Nhóm bạn trẻ H.A.T. và các hoạt động từ thiện
2006.11.01
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Ở xã hội Việt Nam ngày nay, có một số ý kiến cho rằng lớp thanh niên trẻ bây giờ chỉ biết kiếm tiền và vui chơi, ít có quan tâm đến các hoạt động xã hội. Ngay ở Sàigòn, hàng ngày, chúng ta thường thấy nhiều bạn trẻ ngoài giờ làm việc, học tập thì dành hết thời gian còn lại ở các quán cà phê, các tiệm internet hay ở các nhà hàng, các vũ trường.
Thế nhưng, gần 4 năm qua, có một nhóm hoạt động xã hội rất âm thầm, mang tên Heart and Team Work, viết tắt là H.A.T., qui tụ các bạn trẻ, tuổi từ 25 đến ngoài 30, ở ngay tại thành phố HCM, chuyên đi đến các vùng sâu, vùng xa, các trường khuyết tật để khám bệnh, phát thuốc, cùng những vật dụng cụ thể trong đời sống cho các đồng bào nghèo khổ. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần hôm nay xin dành để nói về nhóm HAT này.
Ý định ban đầu
Theo lời anh Thái Thanh Tùng, người đại diện nhóm, hiện đang làm điều dưỡng tại bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, vào tháng giêng năm 2003, khi còn đang theo học tại trường Đào Tạo Điều Dưỡng Y Tế, anh cùng một số bạn khác được giao nhiệm vụ mang máy điếc cho các em khuyết tật ở trường Vi Nhân ở Buôn Mê Thuột.
Khi đến nơi, thấy cả trường hơn 100 em nhỏ câm điếc không có đủ áo ấm để mặc. Trời lạnh, em nào cũng co ro trong bộ quần áo vá tả tơi. Sau chuyến công tác lần đầu tiên ấy, anh và các bạn đi cùng nảy ra ý định kêu gọi các bạn trong lớp mỗi người đóng góp một ít để mua cho mỗi em một chiếc áo len. Từ đó, nhóm H.A.T. được hình thành, anh kể lại:
“Tụi em chỉ tính thu tiền cho đủ mua áo len thôi, chứ không nghĩ thành lập một nhóm từ thiện…Nhưng một số các bạn hỏi là sau trường này thì có thu tiền mua cái gì cho một trường khác hay không? Chính vì thế, tụi em lại có ý tưởng đi hỏi thăm một trường khuyết tật khác và tụi em vận động tiền của bạn bè và lúc đầu chỉ là mua quà.
Nhưng vì tụi em làm việc ở các bệnh viện nhiều, tụi em có quen biết các anh chị bác sĩ, nên sang năm thứ hai, tụi em chính thức làm thêm một hoạt động trong nhóm nữa là khám bệnh và phát thuốc, tụi em mở rộng hoạt động, tìm những xã nào nghèo và khó khăn quá, mà bệnh tật hơi nhiều thì tụi em kết hợp với điạ phương và vận động tiền để cho những chuyến khám bệnh và phát thuốc ở những xã nghèo.”
Tụi em chỉ tính thu tiền cho đủ mua áo len thôi, chứ không nghĩ thành lập một nhóm từ thiện…Nhưng một số các bạn hỏi là sau trường này thì có thu tiền mua cái gì cho một trường khác hay không? Chính vì thế, tụi em lại có ý tưởng đi hỏi thăm một trường khuyết tật khác và tụi em vận động tiền của bạn bè và lúc đầu chỉ là mua quà.
