Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Mặc dù Bộ Y Tế cảnh báo nguy cơ tái diễn dịch cúm gia cầm, nhưng người dân Việt Nam ở nhiều nơi tỏ ra xem thường dịch bệnh, thậm chí vừa xảy ra 7 trường hợp nghi nhiễm H5N1 mà bệnh nhân bỏ trốn khỏi các bệnh viện.

Trong ba tháng đầu năm 2005, ở Việt Nam xảy ra 34 trường hợp bệnh nhân nhiễm H5N1 dương tính, tức là xác nhận mắc bệnh cúm gia cầm. Trong số này 15 người tử vong tính đến ngày 3/4. Theo Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương, dịch đã diễn ra tại cả 3 miền Nam Trung Bắc. Nhiều địa phương tưởng như dịch đã bị khống chế, tuy nhiên sau đó lại có bệnh nhân nhiễm bệnh.
Kiểm soát không chặt chẽ
Ngày 30/3 thứ trưởng y tế Trần Chí Liêm tuyên bố ở Hà Nội rằng, nguy cơ tái diễn dịch cúm gia cầm là không tránh khỏi. Ông Liêm cho rằng nhận thức của người dân và điều kiện chăn nuôi còn hạn chế, ngoài ra ở nhiều địa phương chưa tổ chức được mạng lưới giám sát.
Trong khi đó Cục Trưởng Y Tế Dự Phòng Trịnh Quân Huấn tuyên bố với báo giới rằng, những ca lây bệnh cúm H5N1 cho người gần đây đều liên quan đến kiểm soát dịch gia cầm không chặt chẽ.
Trường hợp gây chú ý là cả 5 người trong một gia đình ở vùng từng có dịch là xã Hưng Đạo Kiến Thụy Hải Phòng cùng bị lây bệnh và xác nhận dương tính H5N1.
Nhập viện từ 21/3 nhưng 5 người thuộc gia đình ông bà Vũ Văn Sơn đã lành bệnh và xuất viện hôm thứ Hai 4/4 theo lời Bác Sĩ Đào Trọng Đạo, trưởng phòng hành chánh Bệnh Viện Việt Tiệp Hải Phòng cho biết: "Gia đình anh Vũ Văn Sơn đã xuất viện rồi…xuất viện hôm thứ hai."
Bệnh nhân... trốn viện
Tuy vậy theo báo Tiền Phong Điện tử, kể cả gia đình ông Vũ Văn Sơn vừa nói, vừa Bệnh Viện Việt Tiệp điều trị cách ly 12 bệnh nhân nghi nhiễm cúm H5N1, nhưng trong số này có tới 5 người đã trốn khỏi bệnh viện.
Các bệnh nhân bỏ trốn là do ý thức của họ chưa tốt, chứ bệnh viện hoàn toàn miễn phí đối với các trường hợp nghi nhiễm H5N1…
Ngày 1/4 gia đình ông Phạm Văn Tường gồm 2 vợ chồng và hai người con, ngụ ở xã Trung Nghĩa Huyện Kiến Thụy Hải Phòng tự đến bệnh viện Việt Tiệp, với các triệu chứng giống cúm, bác sĩ nghi ngờ nhiễm cúm H5N1 nên yêu cầu ở lại bệnh viện để điều trị và chờ xét nghiệm. Nhưng cả 4 người gia đình ông Tường đã trốn khỏi bệnh viện trong buổi chiều.
Một ca khác cũng xảy ra trong ngày 1 /4, cháu Đồng Văn Chung 14 tuổi cũng ngụ tại huyện có dịch là Kiến Thụy, được trung tâm cấp cứu 5 đưa vào Bệnh Viện Việt Tiệp vì nghi nhiễm H5N1. Cháu Chung cũng trốn khỏi bệnh viện trong ngày.
