Hoa Kỳ rút ra khỏi chiến cuộc Việt Nam như thế nào?


2006.04.30

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Hàng năm cứ vào cuối tháng Tư là dư luận Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt hải ngoại là trỗi dậy nhưng băn khoăn, bứt rứt về một cuộc chiến dai dẳng, giết chết hàng triệu người. Hồi tháng Ba, nhiều học giả, nhân chứng Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi hội thảo căn cứ vào các tài liệu được văn khố Hoa Kỳ giải mật. Lê Dân lược thuật lại một số nhận định đáng chú ý nhất về thời kỳ chiến cuộc gần tàn.

RichardNixon150.jpg
Tổng thống Richard Nixon. Photo courtesy Wikipedia.

Mở đầu, ông Kimball lược điểm qua những chủ trương mà Tổng thống Nixon cùng cộng sự thân tín là ông Henry Kissinger áp dụng tại Việt Nam vào thời điểm cuối cùng của cuộc chiến. Theo những tài liệu của Tổng thống Nixon, của cố vấn Kissinger và của những người khác để lại, thì mục tiêu chiến cuộc Việt Nam đã bị cố tình làm sai lạc.

Trước hết, giáo sư Kimball cho biết chính sách đối thủ điên cuồng mà ông Nixon đưa ra lúc đó là không có thật, mà chỉ nhằm mục đích cho phe cộng sản thấy là họ phải đương đầu với một người không từ nan làm bất cứ việc gì.

Ông Kimball nói chính sách đó có mục tiêu cho phe cộng sản thấy là họ đối phó với một liên minh của những kẻ không cần lý trí, khó tiên liệu được, sẵn sàng đe dọa sự an toàn của thế giới bằng võ lực mạnh mẽ. Một chứng cứ mới nữa là vào giữa tháng Mười năm 1969, Tổng thống Nixon đã ban hành lệnh báo động nguyên tử toàn cầu, kéo dài 17 ngày đêm.

Cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 1972

VnWarNixon200.jpg
Tổng thống Richard Nixon thăm quân đội Mỹ tại Việt Nam năm 1970. AFP PHOTO

Khác với những luận chứng chính thức mà Tổng thống Richard Nixon đưa ra với dân chúng và công luận Mỹ, giáo sư Jeffrey Kimball cho biết một trong những nguyên do chính khiến ông Nixon muốn kéo dài chiến cuộc Việt Nam là nhằm tranh đoạt thắng lợi tại cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 1972.

Trong đoạn băng ghi âm tại tòa Bạch Ốc vào tháng Tám năm 1972 về cuộc đối thoại giữa Tổng thống Nixon với cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, vị nguyên thủ Hoa Kỳ không dấu diếm rằng đối với ông, việc thắng cử là quan trọng hơn việc quân Bắc Việt tấn công quân Nam Việt, hay ngược lại.

Xin quý thính giả lưu ý là phẩm chất đoạn băng rất kém nên khó nghe, nhưng các sử gia Hoa Kỳ muốn trình bày nguyên trạng cho đầy đủ tính trung thực. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Muốn đạt được thắng lợi trong cuộc bầu Tổng thống Hoa Kỳ năm 1972, ông Nixon không thể cho rút quân hoàn toàn ra khỏi Việt Nam, nên đã dùng cách hoãn binh. Cùng với ông Kissinger, ông Nixon đưa ra chủ trương rút quân từng giai đoạn.

Ông đã cùng ông Kissinger mở chiến dịch ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc để gây sức ép với Bắc Việt, nhưng không rõ vì hai nước Cộng sản lớn chưa muốn, hoặc họ không dám mạnh tay với Hà Nội vào khi cả Moscow và Bắc Kinh còn lo kình chống nhau, giành ngôi bá chủ thế giới cộng sản, nên không bên nào muốn Hà Nội ngả về bên kia. Hoặc một giả thuyết thứ 2 là phe Cộng sản hiểu rõ ý đồ của ông Nixon và Kissinger vào mùa tranh cử Tổng thống Mỹ.

Trong biên bản ghi lại cuộc gặp gỡ giữa cố vấn Kissinger với Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko ngày 27 tháng Năm năm 1972, sau khi ông Kissinger đoan chắc là Mỹ rút quân và để chính trường miền Nam cho người Việt Nam quyết định, thì ông Gromyko hỏi vặn lại rằng có phải Washington không muốn một chính quyền cộng sản hoặc xã hội nắm quyền ở miền Nam Việt Nam hay không?

Ông Kissinger trả lời rằng Hoa Kỳ rút quân không có nghĩa là bảo đảm một chiến thắng cho phe cộng sản. Tuy nhiên chiến thắng chính trị đó không bị loại trừ, dù là không được Hoa Kỳ cam kết.

Biên bản cuộc gặp gỡ giữa ông Kissinger với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ngày 10 tháng Bảy năm 1972, viên cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ nói Washington cần một thời gian chuyển tiếp giữa việc triệt thoái quân sự với việc chính trị biến chuyển. Như vậy thì Hoa Kỳ sẽ không phải trở lại mà để cho dân chúng Đông Dương tự quyền quyết định vận mệnh chính trị cho họ. Nếu dân chúng thay đổi chính quyền, thì Hoa Kỳ sẽ không can dự vào.

"Two-year thing"

Trong cuộc đàm luận tại tòa Bạch Ốc với Tổng thống Nixon vào tháng Tám năm 1972, ông Kissinger nói rằng nếu trong một hay hai năm nữa mà Bắc Việt nuốt chửng miền Nam Việt Nam, thì chính sách ngoại giao của Washington vẫn hữu lý vì sự việc có vẻ như do lỗi chính quyền miền Nam yếu kém mà ra.

HenryKissinger-200.jpg

Sau khi Tổng thống Nixon tỏ ý khá băn khoăn, cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger trấn an rằng họ cần một công thức nhằm giữ được tình thế trong một hoặc hai năm, sau đó thì vấn đề Việt Nam sẽ rơi vào quá khứ. Nếu Washington dàn xếp được, giả dụ vào ngay tháng Mười này, thì đến tháng Giêng năm 1974 sẽ chẳng còn ai để tâm đến nữa.

Hai năm sau, biên bản cuộc họp ngày 19 tháng Bảy năm 1974 tại Washington giữa đại sứ Hoa Kỳ tại Sàigòn Graham Martin, cùng các quan chức liên bang như Lawrence Eagleburger, William Smyser, Henry Kissinger....đại sứ Martin báo cáo rằng về mặt quân sự, quân miền Nam đang giữ vững. Còn về mặt chính trị thì họ lại vững chắc hơn sự kỳ vọng của chính ông. Ông Kissinger trả lời rằng khi ông ký hiệp định Paris, ông nghĩ mọi việc chỉ là "two-year thing" tức chỉ được hai năm là xong.

Giáo sư Sử Jeffrey Kimball kết luận phần trình bày của ông về chiến cuộc Việt Nam dưới thời Tổng thống Nixon bằng nhận xét là ông Nixon cùng ông Kissinger sau đó đã tìm cách đổ lỗi sự thất bại của Hoa Kỳ tại Việt Nam cho những kẻ khác.

Họ đổ lỗi cho phe đứng giữa, giới truyền thông, nhóm tiến bộ và Quốc hội là đã đâm sau lưng quân lực Hoa Kỳ. Sự giả trá đó kéo dài, khiến những nhóm xã hội, học giả, nhân sĩ...sau này đều dùng các sự buộc tội đó. Họ còn khẳng định là chiến cuộc Việt Nam có thể thắng được, lý do khởi chiến quốc gia có thể chấp nhận được, mà chiến thắng đó bị các giới chủ hòa cướp mất.

Giờ đây, các tài liệu vừa giải mật cho thấy chính hai ông Nixon và Kissinger đều đã không tin tưởng rằng ngay cả một lực lượng quân sự lớn mạnh hơn những gì họ đã điều động, cũng không có khả năng thắng được cuộc chiến Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.