Lê Dân, phóng viên đài RFA
Hôm thứ Tư, tổ chức bảo vệ Nhân quyền Human Rights Watch công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền tòan cầu trong năm qua. Hầu như mọi sự vi phạm các quyền cơ bản của con người đều bị nêu lên, dù là ở Hoa Kỳ, Anh Quốc hay Miến Điện. Lê Dân lược thuật những điểm chính của bản phúc trình và phần liên quan đến Việt Nam.

Ngay trong phần dẫn nhập của bản phúc trình dày 532 trang của tổ chức Human Rights Watch, giám đốc Kenneth Roth khẳng định rằng " chống khủng bố là trọng tâm của việc bảo vệ nhân quyền. Nhưng sử dụng những phương thức bất hợp pháp đối với những nghi can khủng bố thì vừa sai, mà lại còn phản tác dụng".
Ông Kenneth Roth trong cuộc họp báo chiều thứ Tư ngay tại Washington sau khi công bố bản phúc trình đã khẳng định.
Chiêu bài "chống khủng bố"
Các phương thức bất hợp pháp mà ông nhắc tới chẳng hạn như việc tra tấn và ngược đãi tù nhân, sẽ khiến bọn khủng bố được thương xót, cảm thông hơn và do đó dễ tuyển mộ thêm người hơn. Ngoài ra nó còn làm sút giảm sự ủng hộ của công luận đối với cuộc chiến chống khủng bố và khiến ngày càng có thêm nhiều nghi can bị giam giữ mà không xét xử được theo pháp luật.
Phần mở đầu này tổ chức Human Rights Watch nhắm thẳng vào Hoa Kỳ, nói đúng hơn là vào chính quyền Bush. Các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ là Anh và Canada cũng thiếu tôn trọng nhân quyền bằng cách né tránh các quy tắc quốc tế bảo vệ quyền con người. Anh chỉ cần vài lời cam kết là trao các nghi can cho những nhà cầm quyền nổi tiếng tra tấn tàn bạo. Canada thì đang góp phần vào việc hủy bỏ một công ước mới hình thành đặt các vụ mất tích bí mật ra ngoài vòng luật pháp.
Nhiều quốc gia khác cũng sử dụng chiêu bài "chống khủng bố" để tấn công những đối thủ chính trị, gọi họ là "bọn khủng bố Hồi giáo". Trong số đó nổi cộm nhất là Nga, Uzbekistan và Trung Quốc.
Về Việt Nam, chúng tôi đã ghi nhận trong năm qua những vụ đàn áp người Thượng Tây nguyên. Thêm vào đó, Việt Nam còn giới hạn các quyền tự do hội họp, tự do báo chí, tự do thu thập thông tin qua internet.
Nhiều nước đang phát triển tham gia
Bản phúc trình của tổ chức Human Rights Watch cho là trong năm qua, nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền đã không còn được các nước lớn phương Tây lãnh ngọn cờ đầu, nhưng nhiều nước đang phát triển đã tham gia mạnh mẽ hơn.
Điển hình như Ấn Độ đã quyết định đình chỉ mọi hình thức viện trợ quân sự cho Nêpal sau khi nhà vua phế bỏ chính phủ dân cử. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN đã buộc Miến Điện từ bỏ chức chủ tịch luân phiên vì các thành tích vi phạm nhân quyền của Rangoon.
Mêxicô chủ động thuyết phục Liên Hiệp Quốc tiếp tục chức vụ của phúc trình viên đặc biệt bảo vệ nhân quyền trong chiến dịch chống khủng bố. Kyrgyzstan bất chấp áp lực mạnh mẽ của Uzbekistan để cứu 443 người chạy trốn khỏi cuộc tàn sát ở Andijan và Rumanie đã cho số người đó tạm trú.....
Về phần Việt Nam
Riêng phần nhận xét về Việt Nam của tổ chức Human Rights Watch chiếm từ trang 318 đến 323 của bản phúc trình 2006. Khởi đầu, tổ chức này viết rằng "Trong khi chờ xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, chính phủ Việt Nam đã có một số biện pháp nhằm đối phó với những quan ngại của quốc tế về thành tích vi phạm nhân quyền.
Nhà cầm quyền trả tự do cho một vài tù nhân tôn giáo và chính trị, chính thức đặt ra ngoài vòng pháp luật việc ép buộc người dân chối bỏ niềm tin, đồng thời cho công bố sách trắng để biện hộ về thành tích nhân quyền của mình".
Bất chấp các hành động đó, việc nhà cầm quyền Việt Nam không cho người dân hưởng các quyền con người cơ bản hầu như vẫn không thay đổi trong năm 2005. Nhà chức trách vẫn tiếp tục sách nhiễu tín đồ của các tổ chức tôn giáo độc lập, thiết lập và siết chặt sự kiểm soát mạng tin học Internet và báo chí, giam cầm những người chỉ vì niềm tin hoặc chính kiến của họ.
Trong cuộc phỏng vấn giành cho đài Á châu Tự do, bà Veena Siddharth, giám đốc Vận động Á châu của Human Rights Watch, nói về trường hợp cá biệt của Việt Nam:
Thật là ngạc nhiên khi thấy chính phủ Việt Nam khéo léo, một mặt thì tỏ ra mình là một nền kinh tế đang lên, nhưng đồng thời lại đàn áp ngay mọi hoạt động không đi cùng hướng với nhà nước. Do đó trong hướng tới, tổ chức Human Rights Watch cảnh giác các nhà đầu tư và viện trợ cho Việt Nam về tình hình nhân quyền thiếu tôn trọng tại đây.
“Về Việt Nam, chúng tôi đã ghi nhận trong năm qua những vụ đàn áp người Thượng Tây nguyên. Thêm vào đó, Việt Nam còn giới hạn các quyền tự do hội họp, tự do báo chí, tự do thu thập thông tin qua internet.”
Những quan ngại
Tại trang 323 của bản phúc trình viết rằng Nhóm Tư vấn các nhà Tài trợ cho Việt Nam có khoảng 50 tổ chức và quốc gia, trong năm qua đã cam kết viện trợ 3 tỷ 400 triệu đôla, tức nhiều hơn năm 2004 một cách đáng kể.
Các nhà tài trợ này tuy quan tâm đến việc phát triển kinh tế và xóa giảm đói nghèo tại Việt Nam, nhưng họ cũng không ngừng bày tỏ quan ngại về những việc các nhân vật bất đồng chính kiến bị giam cầm, các quyền tự do tôn giáo và ngôn luận bị giới hạn....
Bà Veena Siddharth, giám đốc Vận động Á châu của Human Rights Watch, nói: "Thật là ngạc nhiên khi thấy chính phủ Việt Nam khéo léo, một mặt thì tỏ ra mình là một nền kinh tế đang lên, nhưng đồng thời lại đàn áp ngay mọi hoạt động không đi cùng hướng với nhà nước. Do đó trong hướng tới, tổ chức Human Rights Watch cảnh giác các nhà đầu tư và viện trợ cho Việt Nam về tình hình nhân quyền thiếu tôn trọng tại đây."
Quý thính giả muốn xem nguyên bản phúc trình Nhân quyền năm 2006 của tổ chức Human Rights Watch xin truy cập vào trang web hrw.org, hoặc vào trang tìm kiếm Google, đánh chữ "human rights watch" sẽ được giới thiệu đến một số trang web liên quan.
Lê Dân tường thuật từ Washington.
Thông tin trên mạng:
- Human Right Overview – Vietnam
- The Human Rights Watch World Report 2006