Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Tân bộ trưởng y tế Việt Nam Nguyễn Quốc Triệu hứa hẹn cải tổ ngành y tế, nâng cao hiệu năng của các bệnh viện công. Để tìm hiểu việc này Nam Nguyên phỏng vấn bác sĩ Huỳnh Hoà Thanh, nguyên phó giám đốc bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM, người có 50 năm kinh nghiệm phục vụ ngành y.

Nam Nguyên: Tình trạng quá tải ở các bệnh viện Việt Nam hiện nay có là nghiêm trọng, có tình trạng hai ba bệnh nhân nằm 1 giường? Nguyên nhân vì sao?
Bác sĩ Huỳnh Hoà Thanh: Có quá tải thật và cũng có quá tải ảo. Hiện nay tình trạng quá tải là ở các đô thị lớn, bệnh viện lớn có kỹ thuật cao rồi tới những bệnh viện trung bình. Người ta tập trung về nhiều, nhưng lẽ ra Việt Nam phải phát triển thêm bệnh viện ở tuyến huyện tuyến tỉnh và phải nâng cao hơn nữa.
Trước đây tôi làm ở Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình, tôi có thống kê thử thì thấy rằng lượng bệnh nhân về bệnh viện đầu ngành, đúng ra chỉ khoảng 2/3 là cần thiết so với thực tế, còn 1/3 là thừa sức cho tỉnh và huyện phục vụ. Do trách nhiệm của tỉnh, huyện thực hiện còn thiếu sót, rồi ỷ lại tuyến trên, rồi người dân khi làm ăn khá có tiền họ cũng muốn đi tìm nơi có kỹ thuật cao hơn.
Theo tôi thực sự có nhiều trường hợp không cần thiết phải lên tuyến trên, mà có thể điều trị ở tỉnh ở huyện được nếu làm tốt chức năng của bệnh viện tỉnh, huyện. Mà muốn làm được điều này có nghĩa phải tạo lòng tin nơi người dân, nếu dân tin thì họ không dại gì phải đi lên tuyến trên chịu nhiều tốn kém cực khổ.
Nam Nguyên: Thưa bác sĩ, như thế có cần đầu tư thêm bệnh viện hay không, thực tế số giường bệnh và bình quân đầu người ở Việt Nam như thế nào?
Bác sĩ Huỳnh Hoà Thanh: Hiện nay giường bệnh chưa đủ vì các tuyến dưới chưa đủ. Muốn phát triển được thì phải phát triển y tế cơ sở, giữ bệnh nhân ở dưới điều trị, để bệnh nhân có lòng tin dần dần người ta sẽ quen việc điều trị ở địa phương.
Hiện nay giường bệnh chưa đủ vì các tuyến dưới chưa đủ. Muốn phát triển được thì phải phát triển y tế cơ sở, giữ bệnh nhân ở dưới điều trị, để bệnh nhân có lòng tin dần dần người ta sẽ quen việc điều trị ở địa phương.
Thật ra có nhiều ca bệnh không cần thiết phải chuyển lên trên, vậy chuyển lên để làm gì. Tôi tin ông Quốc Triệu (tân bộ trưởng y tế) nói rằng ba năm nữa hết tình trạng quá tải. Ông Triệu đặt phương án thêm giường bệnh ở tuyến trên đồng thời phát triển y tế cơ sở. Tôi tin là nếu có quyết tâm có thể làm được.
Nam Nguyên: Thưa Bác Sĩ, Ngành y tế Việt Nam tỏ ra lúng túng giữa y tế kinh tế thị trường và y tế xã hội chủ nghĩa. Theo Bác sĩ Giải quyết mâu thuẩn này bằng cách nào trong thực tại Việt Nam hiện nay.
Bác sĩ Huỳnh Hoà Thanh: Nếu nói xã hội chủ nghĩa thì đặt nặng vấn đề chính trị quá, nên nói là một dạng y tế bao cấp, cái gì cũng do ở trên hết. Vì không thể nào bao cấp y tế nên từ đó phải đặt ra môn học lớn ở trong ngành y tế, phải có kinh tế riêng biệt cho ngành y tế có thể gọi đó là kinh tế y tế và vận dụng nó.
