Nhân quyền và Kinh doanh


2007.08.21

Nguyễn Xuân Nghĩa & Nguyễn Khanh, RFA

Cách đây hai tuần, cơ quan IFC của Ngân hàng Thế giới và Liên hiệp quốc đã công bố việc kết hợp nghiên cứu về ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài đối với nhân quyền tại các nước nghèo. Theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, kết quả nghiên cứu sẽ được tổ chức Liên hiệp quốc áp dụng vào năm tới, và sẽ chi phối lề lối kinh doanh của các tập đoàn quốc tế lẫn phương thức cai trị của các chính quyền sở tại. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề trên qua cuộc trao đổi sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.

KofiAnnanJohnRuggie150.jpg
Cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan đang nói chuyện với Giáo sư John Ruggie, Đại sứ Đặc biệt của Liên hiệp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền hôm 16-12-1998. AFP PHOTO

Đầu tư ngoại quốc tại các nước nghèo

Nguyễn Khanh: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm mùng bảy vừa qua, cơ quan International Finance Corp. của Ngân hàng Thế giới và Đặc sứ Liên hiệp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền vừa công bố kế hoạch nghiên cứu hỗn hợp về đầu tư trực tiếp của nước ngoài và nhân quyền tại các nước nghèo. Giới quan sát kinh tế và nhân quyền cho rằng công trình nghiên cứu sẽ chi phối tình hình kinh doanh và nhân quyền tại các nước đang phát triển. Vì vậy, chúng tôi đề nghị là trong chương trình kỳ này ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề ấy.

Câu hỏi trước tiên của chúng tôi là vì sao lại có nỗ lực phối hợp nghiên cứu giữa một cơ quan chuyên trách về tài trợ tư doanh và một văn phòng về kinh doanh và nhân quyền của Liên hiệp quốc?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông, việc nghiên cứu là kết quả của một tiến trình kéo dài từ nhiều năm và đúng như ông nói, nội dung nghiên cứu sẽ chi phối hai lãnh vực là lề lối kinh doanh của các tập đoàn quốc tế lẫn đường lối cai trị của chính quyền các nước nghèo, là điều mà Việt Nam nên theo dõi rất sát. Theo sự thông báo của IFC, công trình nghiên cứu sẽ là cơ sở cho một chính sách mới được Liên hiệp quốc áp dụng trên toàn thế giới kể từ năm tới trở đi.

Nguyễn Khanh: Như thông lệ, chúng tôi xin đề nghị ông trình bày cho thính giả đài Á châu Tự do về bối cảnh của vấn đề trước khi chúng ta bước vào chi tiết của việc nghiên cứu và áp dụng.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ hai chục năm nay, việc phát triển các dự án công nghiệp tại các nước nghèo, theo yêu cầu của các chính quyền và sự thực hiện của các doanh nghiệp quốc tế, có đưa tới nhiều thay đổi kinh tế, đồng thời cũng ảnh hưởng tới môi sinh và đời sống người dân ở nơi đây. Khi tiến trình công nghiệp hoá ấy chi phối môi trường sinh sống, thậm chí xâm phạm vào nhân quyền của người dân, thì ai phải chịu trách nhiệm và làm sao ngăn ngừa được?

Việc nghiên cứu là kết quả của một tiến trình kéo dài từ nhiều năm và đúng như ông nói, nội dung nghiên cứu sẽ chi phối hai lãnh vực là lề lối kinh doanh của các tập đoàn quốc tế lẫn đường lối cai trị của chính quyền các nước nghèo, là điều mà Việt Nam nên theo dõi rất sát. Theo sự thông báo của IFC, công trình nghiên cứu sẽ là cơ sở cho một chính sách mới được Liên hiệp quốc áp dụng trên toàn thế giới kể từ năm tới trở đi.

