Người Việt hải ngoại đón Tết Mậu Tý

0:00 / 0:00

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Từ nhiều năm qua cứ vào cuối năm âm lịch, người Việt hải ngoại có sự lựa chọn là đón Tết ở nước sở tại hoặc trở về Việt Nam ăn Tết. Theo tin từ chính phủ Việt Nam, năm nay số Việt kiều về nước ăn Tết tăng đến 40% so với năm ngoái.

DragonLunarNewYear150.jpg
Nhiều Cộng đồng người Việt ở hải ngoại thường tổ chức múa Lân mừng Tết Nguyên Đán. RFA file photo

Năm nay tình hình đón Xuân Mậu Tý của Việt kiều thế nào? Nhã Trân trao đổi với một vài kiều bào ở một số quốc gia Âu, Á và Mỹ, nơi tập trung đông đảo người Việt, mời quý vị theo dõi.

Đã vài thập niên qua, mỗi độ cuối năm âm lịch, người Việt hải ngoại nói chung lại nhớ đến Xuân, đến Tết, dù môi trường sống có khác quê hương. Không ngoài ngoại lệ, năm nay kiều bào khắp nơi cũng bắt đầu nghĩ đến việc đón Xuân.

Từ Bang Victoria của nước Úc, một trong những nước có nhiều Việt kiều sinh sống nhất, ông Việt Trung cho biết:

"Ở nước Úc lúc này thì các hội chợ Tết đều có đốt pháo cả và đều có múa lân. Về thực phẩm thì mấy củă tiệm cũng bắt chước theo kiểu ở Việt Nam, cứ đến Tết là tăng giá. Trái cây lúc này tăng giá thiệt là cao, tại vì người ta mua trái cây để cúng, thành ra trái cây dù là không còn tươi cũng vẫn mắc tiền."

Sau khi được biết không khí những ngày cuối năm của kiều bào ở Australia, Nhã Trân tìm đến Đức Quốc để biết đồng bào nơi này đón Tết ra sao. Từ thành phố Frankfurt, chị Văn - một bà nội trợ chia sẻ:

"Hương vị Tết nói chung cũng bình thường, một số từ Việt Nam là mứt hộp, trong đó cũng đủ hạt sen, mứt bí, mứt gừng, nguyên một cái hộp đó chị. Ở đây không có ai hỏi ai gì hết. Có những ông bà cụ lớn tuổi thì cũng cúng Giao Thừa.

Thí dụ Việt Nam mình làm 12 giờ khuya thì ở đây khoảng 6 giờ chiều là họ đã cúng rồi. Gia đình tôi có ông già bà già chồng thì mấy đứa cháu nó qua. Anh em về tụ lại ăn uống, rồi chúc Tết, chúc Ba Mẹ."

Người Việt ở Pháp hiện đang đón Tết ra sao? Một Việt kiều ở Miền Nam nước này cho hay:

"Ở bên Pháp, Tết Nguyên Đán sắp đến thì tụi tui mua bánh mứt ở Paris bởi vì thành phố Paris có những tiệm hàng lớn. Ngày Tết và ngày Giao Thừa thì đốt pháo và múa lân.

Đồng bào đón Giao Thừa ở chùa và ở nhà thờ rất đông. Xin lộc đầu năm đó. Tết thì họ chưng bánh mứt, từ bánh tết, bánh chưng, rồi những trái cây kêu là phát tài, những cành mai cành đào này kia thì thấy có vẻ Tết."

Trong khi ngừơi Việt bên Pháp đón xuân cũng có thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, tuy mức độ rộn rịp có chừng mực, thì kiều bào ở Nhật ăn Tết trong không khí quây quần của cộng đồng vì xứ hoa anh đào từ vài chục năm nay không còn ăn Tết Nguyên Đán.

CanadaLunarNewYear150.jpg
Một tiếc mục văn nghệ mừng Xuân của Cộng đồng người Việt ở Canada. RFA file photo.

Từ Tokyo, ông Ngô Văn, thành viên Hiệp Hội Người Việt tại Nhật, sinh sống tại nước Nhật đã hơn 30 năm, kể rằng:

"Tôi đang ở Tokyo. Cộng đồng người Việt ở tại Nhật Bản thì vẫn ăn Tết như thường. Đồng bào cũng đi mua mứt, bánh ở chợ Tàu về, cũng mua mai, bây giờ ở Nhật Bản rmới có mai. Người ta cũng cúng Giao Thừa bình thường như vậy. Cộng đồng người Việt ở Nhật có tổ chức Tết Tây tại vì ở đây cũng trúng dịp người dân Nhật ăn Tết.

