Có thể chấm dứt tình trạng vi phạm vê sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam

0:00 / 0:00

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

An toàn vệ sinh thực phẩm là một đề tài được nhắc tới thường xuyên ở Việt Nam, và ngay cả ở các cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.

FoodMeatHealthMarket200.jpg
Một quầy bán thịt ở Hà Nội hôm 14-11-2006. AFP PHOTO

Tuy đã có nhiều cảnh báo về những loại thực phẩm độc hại có khả năng gây nhiều bệnh hiểm nghèo cho người tiêu dùng, không phải giới tiêu thụ ở đâu cũng dễ dàng loại trừ các món vi phạm. Những biện pháp nào có thể chấm dứt tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam?

Thông tin về hàng trăm loại thực phẩm sản xuất tại Việt Nam bị nhiều nước từ chối nhập hoặc trả về hồi cuối tháng trước còn in trong trí nhiều người thì một vài vụ mới lại được đưa ra ánh sáng ngay sau đó. Trước hết là chuyện nước tương có độc tố 3-MCPD có khả năng gây ung thư, kế đó là vụ bảo quản trái cây bằng thuốc diệt rầy.

Vụ có khả năng gây thiệt hại cho doanh giới xuất khẩu trong thời gian tới là vụ Cơ quan Lương dược Hoa Kỳ, tức Food and Drug Administration (FDA) công bố danh sách những mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam vi phạm qui định vệ sinh an toàn. Hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến Việt Nam bị nêu danh.

Nhiều loại thực phẩm bị nói rõ phẩm chất tồi tệ vì dơ bẩn hoặc chứa tạp chất, độc chất. Từ những mặt hàng thủy sản cho tới các loại khác như bún, gia vị, dưa cà, bánh ngọt… món nào cũng phạm qui định vệ sinh hoặc qui định an toàn cho người tiêu dùng.

Bảng báo cáo của FDA vừa được tải lên mạng lúc cuối tháng 5 thì đã được chuyển vào hộp thư mạng của rất nhiều người sử dụng email cả trong lẫn ngoài nước. Tin về nước tương chứa độc chất, trái cây bị bôi thuốc diệt rầy cũng được quảng bá rộng rãi và nhanh chóng qua báo, đài trong và ngoài nước. Thông tin được chuyển tải, người tiêu thụ lại một phen lo lắng.

Giữa lúc ấy, giới xuất khẩu trong nước lại nhận thêm tin xấu từ một số đối tác thương mại. Nhật và Nga mạnh mẽ cảnh báo Việt Nam có thể bị cấm xuất một số sản phẩm do chất lượng hàng hoá không đạt tiêu chuẩn đã thoả thuận.

Người bán nhiều khi họ chỉ cần muốn kiếm lời, họ không cần biết. Dân quê, dân ruộng nhiều khi cả tháng không đọc báo, nghe đài vì vậy đâu biết mấy chuyện đó, thành thử cứ ăn thôi.

Những vụ mới nổi này chỉ là nối tiếp vài chục vụ vi phạm của nhiều loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước. Vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam gần đây được nhiều người cho là một chuyện dài, chuyện không bao giờ chấm dứt, tái diễn đều đặn gây lo âu chán nản cho giới tiêu thụ.

Gần như cứ một vài tháng lại có phát hiện mới, không về loại này thì loại khác. Từ các thức ăn phổ biến như bánh phở, giò chả, trứng, xì dầu nước tương cho đến các loại rau quả tươi như rau muống, trái cây, hải sản như tôm, cá, lươn… nếu không chứa dư lượng chất độc hại nào đó thì cũng bị nhiễm độc tố do được nuôi trồng trong môi trường ô nhiễm.

Ảnh hưởng đến người tiêu thụ

Một khi được thông báo về những thức vi phạm, người tiêu dùng trong và ngoài nước có những biện pháp nào để tránh nguy hiểm cho mình? Đa phần người Việt đang sống ở nước ngoài có khả năng tránh những thứ thực phẩm độc hại vì nếu không mua hàng hoá sản xuất từ Việt Nam thì có thể mua những loại tương tự nhập từ những nước khác như Đài Loan, Thái Lan và Trung Quốc.

Trong khi đó người trong nước đôi khi không có lựa chọn nào khác hoặc vì lý do tâm lý. Một phụ nữ Sài Gòn bày tỏ:

“Có những món ăn đã trở thành văn hoá mà không thể nào bỏ được như phở hay hủ tiếu. Có những thứ không thể thay thế được… Nghĩ là sống chết có số nên cứ ăn. Sẽ phải tìm những cơ sở uy tín, nhưng mình không thể nào biết chắc là có an toàn hay không.”

