Tìm hiểu bệnh cúm gia cầm (phần 1)


2007.03.02

Trà Mi, phóng viên đài RFA

BirdFluRehearsal200.jpg
Khoảng 1,000 người đã tham gia cuộc diễn tập phòng chống đại dịch cúm ở người, được tổ chức tại Hà Nội hôm 27-11-2005. AFP PHOTO

Chào mừng quý vị và các bạn đang đến với chuyên mục "Sức khỏe và Đời sống" của đài Á Châu Tự Do sáng thứ sáu hàng tuần. Qua những cuộc trao đổi giữa Trà Mi với các bác sĩ trong và ngoài nước thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, “Sức khoẻ và đời sống” sẽ cung cấp kiến thức y học tổng quát nhằm giúp nâng cao nhận thức về việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ.

Trong chương trình tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về hai căn bệnh thường gặp nhất đối với tất cả mọi người là Cảm và Cúm.

Thời gian gần đây, xuất hiện một dạng bệnh cúm hết sức nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng nhân loại, càng ngày càng xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới từ Châu Á, Châu Phi, tới Châu Âu, khiến mọi người lo ngại và gây đau đầu cho giới chuyên môn trong việc tìm cách đối phó. Đó là cúm gia cầm.

Các đường truyền virus H5N1, phương pháp phòng ngừa và chữa trị hiện nay ra sao? Bác sĩ Trần Văn Sáng, người quan tâm và thường xuyên theo dõi diễn tiến của cúm gia cầm trên thế giới, sẽ trình bày cụ thể trong loạt bài 2 kỳ, bắt đầu từ hôm nay.

Chắc mọi ngừơi cũng đã có một số ý niệm về cúm gia cầm. Nó xuất hiện đầu tiên ở các nứơc Campuchea, Trung Quốc, Indonesia, Nhật, rồi lần có mặt ở Việt Nam, Lào, Thái..v..v..

Nguyên nhân của cúm gia cầm là do 1 loại siêu vi trùng gây bệnh cúm ở các loài chim, sau đó lây lan sang các loài gia cầm khác như gà, vịt. Tên của nó là Avian Influenza A, nhóm H5N1.

Trà Mi: Cúm gia cầm chỉ mới nghe nói trong những năm gần đây, vì sao trước đây không thấy ai nhắc tới loại bệnh này?

Bác sĩ Sáng: Trứơc đây cũng có những dịch cúm ở những loài chim chóc và gia cầm nhưng ngừơi ta chỉ bắt đầu đặc biệt lưu ý tới khi có những trừơng hợp ảnh hưởng đến sinh mạng con người. Có nghĩa là con siêu vi trùng này đã có sự đột biến và có khả năng gây bệnh nơi con người. Ngừơi ta khám phá ra điều này sau khi có những trừơng hợp tử vong mang mầm bệnh của con virus cúm từ gia cầm.

Trà Mi: Xin được hỏi thăm bác sĩ virus H5N1 lây lan giữa gia cầm như thế nào và truyền sang con ngừơi bằng những đừơng nào?

Bác sĩ Sáng: Giữa gia cầm với nhau, virus này thừơng chủ yếu lây lan qua đường nước bọt và phân. Con người bị nhiễm bệnh khi có tíêp xúc trực tiếp với lông, da, nước bọt, hoặc phân của gia cầm mang mầm bệnh như những người chăn nuôi, buôn bán, nhổ lông gia cầm hoặc làm những công việc liên quan.

Chỉ khi nào họ tiếp xúc với những con mắc bệnh thì mới bị lây truyền virus H5N1, chứ cho tới nay cũng chưa có trừơng hợp nào cho thấy rõ ràng là có sự lây truyền cúm gia cầm từ ngừơi sang ngừơi. Ngoài ra, con virus này có trong không khí cũng có khả năng lây qua đường hô hấp.

Trà Mi: Có vài trừơng hợp tử vong vì cúm gia cầm xảy ra giữa người thân trong cùng gia đình hoặc những ngừơi sống trong cùng khu vực làng mạc. Đây có phải là những dấu hiệu có thể đặt nghi vấn là có thể do virus lây lan từ người sang người?

Bác sĩ Sáng: Tổ chức Y tế thế giới đến nay vẫn chưa khẳng định có sự lây lan virus liên hệ trực tiếp từ ngừơi qua người. Đây cũng là điều lo ngại nhất cho giới chuyên môn vì một khi H5N1 có khả năng lây lan từ ngừơi sang người thì đại dịch cúm gia cầm là điều khó tránh khỏi.

Hiện nay chưa thấy có dấu hiệu của những trận đại dịch cho nên ngừơi ta vẫn chưa khẳng định là con virus này có khả năng lây truyền nhanh từ người bệnh này sang ngừơi bệnh khác. Tuy nhiên cũng có khả năng điều này sẽ xảy ra trong tương lai nếu con virus này tiếp tục biến dạng.

Trà Mi: Hồi nãy bác sĩ có nhắc tới virus H5N1 cũng có thể lây truyền trong không khí, xin bác sĩ trình bày rõ hơn về nguy cơ này, tỷ lệ mắc bệnh ra sao?

Bác sĩ Sáng: Đừơng lây qua không khí thì thật sự cũng do nguồn gốc là từ mầm bệnh từ các con gia cầm mắc bệnh, tức là khi con vật đó bị chết đi, ngừơi ta quét dọn làm tung phân của chúng lên trong không khí và ngừơi bệnh cũng có thể hít phải những con siêu vi này trong không khí. Cũng có khả năng bị nhiễm bệnh bằng cách này chứ không nhất thiết là phải có sự tiếp xúc trực tiếp bằng tay.

Đây là điều tất cả mọi ngừơi cần lưu ý. Nếu có gia cầm chết thình lình hoặc nghi ngờ bị mắc bệnh thì phải tiêu huỷ ngay lập tức, chôn kỹ, rửa tay chân thật sạch sẽ để phòng tránh lây nhiễm vào ngừơi. Những ngừơi trực tiếp săn sóc ngừơi bệnh như y bác sĩ hoặc những ai có công việc liên hệ quan đến các con gia cầm bị chết, hoặc những người tiếp xúc với nhiều gà vịt thì được khuyến cáo nên đeo khẩu trang để tránh bị nhiễm bệnh qua đường không khí.

Còn về phương diện y tế cộng đồng, chưa có khuyến cáo mọi ngừơi phải mang khẩu trang để ngừa bệnh vì chưa ghi nhận trường hợp virus này có thể di chuyển rộng rãi trong không khí giống như các con virus gây bệnh cúm nơi con người.

(Xin theo dõi toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)

Vì thời lượng giới hạn, Trà Mi xin phép tạm ngưng chương trình tại đây. Kỳ sau, mời quý vị cùng Trà Mi tiếp tục tìm hiểu về những lời khuyên của giới chuyên môn trong việc dùng thuốc Tamiflu như thế nào, cũng như những gì mọi người cần lưu ý để có thể tự phòng ngừa sự tấn công của virus cúm gia cầm.

Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn trên làn sóng này, sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.