Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh bạch cầu

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Chào mừng quý vị và các bạn đang đến với chuyên mục "Sức khỏe và Đời sống" của đài Á Châu Tự Do sáng thứ sáu hàng tuần. Qua những cuộc trao đổi giữa Trà Mi với các bác sĩ trong và ngoài nước thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, “Sức khoẻ và đời sống” sẽ cung cấp kiến thức y học tổng quát nhằm giúp nâng cao nhận thức về việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ.

LeukemiaBachCau150.jpg
Photo courtesy Wikipedia.

Bệnh bạch cầu là một trong những căn bệnh nguy hiểm, đòi hỏi sự điều trị tốn kém, phức tạp và dễ dẫn tới tử vong, bất chấp ở độ tuổi nào.

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh trạng này ra sao? Phương pháp điều trị như thế nào?

Với sự cộng tác của bác sĩ Trần Văn Sáng, chuyên khoa nội thương, từ bang Virginia (Hoa Kỳ), bắt đầu từ tuần này chương trình “Sức khoẻ và đời sống” xin mời quý vị cùng tìm hiểu về căn bệnh bạch cầu. Bác sĩ Sáng từng là giảng viên của đại học Y Sài Gòn, và là người tham gia rất nhiều trong các chương trình nghiên cứu y khoa ở Mỹ.

Bác sĩ Sáng: Trong cơ thể con người, máu là mạch sống quan trọng nhất với chức năng chuyên chở chất dinh dữơng đến tất cả các cơ quan cũng như cung cấp dữơng khí cho tế bào. Máu gồm hai phần: tế bào máu và huyết tương. Trong tế bào máu có 3 loại chính: hồng cầu, bạch cầu, và tiểu cầu.

Hồng cầu có nhiệm vụ chuyên chở dữơng khí đến tất cả cơ quan trong cơ thể, giúp cho sự trao đổi khí.

Bạch cầu có vai trò chống lại sự xâm nhập của tất cả tác nhân từ bên ngòai như vi trùng, hoá chất…Bạch cầu như những chiến sĩ trong đạo quân lớn của cơ thể chống lại những bệnh tật gây ra do các tác nhân bên ngoài. Ngoài ra bạch cầu cũng có nhiệm vụ bảo vệ, hàn gắn những vết thương trong cơ thể.

Tiểu cầu có nhiệm vụ hàn gắn những vết thương và tạo ra các cục máu đông khi các thành mạch máu bị chấn thương hay vỡ ra.

Trà Mi: Xin hỏi thăm bác sĩ bạch cầu đựơc phân loại như thế nào?

Bác sĩ Sáng: Để đơn giản hoá cho thính giả dễ hiểu, xin đựơc chia bạch cầu làm 4 loại chính dựa trên hình thể của nó, gồm:

- Bạch cầu đa nhân với nhiệm vụ chống lại vi trùng một cách cấp thời, luôn túc trực khi cơ thể bị vi trùng xâm nhập.

- Bạch cầu đơn nhân giúp cơ thể chống lại các trừơng hợp nhiễm trùng như ký sinh trùng, vi trùng lao, giang mai, thương hàn…

- Bạch cầu có hạt eosinophil, trong đó có những hạt nhỏ có thể tiết ra những chất giết chết các con ký sinh trùng như lãi hoặc các ký sinh trùng đường ruột.

- Bạch cầu có nhân nhỏ với nhiệm vụ chống lại siêu vi trùng và vi trùng lao.

Trà Mi: Có nhiều loại bạch cầu như vậy cũng có nghĩa là có nhiều dạng bệnh bạch cầu khác nhau?

Bác sĩ Sáng: Đúng vậy, tuỳ theo từng dạng bạch cầu tăng trưởng như thế nào mà phát sinh ra những loại bệnh bạch cầu khác nhau.

Trà Mi: Bệnh bạch cầu nói nôm na có phải là ung thư máu?

Bác sĩ Sáng: Ung thư máu thì mang nghĩa bao quát hơn, bao gồm nhiều dạng hơn như ung thư của tuỷ xương chẳng hạn.

Trong bệnh bạch cầu, ngừơi ta chia làm 2 loại: giảm bạch cầu và tăng bạch cầu.

