo nội địa thôi. Tôi nghĩ là không bao lâu giá cả sẽ ổn định trở lại."

Tờ Thời Báo Kinh Tế Saigon số ra ngày 23/11 cho rằng các bộ ngành của Nhà nước thể hiện sự lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo. Tờ báo dẫn chứng năm 2005, ban đầu hạn chế xuất khẩu 3 triệu 800 ngàn tấn gạo, sau đó cho phép tăng lên 4 triệu tấn.

Thực tế là đến cuối năm lại tăng lên tới 5 triệu 200 ngàn tấn. Tình trạng này đã gây khó khăn rất nhiều cho nhà xuất khẩu, từ việc thương thảo chào giá lại theo các điều kiện mới. Nhiều doanh nghiệp mất mối khách hàng quen thuộc, vì đối tác cảm nhận là làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam có độ rủi ro quá cao.

Các chuyên gia thị trường đặt câu hỏi là chừng như các bộ ngành hữu quan của Việt Nam không biết được một cách xác thực sản lượng lúa thu hoạch thực tế trong các vụ mùa hàng năm và luôn bị động trong chính sách an ninh lương thực cũng như xuất khẩu gạo.