Nguyễn Khanh: Đây quả là vấn đề đáng chú ý, thí dụ như khi người ta xây đập, hay lập nhà máy, và phải giải phóng mặt bằng để thi công, với những lạm dụng có thể xảy ra ở các xứ này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu hỏi ấy trở thành bức xúc hơn từ năm năm qua, khi tiến trình toàn cầu hoá lan rộng và gây phản ứng chống toàn cầu hoá, chống kinh tế thị trường và cái gọi là quy luật mù quáng của lợi nhuận. Bài toán đặt ra cho các nước đang phát triển là làm sao công nghiệp hoá và hiện đại hóa xứ sở mà đồng thời vẫn ngăn ngừa được những lạm dụng phương hại tới đời sống người dân? Như trong mọi loại phản ứng, ta thấy có hiện tượng thái quá từ nhiều phía; và trong cách ứng phó, Liên hiệp quốc gặp nhiều lúng túng khi cần dung hoà ngần ấy quan điểm khác biệt. Việc tiến hành một nghiên cứu hỗn hợp như ta vừa nói có thể vượt qua được những mâu thuẫn đã gặp và đặt ra một luật chơi mới.

Nguyễn Khanh: Nói đến những phản ứng thái quá và nỗ lực dung hoà quan điểm, ông có thể nêu ra một số thí dụ được không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ khi khối Xô viết sụp đổ và kinh tế thị trường trở thành phương thức phát triển được các nước áp dụng một cách phổ biến trên toàn cầu, chúng ta thấy xuất hiện một xu hướng mới là phong trào đấu tranh của các tổ chức ngoài chính phủ, ta hay gọi tắt là NGO, nhằm bảo vệ môi sinh, nhân quyền, hay điều kiện lao động của người dân, thậm chí của thiếu nhi tại các nước nghèo.

Phản ứng thái quá là quy tội cho các doanh nghiệp đã vì lợi nhuận mà bóc lột hoặc gây ô nhiễm môi sinh cho các nước nghèo. Nhưng thiếu loại dự án công nghiệp ấy thì kinh tế các xứ này lại khó phát triển và mức sống người dân không được cải thiện.

Từ năm năm nay, các phong trào chống đối toàn cầu hoá hoặc kinh tế thị trường đã nhìn ra vai trò thật ra cũng tích cực của doanh nghiệp đầu tư và đồng thời cũng nhìn ra trách nhiệm không nhỏ của các chính quyền khi cho thi hành các dự án này.

Nỗ lực của Liên Hiệp Quốc

Nguyễn Khanh: Nếu có thể, xin đề nghị ông đi vào chi tiết để nói đến nỗ lực của Liên hiệp quốc nhằm dung hoà các quan điểm đối nghịch ấy.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, năm 2003, Liên hiệp quốc có đề ra một chương trình gọi là "Quy phạm Kinh doanh và Nhân quyền - tạm dịch từ U.N. Norms - nhằm minh định trách nhiệm hỗn hợp của hai thực thể khác biệt là doanh nghiệp, tức là các công ty đầu tư nước ngoài, và của nhà nước, là bộ máy công quyền tại các nước đang phát triển.

Giáo sư John Ruggie là người am hiểu về các vấn đề kinh doanh lẫn cai trị trên bình diện quốc tế và chiến lược. Khi ông được mời ra làm Đặc sứ Liên hiệp quốc về Nhân quyền và Kinh doanh, chúng ta có thể đoán rằng Quy phạm Liên hiệp quốc đề ra năm 2003 có những giới hạn của nó và cần được điều chỉnh.

Khi đi vào áp dụng, người ta mới thấy có nhiều điểm bất cập và khó thi hành. Thí dụ cụ thể là doanh nghiệp đầu tư có thể bị dân cư địa phương kiện nếu không đảm bảo phúc lợi cho công nhân viên hay cộng đồng địa phương hoặc không cản trở được những vi phạm nhân quyền ở nơi ấy. Nếu áp dụng quy luật này thì các doanh nghiệp sẽ tránh đầu tư và gây thiệt hại cho các nước nghèo và vả lại, nếu có nạn vi phạm nhân quyền trong việc thi hành dự án đầu tư thì chính quyền sở tại cũng có trách nhiệm.

Tháng Tư năm 2005, Tổng thư ký Liên hiệp quốc của thời ấy là ông Kofi Annan mới mời Giáo sư John Ruggie làm Đại sứ Đặc biệt của Liên hiệp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền để nghiên cứu lại việc áp dụng quy phạm của Liên hiệp quốc, hầu đề ra một quy tắc hành xử thực tiễn hơn. Xin nói thêm rằng Giáo sư Ruggie của Đại học Harvard từng là Trợ lý Tổng thư ký Liên hiệp quốc kiêm Cố vấn trưởng về Trù hoạch Chiến lược của Liên hiệp quốc trong nhiều năm liền.

