Human Rights Watch đề nghị giải pháp cho nền pháp lý Việt Nam


2007.10.20

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Mới đây, chúng tôi có dịp gửi đến quý vị loạt hội luận giữa hai vị luật sư lão thành là Trần Lâm tại Hải Phòng và Trần Thanh Hiệp từ Paris. Bàn về hiện trạng nền pháp luật Việt Nam, chính các chuyên gia kỳ cựu từng đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng của ngành tư pháp trong nước như luật sư Trần Lâm cũng phải thừa nhận rằng có quá nhiều nghịch lý, bất công, còn tồn đọng, khiến hệ thống luật pháp của Việt Nam ngày càng trì trệ, lạc hậu, thua kém với thế giới.

DanOanHaNoiProtest200.jpg
Dân oan biểu tình tại 110 Cầu Giấy Hà Nội vào ngày 15, 16 và 17 tháng 10. Hình do Lê Thị Kim Thu cung cấp. >> Xem hình lớn hơn

Giải pháp nào cho nền pháp lý Việt Nam? Để tìm lời giải đáp từ giới chuyên môn quốc tế, Ban Việt Ngữ chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Sophie Richardson, Giám đốc Châu Á Sự vụ thuộc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế (tức Human Rights Watch), một tổ chức phi chính phủ chuyên cổ võ, bảo vệ cho nhân quyền, có văn phòng tại nhiều quốc gia trên thế giới, với đội ngũ hàng trăm chuyên gia gồm luật sư, nhà báo, và giới phân tích. Cuộc phỏng vấn do Trà Mi thực hiện. Phần chuyển ngữ do Thanh Trúc trình bày:

Trà Mi: Xin chào bà. Cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Các cuộc phỏng vấn, phóng sự của chúng tôi với dân chúng, luật sư, và cả các chánh án tại Việt Nam cho thấy hệ thống luật pháp tại đây hiện vẫn chưa thật sự đại diện cho quyền lợi của người dân. Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin phép đựơc đặt ra là Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế có được biết tới thực trạng này chưa, và nhận xét của HRW ra sao?

Bà Sophie Richardson : Vâng, quan điểm của chúng tôi là tại Việt Nam, một trong số ít các quốc gia cộng sản độc đảng còn tồn tại, không có tiêu chuẩn kiểm tra chéo để đối chọi với quyền lựcĐảng cộng sản; không có các quy định và tiêu chí luật lệ đúng chuẩn mực tại quốc gia này.

Mà thay vào đó là những kiểu luật lệ không những không đáp ứng mà còn sai lệch với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, được sử dụng để đàn áp những quyền căn bản của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, hay tự do tụ tập ôn hoà, mặc dù tất cả những quyền này đều được Hiến pháp Việt Nam công nhận.

Trà Mi: Dư luận lên án các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đã đến mức báo động, với tình trạng bắt bớ tuỳ tiện, giam giữ vô thời hạn không cần án lệnh, nghi can không được tiếp cận với các tư vấn về pháp luật, luật sư không được phép làm tròn trách nhiệm đại diện và bảo vệ thân chủ..v..v..Theo bà, nguyên nhân gốc rễ của những tệ trạng này là do đâu ?

Bà Sophie Richardson : Nguyên nhân tận gốc của vấn đề là do Việt Nam không có các cơ quan độc lập có nhiệm vụ giám sát, ngăn chặn việc lạm quyền, lộng hành, tuỳ tiện, cũng không có cơ quan độc lập để giải quyết những tệ trạng đó.

Vâng, quan điểm của chúng tôi là tại Việt Nam, một trong số ít các quốc gia cộng sản độc đảng còn tồn tại, không có tiêu chuẩn kiểm tra chéo để đối chọi với quyền lực Đảng cộng sản; không có các quy định và tiêu chí luật lệ đúng chuẩn mực tại quốc gia này.

Trà Mi: Trong một cuộc phỏng vấn trứơc đây, một luật sư tại Việt Nam nhờ tôi nêu lên câu hỏi này nếu có cơ hội, và tôi xin phép đựơc đặt ra với bà trong cuộc trao đổi hôm nay.

Ở Việt Nam có một hiện tựơng phổ biến đáng quan ngại là các luật sư dám lên tiếng bảo vệ nhân quyền, đòi hỏi dân chủ, ủng hộ một xã hội dân sự, thì, hoặc là bị đi tù như luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân, hoặc là bị giam vào các nhà thương điên, chẳng hạn như trường hợp của luật sư Bùi Kim Thành. Những nạn nhân ấy từ lâu tìm kiếm sự bảo vệ từ các tổ chức luật sư nhân quyền quốc tế, nhưng hầu như chẳng có hy vọng gì. Bà có đề nghị gì cho những trường hợp này ?

Bà Sophie Richardson : Nhiều quốc gia không cho phép sự can dự của giới luật sư nước ngoài như kiểu các phiên toà quốc tế xét xử tội phạm diệt chủng Khơme đỏ ở Campuchea. Cho nên, các luật sư quốc tế không thể giúp gì được cho các trường hợp bị nạn như cô vừa kể. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng giải pháp tốt nhất là sự quan tâm và ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của quốc tế đối với các luật sư nhân quyền chân chính và can đảm đó tại Việt Nam.