Dân Nhật ăn Tết đại khái cũng giống người Việt Nam. Người Nhật cũng đi về quê ăn Tết, nhưng Việt Nam mình thì đâu còn quê đâu mà về thì cũng hẹn với nhau ở chung quanh Tokyo với Hiệp Hội Người Việt tại Nhật Bản. Hiệp Hội đứng ra tổ chức một Hội Xuân để cho bà con một năm gặp nhau một hai lần để tâm tình.

Tình hình người Việt ở tại Nhật Bản là như vậy. Theo tập tục Việt Nam vào ngày Têt cổ truyền thì cũng lì xì cho con cái ở trong nhà. Mình cũng có tục lệ lì xì cho trẻ em tới tham dự Hội Xuân. Tất cả mọi tập tục thì đều được giữ lại hết cả"

Không khí ngày cuối năm ở Canada hiện ra sao? Một kiều bào ở Bang British Columbia cho biết:

"Không khí Tết ở Vancouver cũng mứt này nọ, rôì biếu qua biếu lại anh em trong nhà, gia đình vậy đó. Vợ chồng tụi tôi không có tính về Việt Nam trong dịp Tết, thấy không có cần thiết để về bển ăn Tết, tại vì cũng có gia đình đầy đủ bên đây rồi."

Từ Vương Quốc Bỉ là nơi định cư của khoảng chục ngàn người Việt, một kiều bào cho hay đồng bào sinh sống tại quốc gia này cũng tụ họp đón xuân chung:

"Cộng đồng người Việt trên xứ Bỉ này thì họ ỏ rải rác rất là rộng. Hàng năm thì có những hội đoàn này nọ tổ chức những sinh hoạt riêng với tính cách trong nhóm. Bên này có một số tiệm Việt Nam cũng như một số tiệm Tàu bán đầy đủ các bánh mứt, bánh chưng cũng đầy đủ hết.

Tôi cũng thấy có cả những hoa mai giả được bày bán cũng khá nhiều trong một vài tiệm. Vô các tiệm đó là mình thấy cái không khí Tết."

Theo dự kiến của Uỷ Ban Về Ngừơi Nước Ngoài của Việt Nam thì năm nay số Việt kiều về nước ăn Tết có thể lên đến khoảng 160.000 ngừơi, tăng 20.000 so với năm trước, và đông nhất là kiều bào về từ Mỹ.

Một Việt kiều ở thành phố San Jose bang California Hoa Kỳ, cho biết lý do đã từng về quê đón Xuân đồng thời từơng thuật không khí Tết ở miền thung lũng hoa vàng lúc này:

"Tôi đã đi về VN được 5 năm rồi, khoảng hai ba năm về một lần, toàn là thăm gia đình thôi. Còn không khí Tết ở Việt Nam thì nó vui. Tết ở San Jose thì cũng bình thường, thí dụ vào weekend mọi người tụ họp với nhau được vui hơn, còn nếu vào ngày đi làm thì ai cũng phải đi làm hết. Bánh, mứt, trái, bông hoa thì cũng có.

Người Việt ở San Jose thường thường tập trung vào hai khu là khu Lion PLaza với lại khu Century Mall là khu của cộng đồng người Việt mình. Hàng năm có tổ chức Hội Chợ Tết ở đó."

Tuy nhiên, đa số kiều bào bằng lòng với việc ở lại nơi đang định cư để đón Tết. Từ Quạn Cam (California) bà Liên, rời đất nước trên dưới 20 năm và có đôi lần trở lại thăm cố hương, bày tỏ:

"Tôi thì ở đây ăn Tết với các con các cháu. Về (Việt Nam) ăn Tết thấy đồng bào mình lam lũ, cực khổ, nghèo đối, làm sao mà mình có thể ăn Tết vui được. Tết ở Little Saigon thì đầy đủ như ở bên Việt Nam đấy, không thiếu một thứ gì: bánh, trái, giò chả nhiều lắm...

Giá cả năm nay hơi đắt hơn trước, cái gì cũng lên giá hết. Lúc này cũng mưa nhiều thành ra cũng chưa thấy vẻ Tết nhiều. Khi nào mà nắng thì vui."

Tết Mậu Tý đang từng bước gần thêm với người Việt mọi nơi. Theo từng ngày cuối của năm âm lịch, kiều bào các châu lục một lần nữa cũng như đồng bào ở quê hương hiện đang đếm những giờ khắc sau cùng của năm cũ và đón chờ Ngày Xuân Mới, dù đôi khi xa cách cả một bờ đại dương.