Dân oan vẫn tiếp tục ăn chực, nằm chờ yêu cầu chính quyền giải quyết khiếu kiện


2007.12.05

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Hàng chục năm nay nhiều người dân mất nhà, mất đất ở Việt Nam đến các cơ quan đầu não của đảng và nhà nước Việt Nam tại Hà Nội và thành phố HCM để mong được can thiệp chính quyền địa phương trả lại đất đai cho họ. Tuy nhiên, cho đên bây giờ tình hình khiếu kiện vẫn chưa được cải thiện, người dân vẫn phải ăn chực nằm chờ, chịu đói chịu khát, để đòi công lý cho bản thân họ, gia đình và hàng xóm.

DanoanProtest200.jpg
Dân oan từ các tỉnh thường kéo về tập trung trước trụ sở cơ quan trung ương ở Hà Nội và Sài Gòn để yêu cầu giải quyết khiếu kiện. RFA file photo.

Mời quý thính giả theo dõi câu chuyện sau đây của 3 người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bài do Trường Văn thực hiện với sự đóng gớp của Đỗ Hiếu từ Bangkok.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng, 62 tuổi, làm nghề nông, quê quán ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B (Huỵên Tân Hưng, Tỉnh Long An) cho phái viên Đỗ Hiếu của Đài RFA từ Bangkok biết về trường hợp khiếu kiện của nhóm 22 hộ dân xã Công Bình (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp):

“Ngày trước tôi ở cũng huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) nhưng mà chúng tôi khai hoang ở ngay hè nhưng nó lọt về cái ranh của tỉnh Long An, thành ra chúng tôi khai hoang từ năm 1958 cho tới năm 1960 mới thành thuộc. Rồi chúng tôi vẫn làm chủ ổn định trên mặt đất đó cho tới nam 1982, tổng cộng là 22 năm, thì ông tỉnh Long An cho cái lệnh đem mấy chục chiếc máy cày tới cày đất, cày đại.

Chúng tôi ngăn cản không được. Rồi hễ chúng tôi ra biểu tình ngăn cản thì nó bắn ào ào, rồi máy cày rượt chạy. Chúng tôi hoảng hồn hoảng vía. Mấy ổng biến đất của chúng tôi thành nông trường luôn, gọi là Nông Trường Lúa Vàng đó, xạ lúa bằng máy bay, chỗ thì trống lổng hổng có cây lúa nào hết, còn chỗ thì lúa ở trên đùn xuống đùng cục đùng cục, rồi nó lên không được nó chết. Mấy ổng mân 4 năm lỗ lã. Rồi tới 1986 thì nông trường giải thể trả lại cho dân.

Nhân dân chúng tôi ai cũng đều làm đơn để xin lại đất gốc của chúng tôi đặng sinh sống. Nhưng ông tỉnh Long An ổng ra cái lệnh là cắt đất thâm canh, ổng nói là chúng tôi ở Đồng Tháp mà khai quang mần cái đất đó lọt về tỉnh Long An rồi. Ổng cắt đất thâm canh. Nhưng mà chúng tôi thấy cắt đất thâm canh này vô lý, bởi vì ngày trước nhân dân chúng tôi bảo vệ cho đất nước thì con em đi đánh giặc cũng đâu có nói là đánh trong tỉnh nhà thôi, mà đanh toàn miền Nam - Trung - Bắc.

Hơn nữa ngày trước chúng tôi khai hoang mảnh đất này có đóng thuế thì mấy ổng đâu có nói là thâm canh. Nhưng tại sao tới chừng chúng tôi mần ổn định rồi, thành thuộc rồi thì nháy ra cướp hết trơn đất đai tài sản của chúng tôi như vầy để cho chúng tôi phải chịu cảnh đói rách, lang thang, màn trời chiếu đất, bây giờ không có nhà cửa, khổ sở.”

Bà Cẩm Hồng cho biết thêm: “Hiện thời bây giờ tôi đang ở Hà Nội. Tôi ra Hà Nội nay là mấy năm trời. Cứ đi dưa đơn, đưa đơn khắp nơi, hổng có còn sót cái cơ quan ban ngành nào hết. Tới nhà riêng mấy ông lớn nữa. Nhưng kết cuộc rồi cũng không được ai can thiệp giúp đỡ hết trơn. Chúng tôi quá khổ ở ngoài này, lớp thì đau bệnh không tiền uống thuốc, lớp thì đói khổ ăn cháo ăn rau, như vầy đây mà ngày nào cũng phải đi lang thang vất vả từ đầu đường cuối ngỏ.

Nó quá khổ! Mà không thấy được tin tức gì trả lại đất hết trơn! Kết cuộc rồi không ai xem xét gì, không ai giải quyết gì. Cứ để lềnh lềnh hoài. Từ hồi năm 1986 cho tới năm nay là hai mươi mấy năm rồi mà cũng vẫn không được cơ quan nào giải quyết.

Từ năm 2004-2005 tới nay tôi ở Hà Nội xuyên suốt. Mấy năm trước ăn rồi cứ lo đi đưa đơn, nhà ông này tới nhà ông kia, về lo đi lượm bọc mũ - đồng nát đặng mà bán lấy tiền ăn, không thôi thì không có.

Rồi tới năm nay khổ một nỗi là giờ đồng nát thì lượm hổng có nữa. Giờ không biết làm sao. Từ hôm nào tới nay đói dữ lắm. Tôi đau nay là tháng mấy rồi mà không có tiền đặng mà mua thuốc uống, không có tiền chích thuốc. Uống ba cái thuốc nam riết nó không hết.”