Trà Mi: Chúng ta biết rằng quá trình cải tổ pháp lý phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của đội ngũ luật sư, vì họ là đại diện cho quyền được bảo vệ của người dân. Thế nhưng, nhiều luật sư tại Việt Nam than phiền rằng vai trò của họ rất ư bị hạn chế cũng như bị cản trở rất nhiều bởi các cơ quan nhà nước, mà thậm chí cho dù người luật sư đựơc tự do thực hành trách nhiệm của mình đi chăng nữa, thì cũng không nghĩa lý gì, bởi chính các vị chánh án và toàn thể bộ máy pháp lý cũng không được tự do-dân chủ. Theo bà, giới luật sư nói riêng, và người dân ở Việt Nam nói chung, nên làm gì hơn nữa để vượt qua những rào cản này ?

Bà Sophie Richardson : Ngày càng có nhiều luật sư độc lập tại Việt Nam nỗ lực đấu tranh bảo vệ các nhân quyền căn bản. Đây là một xu hướng rất quan trọng và thiết yếu. Tuy nhiên, việc cải thiện tình hình trong một quốc gia không chấp nhận đối lập như Việt Nam, thì quả là rất khó, bởi nơi đó, hệ thống pháp lý, luật lệ vừa bất cập vừa không tuân thủ theo các chuẩn mực nhân quyền của quốc tế, mà còn bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ.

Đó là chưa kể đến thực trạng thiếu đội ngũ luật sư đựơc đào tạo chuyên nghiệp; trong nhiều vụ án, nghi can không được có luật sư bênh vực...v..v.. Cho nên, sự lưu tâm và áp lực của quốc tế là rất cần thiết. Không chỉ chúng tôi hay Tổ chức Ân xá Quốc tế, mà cả những quốc gia quan tâm phải tích cực lên tiếng, ủng hộ các luật sư bị cầm tù hay những ai bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam như Nguyễn Văn Đài hay Lê Thị Công Nhân.

Trà Mi: Nhưng thực tế cho thấy dường như những lời kêu gọi của quốc tế chưa mấy đựơc Hà Nội tiếp nhận?

Bà Sophie Richardson : Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam rất muốn đựơc cộng đồng quốc tế nhìn nhận là một quốc gia pháp trị minh bạch trong thời buổi hội nhập này. Cho nên, quan trọng là các nước, không chỉ Hoa Kỳ hay Châu Âu, mà Trung Quốc và các quốc gia ngay tại Châu Á, cũng nên bày tỏ mối quan ngại về nhân quyền của Việt Nam để giúp thay đổi thực trạng.

Nhân quyền là một yếu tố cần phải được xét tới trứơc khi nghĩ tới các quýêt định viện trợ hay hợp tác thương mại. Và xin được nhắc lại, đây không phải là mối quan tâm của từng nước trên thế giới, mà các cơ quan đa quốc gia và các công ty tài chính quốc tế cũng cần phải lưu ý đến tình trạng nhân quyền của Việt Nam.

DanOanHaNoiProtest200b.jpg
Dân oan biểu tình tại 110 Cầu Giấy Hà Nội vào ngày 15, 16 và 17 tháng 10. Hình do Lê Thị Kim Thu cung cấp. >> Xem hình lớn hơn

Trà Mi: Một câu hỏi đang đựơc nhiều người đặt ra là có cách nào hữu hiệu hơn để buộc Hà Nội phải tuân thủ nghiêm túc những chuẩn mực nhân quyền quốc tế mà họ đã đồng ý tham gia ký kết?

Bà Sophie Richardson : Cái khó là ở chỗ khi Hoa Kỳ cấp Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Hà Nội và quốc tế kết nạp Việt Nam làm hội viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, những nứơc mà chúng ta kỳ vọng sẽ áp lực hữu hiệu đối với nhà cầm quyền Hà Nội đã bỏ qua những công cụ thương lựơng rất giá trị và cần thiết, và điều này đã khíên cho tình hình càng trở nên nan giải hơn.

Tuy vậy, các quốc gia liên quan, trong đó có Châu Âu và Mỹ, cũng đã cam kết sẽ tiếp tục xem xét kỹ lưỡng vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Cho nên, chúng ta cũng cần phải thúc giục họ phải đẩy mạnh những hành động đó.

Trà Mi: Thế nhưng áp lực và sự can thiệp của quốc tế về tình trạng nhân quyền của Việt Nam liệu có là giải pháp hữu hiệu, khi mà Hà Nội kiên quyết yêu cầu các nước không nên lạm dụng danh nghĩa ‘nhân quyền’ mà can thiệp vào chuyện nội bộ của mình ?

Bà Sophie Richardson : Tôi không biết phải nói gì hơn nữa, chỉ biết là Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế của chúng tôi vẫn thường xuyên đặt vấn đề với các quốc gia như Mỹ chẳng hạn, rằng những nứơc mà không tôn trọng nhân quyền thì cũng không thể là bạn hàng uy tín. Và các nứơc bạn không nên phân ranh hai lĩnh vực này ra, vì chúng có liên hệ chặt chẽ với nhau. Tiến bộ của mặt này sẽ là đà thúc đẩy cho sự tiến bộ của mặt kia.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.