Tôi tiếp thu được tính cách kinh tế ở trong y học, theo đó không có thứ của cải nào trên trời rơi xuống để bao cấp hết cho nền y tế. Theo tôi Cuba có thể làm được là vì nước họ quá nhỏ, nhưng thật ra họ cũng gồng gánh làm khổ các lãnh vực khác. Quan điểm của tôi là làm như thế có tính nhân đạo nhưng chưa thật là tốt, vì muốn phát triển thì phải nâng cao toàn bộ đời sống lên chứ không chỉ ưu tiên một lãnh vực y tế.
Bản chất xã hội chủ nghĩa khác với tư bản chủ nghĩa ở chỗ XHCN chỉ có hai thành phần kinh tế là kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể, không thể phát triển được. Hiện nay Việt Nam theo kinh tế thị trường có đa thành phần kinh tế, được tự do làm giàu trong pháp luật nên phải thiết lập bệnh viện tư để phục vụ thành phần có tiền có nhu cầu.
Còn nếu Nhà nước bao cấp tràn lan là rút tiền của người nghèo chi cho người giàu một cách vô lý, mà người ta cũng không cần, họ cần phải có những chỗ tốt hơn tốn tiền nhiều hơn nhưng người ta đủ sức.
Còn bệnh viện Nhà nước chức năng là phải phục vụ chứ không phải kinh doanh lấy lãi, vì thế phải tách bệnh viện Nhà nước phải là phục vụ, còn y tế tư nhân là y tế kinh doanh. Ai không đủ điều kiện vào các bệnh viện tư kinh doanh, thì có thể điều trị ở bệnh viện công, Nhà nước cố gắng phát triển theo khả năng kinh tế của mình, chứ không phải bố thí cho dân nghèo.
Tôi cho rằng kinh tế thị trường hiện nay là phải phân biệt hai hình thức y tế như vậy. Dần dần Việt Nam giàu lên đóng bảo hiểm cao hơn, lúc đó bệnh viện công và tư cũng như nhau.
Nhưng hiện nay Việt Nam bảo hiểm (y tế) có được bao nhiêu đâu, làm sao đáp ứng được kỹ thuật cao, và Nhà nước phải bao cấp nhưng không phải là bao cấp tràn lan. Người có tiền có thể chọn lựa nhưng người dân nghèo Nhà nước phải gánh cho họ với chức năng tối đa của Nhà nước.
Đây là vấn đề bảo hiểm, người giàu bây giờ họ không đi vào bệnh viện công. Theo tôi các bệnh viện công tuy có đảm bảo kỹ thuật cao nhưng sự phục vụ, sinh hoạt trong đó thì ‘bình thường’ thôi.
Nam Nguyên: Nhưng thưa Bác sĩ làm sao để giải quyết được là sẽ giúp cho người nghèo mà không bao cấp người giàu, theo tình hình như hiện nay. Làm sao có thể quản lý vấn đề này.
Bác sĩ Huỳnh Hoà Thanh: Đây là vấn đề bảo hiểm, người giàu bây giờ họ không đi vào bệnh viện công. Theo tôi các bệnh viện công tuy có đảm bảo kỹ thuật cao nhưng sự phục vụ, sinh hoạt trong đó thì 'bình thường' thôi.
Thí dụ ở Hà Nội hiện nay, có tình trạng người ta biến hội trường thành bệnh viện chứ không phải bệnh viện chính qui. Tất nhiên người giàu không đi vào loại bệnh viện đó. Nếu họ điều trị ở đó họ có bảo hiểm rồi Nhà nước cũng đâu có lỗ, còn người nghèo nhiều khi họ còn không có tiền để đóng bảo hiểm nữa.
Nam Nguyên: Như thế Bác sĩ cho là phải hoàn thiện bảo hiểm y tế, chứ hiện nay hệ thống bảo hiểm vẫn còn lúng túng và chưa hiệu quả?
Bác sĩ Huỳnh Hoà Thanh: Đúng vậy, tôi cho rằng một xã hội tốt thì một trong những thể hiện là vấn đề bảo hiểm. Thí dụ như thuế thu nhập là phải lấy người giàu bù qua cho người nghèo…bảo hiểm thì lấy người không bệnh bù qua cho người bệnh, đó là tính nhân đạo.
Có thể nói rằng, bảo hiểm y tế và thuế thu nhập là hai mặt trong nhiều mặt để thể hiện một xã hội tốt.
Nam Nguyên: Cảm ơn Bác sĩ Huỳnh Hoà Thanh về các ý kiến của ông.