Cùng hoàn cảnh với bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng là bà Nguyễn Thị Kim Phượng, cựu giáo viên thời VNCH, cư trú tại số 132, Khóm 7, Phường 8, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau). bà Phượng cho biết:

DanOanHaNoiProtest200.jpg
Dân oan khiếu kiên ở Hà Nội. RFA file photo.

“Hồi xưa cha mẹ mua mảnh đất đó năm 1966, cất nhà ở ổn định và sản xuất trên đất đó đến nay trên 40 năm. Được chính qyền chế độ cũ cấp chứng thư quyền sở hữu năm 1971, số thửa 1623, số diện tích là 0,30 hecta. Hồi lúc cha mẹ sinh tiền, còn sống mạnh khoẻ và đến khi cha mẹ chết cũng vẫn nằm trên mảnh đất này.

Như vậy mà chính quyền tham nhũng của tỉnh Cà Mau dùng xã hội đen khống chế gia đình, giam và đập phá nhà cưả, cướp hết tài sản, khống chế gia đình 21 lần. Và đến lần cưỡng chế sau cùng là năm 2003, tất cả 22 lần, coi như một trận địa san bằng không còn một cái gì trên mảnh đất đó.

Bản thân gia đình tôi coi như trắng tay luôn. Vợ chồng chết đi sống lại nhiều lần nhưng mà không chết hẳn được. Bây giờ còn sống ở đây, tài sản không còn. Họ cố ý họ đuổi ra khỏi mảnh đât đó để họ cướp hết, để giết người diệt khẩu.

Sống cảnh màn trời chiếu đất là 19 năm đi khiếu kiện đòi công lý. Hàng ngàn lá đơn kêu oan. Xa quê hương, đi kiện lang thang trên đất Hà Nội từ năm 2005 đến nay 2007 ở trực tiếp phố Hà Nội là 3 năm liền. Ở Hà Nội hết sức là vất vả. Khi có được các quan ở trung ương Hà Nội này mới được đưa ra ánh sáng thì có thủ tướng, phó thủ tướng và các bộ ngành của trung ương đã phán xét ngày 20-4-2007.

Sự chỉ đạo của các ông và có công văn đầy đủ của văn phòng chính phủ và các bộ ngành, thì ở duới tỉnh Cà Mau thực hiện ra một cái quyết định số 44-QĐ ký ngày 16-7-2007, nhưng chính quyền tỉnh Cà Mau chỉ trả ở trên mảnh giấy, còn thực tế đất thì họ vẫn tiếp tục họ cất công ty để làm doanh nghiệp vụ lợi cá nhân, mà trong đó là bí thư tỉnh uỷ Võ Thanh Bình, chủ tịch tỉnh Huỳnh Công Bửu.

Như thế này thì bây giờ dằng dai như thế này, không xử lý được, cuối cùng Phượng cũng vẫn tiếp tục ra Hà Nội để tiếp tục kêu oan. Đầu tháng 8 dương lịch đến bây giờ là coi như trên 4 tháng rồi, sự việc vẫn nằm trong im lặng.”

Trong khi đó, một dân oan khác là bà Mai Thị Quế, 73 tuổi, quê quán Ấp Lân Quới 2, Xã Thạnh Quới (Huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) thay mặt cho những ngưòi dân bị mất đất thuộc Nông Trường Cờ Đỏ mô tả về hoàn cảnh khó khăn của dân oan sau hàng chục năm trời khiếu kiện.

“Bây giờ trong 8 cây số vuông Nông Trường Cờ Đỏ bị nó lấy hết. Năm 1976 tới giờ có lệnh 90 Bác Linh trả lại cho dân thì nó về nó hô để trả nhưng nó không trả gì hết, nó cho hợp đồng, một người có 25 công để mần ăn sinh sống thôi. Còn bao nhiêu là nó để cho dòng họ nó, bà con cô bác nó mướn hết, mà mình xin mướn thì nó không cho.

Sau qua năm 1996 có lên Hà Nội một lần với anh em cả mấy trăm người lên thì nó hô để về giải quyết. Nó cho ông Nguyễn Đình Lộc, bộ trưởng bộ tư pháp, về giải quyết. Hổng giải quyết gì hết! Nó đưa cho mỗi người 25 công lấy bằng tiền. Tỉnh nó đánh cái giấy nó nói là lấy trên mặt bằng, lấy hoa màu, chừng nào có lệnh trả đất thì trả.

Tới ngày nay xin hợp đồng nữa nó cũng không cho, giờ đói lắm. Hồi năm 1996 tới giờ đi hoài, đi mấy chục lần Hà Nội rồi. Ba năm nay ở liên tiếp ngoài này, về thì công an tỉnh nó mời, nó bắt, nó không cho đi, nó kỷ luật.

Bây giờ nói thiệt 3 chị em Cẩm Hồng, Kim Phượng, và tui, giờ đói lắm, ăn cháo một tháng rồi. Mà Cẩm Hồng nó đau nhiều lắm, một tháng nay nó đau nhiều. Chị đi luợm đồng nát về bán mua thuốc cho em uống chứ còn hà phương nào, không còn xin ai được, ai cũng nghèo hết.”

Bà Mai Thị Quế thay mặt cho dân oan, kêu cứu: “Cháu giúp dùm 64 tỉnh thành đây đang đau khổ, đang chết gục, đang chết đói, đang bị lấy nhà lấy cửa lấy đất hết trơn.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.