Từ Cao Nguyên Việt Nam đến Vancouver, Canada


2005.07.13

Phạm Điền, phóng viên đài RFA

Một số người Thượng từ Tây Nguyên Việt Nam đã được đi định cư tại Vancouver, Canada. Đối với họ, đời sống ở Canada rất lạ lẫm. Một số người Việt sinh sống tại Vancouver đã hướng dẫn nhóm này làm quen với đời sống khi lưu ngụ tạm thời tại Welcome House Nhà Tiếp Tân.

Vancouver200.jpg
Một khu phố Tàu ở Vancouver, Canada. Photo by Thy Nga/RFA

Giống như các bài báo về những sắc dân di cư mới, sự lạ lẫm trước đời sống mới của 8 người thượng tị nạn từ Cao Nguyên Việt Nam nay được Canada tiếp nhận cho định cư đã gợi hứng cho tờ Vancouver Sun viết một ký sự nói về họ.

Lạ lẫm

Bà Monica Trần, một phụ tá giám đốc của Nhà Tiếp Tân nơi nhóm người Thượng đến Vancouver từ hôm 22 tháng Sáu tạm thời cư ngụ cho biết số người này sang đây giữa tháng 6, khí hậu mát mẻ khiến họ lạnh, bộ quần áo khoác ngoài quá rộng.

Lần đầu xuống khu phố bận rộn, họ được nhắc nhở mãi việc phải để ý nhìn các dấu hiệu dành cho người qua đường vì xe cộ qua lại trong thành phố Vancouver rất bận rộn. Họ nằm trong số những người thượng đã băng rừng chạy khỏi làng mạc của mình, nơi họ bị bách hại vì bị bắt đạo và đất đai của tổ tiên bị chính quyền lấy đi.

Vì sợ bị tù và tra tấn vì niềm tin tôn giáo, nhóm 8 người gồm bảy đàn ông và một phụ nữ này đã bỏ quê hương chạy sang Kampuchia, nơi họ nương nhờ trong khu tạm cư do Ủy Hội Tị Nạn Liên Hiệp Quốc chăm nom và đã được Canada thu nhận với tư cách tị nạn.

Ăn thịt mèo?

Vài tháng trước đây, họ chưa bao giờ nghe đến Canada. Họ sống đơn giản trong những ngôi làng hẻo lánh nơi họ chỉ ăn những gì gì họ trồng và thú bẫy được, Nhưng trong tuần trước, nhóm người này được giới thiệu món thịt nướng ở bải biển, đi xem một tiệm thực phẩm lớn và tò mò về các món thức ăn trong các hộp.

Bà Monica Trần cho hay trong một chuyến đến một thiệm thực phẩm ở duới phố, họ chú ý nhiều đến thức ăn hộp có vẽ hình con mèo vì như họ nóí, một số trong họ ăn thịt mèo ở Việt Nam.

Ngoài việc phải giải thích về thực phẩm, bà Monica Trần và các phụ tá còn có công việc khó khăn khác là giúp họ làm quen với sinh hoạt ngân hàng, chi tiêu khéo léo trong số tiền trợ cấp nhỏ mà chính quyền Canada giúp họ, tìm nhà và kiếm công ăn việc làm.

Khoản tiền trợ cấp mà chính quyền Canada giúp người Thượng tị nạn là một cặp vợ chồng được giúp 953 đô la một tháng, theo đó 520 đô la để thuê nhà, 307 đô la cho thực phẩm, 126 đô la khác cho việc di chuyển. Họ sẽ lưu lại trong Welcome House , như một nơi chuyển tiếp cho người tị nạn, nhưng sau đó sẽ tìm một đơn vị gia cư riêng.

Nhớ gia đình

Ngoài việc phải lo học Anh ngữ, tìm công việc, tìm nhà nơi những người Thượng vưà đến Vancouver còn một nỗi phiền muộn thường xuyên khi nghĩ đến con cái bị bỏ lại ở Việt Nam. Bà Hbeng Siu, người phụ nữ đơn độc trong số 8 người Thượng đã bỏ lại con cái khi cùng chồng là Phang Rocham chạy sang Kampuchia.

Năm ngày sau khi đặt chân đến Vancouver, mắt bà lúc nào cũng đầy nước mắt, đỏ hoe. Nói chuyện qua một người thông dịch, bà cho hay bị nhức đầu vì phải chờ nạp đơn xin số an ninh cá nhân cả ngày hôm đó nên mệt nhọc, nhưng chồng chị cho biết bà vợ khóc suốt ngày và năn nỉ nhiều lần xin chính phủ Canada cho phép con cái qua Canada để được học hành.

Ông Kla Y, một người nói chuyện nhiều nhất trong số 8 người này cho hay ông đã phải bỏ vợ và 7 người con ở Việt Nam. Ông cho biết ông không kham nổi việc cho con cái đi hoc và rất mong có công việc ngay để gửi tiền về giúp đỡ gia đình.

Nhưng nhóm này không ai biết nói tiếng Anh và ngay cả việc nói chuyện bằng tiếng Việt cũng là việc gian nan vì người Thượng có ngôn ngữ riêng. Tìm việc là một thách đố lớn đối với người Thượng vì ở Việt Nam họ là nông gia chỉ biết trồng trọt.

Mục sư Liu Trần

Tuy nhiên họ có may mắn được có một người như Mục sư Liu Trần, là ngưòi đang trông coi Giáo Hội Liên Minh Tin Lành Việt Nam ở Vancouver, làm người bạn và ông cũng từng là một người tị nạn.

Ông Liu Trần đến Canada vào năm 1985, cho biết đã lo cho số phận của người Thượng, không thể tiên đoán được đời sống của họ sẽ ra sao, nhưng ông hy vọng với sự hỗ trợ của 300 tín hữu trong giáo hội mà phần lớn đều từng là tị nan sẽ giúp sự nhóm người Thượng này hội nhập vào giòng sống Canada dễ dàng hơn.

Đời sống mới tạo nhiều ưu tư cho số người Thượng này nhưng họ cảm thấy hài lòng với đời sống ở Canada nơi, mà theo lời nói của ông Y qua một thông ngôn rằng ông hạnh phúc vì mọi được sống bình đẳng, không có sự phân biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.