Công trình thủy điện Yali ảnh hưởng đến đời sống của người dân tộc thiểu số ở Campuchia

Nguyễn Bình, phóng viên đài RFA

Bên nước láng giềng Chùa Tháp, một dân biểu đảng đối lập và các tổ chức phi chính phủ tiếp tục lên tiếng về sự ảnh của đập thủy điện Yali bên Việt Nam đối với đời sống của người dân tộc thiểu số Campuchia. Phóng viên Nguyễn Bình của Đài RFA chúng tôi có bài tường trình về sự kiện này. Mời quí thính giả đón nghe.

MekongRiver150.jpg
Người dân sống hai bên bờ sông Mekong. AFP PHOTO

Trong một Công văn phúc đáp bứt thư của dân biểu đảng đối lập Sam Rainsy, vào hôm mùng 10 tháng Tư vừa qua, ngoại trưởng Campuchia, Hor Namhong khẳng định rằng chất lượng nguồn nước của sông Sesan giáp biên giới Việt Nam không có gì thay đổi.

Ông ngoại trưởng này cho biết Ủy ban Quốc tế sông Mêkong đã cộng tác với Ủy ban Quốc gia sông Mêkong của Campuchia và nước láng giềng Việt Nam quan sát và làm thí nghiệm trong cả mùa khô lẫn mùa mưa trong vòng một năm, và đi đến kết luận như vừa kể.

Từ năm 2002 cho đến nay, người dân tộc thiểu số bao gồm 9 sắc tộc sống dọc 2 bên bờ của dòng sông Sesan, giáp biên giới Việt thường hay phàn này về hiện tượng thủy triều bất thường, có lúc cuốn trôi nghe xuồng của người dân, dẫn đến thiệt mạng hàng chục người. Các chuyên gia cho rằng do ảnh hưởng của đập thủy điện Yali bên Việt Nam, cách đó khoảng 80 cây số.

Ông Kim Sangha, phụ trách mạng lưới bảo vệ sông Sesan của diễn đàn phi chính phủ ở tỉnh Rattanakiri nói rằng ông không đồng ý với kết luận trên của ông ngoại trưởng Hor Namhong.

Ông cho rằng chất lượng nước sông Sesan chưa bao giờ được nghiên cứu kỹ lưỡng. Còn Ủy ban Quốc gia sông Mêkong của Campuchia thì nói với tờ bao The Cambodia Daily rằng tổ chức này không có đủ nguồn kinh phí để nghiên cứu và không có dữ liệu khoa học để đưa ra bất kỳ kết luận nào.

Ông Kim Sangha cho biết thêm, vấn đề chất lượng nguồn nước chỉ là một phần của sự ảnh hưởng từ khi có đập thủy điện Yali. Bản thân ông quan sát hàng ngày thấy rằng nước có lúc trong, có lúc đục bất thường. Đồng thời mực nước cũng thường hay thay đổi từ 1 mét đến 1 mét rưỡi. Cho đến nay có khoảng trên 300 hộ người dân tộc thiểu số phải di cư vào sâu trong lãnh thổ Campuchia vì mùa màng thất bát.

Ông Son Chhay, một dân biểu đảng đối lập Sam Rainsy vừa mới nhận thêm chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Campuchia, trong một bứt thư gởi chính phủ nước này, ông yêu cầu nên có một cuộc quan sát độc lập về ảnh hưởng của công trình thủy điện Yali 720 megawatt của Việt Nam.

Cũng trong Công văn gởi ông Son Chhay, mặt dù phủ nhận về ảnh hưởng của chất lượng nguồn nước, nhưng ông ngoại trưởng Hor Namhong cũng thừa nhận rằng từ khi có đập thủy điện Yali, thủy triều của sông Sesan lên xuống bất thường đã đe dọa đến đời sống, cũng như mùa màng và gia súc của người dân tộc thiểu số Campuchia.

Giới quan sát cho rằng, qua Công văn của ông ngoại trưởng Hor Namhong cho thấy Chính phủ Phnom Penh đã có phần tích cực trong việc nhận thức vấn đề. Phần còn lại là cân đối giữ vấn đề bảo vệ quyền lợi của người dân tộc thiểu số và quan hệ hữu nghị với nước láng giềng Việt Nam.