Nhận xét của WHO về kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm tại Việt Nam


2005.09.22

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Tiếp theo chương trình thí điểm được thực hiện ở hai tỉnh Tiền Giang và Nam Định, Việt Nam đã cho tiến hành đại trà công tác vaccine phòng chống cúm gia cầm. Qua các buổi phát thanh trước, Ban Việt Ngữ chúng tôi đã gửi đến quý thính giả phát biểu của một số viên chức chính phủ về chương trình đang được thực hiện.

HansTroedsson150.jpg
Tiến Sĩ Hans Troedsson, trưởng văn phòng đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). AFP PHOTO

Hôm nay, từ Hà Nội, Tiến Sĩ Hans Troedsson, trưởng văn phòng đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) dành cho Ban Việt Ngữ chúng tôi cuộc phỏng vấn để trình bày quan điểm và nhận xét của Tổ Chức với chương trình vaccine và những kế hoạch phòng chống dịch bệnh đang được thực hiện tại Việt Nam. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.

Chương trình tiêm phòng vaccine

Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ đánh giá thế nào về chương trình tiêm phòng vaccine cho gia cầm đang được thực hiện tại Việt Nam?

Tiến Sĩ Hans Troedsson: Chương trình tiêm phòng vaccine cho gia cầm mà chính phủ Việt Nam vừa bắt đầu thực hiện là một bước tiến đầy tích cực và rất quan trọng. Quan trọng vì chương trình sẽ giúp giảm tối đa môi trường phát triển của dịch bệnh giữa các đàn gia cầm, và điều đó sẽ làm giảm bớt hẳn môi trường lây bệnh từ gia cầm sang cho người.

Đây là chương trình mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới chúng tôi đánh giá cao, nhiệt liệt ủng hộ và chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực mà chính phủ Việt Nam đang thực hiện.

Đây là một công tác đầy khó khăn, không phải chỉ riêng ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, vì hầu như gia đình nông dân nào ở Đông Nam Á cũng có một đàn gia cầm nuôi trong nhà, nên công tác phòng chống trở nên khó khăn hơn.

Nguyễn Khanh: Với cái nhìn của một chuyên gia, tiêm phòng vaccine cho gia cầm có phải là giải pháp hay nhất không?

Tiến Sĩ Hans Troedsson: Đây chỉ là một trong những giải pháp được thực hiện nằm trong khuôn khổ của kế hoạch dài hạn cần làm để phòng chống dịch, chứ không phải là giải pháp duy nhất. Chúng ta cần phải biết là không có một giải pháp nào là giải pháp kỳ diệu có thể diệt trừ hết cúm gia cầm ngay được.

Muốn diệt trừ bệnh, chúng ta phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau và phải hiểu là các công tác này đòi hỏi thời gian. Giải pháp ngắn hạn là tiêu hủy tất cả gia cầm bị bệnh và chính phủ Việt Nam đã làm điều đó cũng như vẫn tiếp tục làm mỗi khi phát hiện có ổ dịch mới, để bệnh không lan tràn đến những đàn gia cầm khác hoặc lây sang cho người.

Giải pháp trung hạn là thực hiện đại trà chương trình tiêm phòng vaccine cho gia cầm ở mức toàn quốc, và chương trình dài hạn mà Việt Nam và các nước khác trong khu vực phải nhắm đến là làm sao tất cả đàn gia cầm được nuôi đều khỏe mạnh, không bị nhiễm vi rút, sản phẩm gia cầm khi đến tay dân chúng phải hội đủ mọi điều kiện an toàn thực phẩm.

Đây là một công tác đầy khó khăn, không phải chỉ riêng ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, vì hầu như gia đình nông dân nào ở Đông Nam Á cũng có một đàn gia cầm nuôi trong nhà, nên công tác phòng chống trở nên khó khăn hơn.

Thịt gia cầm đã chích vaccine

Nguyễn Khanh: Điều mọi người đang thắc mắc là gia cầm sau khi chích vaccine có ăn được không? Tôi hỏi câu này vì hình như hiện đang có một số quốc gia thí dụ như EU hay Hoa Kỳ cấm nhập khẩu thịt gia cầm đã chích vaccine.

Tiến Sĩ Hans Troedsson: Theo khuyến cáo mà các chuyên gia của FAO đưa ra thì trong vòng 28 ngày tính từ khi được chích ngừa, không ăn thịt được. Sau thời gian đó thì không có một bằng chứng khoa học nào nói là bị nguy hiểm cả. Nói cách khác, chúng ta có thể ăn thịt gia cầm 1 tháng sau ngày gia cầm được chích ngừa.

Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ cũng rõ ở Việt Nam, mùa lạnh đang bắt đầu kéo đến. Liệu tình trạng thời tiết trong những tuần tới có ảnh hưởng đến chương trình tiêm vaccine cho gia cầm không?

Tiến Sĩ Hans Troedsson: Đó chính là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi phải hoàn tất chương trình trong thời hạn càng sớm càng tốt, vì chúng tôi e ngại có thể một trận dịch mới sẽ xảy ra vào mùa lạnh năm nay, khoang thang 12 hay thang Gieng. E ngại này cũng dự hiểu thôi vì mùa lạnh bao giờ là lúc vi rút hoành hành, phát tán nhanh hơn, nên chúng tôi có nhắc chính phủ Việt Nam phải cố gắng kết thúc chương trình tiêm vaccine cho gia cầm trước khi mùa lạnh đến để chận bớt môi trường hoạt động của vi rút trong trường hợp không may có một trận dịch mới xảy ra.

Một trận dịch gia cầm khác?

Nguyễn Khanh: Nghe Tiến Sĩ trình bầy mà chính chúng tôi cũng đâm lo. Xin hỏi lại Tiến Sĩ là liệu có thể một trận dịch gia cầm khác xảy ra ở Việt Nam hay không?

Tiến Sĩ Hans Troedsson: Tôi nghĩ là có khả năng sẽ xảy ra. Có khả năng một trận dịch mới sẽ xảy ra ở Việt Nam, lý do là vì vi rút vẫn còn ở trong môi trường, số người từng tiếp xúc với gia cầm bị bệnh cũng nhiều.

BirdFluVaccine150.jpg
Chương trình tiêm phòng vaccine cho gia cầm rất là quan trọng. AFP PHOTO

Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy một đợt dịch mới, nhưng hy vọng là vi rút gây bệnh không biến thể, nghĩa là số người bị bệnh rất ít. Điều chúng tôi lo sợ nhất là vi rút biến thể, gây nên tình trạng bệnh truyền từ người sang người, gây trở ngại không thể nào lường được. Đó là lo âu của chúng tôi hiện giờ.

Nguyễn Khanh: Trước nguy cơ mà Tiến Sĩ vừa nói, Tổ Chức Y Tế Thế Giới có đề nghị nào để giúp chận bớt nguy cơ một trận dịch cúm gia cầm khác xảy ra ở Việt Nam không?

Tiến Sĩ Hans Troedsson: Trước hết, chúng ta đã nhận được những cam kết đầy hứa hẹn của những nước tân tiến, chẳng hạn như chính phủ Hoa Kỳ vừa phát động chương trình toàn thế giới chống cúm gia cầm. Mới đây, Tổng Thống Chirac của Pháp cũng lên tiếng nói đó là một trong các mục tiêu hàng đầu về y tế.

Cộng đồng thế giới đã có phản ứng trước những lời báo động về mức nguy hiểm mà cúm gia cầm có thể gây nên. Bây giờ chúng ta mong những lời cam kết đó được thực hiện, tức là các nước công nghiệp tân tiến hô trợ tiền và kỹ thuật để nghiên cứu tìm cách diệt vi rút gây bệnh, đặc biệt là trợ giúp cho những nước đang bị cúm gia cầm đe dọa, trong đó có Việt Nam, Lào, Kampuchia, Thái Lan và Indonesia.

Riêng tại Việt Nam, chính phủ phải có kế hoạch hành động, phải hướng dẫn dân chúng phòng chống vi rút, phải thực hiện thêm những cuộc nghiên cứu mới để xem cách nào là cách hay nhất để ngăn chận, không cho vi rút lan rộng hơn. Chúng ta cũng phải có cả một kế hoạch để đưa vào áp dụng nếu chuyện không may xảy ra.

Nguyễn Khanh: Tiến sĩ có trình bầy những điều đó cho các giới chức Việt Nam không?

Tiến Sĩ Hans Troedsson: Có. Ngày nào, văn phòng của tôi cũng liên hệ với các giới chức Việt Nam, cá nhân tôi cũng thường xuyên gặp gỡ với bên chính phủ để bàn thảo với nhau. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này và hai bên làm việc thật chặt chẽ với nhau. Chúng tôi đóng vai yểm trợ về kỹ thuật và phương tiện để giúp Việt Nam phòng chống dịch bệnh.