Giờ đây, việc vị Đặc sứ Liên hiệp quốc hợp tác nghiên cứu cùng cơ quan chuyên về tài trợ và phát triển tư doanh của Ngân hàng Thế giới là IFC để đệ nạp Liên hiệp quốc quyết định vào năm tới là một bước tiến bộ. Trong tháng tới, người ta đã có thể nghe vị Đặc sứ này trình bày những báo cáo sơ khởi làm nền tảng quyết định cho Liên hiệp quốc kể từ năm 2008 trở đi.

Các quy tắc hành xử

Nguyễn Khanh: Qua phần thứ nhì, thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, khi theo dõi bước tiến của Liên hiệp quốc từ nhiều năm nay, ông có thấy ra chiều hướng sắp tới của những quy tắc hành xử trong mối quan hệ giữa hai lĩnh vực là kinh doanh và nhân quyền hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Giáo sư John Ruggie là người am hiểu về các vấn đề kinh doanh lẫn cai trị trên bình diện quốc tế và chiến lược. Khi ông được mời ra làm Đặc sứ Liên hiệp quốc về Nhân quyền và Kinh doanh, chúng ta có thể đoán rằng Quy phạm Liên hiệp quốc đề ra năm 2003 có những giới hạn của nó và cần được điều chỉnh.

Theo dõi nhiều công trình nghiên cứu hay phát biểu của Giáo sư Ruggie, tôi thiển nghĩ rằng ông ta thấy ra một sự thể là không nên bó buộc các doanh nghiệp quá chặt chẽ mà bỏ qua trách nhiệm của các chính quyền.

Mặt khác, vì là định chế am hiểu quy luật kinh doanh và có chức năng phát triển tư doanh tại các nước nghèo, từ hơn 10 năm nay, cơ quan IFC của Ngân hàng Thế giới cũng có khảo hướng thiết thực là minh định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thi hành hợp đồng đã ký kết với các chính quyền.

Trách nhiệm ấy khởi sự từ đâu và chấm dứt ở đâu? Nếu kết hợp cả hai nỗ lực của Liên hiệp quốc lẫn IFC thì người ta thấy ra một vai trò và trách nhiệm then chốt của bộ máy công quyền tại các nước nghèo trong việc bảo vệ nhân quyền của người dân.

ên diễn đàn này, trong một kỳ trước, chúng ta có nói đến quy tắc hành xử Ecuador do các ngân hàng tự nguyện cam kết. Theo quy tắc ấy, các ngân hàng sẽ từ chối tài trợ loại dự án vi phạm nhân quyền hay liên hệ đến tham nhũng. Mà các ngân hàng quốc tế ấy là nguồn tài trợ cho 80% các dự án phát triển tại các nước nghèo. Đồng thời, luật lệ Hoa Kỳ cũng trừng phạt nặng các doanh nghiệp Mỹ can tội cấu kết với tham nhũng ở các nước nghèo.

Nguyễn Khanh: Nếu có thể nói cho nôm na dễ hiểu thì không thể đơn giản quy tội cho doanh nghiệp hay nhà đầu tư nước ngoài nếu có những vi phạm nhân quyền tại các nước nghèo. Thưa ông, có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy. Chúng ta không quên rằng Ngân hàng Thế giới từng bị phê phán vì tài trợ nhiều dự án phát triển hạ tầng tại các nước nghèo, thí dụ như tại Trung Quốc, và gây nhiều xáo trộn cho đời sống cư dân địa phương. Khi trường hợp ấy xảy ra, những ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Nhà nước ở mấy xứ đó; hay doanh nghiệp quốc tế đi vào xây dựng cầu đường, nhà máy; hay cơ quan viện trợ của quốc tế? Mà làm sao quy định trách nhiệm khi ta không xét vào từng hợp đồng được ký kết để thực hiện dự án?

Một thí dụ cụ thể là khi lập ra một nhà máy sản xuất, thì yêu cầu về điện nước cho nhà máy là một đòi hỏi tất yếu của doanh nghiệp. Nếu cư dân địa phương thiếu điện hay thiếu nước thì đấy không thể là lỗi của doanh nghiệp mà là một vấn đề do nhà chức trách ở địa phương phải chu toàn.

