Tìm hiểu bệnh phong cùi


2007.01.12

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Bệnh phong mà dân gian xưa còn gọi là bệnh cùi hay bệnh hủi vốn được xem là một căn bệnh nguy hiểm, bị liệt vào danh sách “tứ chứng nan y”.

LeprosyPhongCui150.jpg
Một bệnh nhân cùi ở Cambodia. AFP PHOTO

Vì mức độ tàn phá cơ thể cũng như những biến chứng tai ác, các nạn nhân của căn bệnh này thường gánh chịu nhiều thành kiến xã hội, bị xa lánh, cô lập, và thậm chí bị hắt hủi. Thế nhưng với sự phát triển của nền y học hiện đại, bệnh phong ngày nay đã có thể chữa khỏi.

Để giúp quý vị tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này, chương trình Sức khoẻ và đời sống kỳ này có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Ý Đức tại Hoa Kỳ, chuyên khoa gia đình và lão khoa với trên 40 năm kinh nghiệm.

Ông là tác giả của nhiều cuốn sách viết về kiến thức y học và sức khoẻ, và cũng từng góp mặt trong các phái đoàn chuyên gia tình nguyện về Việt Nam giúp bà con tại những vùng quê xa xôi hẻo lánh. Trước tiên, định nghĩa khái quát về bệnh phong, bác sĩ Đức cho biết:

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Bệnh phong là một bệnh nhiễm mãn tính, trứơc đây ngừơi ta thường gọi miệt thị là bệnh cùi, bệnh hủi. Khi bệnh phong đầu tiên xuất hiện cách đây mấy ngàn năm, nó là một căn bệnh nan y không có thuốc chữa và gây ra những tàn phá trên cơ thể con người, biến ngừơi ta thành những thành phần bệnh hoạn, bị gia đình và xã hội cô lập và tránh xa.

Hiện giờ số bệnh nhân phong trên thế giới đã giảm xuống. Tại Mỹ có khoảng 5 ngàn người mắc phải bệnh này. Riêng ở Việt Nam, con số thống kê năm 2004 do Bộ y tế công bố cho thấy có khoảng 60 ngàn ngừơi bệnh đang sống tại 20 trung tâm điều trị trên toàn quốc. Trong số này có chừng 30 ngàn ngừơi bị tàn tật và chừng 2 đến 2,5 ngàn bệnh nhân mới được phát hiện trong năm.

Trà Mi: Xin hỏi thăm bác sĩ nguyên nhân và những nguy cơ dẫn đến căn bệnh phong là gì?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Bệnh phong do 1 loại trực khuẩn gây ra, và bệnh này hầu như chỉ có ở loài người. Trong cơ thể chúng ta, vi trùng phong chỉ sống đựơc trong tế bào mà thôi, không thể nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được.

Nghiên cứu cho thấy chỉ độ 5% trong chúng ta có khả năng bị nhiễm bệnh phong. Còn lại đều có tính miễn dịch đối với bệnh này, nhờ hệ thống phòng thủ trong cơ thể chúng ta. Chúng ta nhiễm bệnh này thường do vi trùng phong có ở trong không khí, chúng ta hít phải và bị nhiễm, hoặc trong các vết thương, nước từ mũi hay miệng của ngừơi bị bệnh phong.

Nếu chúng ta tiếp xúc với bệnh nhân phong một cách trực tiếp và lâu dài thì mới có nguy cơ bị lây bệnh. Vi khuẩn bệnh phong sinh sản rất chậm vì vậy thời gian kể từ khi bắt đầu nhiễm vi trùng phong cho tới khi phát hiện dấu hiệu của bệnh thừơng có khi đến 5-10-20 năm.

Cho tới ngày nay, người ta chưa xác định rõ là bệnh phong lây từ ngừơi sang ngừơi như thế nào, nhưng thấy rằng bệnh này lây truyền rất khó khăn. Vì vậy cho nên trong các trại phong có rất nhiều bác sĩ và y tá chăm sóc cho bệnh nhân lâu dài mà không bị nhiễm bệnh.

