Làm thế nào để thành lập hãng luật tại Việt Nam?


2007.07.30
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Việc thành lập những hãng luật hay công ty luật chuyên nghiệp với đội ngũ luật sư nội địa có kinh nghiệm hầu cung cấp những dịch vụ tư vấn pháp lý khác nhau liệu có khả thi không vào khi kinh tế Việt Nam trên đà phát triển và càng ngày càng nhiều giới đầu tư nước ngoài ngấm nghé thị trường này?

LawCourt200.jpg
AFP PHOTO

Tại Việt Nam sau chiến tranh, từ năm 1975 luật sư trong nước không được phép hành nghề. Tháng Mười Hai năm 1987, nghề luật sư chính thức được công nhận qua Pháp Lệnh Tổ Chức Luật Sư do nhà nước ban hành.

Tuy nhiên Pháp Lệnh Tổ Chức Luật Sư qui định là các luật sư không được hành nghề độc lập mà phải thông qua Đoàn Luật Sư tại các tỉnh và các thành phố trực thuộc trung ương.

Tính đến năm 2001, Việt Nam chỉ có khoảng hai ngàn luật sư. Nói một cách khác, với tổng số gần tám chực triệu dân lúc bấy giờ, phải 40,000 người mới có một luật sư. Điều đáng nói là trong số khoảng hai ngàn luật sư đó, chỉ vài trăm thực sự hành nghề, còn lại là cán bộ về hưu hoặc công chức kiêm nhiệm.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích thuộc Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh, giải thích về con số luật sư ít ỏi trên toàn cõi Việt Nam :

“Số luật sư đồng ý là ít, thế nhưng mà nhu cầu cần luật sư có nhiều hay không? Vì rằng luật sư không thể có nếu không có nhu cầu, do đó ta phải xem rằng có nhu cầu hay không. Theo lịch sử của nền tư pháp Việt Nam, mãi cho tới sau năm 90 mới có các công ty thì mới có cái gọi là họat động dân sự rồi thì họat động thương mại, chứ còn lúc trước thì không có những họat động ấy mà chỉ có những vụ vi phạm hình sự, những vụ mua bán nhà cửa.

Cho tới 1990 thì nhu cầu về luật sư mà hiểu như các nước Phương Tây thì không nhiều ở Việt Nam. Thế cho nên luật sư sở dĩ được nói tới hay được thành lập vào lúc đó là tại vì có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đấy là yếu tố chính khiến Đoàn Luật Sư được hình thành. Vậy thì vì cái nhu cầu đòi hỏi luật sư ở Việt Nam không có nhiều cho nên luật sư có nhiều ngừơi vẫn thất nghiệp.”

Số luật sư đồng ý là ít, thế nhưng mà nhu cầu cần luật sư có nhiều hay không? Vì rằng luật sư không thể có nếu không có nhu cầu, do đó ta phải xem rằng có nhu cầu hay không. Theo lịch sử của nền tư pháp Việt Nam, mãi cho tới sau năm 90 mới có các công ty thì mới có cái gọi là họat động dân sự rồi thì họat động thương mại, chứ còn lúc trước thì không có những họat động ấy mà chỉ có những vụ vi phạm hình sự, những vụ mua bán nhà cửa.

Những khó khăn

Qua giải thích của luật sư Nguyễn Ngọc Bích, có thể nói sau năm năm Pháp Lệnh Tổ Chức Luật Sư được mang ra thi hành, con số luật sư ở Việt Nam chỉ tăng từ hai ngàn đến bốn ngàn. Ngoài ra còn có hơn tám trăm tổ chức hành nghề luật sư. Dù như đó là bước đầu cho sự hình thành mạng lưới mới trong hệ thống thực thi pháp luật nội địa, nhưng thực tế thì tăng trưởng về chất lượng không đáng kể.