Thật vậy, với hàng ngàn cơ sở sản xuất thực phẩm và một số lượng tương tự về sản phẩm, người tiêu thụ khó thể biết rõ chất lượng của từ món ăn. Trong khi đó rất nhiều loại không thể kiểm tra, hoặc đã được cơ quan kiểm phẩm chứng nhận nhưng một thời gian sau được khám phá là không đạt tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh. Thực phẩm không an toàn ảnh hưởng thế nào đến người tiêu dùng? Giáo dục về sức khoẻ cho mọi người biết đó là nguồn gốc gây nhiều loại bệnh, cụ thể như ung thư. Tại Việt Nam mấy năm gần đây xảy ra hiện tượng một số làng, xóm có lượng người bị ung thư rất cao, mà có dư luận cho rằng thực phẩm độc hại là thủ phạm. Trong khi chờ đợi luận cứ này được chứng minh, những người hiểu biết đều đồng ý vệ sinh an toàn thực phẩm phải được xem trọng và quan tâm đúng mức.

Làm thế nào khắc phục tình trạng thực phẩm độc hại tiếp tục lan tràn trên thị trường, hầu tránh hậu quả cho người dùng? Lâu nay các cơ quan trách nhiệm trong nước vẫn thông báo rằng công tác kiểm tra thường xuyên được tiến hành, thế nhưng trên thực tế dường như các vi phạm không ngừng tiếp diễn.

Vì sao không có dấu hiệu chấm dứt?

Vì sao các vi phạm không có dấu hiệu chấm dứt? Dư luận cho là giới sản xuất và giới thẩm quyền có trách nhiệm chính. Một người dân Long Xuyên nói lỗi do người sản xuất vô tư đưa các hàng hoá độc hại ra thị trường, bất kể hậu quả cho người tiêu thụ:

“Người bán nhiều khi họ chỉ cần muốn kiếm lời, họ không cần biết. Dân quê, dân ruộng nhiều khi cả tháng không đọc báo, nghe đài vì vậy đâu biết mấy chuyện đó, thành thử cứ ăn thôi.”

Một doanh nhân ở Sài Gòn thì suy nghĩ rằng cơ quan chức năng chưa thực thi quyết liệt khả năng diệt trừ tệ nạn:

“Hiện nay kiểm tra những cơ sở nếu vi phạm thì chỉ xử phạt hành chánh, nặng nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh. Hầu như không có chế tài hình sự, hoặc phạt tiền thật nhiều để có tính cách răn đe.”

Trong khi người dân có những suy nghĩ như vậy, trong nước chưa có cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm.

Các cơ quan chức năng ở Việt Nam có lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng mỗi khi phát hiện thêm những sản phẩm độc hại, tuy nhiên hệ thống quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm của cả nước cho đến hiện giờ chưa đồng bộ, thống nhất. Không một đơn vị nào chịu trách nhiệm chính vì có nhiều khâu, nhiều tầng kiểm tra.

Ông Hoàng Thủy Tiến, Cục phó Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, có lần cho biết cơ chế hoạt động trong ngành:

“Hiện nay có nhiều phân cấp kiểm tra phối hợp liên ngành, làm thường xuyên, có xử phạt, nhưng không thể làm hết được.”

Chính quyền nói chung có chỉ đạo công tác kiểm tra doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm, tuy nhiên dường như việc khắc chế cho tới nay chưa đạt kết quả mong muốn.

Hồi đầu năm nay ông Tiến cho hay hướng đi của giới chức năng trong tương lai, là cải cách luật lệ để khắc phục vấn đề:

“Nay ở Việt Nam chế tài đang được nghiên cứu để thay đổi, để có thể xử phạt mạnh hơn, chứ thanh tra y tế chỉ phạt hành chính thôi. Bất cập là [do] mức chế tài chưa đủ mạnh. Chính phủ đang nghiên cứu để có thể thay đổi giúp đáp ứng nhu cầu hiện nay.”

Cho tới giờ, nhiều tháng trôi qua, mức vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Dân chúng hy vọng theo thời gian tình trạng sẽ được cải thiện tốt hơn. Nhiều người cho rằng biện pháp chính là sự quyết liệt của giới thẩm quyền, như phát biểu của một nhà doanh nghiệp trước đây:

“ Nhà chức trách, nhà quản lý phải mạnh tay hơn đối với nhà sản xuất, như kiểm tra đột xuất, thu hồi giấy phép hoặc cấm kinh doanh. Tôi rất mừng vì thấy vừa rồi chính phủ đã mạnh mẽ hơn về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm. Trước đây họ chưa quan tâm lắm.”

Chuyện dài về vệ sinh an toàn thực phẩm rồi đây có được chấm dứt có lẽ là kết quả tiến triển của hai nhân tố. Đó là đạo đức của giới sản xuất và quyết tâm của giới trách nhiệm.