Hà Nội và Sài Gòn bị ô nhiễm không khí hàng đầu Châu Á

0:00 / 0:00

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Báo cáo mới nhất của Phòng Phát triển Bền vững của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP tại Việt Nam cho biết một vài thành phố của Việt Nam có mức ô nhiễm bụi hàng đầu châu Á. Nhã Trân tìm hiểu thêm chi tiết và trình bày.

SaigonBuilding150.jpg
Cùng với đà phát triển kinh tế, môi trường sống tại Sài Gòn và Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng nề. AFP PHOTO.

Mật độ bụi cao nhất châu lục

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc hôm 26 tháng 10 công bố trên toàn cầu bản báo cáo mới nhất về hiện trạng bầu khí quyển, đất đai, nước và đa dạng sinh học trên thế giới trong vòng 20 năm qua.

Trong cùng ngày, báo chí trong nước đưa tin Phòng Phát triển Bền vững của UNDP Việt Nam, có trụ sở ở Hà Nội, cho biết theo báo cáo Hà Nội và TP HCM có mật độ bụi thuộc hàng cao nhất châu lục, chỉ sau Bắc Kinh và Thượng Hải.

Theo cùng một nguồn tin, Trung tâm quan trắc và thông tin môi trường, Cục Bảo vệ Môi trường, cũng thừa nhận rằng ô nhiễm bụi là một vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam.

Được soạn thảo bởi gần 400 khoa học gia nhiều lãnh vực, báo cáo này được kể là một trong những phúc trình đầy đủ nhất của Liên Hiệp Quốc về vấn đề môi sinh.

Từ những năm gần đây vấn đề ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đã được biết đến qua các nghiên cứu, phúc trình của các tổ chức về môi sinh thế giới mà Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc là một, và qua nhiều phản ánh của quần chúng.

Sự ô nhiễm không khí nói riêng, ở Hà Nội và Sài Gòn, hai thành phố lớn nhất của cả nước, thỉnh thoảng lại được cảnh báo bởi giới thẩm quyền Việt Nam cũng như giới truyền thông trong ngoài nước.

Báo chí trong nước đưa tin rằng bà Nguyễn Ngọc Lý, Trưởng phòng Phát triển Bền vững của UNDP tại Việt Nam, chia sẻ là vào năm 1995, khi đang phụ trách chương trình quản lý môi trường ở Sài Gòn, bà từng mong rằng làm cách nào để thành phố này không trở thành một Bangkok, nói về khía cạnh ô nhiễm. Thế nhưng, không ngờ rằng chỉ hơn một thập niên sau, TP HCM đã gần bằng thủ đô của Thái Lan.

Ý kiến người Sài Gòn, Hà Nội

Nhằm kiểm chứng mức ô nhiễm hiện giờ ở hai nơi này và cũng để biết ý kiến của người dân, chúng tôi trao đổi với một vài cư dân địa phương. Từ thủ đô, ông Linh, một giáo viên cấp 3, phân tích sự ô nhiễm ở Hà Nội, kéo dài đã nhiều năm nay:

“Ở Hà Nội chỉ có khu phố cổ là còn sạch. Còn mấy khu vực khác thì bụi kinh khủng. Nhiều chiếc xe chở đất cát để rơi vương vãi. Bởi vậy ra đường phải đeo khẩu trang để tự bảo vệ.”

Rời đường dây nối kết Hà thành, chúng tôi liên lạc với trung tâm kinh tế của cả nước và được ông Tuấn, một doanh nhân ngành xuất bản ở TP HCM, cho biết Sài Gòn ngày càng ô nhiễm hơn:

“Sài Gòn bây giờ ô nhiễm lắm. Lúc nào cũng bụi. Lúc nào cũng khói. Ra đường là phải mang khẩu trang, bịt miệng lại, trông chán lắm nhưng nếu không mang thì chắc chịu không nổi.”

Ô nhiễm bụi và khói trong không khí tại nhiều thành phố của Việt không những chỉ gây ra bởi giao thông mà còn phải kể là từ khí thải công nghiệp. Kể từ khi phát triển kinh tế, sinh thái của nhiều khu vực trong nước, nhất là những nơi tập trung các khu công nghiệp, ngày càng xuống dốc vì ô nhiễm trầm trọng.

Đã từ lâu các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng ô nhiễm môi trường gây nhiều di hại. Các chuyên gia về môi sinh không ngừng cảnh báo là ô nhiễm môi trường tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của một quốc gia trên nhiều phương diện, trong đó đáng quan ngại nhất là sức khoẻ quần chúng.

Trong một bản phân tích về ảnh hưởng của môi trường đối với sức khoẻ của con người, đưa ra hồi tháng 6 năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố rằng hàng năm Việt Nam có hơn 6 ngàn người tử vong vì ô nhiễm không khí bên ngoài và trên 10 ngàn vì ô nhiễm không khí trong nhà. Nhiều báo cáo y tế của Việt Nam cũng ghi nhận mỗi năm cả nước có đến ngàn ca bệnh về đường hô hấp mà khói bụi là thủ phạm.

Y học xác nhận rằng bụi và khói là những nhân tố chính gây nên nhiều loại bệnh, trong đó có các bệnh về hô hấp. Nguời cư dân Sài Gòn được hỏi cho biết tình hình cũng như suy nghĩ cá nhân về tác động của ô nhiễm môi sinh đến con người, nói riêng về mặt sức khoẻ:

“Mắt thì cay, miệng thì đắng. Việt Nam bây giờ tỉ lệ ung thư rất là nhiều. Các bệnh về phổi rất nhiều. Bệnh viện nào cũng đông.”

Trước khi nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc được công bố năm nay, một hội nghị về môi trường, tổ chức ở Thuỵ Sĩ hồi năm ngoái, từng đưa ra đánh giá về chỉ số môi trường bền vững của các nước. Theo bảng xếp hạng, Việt Nam bị liệt vào nước có môi trường tệ nhất, tính trong 8 quốc gia Đông Nam Á.

Tiếng nói ngành hữu quan

Chính phủ Việt Nam lâu nay cũng nhận thức được tình trạng ô nhiễm của đất nước. Nguyên Bộ trưởng Môi trường-Tài nguyên Mai Ái Trực, trong một cuộc phỏng vấn trứơc đây với đài Á Châu Tự Do, xác nhận môi trường ở Việt Nam có dấu hiệu bị ô nhiễm và cho rằng:

“Đây là một vấn đề quan trọng và chính phủ cũng đã bố trí nguồn lực thực hiện bảo vệ môi trường. Người dân ngày càng quan tâm và thấy rõ cái lợi ích của môi trường, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở đó chứ chưa ý thức được bản thân mình cần phải làm gì để đóng góp cho việc bảo vệ môi trường. Chúng tôi luôn quan tâm đến việc nâng cao ý thức của người dân trong công tác này.”

Trả lời phóng viên Nam Nguyên đài Á Châu Tự Do tháng trứơc, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, chuyên gia môi trường ở TP HCM, cho rằng ý thức về bảo vệ môi sinh là một trong những nhân tố giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường hiện giờ:

“Dù sao Việt Nam mới phát triển mười mấy năm thôi. Nhiều người cũng hiểu biết được vấn đề môi trường nhưng thực tế quá chậm so với tốc độ phát triển kinh tế. Sức ép về bảo vệ môi trường và nhận thức của người dân thì nay đã nhanh hơn trước rất nhiều. Sự hiểu biết nhiều hơn về mặt môi trường sẽ giúp cho môi trường của Việt Nam không đến nỗi...”

Ông Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Thông tin Môi trường, Cục Bảo vệ Môi trường, mới đây nói môi trường có thể được bảo vệ bởi những việc rất nhỏ nhưng có tác dụng giảm lượng bụi bốc lên.

Cải thiện môi sinh ở Hà Nội và Sài Gòn, nói riêng trường hợp này là giảm mức độ ô nhiễm không khí gây ra do bụi - khói, đã được giới thẩm quyền lưu tâm. Mục tiêu có đạt được và đạt mau chóng đến mức nào có lẽ còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quyết tâm của cả chính quyền lẫn công chúng nói chung.

Dựa vào các cảnh báo khoa học hoàn cầu, có lẽ không quá đáng nếu nói rằng thất bại trong việc bảo vệ môi trường tại Hà Nội và Sài Gòn, hay nói chung tại các thành phố lớn của cả nứơc, là thất bại trong việc ngăn ngừa hậu quả về nhiều mặt, nhất là mặt sức khoẻ, mà người dân phải gánh chịu cho đến nhiều thế hệ sau.