Được hỏi phải chăng tới lúc Việt nam cần có những tổ hợp luật chuyên nghiệp, qui tụ nhiều luật sư giàu kinh nghiệm và khả năng để có thể cung cấp những dịch vụ tư vấn pháp lý khác nhau, luật sư Nguyễn Ngọc Bích phân tích những điểm thiết yếu mà ông cho là khó:

“Phát triển nhiều hay ít là tùy theo nhu cầu chứ không phải tự thân luật sư mà có thể phát triển được. Thường người ta ít để ý đến nhua cầu thị trường mà lại để ý nhiều đến bán thân luật sư. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều từ sau năm 90 cho tới bây giờ, luật sư nước ngoài nở rộ đầu tiên và nhiều nhất, chứ vào những năm từ 1990 thì luật sư Việt Nam rất ít ngưới có ngọai ngữ và được đào tạo để biếtvề các luật của các hệ thống khác thí dụ của Pháp hay của các nước Anglo-Saxxon.

Cho nên dù có nhu cầu đi nữa thì luật sư trong nước không có khả năng đáp ứng. Bởi vậy cho nên số luật sư nước ngoài đã vào nhiều ở Việt Nam, họ đã phục vụ cho khách hàng nước ngoài vào Việt Nam đầu tư. Các văn phòng luật sư nước ngoài họat động được là nhờ có các sinh viên học luật mới tốt nghiệp giỏi tiếng Anh làm việc cho các văn phòng luật ấy. Rồi từ từ những người giỏi tiếng Anh mới bắt đầu học nghề.

Còn số người đi học nước ngoài về luật thì chỉ khi có chương trình Fulbright mới được cử đi thôi. Cho nên khả năng đáp ứng như cầu của khách hàng vẫn còn hạn chế, trừ một số văn phòng do các chi nhánh nước ngoài lập nên, sau đó họ rút ra đi, thì những văn phòng ấy mới có khả năng giao dịch với những nhà đầu tư nước ngoài.

Bây giờ mình phải xem cái nhu cầu để mà biết rằng luật sư có khả năng tăng lên được hay không. Thế thì đối với các công ty đầu tư có vốn nước ngoài thì họ sử dụng những văn phòng luật sư từ nước ngoài vào theo truyền thống công ty mẹ của họ. Đối với các công ty đã có văn phòng luật sư ở công ty mẹ thì những công ty ở Việt Nam đó sẽ không sử dụng luật sư Việt Nam để tư vấn cho họ.

Họ chỉ sử dụng luật sư Việt Nam khi mà có tranh chấp vì họ không ra toà được, không nói tiếng Việt Nam được thì lúc đấy mới có vai trò cho văn phòng luật sư Việt Nam. Thế bây giờ đối với các doanh nghiệp Việt Nam cần luật sư thì tôi có thể nói rằng chưa nhiều. Thành ra nếu doanh nghiệp Việt Nam cái lãnh vực và cái số lượng đông nhưng mà họ chưa cần luật sư Việt Nam thì luật sư cũng không lên được.

Cho nên bây giờ trước tình hình vào WTO thì mọi người chỉ mới nói đến thôi chứ chưa phân tích một cách rõ rệt nhu cầu luật sư đến từ những lọai công ty nào. Thế thì vì rằng số luật sư được đào tạo, giỏi tiếng anh, biết về luật nước ngoài không nhiều lắm và họ đi làm cho nước ngoài hoặc là những văn phòng đã từng do nước ngoài lập nên và huấn luyện thí cái số đó tôi không nghĩ nó tới hơn chục. Hơn một chục văn phòng luật thuần túy Việt Nam như thế có thể mở rộng được hay không thì vẫn tùy thuốc nguồn khách hàng từ ở các công ty nước ngoài hay công ty trong nước.

Còn số người đi học nước ngoài về luật thì chỉ khi có chương trình Fulbright mới được cử đi thôi. Cho nên khả năng đáp ứng như cầu của khách hàng vẫn còn hạn chế, trừ một số văn phòng do các chi nhánh nước ngoài lập nên, sau đó họ rút ra đi, thì những văn phòng ấy mới có khả năng giao dịch với những nhà đầu tư nước ngoài.