Lúc đầu, việc quyên góp tương đối dễ dàng nhưng vì nhu cầu phục vụ ngày càng nhiều nên nhóm H.A.T cần có thêm lực lượng “hậu cần”, có nghĩa là chuyên đi vận động xin tiền từ các nhà hảo tâm. Cũng theo lời anh Tùng, trong suốt gần 4 năm qua, nhóm HAT đã tổ chức hơn 60 chuyến đi khám bệnh, phát thuốc, quà cho đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa, nhất là các vùng ở Tây Nguyên và miền Đồng Bằng Sông Cửu Long. Khi hỏi thăm nhóm có được sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức nào hay không, anh cho hay:
“Một chuyến nếu tính khám bệnh, phát thuốc và phát quà thì kinh phí hơi lớn, khoảng 35 đến 38 triệu là chuyến đó nhiều nhất, còn những chuyến thăm hỏi hay tặng quà cho trẻ em khuyết tật thì ít, chỉ 5 hay 10 triệu.
Tụi em không thuộc một phòng ban nào hết, nên kinh phí là đi vận động từng người, bạn bè quen biết thôi…cho nên hơi cực vì phải vận động từng người quen, mình có một plan cụ thể rồi đi nói chuyện với người quen…mỗi người góp một ít và chi phí tụi em hoàn toàn tự túc, không có một tổ chức nào ủng hộ tụi em hết.. Tụi em chỉ là một nhóm cá nhân họp lại.”
“Hậu cần”
Cô Lê Hoàng Anh, hiện là trưởng phòng hồi sức bệnh viện Nhi Đồng 1, người cùng với anh Thái Thanh Tùng thành lập nhóm HAT, hiện phụ trách về mảng “hậu cần” cho biết thêm về hoạt động của nhóm: “Tụi em tranh thủ thời gian rảnh, dự trù cho project mình sắp làm thì tụi em chia phần cho nhau. Em là hậu cần có nghĩa là đi vận động tiền, và chỗ nào cần thiết bị y tế, thuốc men, thì em đi mua…”
Được biết, tuy làm việc nghĩa như thế, nhưng cô và các bạn cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc vận động để chuẩn bị cho một chuyến đi. Cô nói:
“Tụi em cũng gặp khó khăn, nhất là khi mình đi quyên tiền, có ân nhân thì đồng ý cho mình, có nhiều khi họ không biết mình là ai nên mình cũng khó mà nói chuyện, vì tụi em thành lập nhóm này là tự túc, không thuộc một tổ chức nào hết. Sau khi tụi em đi rồi, tuị em xin nơi tụi em đến ký nhận dùm cho tụi em những gì đã cho người dân ở đó.
Nhiều khi tụi em tới phường hay xã mà tụi em cảm thấy người dân rất nghèo, khi tụi em tới làm việc hết mình nhưng chính quyền địa phương họ làm vì thành tích của họ nên cũng buồn. Bên cạnh những chuyện đó, tụi em cảm thấy vui vì được chia xẻ những hạnh phúc với bà con nghèo ở vùng xa, vùng sâu.”
Tụi em cũng gặp khó khăn, nhất là khi mình đi quyên tiền, có ân nhân thì đồng ý cho mình, có nhiều khi họ không biết mình là ai nên mình cũng khó mà nói chuyện, vì tụi em thành lập nhóm này là tự túc, không thuộc một tổ chức nào hết. Sau khi tụi em đi rồi, tuị em xin nơi tụi em đến ký nhận dùm cho tụi em những gì đã cho người dân ở đó.
Riêng bạn trẻ Mỹ Chi, chủ nhân một công ty chuyên bán hàng thủ công mỹ nghệ ở đường Nguyễn Du, quận 1, thì cho biết rằng, cô biết đến nhóm HAT rất tình cờ. Cô kể lại:
“Chắc là cũng có duyên, lúc trước em làm cho một tổ chức về chương trình bạn trẻ em đường phố. Khi trẻ bên em bệnh, em qua bệnh viện để nhờ giảm viện phí, thì tình cờ biết được nhóm này và gặp anh Tùng. Sau đó, em mới nhờ nhóm này đến phát thuốc và khám bệnh cho bên em.
