Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Những đời sống tha phương cầu thực thường chờ đến dịp Tết để trở về quê xum họp với gia đình sau nhiều ngày vất vả. Tuy nhiên không phải ai cũng có cơ hội về nhà trong dịp cuối năm, còn rất nhiều người phải quên ăn tết vì nhiều lý do mà trong đó vé tàu xe quá cao và khó mua là nguyên nhân ngăn trở.

Họ là những cô gái chàng trai tuổi đời rất trẻ nhưng lo lắng cho cuộc sống thì quá tải đối với lứa tuổi của mình. Mặc Lâm tìm hiểu thêm về vấn đề này mời quý vị theo dõi.
Trong những ngày cuối năm, một chiếc vé tàu với giá chính thức là ước mong của nhiều người từ công nhân viên chức, sinh viên học sinh đến những người từ nhiều địa phương khác vào thành phố kiếm sống.
Bán vé tàu qua mạng
Kể từ ngày 15 tháng 11 năm ngoái, công ty vận tải đường sắt Sài Gòn đã bắt đầu cho bán vé tàu qua mạng, một hình thức mới lạ tại Việt Nam khi mà đại đa số dân chúng chưa quen với việc sử dụng internet như một phương tiện mua bán trong đời sống hàng ngày.
Phải công nhận việc bán vé tàu qua mạng là hợp lúc, hợp thời vì số lượng người mua vé trong những dịp lễ Tết rất cao và hình thức này góp phần đắc lực vào việc phân phối vé một cách nhanh chóng và công bằng, nạn chợ đen bị dứt điểm và việc xếp hàng rồng rắn có cơ biến mất nếu việc bán vé qua mạng thành công.
Đáng tiếc là dự tính và thực hiện là hai phạm vi cách nhau rất xa. Trước hết là phương tiện truy cập mạng của đại bộ phận dân chúng còn hết sức giới hạn, kế đến là thể thức thanh toán và độ tin cậy lẫn nhau của bên mua lẫn bên bán.
Tôi là công nhân may mặc trong khu công nghiệp Linh Trung, mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 1 triệu nếu tăng công. Tết này vé xe về quê quá mắc nên tôi dự tính không về quê ăn tết mà để dành tiền.
Do đó, hình thức "thương mại điện tử" hiện đại đó vẫn chỉ là một loại "đặt chỗ trước", rồi khi thanh toán tại chỗ xong thì việc "mua vé trên mạng" mới hòan tất.
Theo nhà phân phối vé tức công ty vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết thì công ty đã đưa lên mạng 19.000 vé trong đợt lễ Giáng Sinh để phục vụ hành khách có nhu cầu, và cùng lúc công ty cũng phân phối vé bình thường tại ga hành khách để người dân nào không biết cách mua vé qua mạng có thể mua theo cách cũ.
Sự tận lực của đường sắt Sài Gòn tuy chưa đạt đến kết quả mong muốn nhưng phần nào đã cải thiện được bộ mặt lếch thếch của ga Sài Gòn vào những dịp lễ Tết.
Giá vé đắt đỏ
Tuy nhiên việc mua vé thuận tiện hay không, chưa quan trọng bằng một yếu tố khác trong việc về thăm nhà đầu năm. Chúng tôi hỏi chuyện chị Mai, một công nhân may trong khu chế xuất Linh Trung và được chị cho biết:
“Tôi là công nhân may mặc trong khu công nghiệp Linh Trung, mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 1 triệu nếu tăng công. Tết này vé xe về quê quá mắc nên tôi dự tính không về quê ăn tết mà để dành tiền.”
Một sinh viên năm thứ ba của trường đại học kinh tế cũng cùng chung hoàn cảnh, chấp nhận ở lại để làm thêm thay vì về quê như mọi năm. Đặc biệt là gần Tết, có người về thăm nhà thì cũng có thêm cơ hội tìm việc làm thế chỗ họ.
Anh Sơn cho chúng tôi biết hoàn cảnh của mình như sau: "Tôi định tết này về quê nhưng đường xá xa xôi mà vé tàu xe cũng mắc mỏ quá nên tôi không về nữa."
Mỗi ngày con đến chỗ làm lúc 8 giờ rưỡi sáng và 10 giờ tối thì về nhà. Tết này không về được vì để dành tiền phụ giúp ba má dưới quê.
Người Sài Gòn những năm gần đây bỗng dưng thích ăn ngoài tiệm nhiều hơn ăn tại nhà, do đó dù nhà hàng mọc lên như nấm vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu. Nhà hàng càng đắt thì tiếp viên càng nhiều từ đó nghề tiếp viên nhà hàng bùng nổ trong những năm gần đây.
Một số rất lớn những cô gái vùng đồng bằng sông Cửu Long đổ dồn về Sài Gòn làm nghề tiếp viên đã góp phần giải tỏa cho sự thiếu hụt này, thế nhưng những ngày giáp Tết thì các cô lại là những người buồn nhất vì không thể về quê như người ta. Cô Lê thị Lài, quê ở Bạc Liêu tâm sự:
“Mỗi ngày con đến chỗ làm lúc 8 giờ rưỡi sáng và 10 giờ tối thì về nhà. Tết này không về được vì để dành tiền phụ giúp ba má dưới quê.”
Những đôi mắt ngóng về quê hương trong những ngày Tết thật buồn và có lẽ sự cô đơn của họ sẽ còn kéo dài vô tận nếu hoàn cảnh kinh tế của những mảnh đời lưu lạc này không được cải thiện.
Mong rằng trong những ngày Tết xa quê, họ sẽ có niềm vui nho nhỏ khi nghe tiếng pháo của nhà hàng xóm trong lúc giao thừa, nếu nguồn tin cho phép đốt pháo lại mới đây của nhà nước là đúng.