Với tình hình hiện nay là đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều thì số văn phòng luật sư mà có khả năng phục vụ khách hàng nước ngoài sẽ có rất nhiều việc để làm. Thế nhưng để mà các luật sư trong nước làm việc với nhau thì phải có một cơ chế. Các luật sư thường không có cơ chế ấy cho nên vẫn chưa có khả năng ngồi làm chung với nhau.

Vì vậy cho nên nói rằng cần phải có văn phòng luật sư vài trăm người là chuyện chưa thực hiện được. Thứ nhất khách hàng của anh là từ đâu tới.Thứ hai anh đã được tổ chức như thế nào, anh có những người gọi là Managing Partners, Senior Partners,và các Partners, các Associates … làm việc với nhau ra làm sao, ăn chia như thế nào?

Vài văn phòng đã là con đẻ của chi nhánh luật sư nước ngoài và đã họat động từ những năm sau 96 cho tới bây giờ thì họ học được từ công ty chi nhánh nước ngoài ấy thì họ còn làm được. Chứ còn công ty trong nước toàn luật sư Việt Nam chưa biết cách làm đâu. Cho nên có có khả năng mở rộng lắm. Tôi nhấn mạnh rằng vấn đề là nhu cầu luật sư, từ đâu tới và nó sẽ tùy thuộc rất nhiều vào nhu cầu này.”

Thị trường luật trong nước

Vậy thì khi nào thị trường luật trong nước mới hình thành được những tổ hợp qui mô và chuyên nghiệp và toàn luật sư Việt Nam thay vì để các hãng luật nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam lấn át như hiện nay? Luật sư Nguyễn Ngọc Bích nói:

“Phải chừng độ bốn năm năm nữa, khi mà số luật sư giỏi tiếng Anh được trường luật đào tạo theo một cách khác so với bây giờ. Vì trường Luật theo khuôn khổ cũ là đào tạo công chức ra để làm luật chứ không phải đào tạo luật sư. Vì thế cho nên để luật sư mà làm được luật sư đó thì phải có khả năng gọi là phân tích pháp lý, Mỹ nó gọi là “thinking like a lawyer”, ở Việt Nam không có dạy cái đó.

Cho nên phải một thời gian dài luật sư ra ngoài làm việc thì mới học được cái đó. Đấy là khó khăn thứ nhất. Thứ hai các tài liệu tiếng Anh để mà họ có khả năng đọc được, để mà áp dụng vào công việc, để mà giao dịch với khách hàng…. thưa rằng sách vở thì thiếu mà người đọc cũng không nhiều. Nếu tình trạng này cứ còn như thế thì lấy đâu ra để nói rằng có kiến thức quốc tế?

Điểm thứ ba, các văn phòng luật sư phải có cách gọi là chia sẻ lợi nhuận,, chia sẻ công việc với nhau như thế nào đó thì mới mở rộng được. Hiện nay chỉ vài văn phòng, tôi nói chỉ vài ba văn phòng mà gốc gác là do văn phòng luật nước ngoài đẻ ra, những người ở đó làm việc cho các công ty nước ngoài lâu năm rồi đứng ra thánh lập văn phòng Việt Nam.

Đấy, cho nên trong vòng năm năm tới tôi cho rằng vẫn là ao ước chứ chưa thể có được văn phòng luật sư với cả trăm người nếu họ không đưa ra được cái giải pháp làm việc chung chia lời chung thì làm sao có thể ngồi lại được, chưa nói đến kiến thức đến kinh nghiệm đến khả năng phân tích.”

Theo số liệu từ văn phòng luật ở Việt Nam có tên là Phước & Partners, trong tổng số bốn ngàn luật sư tính đến lúc này, chỉ một phần trăm là có kiến thức về Luật Quốc Tế để có thể giúp doanh nghiệp trong lãnh vực giao dịch thương mại quốc tế. Mặt khác, tầm họat động của các tổ chức trong đó bao gồm cả chi nhánh và văn phòng luật nếu có thì vẫn mang tính riêng lẻ và manh mún.

Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.