Thuốc chủng ngừa cho người

Nguyễn Khanh: Còn việc nghiên cứu chế thuốc chủng ngừa cho người đã đi đến giai đoạn rồi?

Tiến Sĩ Hans Troedsson: công tác nghiên cứu để tìm thuốc chủng ngừa cho người vẫn đang thực hiện ở nhiều nơi trên thế giớ. Tại Hồng Kông và Hoa Kỳ, cuộc nghiên cứu đã bước vào giai đoạn thử nghiệm, kết quả sơ khởi rất tốt, có thể chống lại vi rút gây bệnh hoặc tăng khả năng miễn nhiễm, nhưng trở ngại là phải chích một liều lượng lớn.

Như chúng ta thấy, người dân đã nghèo, nuôi được ít con vịt, con gà thì không may gà vịt bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy thì họ lấy gì mà ăn? Thành ra chính phủ phải đền bù, phải giúp đỡ để họ có tiền mua thực phẩm, chứ không lấy gì mà sống.

Vì thế phải nghiên cứu để tìm loại thuốc chỉ một liều nhỏ thôi cũng đủ giúp người sử dụng chống lại vi rút gây bệnh. Ngay tại Việt Nam, cuộc nghiên cứu chế tạo thuốc cũng đang được thực hiện, và các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng như các cơ quan của Việt Nam làm việc rất chặt chẽ với Tổ Chức Y Tế Thế Giới chúng tôi. Cho đến nay, chúng tôi đã gửi 2 toán chuyên viên đến làm việc với đoàn chuyên gia của Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ cũng rõ nông dân Việt Nam vừa nghèo, trình độ học vấn cũng chẳng là bao. Liệu hai yếu tố mà chúng tôi mới nêu lên có ảnh hưởng đến chương trình phòng chống cúm gia cầm không, và mức độ ảnh hưởng như thế nào?

Tiến Sĩ Hans Troedsson: Đương nhiên cả nghèo khổ lẫn mức độ học vấn đều là những trở ngại. Như chúng ta thấy, người dân đã nghèo, nuôi được ít con vịt, con gà thì không may gà vịt bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy thì họ lấy gì mà ăn?

Thành ra chính phủ phải đền bù, phải giúp đỡ để họ có tiền mua thực phẩm, chứ không lấy gì mà sống. Trình độ học vấn cũng rất quan trọng, vì như tôi đã nhiều lần nói với giới truyền thông là chúng ta phải hướng dẫn, phải kêu gọi, phải phổ biến tin tức cho dân chúng biết nguy hiểm của vi rút gây bệnh cúm gia cầm, phải chỉ dẫn cho họ biết cách phòng ngừa.

Chúng ta phải nhớ rằng trở ngại đã từng xảy ra chỉ vì nông dân ăn thịt gia cầm bị bệnh và cha mẹ cũng không biết, cứ để cho con mình chơi đùa, đến gần với những con gà, con vịt bị bệnh.

Kế hoạch của WHO tại Việt Nam

Nguyễn Khanh: Lúc nãy, Tiến Sĩ có nói đến kế hoạch hành động mà chính phủ Việt Nam phải có để đối phó với trường hợp dịch bệnh tái diễn lần nữa. Xin được hỏi Tiến Sĩ là Tổ Chức Y Tế Thế Giới có chương trình hành động ở Việt Nam hay không? Chẳng hạn như là kế hoạch hành động của Tổ Chức ở Việt Nam trong 90 ngày tới là những gì?

Tiến Sĩ Hans Troedsson: Chúng tôi có rất nhiều công tác phải làm. Một là phải giúp đỡ cho chính phủ Việt Nam trong việc kiện toàn hệ thống theo dõi và kiểm dịch, để có thể phát hiện được các ổ dịch ngay từ lúc mới bắt đầu xảy ra.

Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ không ngừng nghỉ cho công cuộc nghiên cứu tìm thuốc chủng ngừa mà Việt Nam đang thực hiện, chúng tôi tiếp tục giúp Việt Nam để có đủ lượng thuốc chủng ngừa cho gia cầm, tiếp tục cùng các giới chức Việt Nam soạn thảo bản kế hoạch hành động ở tầm mức quốc gia, xem những địa phương nào cần giúp đỡ, giúp đỡ như thế nào, làm sao đưa những toán “hành động nhanh” đến ngay những vùng nghi ngờ có dịch. Nói tóm lại, chúng tôi có cả một chương trình hoạt động để giúp cho Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Thay mặt quý thính giả xin cám ơn Tiến Sĩ và cầu chúc ông thành công.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.