Triều cường kỷ lục khiến nhiều khu vực ở Sài Gòn bị ngập nặng

0:00 / 0:00

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Đài Khí Tượng Thủy Văn Khu Vực Nam Bộ cảnh báo rằng đợt triều cường trên sông Sài Gòn lên tới mức cao nhất kể từ 48 năm qua, ảnh hưởng đáng ngại tới các quận nội thành và vùng ven khu vực Saigòn. Tình hình này diễn biến phức tạp ra sao? Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo Đài Khí Tượng Thủy Văn Khu Vực Nam Bộ cho biết:

SaigonFlooded200.jpg
Nhiều con đường ở Sài Gòn bị ngập nước vì triều cường. RFA file photo.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan: Hôm nay là đỉnh triều cường tại thành phố HCM. Mực nước cao nhất trong đợt triều cường cuối tháng 10 vừa qua thì tại thành phố HCM đã lập lại kỷ lục mới là 1 mét 48 tại trạm Phú An, nhưng đợt này còn cao hơn nữa, tức hôm qua đã là 1 mét 48 rồi. Bữa nay là đỉnh triều cho nên có khả năng là còn cao hơn ngày hôm qua.

Vậy là trong những ngày vừa qua tại thành phố HCM mặc dù là không có mưa gì cả mà các hồ chưa nước ở trên Miền Đông Nam Bộ cũng không hề xả lũ về, thế nhưng mà ngập khắp nơi và có nhiều nơi đã ngập cả 1 mét nước, nhất là ở các quận như Quận 12, Quận 9, Quận Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Bình Thạnh, v.v... nhiều nơi bị ngập.

Thanh Quang: Như vậy, nói chung diễn biến của triều cường trong mấy ngày sắp tới ra sao, thưa Thạc Sĩ?

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan: Hôm nay là đỉnh triều cường và kể từ ngày mai thì mực nước sẽ bắt đầu giảm dần. Tuy là giảm dần, nhưng vẫn còn ở mức độ là trên 1,4 mét. Mà đã là trên 1,4 mét thì tình trạng ngập cũng vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Và như vậy là cỡ khoảng chừng 2 ngày nữa thì mực nước sẽ giảm, và khi đó tình trạng ngập mới có thể cải thiện được.

Thanh Quang: Nguyên nhân mà mà đợt triều cường kỳ này lại lên cao kỷ lục như vậy?

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan: Dạ vâng. Vừa rồi mặc dù nước ta chịu ảnh hưởng gián tiếp của cơn bão số 7, nhưng chính vì có cơn bão số 7 trên Biển Đông, thêm nữa là có Gió Mùa Đông-Bắc về, do vậy mà nước biển đã dồn vào các vùng cửa sông dẩy mực nước triều lên cao. Mà không chỉ riêng tại thành phố HCM đâu, mà cả ở các tỉnh Miền Nam như là Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, và các tỉnh ở Nam Trung Bộ cũng xảy ra tình trạng triều cường cao kèm theo sóng cao nên đã làm cho sạt lỡ cũng như là nước mặn xâm nhập vào trong đồng ruộng cùng như là vùng kênh rạch trong nội đồng.

Đây là tình trạng rất là bất thường, không phải chỉ năm nay mà kể từ năm ngoái cho tới bây giờ liên tiếp có những đợt triều cường phá vỡ những kỷ lục cũ.

Như vậy đây cũng là một dấu hiệu cho chúng ta thấy là có khả năng có sự đóng góp của hiện tượng Trái Đất ấm dần lên làm cho mực nước biển dâng cao. Và chúng tôi cũng đang tìm hiểu để nghiên cứu xem vấn đề này như thế nào.

Nhưng riêng về triều cường, cứ mỗi lần có Gió Mùa Đông-Bắc về mạnh, sóng cao khoảng chừng 2 mét trở lên ở ngoài chỗ Côn Đảo, Phú Quý, thì lập tức triều cường cao, nhất là trong tháng 9 âm lịch, tháng 10 âm lịch, và đôi khi nó kéo dài qua tháng 11 âm lịch nữa.

Thanh Quang: Thưa Thạc Sĩ, về bão tố thì sao? Việt Nam hiện có nguy cơ như thế nào, như là bão Mitag ở ngoài khơi Philippines nghe nói đang hoạt động thì có thể ảnh hưởng gì tới Việt Nam không?

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan: Cơn bão Mitag đang có chuyển biến khá phức tạp, tức là nó vẫn quanh quẩn ở trên chỗ đảo Luzon và hôm nay không khí lạnh tăng cường, nếu trong trường hợp nó vào Biển Đông thì có khả năng nó lại còn diễn biến phức tạp hơn nữa.

Riêng cơn bão số 7 hiện nay suy yếu rồi và gần như là nó muốn nối vào cơn bão Mitag cho nên mặc dù trong đất liền ảnh hưởng không nhiếu, nó chỉ có ảnh hưởng ở Nam Trung Bộ thôi, nhưng trên biển thì cũng may là chúng ta có những dự báo tương đối tốt cho nên cảnh báo tàu thuyền tiếp tục không được ra khơi. Tuy vậy vừa qua cũng có tình trạng tàu bị đắm và 9 thuỷ thủ Việt Nam bị mất tích ở ngay vùng biển gần Philippines. Cho nên chúng tôi cũng thường xuyên cảnh báo là tàu thuyền vẫn tiếp tục không được ra khơi đi về phía Trường Sa, Hoàng Sa, Nam Biển Đông cũng như Biển Đông, tại vì mối đe doạ của hai cơn bão này vẫn còn rình rập.

Thanh Quang: Cảm ơn Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan.