Nhà thơ Hoàng Hưng, tù tội chỉ bởi một tập thơ (phần 2)


2007.07.30

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm mời quý vị tiếp tục theo dõi một khuôn mặt trong làng văn chương miền Bắc từng bị oan khiên trong vòng lao lý chỉ vì mang theo trong người tập thơ của nhà thơ Hoàng Cầm và bị xử hơn 3 năm tù giam. Đó là nhà thơ Hoàng Hưng, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

HoangHung200.jpg
Nhà thơ Hoàng Hưng. Hình của vietnamlit.org

Nhà thơ Hoàng Hưng sinh năm 1942 tại thị xã Hưng Yên. Tốt nghiệp Khoa văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 1965. Phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân 1973-1982. Bị bắt giam và tập trung cải tạo từ năm 1982 đến năm 1985 vì tội "lưu truyền văn hoá phẩm phản động". Từ năm 1987 tiếp tục làm ở nhiều báo khác nhau, cuối cùng là báo Lao động 1990-2003, sau đó về hưu.

Tác phẩm: Đất nắng (in chung với Trang Nghị, Văn học, Hà Nội 1970), Ngựa biển (Trẻ, TPHCM 1988), Người đi tìm mặt (Văn hoá Thông tin, Hà Nội 1994), Hành trình (Hội Nhà văn, Hà Nội 2005) và nhiều bài viết, bài nói chuyện, tiểu luận, nghiên cứu, trên báo, tạp chí, đài phát thanh trong và ngoài nước. Một số bài thơ đã được dịch và in tại Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Hungary, Hà Lan.

Cứng cỏi

Ngoài những tác phẩm vừa nói, Hoàng Hưng còn là một dịch giả có nhiều tác phẩm được in nhất hiện nay, Sau khi ra tù, ông miệt mài làm việc và cho ra mắt hàng trăm tác phẩm sáng tác cũng như dịch thuật.

Không những làm thơ và dịch thuật mà thôi, Hoàng Hưng rất chú trọng đến vấn đề học thuật, đặc biệt trong những lãnh vực mà giới văn nghệ sĩ trong nước cho là nhạy cảm, đó là lĩnh vực tự do sáng tác. Ông có những bài viết sắc bén về chủ đề này nói lên quan điểm của người sáng tác trong nước qua nhiều giai đọan lịch sử.

Xem ra những vết hằn trong thời gian ngồi tù không làm ông nao núng, vẫn tiếp tục ngẩng đầu làm kẻ sĩ trước khi là nhà thơ, do đó bàng bạc trong ngôn ngữ Hoàng Hưng, không khó nhận ra những cứng cỏi của người thợ đá, đang cố công gọt dũa những góc cạnh bất công trước khi đi vào chi tiết của cái đẹp, cái nghệ thuật bằng bút pháp một thi sĩ.

Hoàng Hưng hiểu rất rõ số phận của một tác phẩm không được in ra sẽ như thế nào vì chính ông là người trong cuộc. Ông không thỏa hiệp với những gì mà giới học phiệt trong nước luôn đề cao vai trò của người sáng tác. Ông thẳng thừng lên tiếng trong một bài viết đang trên trang nhà Talawas rằng:

“Chiến tranh và cách mạng dù thiêng liêng đẹp đẽ mấy cũng chỉ là thời kỳ bất bình thường của xã hội. Những cái được coi là quy luật của cuộc sống thời chiến chỉ là ngoại lệ so với quy luật phổ biến của đời sống con người. Với nghệ thuật cũng vậy.

Trước sau gì thì người nghệ sĩ bôn ba trên những chốn ngoài mình cũng phải quay về ngôi nhà đích thực của mình là nghệ thuật và đối mặt với nhu cầu sống còn của anh và cũng là thử thách quyết liệt nhất đối với anh: đó là tự do sáng tạo.”

Quả thật, khi ông dũng cảm chỉ ra những tư duy lỗi thời cho một nền văn học chỉ đạo, đã làm nhiều người lo ngại cho sự an toàn của ông, thế nhưng nhà thơ vẫn tiếp tục viết những lời phê phán sắc sảo gửi đến những văn nghệ sĩ trong nước:

“Tự nguyện để bị tước đoạt quyền tự do sáng tạo có nghĩa là người viết tự kiểm duyệt mình, nhiều khi ý thức tự kiểm duyệt trở thành vô thức, vô hình trung anh chỉ còn là người thợ gia công sản xuất những mặt hàng theo mẫu mã được đặt sẵn của các báo, các nhà xuất bản, các ban giám khảo giải thưởng.

Tự nguyện để bị tước đoạt quyền tự do sáng tạo cũng là lười nhác sản xuất theo những mẫu mã đã thành công của chính mình, tự copy chính mình, không dám phiêu lưu tìm kiếm chân trời mới, cũng không dám thay đổi theo dõi những thay đổi bên trong của chính mình.”

Tự nguyện để bị tước đoạt quyền tự do sáng tạo chính là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nhàng nhàng, vô thưởng vô phạt, nhạt nhẽo của phần lớn sản phẩm viết hiện nay.

Dạng nhật kí – thơ

Tập Ác mộng của Hoàng Hưng gồm những bài viết dưới dạng nhật kí - thơ, được sáng tác trong thời gian tác giả ngồi tù. Nhiều bài thơ trong tập Ác Mộng được đánh giá cao không những ngôn ngữ chắt lọc, ý tưởng vượt thoát mà còn có tính cách làm mới phong cách thi ca qua khuynh hướng xử dụng âm thanh đồng hành với hình ảnh để diễn đạt sự việc.

Kỹ thuật này có hiệu quả làm cho người đọc hoang mang như lạc vào một vùng âm thanh bị nhiễu sóng nhưng lại có những cảm giác quen thuộc vì những tính từ chỉ hình ảnh song hành với âm thanh. Trong bài thơ mang tên "Vào" , Hoàng Hưng tả lại lần đầu tiên cánh cửa nhà tù mở ra đón ông và rồi lạnh lùng đóng lại như sau:

“Cánh cửa sắt đen kịt Đóng xầm sau lưng tôi Bỗng ào ào náo loạn Như một bể dầu sôi.

Và rồi trong bài "Một Ngày" Hoàng Hưng đã lấn sâu hơn khi sử dụng âm thanh như một vũ khí rạch những đường rãnh sâu thẳm trên trang thơ. Những tiếng động trong bài thơ làm người đọc bàng hoàng, thao thức cùng với nhịp điệu lúc nhanh lúc chậm lúc hào hễn hay ngập ngừng.

MỘT NGÀY Buổi sáng lanh canh Em ca cốc rộn ràng Lại bắt đầu một ngày bên nhau Chào em cô hàng xóm vô hình Rồi mở cửa Thay bô Đóng cửa Rồi mở cửa Đi cung Giữa hỏi đáp Ú tim Mèo chuột Vẫn lởn vởn một bóng dáng vô hình. Rồi về phòng Mở cửa Đóng cửa. Rồi mở cửa Cơm Đóng cửa Mời nhau bằng lanh canh bát đũa Ta cùng ăn qua vách bữa cơm tù Sau tiếng nước rửa bát phút im lặng thiêng liêng trước giờ em tắm. Rồi róc rách dè dặt em kỳ cọ cố nhẹ nhàng như xấu hổ anh hết nóng bừng lại lạnh toát trong ngừng thở Em phơi áo vù con chim bay lên Rồi mở cửa Tự khai Sa mạc giấy Lạc đà chữ Chỉ vẩn vơ một bóng dáng vô hình. Rồi về phòng Mở cửa Đóng cửa Rồi mở cửa Cơm Đóng cửa Mời nhau bằng lanh canh bát đũa Ta lại cùng ăn qua vách bữa cơm tù Rồi nôn nao chờ bóng tối Giờ của thông linh giờ của chúng mình. Anh gõ trước nhé cạch cạch cạch em cạch cạch cạch anh cạch cạch/ cạch cạch cạch em cạch cạch/ cạch cạch cạch rồi anh xoa xạt xạt em xạt xạt anh xạt xạt xạt em xạt xạt xạt những tín hiệu không lời ríu rít dồn dập xoắn xuýt cuống quít. Bức tường bốc cháy Đêm bốc cháy Những mảnh đêm rơi Lả tả Rã rời Tiếng khóc nửa đêm Là nhận dạng của em

Cuộc đuổi bắt chính mình trong một khung cảnh cô đơn lạnh ngắt của nhà tù với những âm thanh não nề chỉ có trong tưởng tượng của bài thơ đã dẫn chúng ta đi xa hơn những điều mà bài thơ muốn nói. Ai đã từng có kinh nghiệm bị giam cầm một mình đều biết nỗi cô đơn lớn đến mức nào khi ngày ngày đối diện với sự im lặng khủng khiếp của nhà giam.

Sự im lặng này đáng sợ hơn tất cả mọi thứ vì nó tiêu diệt dần mòn ý chí của người bị giam và khiến cho đương sự rơi vào huyễn hoặc dẫn đến những ước ao vô thức đối với sự chết. Những âm thanh của chiếc thìa đập vào tường như những tín hiệu (morse) có khả năng giúp nhà thơ vượt qua nổi ám ảnh nằm trong huyệt mộ. Bên kia tường, có thể người nữ chỉ là một nhân vật tưởng tượng nhưng tiếng động thì có thật, và tiếng động này có khả năng vực lại tiếng đập của con tim người tù.

Khả năng của khứu giác

Hoàng Hưng còn tỏ ra có khả năng mạnh mẽ của khứu giác. Ông cảm nhận mùi từ hình ảnh, và khả năng cảm nhận này khiến thơ ông mang đậm sắc thái của đời sống len lỏi vào từng trang chữ.

MÙI MƯA HAY BÀI THƠ CỦA M.

Tất cả nước mắt loài người bao vây nhà ta Nằm bên anh em kể câu chuyện buồn Chôn sâu trong lòng giờ mới nói ra Gợi ý của trận mưa chưa từng thấy - Đã một nghìn đêm mưa trắng đêm Điên cuồng nhớ mùi anh như con bò cái nhớ mùi phân rác

Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ Chỉ còn mưa mùi nước mắt đêm - Em còn yêu anh không yêu đến đâu giận ghét đến đâu Mười lăm năm lòng mình chưa hiểu hết Mưa mưa ngập tầng trệt Đưa nhau lên gác xép nằm nghe mưa xập mái tôn Ước nằm nghe mưa rồi chết

Tập thơ Ác Mộng có lẽ đã được đóng lại ở những trang cuối, nhưng đây cũng chính là lúc bắt đầu mở ra hằng đêm đối với tác giả, qua lời tự bạch của nhà thơ sau đây:

“Đêm tự do đầu tiên hình như tôi ngủ rất sâu, và tỉnh dậy không nhớ là mình có mơ thấy gì trong lúc ngủ hay không. Nhưng rồi về sau, cứ lâu lâu, tôi lại có những ác mộng, mà phần lớn cũng lại vẫn là những cảnh như thế. Tình trạng cứ kéo dài cho đến tận bây giờ.

Tôi hằng mong chúng đừng trở lại, đừng làm tôi thảng thốt tỉnh dậy giữa đêm, đừng ám ảnh những ngày tôi đang mong muốn tĩnh tâm để hoà nhập lại với xã hội và tự tu chỉnh con người mình. Nhưng vô ích. Chúng cứ trở lại, lúc thưa lúc mau, không bao giờ báo trước.

Nhà thơ Hoàng Cầm khi nhận xét về thơ của Hoàng Hưng đã viết rằng “Hoàng Hưng đã đi tới một tính cách rõ rệt trong thơ. Nỗi quằn quại của đời anh, ngòi bút anh đang nói với chúng ta đôi điều mới lạ về số phận con người. Anh còn phải tiếp tục đi nữa, hoàn chỉnh nhân cách thi sĩ, nhìn thẳng vào số phận nghiệt ngã của mình và có thể của nhiều người khác nữa.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.