Trước áp lực lạm phát phi mã, công nhân nhập cư rời Sài Gòn về lại nông thôn

0:00 / 0:00

Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Tuần qua, 3 cuộc đình công diễn ra trong một ngày tại Sài Gòn. Những người quan tâm nói rằng lý do đình công là để phản đối lương thấp, không theo kịp lạm phát. Có người cho rằng công nhân đình công để phản đối thưởng phạt không công minh.

LaborStrikeDinhCong200.jpg
Công nhân của nhiều công ty đang bức xúc vì bị chèn ép với những đồng lương rẻ mạt. Hình của nguoithongtin.

Dù lý do đình công là gì đi nữa, một sự thật đang diễn ra tại Sài Gòn là công nhân nhập cư, từ các tỉnh vào Sài Gòn lập nghiệp, không chịu nổi áp lực của sự tăng giá cả sinh hoạt. Một số công nhân đã và đang tính chuyện rời thành phố để trở về lại với nông thôn.

Tuần vừa qua, 3 cuộc đình công đã diễn ra trong cùng một ngày tại Sài Gòn. Hàng ngàn công nhân tổ chức đình công để phản đối lương thấp: "Thì hiện nay là các khu vực ở trên đó công nhân người ta cũng thấy rằng mức lương chưa phù hợp"

Có người nói rằng, công nhân đình công để phản đối việc thưởng phạt không công minh: "Họ có thể làm một cuộc đình công. Qua tôi tìm hiểu là những vấn đề thưởng phạt nó không có công minh"

Điều đặc biệt, cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh mức lương tối thiểu vừa được tăng lên theo quy định của chính phủ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày đầu năm. Và mức lương này thấp hơn mức trung bình mà người công nhân đang được lãnh tại các công ty trong khu vực Sài Gòn, mà theo lời một nhà báo, vào khoảng 1 triệu rưỡi.

Những người quan tâm đến các cuộc đình công, kể cả những công nhân làm việc trong khu chế xuất Tân Thuận, nơi xảy ra cuộc đình công của hãng CCH Top, nói rằng vật giá đắt đỏ, lương của người công nhân không thể theo kịp. Một nữ công nhân nói : "Cái gì cũng lên hết. Giá xăng cũng lên. Song cái gì cũng lên. Dồ ăn gì cũng lên."

Ngay trong những ngày đầu năm, ông Vũ Khoan, nguyên phó thủ tướng chính phủ, cũng đã phải thốt lên, khi nói chuyện với báo Tuổi Trẻ: "Mức sống gia đình tôi cũng giảm đi đáng kể. Từ thịt cá rau mắm đến gas, đều ảnh hưởng."

Trên thực tế, áp lực của lạm phát đang đẩy những công nhân nhập cư, tức là những người từ nông thôn vào thành thị làm việc, trở về lại với nông thôn.

Hiện nay các khu vực ở trên đó công nhân người ta cũng thấy rằng mức lương và mức tăng chưa có phù hợp. Và tình hình năm hết Tết đến nó lại chuẩn bị đến một đợt tăng giá mới, cho nên sắp tới này việc tăng giá sẽ gây sức ép lên đời sống công nhân.

Trong nhiều năm gần đây, thành thị đã trở thành nơi trú ẩn và cung cấp cơ hội lý tưởng cho thanh niên nông thôn. Rất nhiều thanh niên đã bỏ ruộng vườn, bỏ nghề làm ruộng, bỏ nghề chăn nuôi để vào Sài Gòn tìm kiếm vận hội mới. Cho đến khoảng 1 năm nay, sự gia tăng đến chóng mặt của giá sinh hoạt khiến công nhân nhập cư bắt đầu rời thành thị trở lại nông thôn.

Áp lực này càng mạnh vào những ngày giáp Tết

Còn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán, nhưng tin tức của báo trong nước cho hay các công ty tuyển dụng đã bắt đầu đi tìm một lực lượng lao động phổ thông lớn, phòng hờ trường hợp người lao động nhập cư về quê ăn Tết và không trở lại thành phố.

Người lao động, thật vậy, đang rời thành phố để trở về nông thôn. Họ trở lại nông thôn để thoát ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng nặng của lạm phát. Họ trở về nhà để bảo toàn, họ chỉ hy vọng như vậy, gần như nguyên vẹn nguồn thu nhập hàng tháng.

Công nhân tại Khu Chế Xuất Tân Thuận nói gì về cuộc sống tại Sài Gòn. Xin hãy nghe tâm sự của một nữ công nhân, từ Tiền Giang, lên làm việc tại Khu Chế Xuất Tân Thuận.

Nữ công nhân Tiền Giang : Giá đồ ăn gì cũng lên hết.

Thiện Giao : Chị có thấy rằng tiền của mình nó vơi đi nhanh không ạ?

Nữ công nhân Tiền Giang : Có. Thiếu nợ tùm lum hết.

Thiện Giao : Tại sao vậy?

Nữ công nhân Tiền Giang : Tại vì (lương) không đủ.

Thiện Giao : Ví dụ?

Nữ công nhân Tiền Giang : Em hổng ăn cơm nhưng ăn bún xào đò này nọ vậy thôi.

Thiện Giao : Bún xào đó có tăng giá không ạ?

Nữ công nhân Tiền Giang : Ơ... cũng không, nhưng có điều nó nhín lại.

Ông Hoàng Hải, thuộc Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, nói rằng các cuộc đình công vừa qua là hệ quả của lạm phát. Sức ép đến từ lạm phát cũng chỉ mới bắt đầu, khi năm hết Tết đến. Ông Hoàng Hải : Hiện nay các khu vực ở trên đó công nhân người ta cũng thấy rằng mức lương và mức tăng chưa có phù hợp. Và tình hình năm hết Tết đến nó lại chuẩn bị đến một đợt tăng giá mới, cho nên sắp tới này việc tăng giá sẽ gây sức ép lên đời sống công nhân.

Ông Văn Lang, một nhà báo tự do tại Sài Gòn, đã từng viết một số bài báo tìm hiểu đời sống người lao động nhập cư, và bản thân cũng từng là người nhập cư, đưa ra một lý giải khác. Ông nói, thưởng phạt không công minh là lý do đưa đến đình công.

Ông Văn Lang : Giả tỷ như mới hôm qua đây thì tôi có đi ngang khu chế xuất Tân Thạnh ở bên Quận 7 đó, bên dó có xảy ra cuộc đình công. Qua tôi tìm hiểu một số chị em công nhân thì những vấn đề là thưởng phạt không công minh và người công nhân họ hiểu theo đúng luật lao động, thì luật lao động quy định là thưởng thì thưởng tiền nhưng mà phạt thì không được phép phạt tiền. Còn ở đây họ phạt trực tiếp vào lương, chẳng hạn như người công nhân vi phạm một lỗi nào đó thì họ quy cái lỗi đó ra tiền.

Điều rõ ràng, thị trường lao động phổ thông tại Sài Gòn đang chịu ảnh hưởng của sự luân chuyển sức lao động, từ thành thị trở lại nông thôn.

Cuộc sống nông thôn

Cuộc sống nông thôn dễ chịu hơn không? Nhà báo Văn Lang lý giải thêm.

Em cũng hổng biết. Tuỳ theo, nếu mà người ta có điều kiện thì người ta đi học lại, hay là phụ ba má làm ruộng, chăn nuôi ,cũng được hơn là đi làm công nhân.

Nhà báo Văn Lang : Thứ nhứt là ở miền quê mức giá rẻ hơn. Cái thứ hai nữa là nếu họ có điều kiện ở gần nhà thì họ ăn cơm nhà, như vậy họ không phải tốn tiền thuê phòng. Cái quan trọng nhứt đối với một công nhân nhập cư, nếu ở xa, thì việc trở về quê là khó khăn vì tàu xe đều lên giá.

Và đây là lý do nhà báo Hoàng Hải đưa ra, lý giải tại sao người nông dân bỏ thành phố, về quê. Ông nói, đơn giản vì tại nông thôn, người lao động có thể tích luỹ.

Nhà báo Hoàng Hải : Công nhân ở các tỉnh vào thành phố làm việc thì họ cũng muốn là có được một số tiền dư để rồi về quê cho gia đình, nhưng mà cuộc sống trong thành phố như hiện nay thì gía cả leo thang nhanh quá, vì vậy, khi họ làm việc thì đồng lương của họ không tích luỹ được. Nhưng với một đồng lương thấp thì ở vùng quê họ có thể sống được.

Các bạn của cô gái từ Tiền Giang lên Sài Gòn cũng đang rời thành thị, trở về với ruộng vườn.

Thiện Giao : Có một hiện tượng, đó là người ta về lại dưới quê, người ta không trở lại làm việc nữa, chị có biết điều đó không?

Nữ công nhân Tiền Giang : Có, anh.

Thiện Giao : Chị có thể cho biết tại sao có chuyện như vậy không?

Nữ công nhân Tiền Giang : Dạ. Tại công ty chèn ép công nhân quá. Lương không tăng lên mà nó đòi tăng ca này nọ.

Thiện Giao : Về quê họ sẽ làm gì?

Nữ công nhân Tiền Giang : Em cũng hổng biết. Tuỳ theo, nếu mà người ta có điều kiện thì người ta đi học lại, hay là phụ ba má làm ruộng, chăn nuôi ,cũng được hơn là đi làm công nhân.

Cô gái Tiền Giang lên Sài Gòn không thể lý giải, nhưng cảm nhận rõ ràng, tô bún mà mình ăn mỗi sáng đang vơi đi, giá xăng cũng đang tăng lên. Cô có thể không gọi tên của hiện tượng này là lạm phát, nhưng sức mua từ đồng lương của cô rõ ràng là giảm hẳn.

Nhà báo Hoàng Hải nhận định về khả năng người công nhân nhập cư có thể chống chỏi với tình hình lạm phát phi mã. Ông nói, cho dù mức lương tối thiểu được tăng lên, lạm phát đã khiến cuộc sống người công nhân trở nên xấu đi.

Nhà báo Hoàng Hải : Tình trạng lạm phát năm qua đã trên 12% rồi cho nên tiền lương tăng lên so với tình trạng lạm phát, tức là giá xả gia tăng đấy, thì nó cũng làm cho đời sống của người công nhân xấu đi.

Trong khi cuộc sống người lao động nhập cư vào Sài Gòn bị sức ép từ lạm phát, khiến nhiều người đã và đang suy tính trở về nông thôn, về lại với ruộng vườn, để, như lời cô công nhân gốc Tiền Giang, nếu khá thì đi học lại, không thì làm ruộng, chăn nuôi, cuộc sống của những người ở lại vẫn phải tiếp tục là cuộc đối phó.

Lạm phát là của chung mọi người trong xã hội. Riêng những công nhân, nhất là những người nhập cư, phải tiếp tục tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của mình, mà không có sự tiếp sức của tổ chức đáng lẽ ra phải tiếp sức: đó là công đoàn.

Trong phần trình bày tiếp theo vào chương trình phát thanh sau, chúng tôi sẽ giải thích cùng thính giả vai trò của công đoàn tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: Công Đoàn Thuộc Về Ai, và Sẽ Bảo Vệ Ai?