Như vậy ở Việt Tiệp, sau khi gia đình Vũ Văn Sơn xuất viện chỉ còn 2 bệnh nhân nghi nhiễm H5N1 đang còn. Báo Tiền Phong cho rằng Bệnh Viện Việt Tiệp Hải Phòng chưa tổ chức tốt khoa phòng điều trị cách ly đặc biệt, nên bệnh nhân ra vào thỏai mái và dễ dàng bỏ trốn. Trả lời chúng tôi về vấn đề này bác sĩ Đào Trọng Đạo giới chức bệnh viện Việt Tiệp phát biểu:
"Khoa lây nhiễm bệnh viện chúng tôi đang trong thời gian sửa chữa toàn bộ, khoa gồm 3 tầng nên khi sửa chữa xong thì mới có một khu vực cách ly hoàn toàn …vừa qua vị trí khoa lây chúng tôi đang là vị trí sơ tán …nhưng chúng tôi vẫn có hai phòng cách ly cho bệnh nhân H5N1…để cách ly toàn bộ một khu vực thì vì hiện nay đang sơ tán, nên chưa chặt chẽ được.
Không được thông tin đầy đủ
Các bệnh nhân bỏ trốn là do ý thức của họ chưa tốt, chứ bệnh viện hoàn toàn miễn phí đối với các trường hợp nghi nhiễm H5N1…"
Ở ngoài Bắc ở những vùng xa tận đẩu tận đâu…người ta mới vậy… mới trốn viện mà về… chứ Saigon này cảnh giác lắm… nói tới gà là lắc đầu quầy quậy…chẳng ai ăn…dù siêu thị có bán lọai gà đông lạnh trong bao bì.
Theo thông tin từ Việt Nam, tình hình ở Quảng Bình đã khả quan hơn, ngoài một ca tử vong của cháu gái 13 tuổi ở Châu Hoá Tuyên Hoá, bệnh nhi Hoàng Trọng Dương 5 tuổi em ruột của nạn nhân, đã vượt hiểm nghèo và bình phục.
Tiến sĩ Bùi Đức Phú giới chức bệnh viện Trung Ương Huế xác nhận là cháu Dương đã xuất viện sau 23 ngày điều trị. Hiện bệnh viện vẫn còn một ca nghi nhiễm cúm gà chưa có kết quả xét nghiệm.
Tuy vậy, có hai bệnh nhân cũng từ Quảng Bình nhưng khác huyện, đã bỏ trốn khi được chuyển tới bệnh viện trung ương Huế hồi cuối tháng 3. Theo nguồn tin địa phương hai bệnh nhân vừa nói cho biết họ không có tiền để chi phí điều trị, và cũng không ai cho biết là họ có được miễn phí hay không.
Sự khác nhau
Câu chuyện về ý thức của người dân Việt Nam, được dẫn giải khác nhau. Có vẻ như ở các thành phố lớn như TP.HCM, cư dân được thông tin nhanh và đầy đủ hơn và tỏ ra thận trọng hơn như phát biểu của một bà nội trợ ở Saigon:
"Ở ngoài Bắc ở những vùng xa tận đẩu tận đâu…người ta mới vậy… mới trốn viện mà về… chứ Saigon này cảnh giác lắm… nói tới gà là lắc đầu quầy quậy…chẳng ai ăn…dù siêu thị có bán lọai gà đông lạnh trong bao bì."
Tuy những trường hợp lây nhiễm H5N1 gần đây thường xảy ra cho một số nhóm người cùng gia đình, cùng thôn cùng xã hay cùng huyện. Nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO nhận định rằng, chưa có bằng chứng virus lây lan dễ dàng giữa người và người.
Tuy nhiên WHO nói việc họ cần được chia sẻ thông tin nhanh chóng và chính xác, là một sự kiện hết sức quan trọng. Điều tra toàn diện mọi nhóm nhiễm bệnh cúm H5N1, đặc biệt là các trường hợp cả gia đình mắc bệnh, Y Tế Thế Giới cho rằng, sẽ giúp các chuyên gia có thể xác định sự thay đổi có thể có của vi rút H5N1, và từ đó đánh giá đúng mức về nguy cơ một đại dịch cúm toàn cầu.