Tình trạng nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam trong năm 2004


2005.03.29

Trà Mi, phóng viên đài RFA

10 giờ sáng ngày 28 tháng 3 giờ Washington, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố phần hai bản báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền và dân chủ của các nước trên thế giới giai đoạn 2004-2005.

Screenshot của trang web www.state.gov

Phần một của bản báo được đưa ra cách đây vài tuần miêu tả điều kiện nhân quyền của các quốc gia. Còn phần hai thì đặt trọng tâm vào những nỗ lực của Mỹ trong việc cổ võ nhân quyền và dân chủ trên thế giới.

Tình hình nhân quyền còn tồi tệ

Phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ đánh giá chính quyền Việt Nam trong năm qua có những biểu hiện rõ rệt ngăn cấm quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí, tụ tập và liên kết của người dân dưới nhiều hình thức khác nhau.

Mặc dù hoan nghênh hành động phóng thích 5 tù nhân lương tâm nhân dịp Tết Nguyên Đán vừa qua là một bước tiến đáng khen ngợi, bản báo cáo vẫn khẳng định tình hình nhân quyền tại Việt Nam còn tồi tệ, cũng như nhà nước sở tại vẫn tiếp tục có những hành động sách nhiễu nhân quyền nghiêm trọng.

Mà hậu quả cụ thể là trong năm 2004, Washington cũng đã một lần nữa từ chối dự phiên đối thoại song phương về nhân quyền với Việt Nam. Hồi tháng 9 vừa qua, cựu Ngoại trưởng Colin Powell đã liệt Việt Nam vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo.

Về việc này, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ lo về dân chủ, nhân quyền, và lao động, ông Michael Kozak, phát biểu: "Chúng tôi tích cực làm việc với phía Việt Nam, quốc gia vừa bị liệt vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm vì những vi phạm về tự do tôn giáo. Và hiện giờ, chúng tôi nhận thấy họ sẵn sàng bàn thảo về những vấn đề đó, và nói về một vài thay đổi, tuy chỉ là những thay đổi nhỏ và chậm chạp."

Không chấp nhận quan điểm bất đồng

Theo miêu tả của bản phúc trình, Việt Nam là một nước độc đảng, dưới sự điều hành và cai trị của Đảng Cộng Sản. Không chấp nhận những quan điểm bất đồng chính kiến, kể cả qua mạng Internet, chính quyền Việt Nam đã bắt bớ, kết tội một số nhà hoạt động dân chủ có ý phê bình nhà nước.

Chúng tôi tích cực làm việc với phía Việt Nam, quốc gia vừa bị liệt vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm vì những vi phạm về tự do tôn giáo. Và hiện giờ, chúng tôi nhận thấy họ sẵn sàng bàn thảo về những vấn đề đó, và nói về một vài thay đổi, tuy chỉ là những thay đổi nhỏ và chậm chạp.

Bên cạnh đó, nhà cầm quyền kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, ngăn chặn các đài truyền thông, các trang web nước ngoài và không cho dân chúng có quyền được hình thành các tổ chức độc lập. Nhà nước đặt các cộng đồng tôn giáo dưới những quy định đăng ký khắt khe, đồng thời ngăn trở các hoạt động của những tổ chức tôn giáo không được công nhận.

Chính quyền còn thi hành việc ngăn cấm tụ họp thờ phượng tôn giáo, đặc biệt là đối với các tổ chức của sắc tộc thiểu số theo đạo Tin Lành tại cao nguyên Trung phần và khu vực miền núi Tây Bắc. Bằng chứng vi phạm về tự do tôn giáo tại những khu vực này bao gồm việc cữơng bách tín đồ từ bỏ đức tin, bắt bớ, đánh đập những người lãnh đạo tôn giáo.

Nỗ lực của Hoa Kỳ đối với Việt Nam

Một trong những nỗ lực phát huy dân chủ nhân quyền của Hoa Kỳ đối với Việt Nam được đề cập trong bản báo cáo là việc Mỹ duy trì quan hệ mật thiết với các nhà hoạt động chính trị và tổ chức tôn giáo tại Việt Nam nhằm xác định và chỉ ra những hành động sách nhiễu nhân quyền để khuyến khích cải tổ.

Cũng trên tinh thần cổ võ dân chủ, trong các cuộc gặp gỡ song phương các cấp Việt-Mỹ, giới chức Hoa Kỳ luôn thúc bách Việt Nam thể hiện tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền cũng như thực thi cải tổ về mặt chính trị và pháp lý.

Qua đó, Mỹ tìm cách nâng cao nhận thức về nguyên lý dân chủ và phát triển 1 hệ thống luật pháp thoả đáng tại Việt Nam. Trong khuôn khổ thực thi Hiệp định thương mại song phương, Washington đã viện trợ chương trình 4 năm, giúp chính phủ Việt Nam phát triển hệ thống luật pháp trong sạch và vững mạnh.

Qua chính sách ngoại giao, trong năm qua, Hoa Kỳ đã cố gắng hướng Việt Nam đến các vấn đề nhân quyền ở nhiều cấp độ. Hầu như bất kỳ 1 quan chức đặc nhiệm hoặc viên chức cấp cao nào đến Việt Nam cũng đều nêu lên vấn đề nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo các cấp tại Việt Nam. Quan chức Mỹ cũng đã đặt chân tới nhiều nơi trên đất nước hình chữ S này để điều tra các cáo buộc về sách nhiễu nhân quyền.

Những thành quả

Những cố gắng này đã tác động tích cực đến chính phủ Việt Nam, mà thành quả cụ thể là việc nhà nước cộng sản đã phóng thích vài nhà bất đồng chính kiến, đồng ý cho mở nhà thờ mới tại Cao nguyên Trung phần, và cho phép một số địa điểm thờ phượng không được công nhận hoạt động tại vài khu vực.

Ngoài ra, Mỹ cũng không ngừng khuyến khích nhà nước Việt Nam phê chuẩn thêm một số quy ước trong luật lao động quốc tế về quyền của người lao động, cũng như hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo vệ phụ nữ bị buôn bán, lao động trẻ em, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Giới chức Hoa Kỳ liên tục nhấn mạnh rằng Nhà Trắng đang trông chờ 1 cuộc đối thoại song phương về nhân quyền dựa trên cơ sở những thành quả tiến bộ đạt được từ phía Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.