-Bệnh giảm bạch cầu xảy ra trong trừơng hợp số lựơng bạch cầu giảm xuống dứơi 500 trong mỗi một ml máu (trung bình chúng ta có khoảng 4000-8000 bạch cầu/ml máu). Nếu số này giảm dứơi 500 thì khả năng chống trả bệnh tật của cơ thể sẽ trở nên rất suy yếu. Ngừơi bệnh bắt đầu bị vi trùng tấn công, với các triệu chứng như sốt cao, viêm họng, lở miệng…Các nguyên nhân thông thừơng gây ra bệnh suy giảm bạch cầu là do vi trùng, siêu vi trùng, do các bệnh như AIDS, hay các bệnh như ung thư tuỷ xương, hoặc ngừơi bệnh đang trong giai đoạn chữa trị bằng những chất phóng xạ…

-Bệnh tăng bạch cầu xảy ra khi số lựơng bạch cầu đựơc sản xuất quá nhiều mà nguyên nhân không rõ ràng hoặc không có dấu hiệu bị các tác nhân bên ngoài tấn công vì thông thừơng bạch cầu luôn có dấu hiệu tăng lên khi vi trùng tấn công. Nếu không có tác nhân bên ngoài tấn công mà bạch cầu tự tăng lên thì đây cũng là dấu hiệu khiến người thầy thuốc phải nghĩ đến bệnh nhân có thể bị bệnh tăng bạch cầu.

Trà Mi: Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh bạch cầu cũng như các nguy cơ đối với căn bệnh này là gì?

Bác sĩ Sáng: Hiện nay giới nghiên cứu vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác 100% đối với nguyên nhân chính xác gây ra bệnh bạch cầu. Các nghiên cứu trong nhiều thập niên qua cho thấy các nguy cơ dễ gây ra bệnh ung thư bạch cầu như tia phóng xạ phát xuất từ các quả bom nguyên tử đựơc thả xuống Hiroshima của Nhật. Người ta thấy ở những ngừơi sống sót có tỷ lệ ung thư bạch cầu rất cao. Ở những bệnh nhân dùng tia xạ để chữa các bệnh khác cũng có tỷ lệ ung thư bạch cầu tăng lên.

Về môi trường, có chất benzyl, một trong những hoá chất hoà tan hữu cơ trong các cơ xưởng kỹ nghệ, những ngừơi làm việc trong các môi trường này cũng có tỷ lệ dễ bị ung thư bạch cầu. Về thuốc, có các loại trụ sinh chữa bệnh thương hàn hay các loại bệnh nhiễm trùng khác có chứa các chất có tác dụng phụ làm suy giảm hoạt động của tủy xương cũng có mức độ làm tăng tỷ lệ ung thư bạch cầu.

Ngoài ra có những loại thuốc chữa đau khớp có chứa chất phenylbutazone khi dùng lâu dài thì gia tăng nguy cơ bị ung thư bạch cầu. Một nguyên nhân khác hiện vẫn chưa rõ là sự xuất hiện của các loại siêu vi trùng, có một số loại có liên hệ đến bệnh ung thư bạch cầu hiện đang được nghiên cứu thêm.

Trà Mi: Còn yếu tố di truyền đối với căn bệnh này ra sao, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Sáng: Điều này hiện nay cũng đang được nghiên cứu. Đối với một nhóm nhỏ bạch cầu thì ngừơi ta thấy có sự liên hệ rõ rệt giữa yếu tố di truyền với bệnh. Vì giới hạn của bài nói chuyện, xin được nói tóm tắt là bệnh bạch cầu có yếu tố di truyền và hiện nay đang được tiếp tục nghiên cứu thêm.

Trà Mi: Vì thời gian chương trình có hạn, chúng tôi xin phép đựơc tạm ngưng cuộc trao đổi tại đây. Trong chương trình sáng thứ sáu tuần sau, bác sĩ Sáng sẽ trình bày về các triệu chứng giúp nhận biết căn bệnh bạch cầu cũng như những phương pháp điều trị hiện nay. Mời quý vị đón theo dõi.

(Xin theo dõi toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.

Chương trình “Sức khoẻ và đời sống” kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong một đề tài mới, sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.

Thông tin trên mạng:

- Am hiểu Bệnh bạch cầu, Bệnh bạch huyết và Bệnh u tủy

- Leukemia