Phương Anh, phóng viên đài RFA
Hôm qua, trong ngày Quốc Tế Vì Người Tàn Tật, ở Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm để nâng đỡ và an ủi những người khuyết tật. Theo thống kê trên mạng, hiện nay, cả nước có gần 7 triệu người khuyết tật, và riêng tại thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 38.000 người, chưa kể những người là thương binh và những người khuyết tật từ các tỉnh đổ về tìm cách mưu sinh.

Tháng 11 năm 1998, nhà nước Việt Nam đã ra pháp lệnh về người tàn tật để bảo vệ quyền lợi cho họ. Nhưng, trên thực tế, người khuyết tật tại Việt Nam vẫn bị kỳ thị và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Kỳ này, Phương Anh xin gửi tới qúi vị các thông tin liên quan đến cuộc sống của người khuyết tật hiện nay tại Việt Nam.
Pháp lệnh về người tàn tật
Theo lời bà Nguyễn Thị Mẫn, Phó Chủ Tịch Hội Bảo Trợ Người Tàn Tật thành phố Hồ Chí Minh, thì hiện nay
“Nói chung nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ. Thí dụ nghèo thì được xoá đói giảm nghèo, hay nghèo mà không có người nuôi dưỡng thì được trợ cấp. Có nhiều tổ chức từ thiện giúp đỡ xe lăn, nạng, máy nghe…cũng nhiều người giúp. Nhà nước một phần, còn toàn xã hội giúp. Toàn thành phố, riêng người tàn tật, chứ không kể thương binh, khoảng 38.000 người, không kể những người ở các tỉnh di dân về đây. Họ đi bán vé số, lặt vặt..”
Được biết, Hội Bảo Trợ Người Tàn Tật TPHCM đã cố gắng xây dựng một trung tâm dậy nghề cho những người khuyết tật ở Bình Dương. Nhưng sau khi học viên tốt nghiệp, kiếm việc làm là một vấn đề nan giải. Bà nói:
“Khó kiếm việc, đào tạo có nghề nghiệp thì cũng có người nhận. Thí dụ, Hội vừa qua có đào tạo 300 em, khoảng 160 em cũng có đơn vị nhận. Những đưá còn lại phải tự xin việc. Ở đây thì có đào tạo vi tính, may công nghiệp, thêu, làm hoa, tranh ghép gỗ, massage…là những nghề các em có thể làm được. Thông thường, về vi tính, các cơ sở nhận cũng hạn chế. May công nghiệp thì nhận được nhiều.”
Khó kiếm việc, đào tạo có nghề nghiệp thì cũng có người nhận. Thí dụ, Hội vừa qua có đào tạo 300 em, khoảng 160 em cũng có đơn vị nhận. Những đưá còn lại phải tự xin việc. Ở đây thì có đào tạo vi tính, may công nghiệp, thêu, làm hoa, tranh ghép gỗ, massage…là những nghề các em có thể làm được. Thông thường, về vi tính, các cơ sở nhận cũng hạn chế. May công nghiệp thì nhận được nhiều.
Ông Trần Văn Ca, Việt kiều, chủ tịch điều hành Hội Vietnam Assistance for Handicapped, gọi tắt là VANH, trụ sở tại Virginia, Hoa Kỳ, một người đã hoạt động trong việc giúp đỡ xe lăn, chân tay giả cho người khuyết tật trong suốt 17 năm qua tại Việt Nam, cho biết:
“Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm qua, các vấn đề về người khuyết tật đã có nhiều tiến bộ. Cụ thể là những tổ chức trong community được thành lập. Từ ngày chính phủ ban hành pháp lệnh về người tàn tật vào tháng 11 năm 1998, pháp lệnh này vẫn dưới luật mà trong đó có những điều khoản rất thuận lợi để phát triển những cái quyền thực thi, những quyền tranh đấu và bảo vệ người tàn tật có quyền lợi. Đối với hội VNAH, nhờ tài trợ của cơ quan USAID – Hoa Kỳ, chúng tôi đã hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực thi một số điều khoản trong pháp lệnh đó.”
Chưa có hiệu quả
Ông cũng cho biết rằng, tuy pháp lệnh về người tàn tật đã ra đời 10 năm qua, nhưng quyền lợi của người tàn tật vẫn chưa được thực thi một cách hiệu quả, nhất là trong việc di chuyển, vì thế:
“Để người ta có thể tham gia các hoạt động xã hội , chúng tôi mời các chuyên viên, kỹ sư, giáo sư trong Bộ Xây Dựng của chính quyền VN qua Mỹ để đào tạo họ những kỹ năng về kỹ thuật để xây dựng tiêu chuẩn, qui chuẩn về thiết kế công cộng, để cho người tàn tật có thể xử dụng được…
Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với giao thông VN để giúp bộ giao thông soạn thảo và ban hành những tiêu chuẩn, qui chuẩn để người tàn tật, khiếm thính, khiếm thị có thể xử dụng lối đi, tiếp cận với nhà ga, khu du lịch. Trong vòng 10 năm qua ở Việt Nam đã có những tiến bộ rất khả quan về lãnh vực sử dụng quyền, và giúp cho người tàn tật.”
Cũng theo lời ông Ca cho biết, nhà nước Việt Nam đang có nhiều nỗ lực cải tiến trong chính sách để giúp đỡ cho người khuyết tật. Cụ thể là việc nâng pháp lệnh về người tàn tật lên thành bộ luật. Ông nói:
“Thực ra, trước khi pháp lệnh ra đời, thì Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hay qui chuẩn về người khuyết tật. Nhưng thời gian sau này thì đã có những ràng buộc trong pháp lệnh để các cơ quan chính phủ thực thi. Bây giờ, chính phủ Việt Nam đã quyết định nâng cấp pháp lệnh lên thành luật. Luật này sẽ có những điều khoản để thực thi và áp đặt, có những biện pháp chế tài được.
Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là sẽ bắt đầu chương trình soạn thảo bộ luật này và chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết luật này sẽ đồng bộ với công ước quốc tế của liên hiệp quốc. Đó là một sự tiến bộ. Trong đó sẽ có những chương trình, những ràng buộc, những công trình phúc lợi của nhà nước. Dĩ nhiên, luật có ban hành đi chăng nữa thì việc thực thi phải có những người tàn tật và những Hội phi chính phủ như chúng tôi hỗ trợ hơn nữa.”
Thực ra, trước khi pháp lệnh ra đời, thì Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hay qui chuẩn về người khuyết tật. Nhưng thời gian sau này thì đã có những ràng buộc trong pháp lệnh để các cơ quan chính phủ thực thi. Bây giờ, chính phủ Việt Nam đã quyết định nâng cấp pháp lệnh lên thành luật. Luật này sẽ có những điều khoản để thực thi và áp đặt, có những biện pháp chế tài được.
Bà Nguyễn Thị Mẫn cũng đồng quan điểm, và cho rằng vào thời kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới, thì người khuyết tật còn gặp khó khăn gấp bội. Bà nói:
“Nói chung, họ cũng cần nhiều sự giúp đỡ vì thời mở cửa, sự cạnh tranh lại càng gay gắt. Cho nên, người khuyết tật cơ thể đã bị khiếm khuyết rồi, người ta không thể như người lành mạnh. Các cơ sở xã hội phải hỗ trợ họ để họ có một cuộc sống tương đối bình thường. Mình phải làm sao giúp họ giảm bớt khó khăn, giúp khi họ bức xúc, họ không thể dưạ vào ai được.”
Chính sách chưa được rõ ràng
Tuy nhiên, nhìn lại thời gian qua, bà nhận thấy rằng: hiện nay, nhìn chung, xã hội đã chú ý đến người khuyết tật nhiều hơn, nhưng chính sách nhà nước vẫn chưa được rõ ràng, còn nhiều khiếm khuyết. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ cũng không nhiều nên người khuyết tật vẫn cần rất nhiều sự giúp đỡ. Bà cho hay:
“Bây giờ người ta quan tâm. Trước đây, việc ủng hộ người tàn tật, mồ côi, người ngheò, không có phong trào như bây giờ. Các doanh nghiệp, người ta làm ăn khá giả, người ta cũng muốn làm từ thiện. Cho nên, phong trào này nổi lên và người tàn tật được quan tâm hơn. Ngày xưa thì mạnh ai nấy sống.
Nói chung so với các nước thì bây giờ mình cũng chưa làm được nhiều mặc dù đã có pháp lệnh. Nhưng do kinh phí hạn chế, ví dụ như đường đi chưa có cho xe lăn…nhiều chính sách mình chưa thực hiện được tốt. Thí dụ doanh nghiệp phải nhận người tàn tật, hay phải đóng góp như thế nào thì cũng chưa rõ ràng.”
Trở lại với ông Trần Văn Ca, khi được hỏi rằng việc phân biệt đối xử với người khuyết tật, nhất là trong công ăn việc làm, ở Việt Nam hiện nay như thế nào, ông nói:
“Cái này là cả một vấn đề trầm trọng, xụất xứ từ truyền thống của chúng ta ở Việt Nam. Sự phân biệt đối xử với người tàn tật đối với các nước Á Châu và ở Việt Nam rất nặng. Cho nên, chúng tôi cũng cố gắng một mặt làm việc với chính phủ, với các tổ chức. Một mặt tác động bản thân người tàn tật, một mặt trực tiếp giúp đỡ qua nhiều chương trình như dậy nghề, cho xe lăn.
Cách đây mấy ngày, ở Sàigòn chúng tôi tổ chức một “job fair”, hội chơ tìm việc cho người tàn tật và mời 50 doanh nghiệp quốc tế và trong nước để người ta có thể phỏng vấn và chọn ngành nghề thích hợp cho người tàn tật. Xã hội Việt Nam nói chung, doanh nghiệp, nhà nước, và nhiều tổ chức khác đã bắt đầu quan tâm hơn tới người tàn tật. Đó là điều đáng mừng. Đó là một bước tiến tốt.
Nhưng hãy còn xa, chứ không phải là đã hoàn chỉnh. Về sự phân biệt đối xử, chính phủ phải có bộ luật cho rõ ràng để thực thi. Hiện nay, chỉ có pháp lệnh thôi, hãy còn dưới luật, nên chúng tôi cũng rất hy vọng luật sẽ được ban hành. Và việc thực thi phải có biện pháp chế tài thì mới thực sự hỗ trợ thêm cho người tàn tật.”
Quí vị và các bạn vừa nghe những thông tin liên quan đến người khuyết tật ở Việt Nam. Hiện nay, song song với các tổ chức từ thiện ở nước ngoài, trong nước có nhiều phong trào tự phát để giúp đỡ cho người khuyết tật, rất nhiều tấm gương điển hình về nghị lực của người khuyết tật được truyền thông ca ngợi.
Nhìn chung, ngày nay, xã hội đã thay đổi quan điểm về người khuyết tật. Mong rằng nhà nước Việt Nam sẽ sớm ban hành Luật Về Người Khuyết Tật để những người không may này sẽ được đối xử công bình như bao người bình thường khác trong xã hội. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn vào kỳ sau.