Em thấy nhóm làm việc hay vì bên anh Tùng đi xin từng đồng bạc cắc góp lại. Em hay nói đuà ở trong nhóm là mình đang bán uy tín của mình để xin tiền. Người ta bán uy tín để mua một cái gì đó, để có một khoản tiền, còn tụi em bán uy tín để đi làm công tác xã hội. Vì người ta không biết H.A.T là ai cả, người ta ủng hộ là vì người ta tin mình thôi.”
Sau một thời gian hoạt động chung với nhóm HAT, Mỹ Chi lập tức tình nguyện tham gia vào mảng “hậu cần”, ngoài giờ làm việc, cô chuyên đi vận động hỗ trợ cho các chuyến công tác. Khi hỏi thăm cô có gặp khó khăn gì không, cô cho hay: “Có chứ! Em nghĩ là chuyện đó bình thường thôi. Em chỉ tâm niệm một điều là mình cố gắng làm sao nhận đồng tiền từ người cho thì đem đến tận cho người nhận, mình tạo uy tín, cái việc làm của mình đúng thì tự nhiên sẽ có người ủng hộ. Cũng có nhiều lần em bị từ chối nhưng em không lấy làm buồn.
Có một lần em nhờ một người vận động gia đình của bạn đó, thì khi em đến gặp chú của bạn đó. Chú đó cho em 50 ngàn và nói là “ Chú cho thì cho thôi, vì chú cũng không biết nó có tới nơi hay không nữa.!”
Em tự ái lắm chứ, nhưng mà em nghĩ là người ta có quyền nghĩ như vậy vì HAT không thuộc một tổ chức nào hết, chỉ là nhóm của những người trẻ tự nguyện thôi. Từ xưa đến giờ, người ta chỉ quen nhìn người trẻ với cặp mắt là: Ăn chưa no, lo chưa tới, hay một hình thức nào đó, chưa tin tưởng.”
Tinh thần tự nguyện
Một bạn trẻ khác, tên Đạt, người chuyên lo đi tìm nguồn thuốc thì cho hay rằng: “Sau khi có dịp đi các vùng Tây Nguyên và ĐBSCL thì thấy đồng bào mình còn nghèo khổ quá. Càng đi nhiều chuyến thì càng thấy thấm thía, càng muốn giúp nhiều hơn nữa và tự nguyện với lòng của mình sẽ đi, đi mãi tới khi nào không còn đi được nữa thì thôi.”
Ngoài ra, anh cũng cho biết về việc vận động xin thuốc tây: “Từ nhiều nguồn, bất cứ một nguồn nào có thiện chí cho mình hay họ có mục đích cho đồng bào vùng sâu, vùng xa thì Đạt nhận hết, một viên thuốc cũng đi tới nơi nhận. Sau khi nhận thuốc về mình lọc lại, thuốc nào chuyến này cần đi, thuốc nào không cần đi, còn thiếu thì lấy tiền ra mua để phù hợp với tình trạng ở từng điạ phương đó.”
Qua nhiều người bạn công tác bên ngành y tế. Tôi thấy nhóm này làm việc rất nhiệt tình. Bất cứ chuyện gì cũng đưa đến tận tay, chứ không qua trung gian, thấy nơi nào cần thì đứng ra vận động rồi đem đến tận nơi, chứ không qua người nào hết. Tôi nhận thấy nhóm này tốt nên tôi đã nhận lời đi với nhóm này. Công việc chính của tôi là tham gia khám bệnh.
Vì là tự nguyện dấn thân và không thuộc một cơ quan nào cả nên mỗi khi đi một nơi nào đó, nhóm HAT phải nhờ đến một cơ quan chủ quản đứng ra chịu trách nhiệm, anh nói: “Tụi này đi vẫn phải nhờ một đơn vị chủ quản đứng ra chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, chứ không có giấy tờ thì không làm được gì cả. Đơn vị chủ quản là Quĩ Từ Thiện TPHCM, mỗi lần đi tụi em đều phải thông qua, xin phép, trên danh nghĩa thôi, còn tụi em tự vận động.”