Nhìn rộng ra ngoài, một dự án liên doanh giữa một doanh nghiệp nhà nước và một công ty đầu tư nước ngoài cũng có thể gây vấn đề cho nhân quyền mà sở dĩ vẫn thực hiện là vì có sự chấp thuận của bộ máy công quyền sở tại, của nhà nước.

Nhân quyền và Đầu tư

Nguyễn Khanh: Như ông trình bày, khi nhìn rộng ra ngoài, chúng ta có thể nghĩ rằng một cơ quan viện trợ như Ngân hàng Thế giới hay IFC, hoặc cả Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB có khả năng từ chối tài trợ các dự án được coi là xấu. Nhưng liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước ở xứ nghèo với tổ hợp đầu tư ở các xứ giàu vẫn có thể tìm ra nguồn tài trợ khác, thí dụ như các ngân hàng của tư doanh. Và trường hợp lạm dụng vẫn có thể xảy ra?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy. Trên diễn đàn này, trong một kỳ trước, chúng ta có nói đến quy tắc hành xử Ecuador do các ngân hàng tự nguyện cam kết. Theo quy tắc ấy, các ngân hàng sẽ từ chối tài trợ loại dự án vi phạm nhân quyền hay liên hệ đến tham nhũng. Mà các ngân hàng quốc tế ấy là nguồn tài trợ cho 80% các dự án phát triển tại các nước nghèo. Đồng thời, luật lệ Hoa Kỳ cũng trừng phạt nặng các doanh nghiệp Mỹ can tội cấu kết với tham nhũng ở các nước nghèo.

Nhưng, nếu không có nguồn tài trợ của một ngân hàng đã cam kết tuân phủ quy tắc Ecuador, hoặc nếu không liên doanh với một tập đoàn Mỹ thì doanh nghiệp nhà nước ở các xứ nghèo, thí dụ như Việt Nam, vẫn có thể tìm ra nguồn tài trợ của ngân hàng khác, hoặc thực hiện lấy dự án mà khỏi cần liên doanh với ai.

Trong những trường hợp ấy, nạn chà đạp nhân quyền vẫn có thể xảy ra, như các vụ biểu tình khiếu kiện của dân oan tại Việt Nam đang cho thấy. Vì vậy, chiều hướng mới của Liên hiệp quốc là phải lập ra một cơ chế cưỡng hành có thực lực và nhất là phải minh định trách nhiệm của chính quyền và viên chức gian tham tại các nước nghèo.

Nguyễn Khanh: Nếu có thể tổng kết, chúng ta thấy rằng doanh nghiệp và ngân hàng của các nước công nghiệp đang gặp sức ép rất nặng của công luận nếu là đồng lõa với độc tài và tham nhũng nên họ phải thận trọng trong từng quyết định đầu tư hay kinh doanh của mình. Ngược lại, chính quyền các nước nghèo nay cũng bị áp lực là phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng nhân quyền trong một địa hạt mà ít ai thấy ra là kinh doanh và quản lý kinh tế?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy, sự kiện tập đoàn Intel của Hoa Kỳ đề xướng việc tuân thủ năm quy tắc hành xử nội bộ trong đó có việc chối từ hối lộ tại Việt Nam cho thấy là họ nhạy cảm và thận trọng trong quyết định đầu tư vì trách nhiệm tâm lý, đạo đức hay pháp lý đối với xã hội, cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam. Nhưng trong khi ấy, bộ máy công quyền tại Việt Nam vẫn có thể nhắm mắt làm bậy, thí dụ như với sự toa rập của doanh nghiệp Đông Á, hoặc qua trung gian của các tổng công ty của nhà nước.

Tình trạnh ấy rồi đây sẽ phải chấm dứt vì thế giới đã nhìn ra vấn đề và đang có giải pháp thiết thực với các chính quyền độc tài và tham ô. Người dân Việt Nam cần thấy ra điều ấy để đấu tranh nhằm bảo vệ quyền lợi và nhất là quyền làm người của chính mình.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa và hy vọng là khi Liên hiệp quốc ban hành những quy định rõ rệt về nhân quyền trong kinh doanh, chúng ta sẽ trở lại đề tài này để người dân trong nước thấy rõ quyền lợi của mình và trách nhiệm của nhà nước Việt Nam. Xin kính chào ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.