Làm cách nào tạo hiệu quả trong việc phục vụ dân ngày thứ 7 tại công sở?

0:00 / 0:00

Ðỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Saigon Giải Phóng cho hay là sau một thời gian triển khai làm việc ngày thứ 7, theo tinh thần Quyết định số 127 của thủ tướng chánh phủ, tại một số sở, ngành, thuộc các quận, huyện trong phạm vi thành phố Hồ Chí Minh, số lượng dân chúng đến giao dịch chưa đầy 1/10 (một phần mười) so với hoạt động những ngày thường trong tuần.

InternetYouth200b.jpg
AFP PHOTO

Theo dư luận thì xét chung, hiệu quả đạt được rất khiêm tốn, so với nguyện vọng của dân cũng như chủ trương và sự tính toán của nhà nước.

Ý kiến ghi nhận từ nhiều thành phần, nhiều giới nói rằng, đối tượng được nghỉ ngày thứ 7 nằm trong số cán bộ hành chánh chuyên nghiệp. Trong khi đó, đa số các khác như y tế, giáo dục, doanh thương, tư chức, công nhân đều phải làm việc, kiếm sống trọn ngày thứ 7.

Lâu nay, ngày thứ 7 vẫn là một ngày làm việc, sinh hoạt bình thường của mọi giới, mọi ngành, kể cả phần lớn học trò mọi cấp phải đi học tăng tiết.

Theo các cơ quan truyền thông thì mục tiêu tạo thuận lợi cho dân chúng cũng như doanh nghiệp trong công cuộc cải cách hành chánh , trên thực tế vẫn chưa đáp ứng đúng theo nhu cầu của quảng đại quần chúng.

Khi được họi ý kiến về kế hoạch cải tổ hành chánh, ông Khánh, từ Hà Nội nói việc ưu tiên là phải sữa đổi tư duy của cán bộ, quan chức.

Cũng có nhiều ý kiến khác đưa ra thắc mắc là tại sao chánh quyền không bố trí tiếp nhận và giao trả hồ sơ cho khách hàng ngoài giờ hành chánh?

Thời gian sinh hoạt, làm việc, kiếm sống của người dân tức là phía khách hàng và các công chức nhà nước, tạm gọi là nhà cung cấp dịch vụ hành chánh công quyền, đều không ăn khớp với nhau trọn vẹn, cho nên khách hàng ít khi nhận được hiệu quả một cách thoải mái, ưng ý.

Người dân vẫn thường nói tới cụm từ “dịch vụ hành chánh” thường mang ý nghĩa hay được xem là đồng nghĩa với chữ “công” như bệnh viện công, trường công, chứ không mang tính chất “dịch vụ”, được hiểu như sự phục vụ dành cho khách hàng ở mọi nơi, mọi lúc, mọi ngành.

Vẫn theo các báo thì bên cạnh sự rườm rà, rắc rối, phức tạp, quanh co, chậm chạp của các thủ tục hành chánh, trong việc phục vụ dân chúng trong giờ hành chánh, cũng là một trong những nguyên nhân khiến nạn “cò dịch vụ” còn tiếp tục làm ăn béo bở.

Ông Nhân, một người dân Saigon kể về những khó khăn mà người dân thường gặp khi họ đến cậy nhờ nơi cửa công.

Trước tình trạng nan giải này, dư luận đề nghị là vào một số ngày nhất định trong tuần, phòng tiếp nhận và giao trả hồ sơ của các sở, ngành, quận huyện, nên mở cửa thêm vài giờ đồng hồ nửa để phục vụ khách hàng, những người phải đầu tắt mặt tối để chạy kiếm ăn.

Sau khi hết giờ lao động tay chân hay làm việc trí ốc, mọi người sẽ tranh thủ đi làm hồ sơ hay thủ tục hành chánh một cách thoải mái, mà không phải xin nghỉ để chầu chực, xếp hàng dài cả ngày, nơi cửa công như hiện giờ.

Cũng có nhiều nhà báo lên tiếng đề nghị với chánh quyền sở tại là, nếu không đủ nhân viên để cắt đặt thời gian nghỉ bù, hoặc không có nguồn tài chánh để chi trả cho công chức làm thêm giờ thì ủy ban nhân dân thành phố có thể sắp xếp các phần hành chuyên môn làm việc lệch ca.

Saigon Giải Phóng kết luận, so với việc các cơ quan hành chánh, công quyền mở cửa làm việc cả ngày thứ 7 mà vẫn vắng khách, thì nguyện vọng của người dân được phục vụ ngoài giờ hành chánh đáng được các giới chức thẩm quyền cân nhắc và xem xét lại kỹ lưỡng hơn.

Đỗ Hiếu, RFA, BKK, Thái Lan