Một thành viên khác, đã có mặt trong suốt gần 3 năm qua, chị Thuý, hiện là y sĩ của Trung Tâm Y Tế, quận 7, cho biết rằng: “Qua nhiều người bạn công tác bên ngành y tế. Tôi thấy nhóm này làm việc rất nhiệt tình. Bất cứ chuyện gì cũng đưa đến tận tay, chứ không qua trung gian, thấy nơi nào cần thì đứng ra vận động rồi đem đến tận nơi, chứ không qua người nào hết. Tôi nhận thấy nhóm này tốt nên tôi đã nhận lời đi với nhóm này. Công việc chính của tôi là tham gia khám bệnh.”
Từ ngày thành lập cho đến nay, nhóm HAT đã qui tụ được hơn 30 thành viên. Mỗi khi có một ai đó cho biết ở một nơi xa xôi nào đó cần sự giúp đỡ, thì lập tức, HAT cử một vài người đi tiền trạm, đến tìm hiểu thực tế nhu cầu cần thiết, nhất là nghiên cứu địa phương đó bị bệnh gì và cần thuốc men gì nhiều nhất. Sau đó, nhóm lên kế hoạch và mời các bác sĩ chuyên khoa tham gia.
Mỗi chuyến đi như thế ít nhất có từ 5 cho đến 15 bác sĩ đi cùng. Về kinh phí thì tất cả những ai tham gia đều tự túc tiền xe và tiền ăn dọc đường. Cứ thế, suốt gần 3 năm qua, nhóm HAT đã hoạt động không ngừng nghỉ cho đến ngày hôm nay. Trở lại với Thái Thanh Tùng, được hỏi vì sao anh lại có ý tưởng thành lập nhóm HAT, anh nói: “Có lẽ lần đầu tiên được tiếp xúc trực tiếp với các em trẻ khuyết tật ở Buôn Mê Thuột nghèo quá. Trước đây, ở nhà, em chỉ thấy hô hào vận động, không thấy cụ thể lắm nên không có nhiệt huyết lắm, nhưng khi đi gặp trực tiếp thấy họ nghèo quá, nghèo hơn mức mình tưởng, ngheò hơn mức mình nghĩ…Động lực chính là em có được cơ hội đi tới nơi đó.”
Còn Lê Hoàng Anh, người cùng đứng ra kêu gọi bạn bè tham gia nhóm HAT thì ước mơ: “Em ước gì em làm được nhiều tiền để chia xẻ với mọi người. Đó là điều ước mong của tụi em, và có nhiều ân nhân ủng hộ tụi em hết lòng.”
Giữa thời buổi kinh tế thị trường, việc làm của nhóm bạn trẻ H.A.T thật đáng khuyến khích. Bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, các thành viên của nhóm hăng say hoạt động để phần nào xoa dịu những nỗi khó khăn cơ cực của người dân khốn khổ ở những nơi xa xôi hẻo lánh.
Điều đáng quí hơn cả là tuy còn trẻ nhưng họ biết hy sinh thời giờ và tiền bạc, biết đem niềm vui cho người khác, phải không thưa quí vị và các bạn? Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Những hạn chế về vấn đề học tiếng Anh ở Việt Nam
- Trung tâm La Strada - nơi giúp đỡ nạn nhân bị buôn người ở Ba Lan
- Báo chí Việt Nam và chuyện bên lề cuộc thi Hoa hậu Thế giới
- Thực trạng trẻ em lang thang trên đường phố VN
- Những ưu tư của phụ huynh và nhà giáo trong việc dạy học sinh trước khi vào lớp Một
- Nhóm “The Friends” và dòng nhạc cổ điển Việt Nam
- Sư cô Minh Tú, người nuôi dưỡng các em mồ côi ở chùa Đức Sơn – Huế
- Lớp tiếng Việt của Hội Giáo Dục Trẻ Em vùng Hoa Thịnh Đốn
- Lạm dụng tình dục ở trẻ em