Trà Mi: Vi trùng phong có trong không khí, vậy có những khu vực nào nguy cơ cao hơn hoặc những đối tựơng nào có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những người khác hay không? Ở Việt Nam thường nghe tới các làng bệnh phong?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Bệnh phong không bị ảnh hửơng bởi yếu tố địa lý. Sở dĩ có những làng bệnh phong là vì mình có thói quen tập trung những bệnh nhân phong lại một chỗ để chữa trị vì trong xã hội vẫn còn quan niệm cho bệnh này là một căn bệnh nan y ghê tởm, xa lánh.

Số ngừơi mắc bệnh phong hiện nay rất ít, nhưng con số bị tàn tật vì mắc bệnh cách đây vài chục năm lúc chưa có thuốc chữa thì thấy nhiều. Và họ là những người rất cần đựơc giúp đỡ vì họ rất khó khăn trong cuộc sống và sinh kế.

Nhìn chung cả thế giới, số ngừơi bệnh phong đã giảm đi rất nhiều, trước đây có khi lên đến mười mấy triệu nhưng đến cuối năm 2004 thống kê cho thấy toàn cầu chỉ còn gần 300 ngàn người mắc bệnh phong mà thôi.

Thật ra, tỷ lệ bệnh phong ở Việt Nam hiện nay cũng đã giảm xuống rất nhiều, đã đạt được tiêu chuẩn dưới 1/10 ngàn bệnh nhân do Tổ chức y tế thế giới đặt ra.

Trà Mi: Các dấu hiệu và triệu chứng giúp ngừơi bệnh nhận biết mắc phải bệnh phong?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Các dấu hiệu của bệnh phong thường nằm trên da, với các vết màu nhạt hơn với màu da xung quanh hoặc hơi đỏ hơn. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ nổi đầy những nốt hình củ trên da khiến gương mặt của ngừơi bệnh trở nên dị dạng. Hơn nữa, vi trùng bệnh phong cũng hay tấn công các dây thần kinh nên khi sờ vào các khuỷu tay của người bệnh sẽ nhận thấy dây thần kinh tại đây sưng to lên.

Khi bệnh phong không được chữa sẽ gây ra tình trạng tiêu huỷ tế bào trong cơ thể, thừơng thấy ở mũi khiến xương ở mũi bị khoét đi, hay ở bàn tay, bàn chân có những vết loét lở dẫn đến tình trạng ngón tay, ngón chân bị rụng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có cảm giác ngứa. Tuy nhiên, ngay tại các vết da bị mất màu thì bệnh nhân không còn cảm giác nóng, lạnh, đau đớn cho nên người bệnh dễ bị những vết thương vì không cảm thấy đau và dễ bị phỏng vì không còn cảm giác nóng.

Trà Mi: Ngoài những biến chứng như bác sĩ vừa nêu, bệnh phong còn gây ra những di chứng gì về lâu về dài?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Bệnh phong có những di chứng về lâu về dài như gây mù loà vì bệnh nhân bị tổn thương giác mạc, áp huyết trong mắt tăng lên cao và dần dần sẽ không chớp mắt đựơc. Mặt khác, dây thần kinh ngoại vi của bệnh nhân bị tổn thương nên gây tình trạng các ngón tay, ngón chân bị co quắp lại.

Ở một số bệnh nhân nam có hiện tượng bị teo ngọc hành không tạo ra tinh trùng đưa đến trừơng hợp vô sinh nam, tức là bệnh nhân không thể nào có con đựơc. Đó là chưa kể đến việc lông mày lông mi trên gương mặt bệnh nhân sẽ dần rụng đi hết khiến họ trông khó coi nên dễ bị xa lánh.

(xin theo dõi toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)

Vì thời gian có hạn, Trà Mi xin phép tạm ngưng chương trình tại đây. Trong chuyên mục Sức khoẻ và đời sống tuần sau, bác sĩ Đức sẽ tiếp tục trình bày về phương pháp, thời gian điều trị bệnh phong đang được áp dụng hiện nay, cũng như cách phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân phong như thế nào. Mời quý vị đón theo dõi.

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.

Chương trình “Sức khoẻ và đời sống” kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn trên làn sóng này, sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.

Theo dòng câu chuyện:

- Phương pháp điều trị bệnh phong cùi

Thông tin trên mạng:

- Wikipedia - Leprosy

- Wordl Health Organization - Leprosy

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.